Bệnh chàm nước – Biểu hiện và các biện pháp điều trị

Biểu hiện đặc trưng của bệnh chàm nước là sự xuất hiện các nốt mụn nước. Nó phát triển thành từng mảng và chảy nước dịch sau 3 tuần. Điều trị bệnh này không quá khó. Y học hiện đại hoàn toàn có thể chữa khỏi chàm nước nếu bệnh phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Chàm nước là một dạng bệnh chàm khá phổ biến và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.
Chàm nước là một dạng bệnh chàm khá phổ biến và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.

Chàm nước là gì

Chàm nước là một dạng của bệnh chàm (eczema). Bệnh chàm nói chung và chàm nước nói riêng là bệnh viêm da cơ địa gây viêm nhiễm cấp tính hoặc mãn tính trên da. Nó có mối liên hệ trực tiếp với tình trạng  dị ứng. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị chàm nước.

Chàm nước không phải là bệnh truyền nhiễm. Nó không lây lan qua tiếp xúc thông thường. Do đó, người bệnh có thể sống chung với người bình thường. Ngoài cảm giác ngứa ngáy khó chịu, bệnh ảnh hưởng nhiều đến sự tự tin khi giao tiếp. Vì thế, nếu người thân hoặc bạn bè mắc bệnh này, bạn đừng kỳ thị họ. Thay vào đó, hãy động viên họ nhiều hơn.

Chàm nước không gây nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các dấu hiệu của bệnh gây mất tập trung, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, tinh thần dễ căng thẳng và suy nghĩ tiêu cực. Những điều này có thể gây ra bệnh trầm cảm và nhiều hệ lụy khác liên quan đến yếu tố tinh thần. Ngoài ra, nếu người bệnh gãy quá nhiều sẽ khiến các nốt mụn nước bị vỡ. Khi đó, nguy cơ nhiễm trùng, lan rộng vùng bị mụn, thậm chí là hoại tử da sẽ rất cao

Biểu hiện của bệnh chàm nước

Biểu hiện đầu tiên khi bị chàm nước là sự xuất hiện màng đỏ trên da kèm cảm giác ngứa. Người ta gọi những màng này là hồng ban. Tiếp đó, trên da nổi những hạt nhỏ li ti màu trắng đục. Trong một thời gian ngắn, những hạt nhỏ này phát triển thành mụn nước màu trắng hồng.

Mụn nước tập trung thành từng mảng. Vùng da bị mụn sẽ đỏ và ngứa ngáy rất khó chịu. Lúc mới hình thành, mụn cứng và khó vỡ khi cào nhẹ. Theo thời gian, chúng ngày càng căng mọng và chứa dịch nhầy bên trong. Nếu người bệnh gãy, mụn nước sẽ bị vỡ, gây đau rát da, chảy máu và có người còn bị nứt da. Vị trí thường xuất hiện các nốt mụn nước là ngón tay và lòng bàn tay; ngón chân và lòng bàn chân…

Trường hợp các nốt mụn nước không bị vỡ. Sau khoảng 3 tuần kể từ khi xuất hiện hồng ban. Các nốt mụn này sẽ chảy nước vàng. Người ra gọi đó là huyết thanh. Lượng huyết thanh lưu lại trên da khiến da bị khô ráp, tạo thành các lớp vảy dày. Trong vòng vài ngày nó sẽ tự bong ra. Lớp da non ở trong mỏng và nhẵn bóng sẽ tiếp tục bong tróc sau đó. 

Trước khi xuất hiện các nốt mụn nước, da của người bị chàm nước sẽ bị hồng ban.
Trước khi xuất hiện các nốt mụn nước, da của người bị chàm nước sẽ bị hồng ban.

Nguyên nhân gây bệnh chàm nước

Có khá nhiều nguyên nhân gây chàm nước. Hầu hết những trường hợp mắc phải bệnh này là do tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Các chuyên gia về da liễu đã tổng hợp được một số nguyên nhân gây như sau:

  • Thời tiết khắc nghiệt: 

Nắng nóng quá mức vào mùa hè hoặc không khí quá khô và lạnh vào mùa đông có thể khiến da khô, dị ứng và xuất hiện các nốt mụn nước.

  • Yếu tố di truyền:

Khả năng di truyền của bệnh không cao và số người mắc bệnh do nguyên nhân này không nhiều. Tuy nhiên, nếu cha hoặc mẹ có tiền sử bị chàm nước thì một trong những đứa con sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao.

  • Bệnh lý:

Một số bệnh có thể là nguyên nhân hoặc yếu tố gia tăng nguy cơ bị chàm nước. Tiêu biểu là các bệnh như: hen suyễn; viêm xoang mũi; viêm tai, gan, đại tràng và một số bệnh về thận.

  • Đặc thù công việc:

Tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất như thuốc nhuộm, phân bón, thuốc trừ sâu, nước sơn, xi măng… có thể là nguyên nhân gây chàm nước. Đặc biệt là những người phải làm các công việc liên quan đến hóa chất trong nhiều năm mà không sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động chuyên dụng.

  • Do cơ địa:

Yếu tố này chiếm đa số các trường hợp bị chàm nước. Cơ địa quá nhạy cảm đôi khi mang tính bẩm sinh. Một số trường hợp là do chế độ sinh hoạt và ăn uống không hợp lý khiến da dễ bị kích ứng. Những vấn đề liên quan đến cơ địa có thể gây chàm nước là: sức đề kháng yếu; rối loạn hoạt động của nội tiết tố, thần kinh, hệ tiêu hóa, bài tiết…

Cơ địa quá nhạy cảm là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh chàm nước.
Cơ địa quá nhạy cảm là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh chàm nước.

Cách chữa bệnh chàm nước

Trước tiên, bạn cần biết một điều rằng chàm nước là bệnh không thể tự khỏi. Nó cần các can thiệp y học (chủ yếu là các phương pháp nội khoa). Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể hết hoàn toàn.

Nguyên tắc điều trị chàm nước

Trước tiên, nếu phát hiện các dấu hiệu lâm sàng hoặc nghi ngờ mình bị chàm nước, bạn cần đến cơ sở y tế để kiểm tra. Điều này giúp bạn xác định được các biểu hiện trên da có phải là chàm nước hay không. Đồng thời, thông qua các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ sẽ cho bạn biết tình trạng bệnh và phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Hướng điều trị chàm nước đi từ giảm nhẹ các triệu chứng sau đó mới khắc phục tác nhân gây bệnh. Cụ thể, người bệnh sẽ được dùng thuốc để các nốt mụn nhanh chóng xẹp, giảm ngứa, chống lây lan và dị ứng… Đồng thời, có thể người bệnh sẽ được chỉ định dùng một số vitamin và khoáng chất cần thiết để hồi phục các thương tổn ở da. Đối với nguyên nhân gây bệnh, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị thích hợp. Song song đó là những lưu ý trong sinh hoạt và ăn uống hằng ngày.

Thăm khám bệnh ở cơ sở y tế và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc là những nguyên tắc quan trọng chữa chàm nước.
Thăm khám bệnh ở cơ sở y tế và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc là những nguyên tắc quan trọng chữa chàm nước.

Các loại thuốc điều trị chàm nước

Thuốc tân dược chữa chàm nước

Ngoài thuốc kháng viêm và giảm đau, thuốc Tây y thường dùng để chữa chàm nước còn có kháng sinh và chống ngứa. Cụ thể, thuốc kháng sinh được dùng trước khi mụn nước vỡ để ngăn chặn tình trạng bội nhiễm. Còn thuốc chống ngứa thường dùng là loại kháng histamin (chất trung gian trong phản ứng gây dị ứng) và thuốc an thần. Thông thường người bệnh sẽ kết hợp đồng thời cả hai cách: uống dạng viên nén và bôi ở ngoài da dạng gel.

Ngoài giải pháp dùng thuốc toàn thân, trường hợp nặng sẽ áp dụng cách điều trị tích cực tại chỗ. Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc sát trùng như: thuốc đỏ Eosine Cooper 2%; Milian bôi ngoài da hoặc tắm thuốc tím pha loãng với nước ấm (1/10.000 – 1g thuốc tím pha với 10 lít nước ấm).

Dùng thảo dược Đông y chữa chàm nước

Bên cạnh các loại thuốc tân dược chữa chàm nước, bạn có thể dùng các loại thuốc Đông y chữa bệnh này. Việc sử dụng thảo dược thiên nhiên nhìn chung là cách điều trị an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Nhất là khi đang điều trị theo phác đồ sử dụng thuốc tân dược.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số phương pháp điều trị chàm nước trong dân gian như: ngâm nước lá ổi, lá trà xanh; dùng cao lá sim bôi lên vùng da bị chàm; dùng kem đánh răng màu trắng hoặc nghiền nát 2 viên aspirin thành bột nhão rồi bôi ngoài da…. Dù áp dụng phương pháp nào, bạn cũng cần hỏi qua ý kiến của bác sĩ. Nhất là khi các mụn nước đã bị vỡ. Nếu tự ý dùng thuốc, kể cả các loại thảo dược, người bệnh rất dễ đối mặt với nguy cơ bội nhiễm.

Có khá nhiều bài thuốc Đông y chữa chàm nước. Bạn không nên tự ý phối hợp các vị thuốc với nhau.
Có khá nhiều bài thuốc Đông y chữa chàm nước. Bạn không nên tự ý phối hợp các vị thuốc với nhau.

Những lưu ý khi chữa bệnh chàm nước

Lưu ý đầu tiên và vô cùng quan trọng khi bị chàm nước đó là không được cào gãy vùng da bị mụn nước hoặc nặn các nốt mụn này. Đồng thời, bạn cũng không dùng tay chà sát hoặc ngay cả khi đó là bã của các loại thuốc Đông y. Bên cạnh đó, bạn cũng không được dùng nước muối, phèn chua hoặc chanh chà sát hoặc tẩy vùng da bị chàm nước. Bởi những điều này có thể lây lan tình trạng nhiễm trùng và khiến bệnh tình thêm trầm trọng.

Vùng da bị chàm nước luôn phải chú ý vệ sinh sạch sẽ và hạn chế để tiếp xúc với nước. Bạn nên dùng kem dưỡng ẩm loại chuyên dùng cho bệnh chàm để chống khô da. Không nên tắm nước quá nóng. Nếu bị chàm nước ở tay, bạn cần mang bao tay chống nước khi rửa chén, giặt đồ hoặc tiếp xúc với các chất tẩy rửa.

Trong chế độ ăn uống hằng ngày, bạn cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và uống nhiều nước. Đồng thời, bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C (trái cây họ nhà cam, kiwi, sơ ri…); kẽm (các loại hạt, hạnh nhân, sữa chua…) và beta-carotene (khoai lang, cà rốt, bí ngô, cải xoăn…). Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thịt gà… và các chất kích thích.

Bạn nên cắt ngắn móng tay để hạn chế gãy vùng da bị chàm nước.
Bạn nên cắt ngắn móng tay để hạn chế gãy và gây tổn thương vùng da bị chàm nước.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh chàm nước

Để phòng chàm nước, bạn cần chú ý những điều dưới đây:

  • Luyện tập thể dục thường xuyên. Khi tham gia các hoạt động ngoài trời không nên đứng quá lâu dưới ánh nắng gay gắt;
  • Vệ sinh thân thể đúng cách;
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát;
  • Phơi hoặc giặt chăn mền thường xuyên;
  • Cắt móng tay và móng chân;
  • Hạn chế để da tiếp xúc nhiều với xà phòng có chất tẩy rửa mạnh;
  • Tránh căng thẳng quá mức để không ảnh hưởng đến sức đề kháng;
  • Ăn uống và nghỉ ngơi điều độ.

Ngày Cập nhật 24/07/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *