Bạch Đậu Khấu: Tác Dụng Và Những Lợi Ích Đối Với Sức Khỏe

Bạch đậu khấu là vị thuốc quý, có vị cay the, mùi thơm, tính ấm, tác dụng chỉ ẩu, làm ấm vị, hành khí và hóa thấp. Dược liệu này thường được nhân dân dùng để chữa chứng hôi miệng, sâu răng, buồn nôn, ăn uống không tiêu và bụng đầy trướng do Tỳ Vị hư hàn.

Bạch đậu khấu
Bạch đậu khấu là vị thuốc quý trong y học cổ truyền

  • Tên gọi khác: Đa khấu, Bà khấu, Bạch khấu nhân, Tử đậu khấu, Đông ba khấu.
  • Tên khoa học: Amomum Repens Sonner.
  • Tên Tiếng Anh: Cardamom
  • Họ: Gừng – Zingiberaceae

Đặc điểm & Các loại cây bạch đậu khấu

1. Mô tả cây

Bạch đậu khấu là thực vật thân thảo, có chiều cao khoảng 2 – 3m. Cây có dạng thân rễ, mọc ngang và kích thước to bằng ngón tay. Phiến lá hình mũi mác, rộng 6cm, dài khoảng 55cm và nhọn ở cả 2 đầu.

cây bạch đậu khấu
Hình ảnh cây bạch đậu khấu

Hoa mọc thành cụm ở thân mang lá, dài khoảng 35 – 40cm. Hoa có màu trắng tím, đài hình ống, cuống ngắn, cánh môi hình thoi. Quả nang, được bao bởi đài tồn tại, có hình trứng và dài khoảng 4cm.

2. Các loại bạch đậu khấu

Hiện nay, bạch đậu khấu gồm có 4 loại chính, bao gồm:

  • Elettaria cardamomum Maton (hay còn được gọi là Tiễn đậu khấu)
  • Amomum krervanh Pierre.
  • Cây Alpinia sp. (còn được gọi là Thổ hương khấu).
  • Amomum cardamomum Lin.

3. Khu vực phân bố

Bạch đậu khấu phân bố chủ yếu ở Trung Quốc. Ngoài ra loài thực vật này cũng mọc hoang với số lượng ít tại Campuchia và một số tỉnh của Việt Nam như Lào Cai, Cao Bằng,… Tuy nhiên do số lượng ít nên nguồn dược liệu chủ yếu vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

4. Bộ phận dùng, thu hái, sơ chế

Hoa, quả và hạt của cây được sử dụng để làm dược liệu.

Dược liệu được thu hái ở cây từ 3 năm tuổi trở lên và được thu hoạch chủ yếu vào mùa thu. Quả bạch đậu khấu được hái trong giai đoạn vừa chuyển sang màu vàng xanh.

Sau đó đem về phơi trong râm cho khô, bỏ cuống và xông diêm sinh đến khi vỏ chuyển sang màu trắng thì cất dùng dần. Khi dùng, bóc vỏ lấy hạt ăn hoặc dùng làm thuốc.

5. Thành phần hóa học

Hạt của bạch đậu khấu có chứa 3 – 4% tinh dầu, trong đó gồm có borneol, terpinyl-acetat, terpineol và cineol.

6. Bảo quản

Nên bảo quản hạt ở nơi khô ráo và thoáng mát. Thỉnh thoảng nên xông diêm sinh để tránh mốc, hư hại và mối mọt.

Dược liệu bạch đậu khấu

1. Mô tả dược liệu

Quả bạch đậu khấu phơi khô có hình cầu dẹt hoặc hình cầu, đường kính khoảng 4 – 5 phân. Vỏ ngoài có màu trắng hơi vàng, mặt có nhiều rãnh dọc sâu. Sau khi phơi khô, vỏ quả có tính giòn nên thường bị nứt ra và để lộ hạt màu nâu ở bên trong.

bạch đậu khấu xanh
Quả bạch đậu khấu phơi khô có vỏ giòn nên thường bị nứt ra, để lọ hạt màu nâu bên trong

Hoa bạch đậu khấu có màu nâu đậm đến màu nâu nhạt, có hình dáng dài bị ép dẹt.  Mặt ngoài hoa có gân chạy dọc rõ ràng, vật phẩm có dạng xơ, nhiều lá phiến vụn và có mùi thơm nhẹ.

2. Tính vị – Quy kinh

  • Vị cay the, mùi thơm, tính ấm.
  • Quy vào kinh Tỳ, Vị và Phế.

3. Công năng – Chủ trị theo y học cổ truyền

  • Công năng: Chỉ ẩu, hóa thấp, làm ấm vị, hành khí.
  • Chủ trị: Tỳ vị có thấp trệ, dạ dày đau, trị phản vị, bụng đầy, nôn mửa, đầy hơi, ợ hơi do hàn tà ngưng tụ.

4. Tác dụng dựa trên nghiên cứu dược lý hiện đại

Ngoài ra theo nghiên cứu dược lý hiện đại, dược liệu bạch đậu khấu còn có tác dụng như sau:

  • Tăng tác dụng của thuốc Streptomycin đối với bệnh nhân lao.
  • Bạch đậu khấu có tác dụng tăng nhu động ruột, tăng tiết dịch vị dạ dày, ức chế sự tăng lên bất thường của đường ruột và giảm buồn nôn.

5. Cách dùng – liều lượng

Bạch đậu khấu được dùng ăn trực tiếp, tán bột làm viên hoặc sắc uống. Liều dùng trung bình: 2 – 6g/ ngày.

Lợi ích của bạch đậu khấu đối với sức khỏe

Ngoài những ghi chép trong y học cổ truyền, y học hiện đại cũng đã tìm thấy trong bạch đậu khấu chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Vì vậy thường xuyên bổ sung loại hạt này có thể đem đến những công dụng sau:

1. Hỗ trợ ức chế vi khuẩn và virus gây hại

Một số nghiên cứu cho thấy, tinh dầu từ bạch đậu khấu chứa một số hợp chất thực vật có tác dụng ức chế virus và vi khuẩn gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã thực hiện nghiên cứu cho thấy, chiết xuất từ loại hạt này có tác động tích cực trong việc điều trị nấm Candida kháng thuốc.

bạch đậu khấu mua ở đâu
Tinh dầu trong dược liệu có tác dụng ức chế một số virus và vi khuẩn gây nhiễm trùng

Bên cạnh đó trong một số nghiên cứu bổ sung, các nhà khoa học cũng đã nhận thấy tinh dầu bạch đậu khấu có tác dụng ức chế Staphylococcus và E. coli (nguyên nhân gây ngộ độc tiêu hóa), đồng thời có khả năng chống lại khuẩn Campylobacter và Salmonella (nhóm vi khuẩn gây hại cho hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ viêm dạ dày và ngộ độc thực phẩm).

2. Tác dụng giảm huyết áp và lợi tiểu

Bạch đậu khấu chứa nhiều chất chống oxy hóa và hàm lượng kali dồi dào. Vì vậy thường xuyên bổ sung loại hạt này có thể làm giãn mạch, giảm huyết áp và lợi tiểu tiện.

Trên thực tế khi thực nghiệm ở chuột, các nhà khoa học đã chứng minh được tác dụng hạ áp của bạch đậu khấu bắt nguồn từ khả năng lợi tiểu và ngăn chặn nước tích tụ trong cơ thể.

3. Tác dụng chống viêm và phòng ngừa bệnh mãn tính

Các hợp chất thực vật trong bạch đậu khấu có tác dụng chống viêm mạnh. Vì vậy thường xuyên bổ sung loại hạt này có thể cải thiện tình trạng viêm cấp và phòng ngừa phát triển các bệnh lý gây viêm mãn tính như tim mạch, huyết áp cao, viêm xương khớp,…

Ngoài ra thực nghiệm trên chuột cho thấy, chuột ăn bột bạch đậu khấu thường xuyên có thể giảm tích trữ chất béo trong gan và hỗ trợ điều trị viêm gan, gan nhiễm mỡ,…

4. Hỗ trợ điều trị các vấn đề về tiêu hóa

Do có chứa tinh dầu vị cay, the và mùi thơm đặc trưng nên bạch đậu khấu thường được dùng để cải thiện các triệu chứng tiêu hóa như ói mửa, buồn nôn, khó chịu,… Bên cạnh đó, các hợp chất thực vật trong loại hạt này còn có khả năng chữa lành vết loét ở dạ dày và giảm ảnh hưởng của Aspirin đối với hệ tiêu hóa.

Bạch đậu khấu
Với vị cay the, mùi thơm, hạt bạch đậu khấu có tác dụng giảm buồn nôn và nôn mửa

Nghiên cứu trong ống nghiệm cũng cho thấy, bổ sung bạch đậu khấu có thể ức chế xoắn khuẩn Helicobacter pylori – một trong những tác nhân gây viêm loét và tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày.

5. Tác dụng trị hôi miệng và giảm nguy cơ sâu răng

Bạch đậu khấu có mùi thơm tương tự bạc hà, vì vậy loại hạt này thường được dùng sau bữa ăn để khử mùi hôi miệng và đem lại hơi thở thơm mát.

Bên cạnh đó, bạch đậu khấu còn có tác dụng chống lại 5 loại vi khuẩn gây sâu răng thường gặp. Do đó ăn loại hạt này thường xuyên còn giúp duy trì sức khỏe răng miệng và giảm thiểu sự phát triển quá mức của các vi khuẩn có hại.

Ngoài ra, bổ sung bạch đậu khấu thường xuyên còn giúp cân bằng nồng độ đường huyết, cải thiện khả năng hô hấp, tăng cường chức năng tiêu hóa và giảm thiểu các bệnh nhiễm trùng cấp ở đường ruột.

Một số bài thuốc từ dược liệu bạch đậu khấu

Bạch đậu khấu
Bạch đậu khấu thường được dùng để chữa sâu răng, ăn không tiêu, buồn nôn và giải rượu

1. Bài thuốc trị chứng nôn mửa, bụng sôi, đầy trướng

  • Bài thuốc 1: Dùng đại táo 3 quả, bạch đậu khấu 3g, gừng tươi 3g và trúc nhự 9g. Đem giã nát gừng và ép lấy nước cốt. Sau đó dùng các dược liệu khác sắc với 200ml nước đến khi còn 50ml. Dùng uống trực tiếp với nước gừng.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị trầm hương 5g, bạch đậu khấu 5g, đem tán thành bột mịn và chia thành 10 gói nhỏ. Mỗi ngày dùng 1 – 2 gói (tùy theo độ tuổi), cho vào nước sôi, khuấy đều, để lắng trong 5 – 10 phút rồi chắt lấy nước uống.

2. Bài thuốc chữa say rượu

  • Chuẩn bị: Cam thảo và bạch đậu khấu mỗi thứ 5g.
  • Thực hiện: Sắc các vị lấy nước uống, dùng đến khi tỉnh là được.

3. Bài thuốc trị chứng nôn trớ sữa ở trẻ em

  • Chuẩn bị: Sa nhân và bạch đậu khấu mỗi thứ 14 ngân, chích cam thảo và sinh cam thảo mỗi thứ 6g.
  • Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn rồi xát vào miệng trẻ.

4. Bài thuốc chữa chứng đau bụng ho khí lạnh ứ trệ

  • Chuẩn bị: Cam thảo và quảng mộc hương mỗi thứ 4g, bạch đậu khấu 6g và hậu phác 8g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc với 500ml nước, chia thành 3 lần uống và dùng khi thuốc còn ấm. Nên áp dụng bài thuốc này liên tục trong vòng 3 ngày.

5. Bài thuốc chữa chứng lạnh bụng, bụng đầy trướng, chán ăn, ăn không ngon

  • Chuẩn bị: Trần bì, hậu phác và thương truật mỗi thứ 3g, bạch đậu khấu 6g.
  • Thực hiện: Đem sắc với 400ml nước, chia nước sắc thành 3 lần uống trong ngày và dùng liên tục trong vòng 3 ngày.

6. Bài thuốc chữa hôi miệng

  • Chuẩn bị: Một ít hạt bạch đậu khấu.
  • Thực hiện: Ngậm và nhai nuốt vào buổi sáng để khử mùi hôi miệng.

7. Bài thuốc trị chứng ngột ngạt, khó chịu ở tím, buồn nôn đột ngột

  • Chuẩn bị: Một vài hạt bạch đậu khấu.
  • Thực hiện: Nhai trực tiếp vài hạt.

8. Bài thuốc chữa chứng Tỳ Vị hàn khiến nôn mửa ngay sau khi ăn uống

  • Chuẩn bị: Bạch đậu khấu 3 hạt.
  • Thực hiện: Đem tán bột mịn và uống cùng 1 chén rượu nóng trong vài ngày liên tục.

9. Bài thuốc trị chứng nôn mửa do Tỳ Vị hư

  • Chuẩn bị: Súc sa nhân và bạch đậu khấu mỗi vị 80g, trần thương mễ 1 chén, đinh hương 40g.
  • Thực hiện: Đem sao đen với hoàng thổ, sau đó chỉ lấy dược liệu đem tán bột và trộn với nước gừng tươi làm thành hoàn. Mỗ lần uống từ 8 – 12g cùng với nước gừng.

10. Bài thuốc trị chứng nấc cụt ở phụ nữ sau sinh

  • Chuẩn bị: Đinh hương và bạch đậu khấu mỗi thứ 20g.
  • Thực hiện: Đem tán bột mịn và uống với nước sắc đào nhân.

11. Bài thuốc trị hàn và đàm đình trệ ở Vị gây nôn mửa nhiều

  • Chuẩn bị: Quất hồng, bạch truật, bán hạ, phục linh, bạch đậu khấu và sinh khương, gia giảm liều lượng theo từng triệu chứng cụ thể.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

12. Bài thuốc trị nôn mửa sau khi ăn do Tỳ vị hư hàn

  • Chuẩn bị: Hoắc hương, sinh khương, quất bì, nhân sâm và bạch đậu khấu, gia giảm liều lượng theo triệu chứng.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

13. Bài thuốc trị Tỳ hư khiến mộng thịt che mắt, mắt trắng

  • Chuẩn bị: Bạch truật, bạch tật lê, bạch đậu khấu, quyết minh tử, quất bì, mật mông hoa, cam cúc hoa, mộc tặc thảo và cốc tinh thảo.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

14. Bài thuốc chữa các chứng nghịch khí ở nữ giới

  • Chuẩn bị: Tô tử, hương phụ, bạch đậu khấu, quất bì, mộc hương, ô dược và hoắc hương, gia giảm liều lượng theo triệu chứng.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

15. Bài thuốc giải ngộ độc rượu do uống quá nhiều rượu trong một thời gian ngắn

  • Chuẩn bị: Mộc qua, quất hồng, bạch đậu khấu, ngũ vị tử và bạch biển đậu.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

16. Bài thuốc trị ngực đầy tức khi thấp trọc uất kết ở thượng tiêu

  • Chuẩn bị: Ý dĩ nhân 20g, bán hạ, trúc diệp, hạnh nhân mỗi thứ 12g, bạch đậu khấu 6g, hoạt thạch 16g, thông thảo và hậu phác mỗi thứ 8g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc uống, dùng mỗi ngày 1 thang.

17. Bài thuốc trị rối loạn tiêu hóa (bụng sôi, đầy trướng, đau)

  • Chuẩn bị: Cam thảo, đàn hương, mộc hương và bạch đậu khấu mỗi thứ 4g, hoắc hương diệp 10g, đinh hương 2g và sa nhân 5g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.

18. Bài thuốc trị thấp tà phạm vào người khiến toàn thân đau nhức, người sốt, tiểu tiện ít, mồ hôi ra nhiều

  • Chuẩn bị: Trúc diệp 12g, hạt ý dĩ 20g, thông thảo 8g, hoạt thạch 12g, bạch đậu khấu 4g, liên kiều 8g, phục linh 9g.
  • Thực hiện: Đem sắc với nước uống.

19. Bài thuốc chữa đau bụng kinh, ho do co thắt, đau nhức lưng và rong kinh

  • Chuẩn bị: Ngọn cây gai mèo, đinh hương, bột đậu khấu, long não, bạch đậu khấu và bạch hoa xà, mỗi thứ bằng lượng nhau.
  • Thực hiện: Đem các vị tán bột mịn, mỗi lần dùng từ 0.75 – 1.5g uống với mật ong. Ngày sử dụng 2 lần và dùng trong thời gian dài.

20. Bài thuốc giúp hạ sốt và ra mồ hôi

  • Chuẩn bị: Xạ can, hoắc hương, bạc hà, liên kiều, bạch đậu khấu mỗi thứ 6g, thạch xương bồ và mộc thông mỗi thứ 8g, hoàng cầm 12g, hoạt thạch 20g, nhân trần 16g.
  • Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.

Những lưu ý khi dùng bạch đậu khấu

Bạch đậu khấu
Tránh dùng dược liệu cho người bị táo bón, cơ địa nhiệt và phế vị có hỏa uất
  • Ngoài hạt bạch đậu khấu, bạn có thể sử dụng vỏ (đậu khấu xác) và hoa (đậu khấu hoa) để làm thuốc. Tuy nhiên vỏ và hoa thường có tác dụng kém hơn so với hạt.
  • Tránh dùng dược liệu cho người có chứng nhiệt, phế vị có hỏa uất, táo bón, thiếu máu và cơ địa nhiệt.
  • Khi sắc bạch đậu khấu, chỉ nên cho dược liệu vào khi nước đã sôi. Sắc dược liệu quá lâu có thể làm giảm tác dụng chữa bệnh.
  • Một số ý kiến cho rằng, sử dụng bạch đậu khấu với hàm lượng lớn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi mật. Hơn nữa bệnh nhân sỏi mật khi sử dụng dược liệu này có thể bị bùng phát cơn đau.

Bạch đậu khấu là vị thuốc quý và đem lợi nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên để tránh rủi ro và tác dụng phụ, bạn chỉ nên sử dụng dược liệu với liều lượng thích hợp.

Ngày Cập nhật 05/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *