Biến Chứng Của Bệnh Gout Đặc Biệt Nguy Hiểm Bạn Cần Biết

Suy thận, sỏi thận, biến dạng khớp, cứng khớp, xuất hiện hạt tophi,… là các biến chứng nguy hiểm của bệnh gout. Gout là một dạng viêm khớp mãn tính, tiến triển dai dẳng và không thể điều trị hoàn toàn. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát biến chứng của bệnh nếu tuân thủ điều trị và xây dựng lối sống khoa học.

Biến chứng của bệnh Gout
Bệnh gout có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách

Bệnh gout là gì?

Bệnh gout (gút) là một dạng viêm khớp mãn tính đặc biệt. Bệnh lý này không khởi phát do quá trình thoái hóa mà căn nguyên bệnh sinh có liên quan đến rối loạn sản xuất và đào thải acid uric. Nồng độ acid uric trong máu tăng cao là một trong những yếu tố quan trọng trong cơ chế khởi phát cơn đau gút cấp tính.

Gout đặc trưng bởi cơn đau khởi phát đột ngột (chủ yếu là khớp ngón chân cái), thường xuất hiện vào ban đêm và có mức độ dữ dội. Tổn thương thực thể thường gặp là tình trạng khớp sưng viêm và nóng rát nghiêm trọng. Ở giai đoạn mãn tính, hiện tượng viêm và đau ở khớp có mức độ nhẹ hơn nhưng tiến triển dai dẳng và tái phát nhiều lần.

Hiện nay, điều trị bệnh gút chủ yếu là cải thiện cơn đau, phòng ngừa bệnh tái phát và ổn định acid uric máu. Khác với các bệnh xương khớp thông thường, bệnh gout thường có tiến triển phức tạp và dễ phát sinh biến chứng nặng nề.

Chính vì vậy, điều trị bệnh lý này đòi hỏi phải kết hợp giữa các phương pháp y tế với lối sống lành mạnh. Nếu chỉ tập trung sử dụng thuốc, bệnh thường có đáp ứng kém và dễ chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh gout

Như đã đề cập, bệnh gout có mức độ nghiêm trọng và diễn biến phức tạp hơn so với các bệnh xương khớp thông thường. Nếu không điều trị và xử lý kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như:

1. Xuất hiện các hạt tophi

Hạt tophi thực chất là sản phẩm do tinh thể urat lắng đọng tại các tổ chức xung quanh khớp. Biến chứng này thường xảy ra trong giai đoạn bệnh gout mãn tính. Sự xuất hiện của hạt tophi khiến khớp nổi các nốt, cục sần và giảm khả năng vận động.

Biến chứng của bệnh Gout
Hạt tophi thường xuất hiện ở dây chằng, khớp, vành tai,… trong giai đoạn mãn tính

Thông thường, hạt tophi xuất hiện ở tổ chức bao quanh khớp – chủ yếu là khớp ngón chân cái. Tuy nhiên trong một số trường hợp, hạt tophi cũng có thể khởi phát tại cổ tay, bàn tay, cổ chân, mắt cá chân và xung quanh vành tai.

Hạt tophi thường có màu trắng ngả vàng, kết cấu cứng chắc và không gây đau. Tuy nhiên theo thời gian, hạt tophi có thể gia tăng kích thước, chèn ép lên các cơ quan xung quanh và làm phát sinh cơn đau.

Khi đạt đến một kích thước nhất định, hạt tophi có thể gây lở loét da và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trong trường hợp có nhiễm khuẩn, bác sĩ buộc phải can thiệp phẫu thuật và chỉ định kháng sinh dài hạn.

2. Cứng khớp và biến dạng khớp

Cứng khớp và biến chứng khớp là biến chứng thường gặp của bệnh gout. Biến chứng này xảy ra khi nồng độ acid uric máu tăng trong thời gian dài, kích thích hiện tượng lắng đọng tinh thể urat tại khớp và dẫn đến tình trạng khớp bị cứng, biến dạng và giảm chức năng vận động.

Đối với những trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống thoái hóa kết hợp với vật lý trị liệu để phục hồi chức năng hoạt động. Tuy nhiên nếu biến chứng đã phát triển nặng nề, bác sĩ buộc phải phẫu thuật để chỉnh hình cấu trúc khớp, thay thế bộ phận nhân tạo và loại bỏ hạt tophi.

3. Suy giảm chức năng thận

Thận là cơ quan giữ vai trò thanh thải acid uric qua đường tiểu. Tuy nhiên tình trạng tăng acid uric máu kéo dài có thể khiến thận phải hoạt động liên tục và dẫn đến hiện tượng suy giảm chức năng.

Suy thận được xem là biến chứng nặng nề nhất của bệnh gout. Bởi thận là một trong những cơ quan quan trọng của cơ thể, có vai trò bài tiết nước tiểu, lọc máu, tổng hợp vitamin, cân bằng điện giải và điều hòa huyết áp. Chính vì vậy khi cơ quan này bị suy giảm chức năng, cơ thể phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

4. Sỏi thận, sỏi đường tiết niệu

Khoảng 10 – 25% trường hợp bị gout mãn tính có nguy cơ phát triển sỏi thận và sỏi đường tiết niệu. Biến chứng này xảy ra khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao, gây lắng đọng muối urat tại mô thận và một số cơ quan đường tiết niệu khác như bàng quang, niệu quản,…

Biến chứng của bệnh Gout
Sỏi thận là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh gout (chiếm khoảng 10 – 25%)

Sỏi thận có thể gây tiểu tiện nhiều lần, đau rát khi tiểu, đau lưng mỏi gối,… Mặc dù không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng sự xuất hiện của hạt tophi ở đường tiết niệu có thể làm giảm hoạt động bài acid uric và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

5. Tác động tiêu cực đến tâm lý

Các triệu chứng của bệnh gout thường có mức độ nặng nề và dễ tái phát. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây mệt mỏi và suy nhược cơ thể mà còn tác động không nhỏ đến tâm lý.

Hầu hết người bị gout đều phải trải qua giai đoạn lo lắng và căng thẳng quá mức do triệu chứng của bệnh bùng phát mạnh và liên tục. Ngoài ra, cơn đau do gút còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, làm giảm hiệu suất học tập – làm việc và chất lượng cuộc sống.

6. Tăng nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường

Bệnh gout thực chất là một dạng rối loạn chuyển acid uric có tính hệ thống. Chính vì vậy ngoài ảnh hưởng đến xương khớp, bệnh còn làm tăng nguy cơ tiểu đường và cao huyết áp. Nguy cơ phát sinh các biến chứng này còn có thể tăng lên nếu người bị gout đã xuất hiện biến chứng tại thận, cơ thể thừa cân – béo phì và căng thẳng trong thời gian dài.

Biến chứng của bệnh Gout
Tăng acid uric máu kéo dài còn làm tăng nguy cơ cao huyết áp và đái tháo đường

Cao huyết áp, tiểu đường và bệnh gout là các bệnh lý có mối liên hệ mật thiết. Trong một số trường hợp, bệnh gout có thể là hệ quả của các bệnh lý kể trên.

Khác với bệnh gút đơn thuần, bệnh đi kèm với nhiều vấn đề sức khỏe thường có tiến triển phức tạp, phạm vi chỉ định thuốc hạn chế và dễ phát sinh biến chứng nếu không điều trị đúng cách.

7. Biến chứng do sử dụng thuốc điều trị

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh gout đều có khả năng gây ra các biến chứng nặng nề. Một số biến chứng do sử dụng thuốc trị gout, bao gồm:

  • Viêm loét dạ dày tá tràng: Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày và phần đầu của ruột non bị tổn thương và loét. Biến chứng này thường xảy ra do lạm dụng corticoid và thuốc chống viêm không steroid trong thời gian dài.
  • Suy tủy: Suy tủy là biến chứng do sử dụng thuốc Colchicin – thuốc điều trị và dự phòng cơn đau do gút. Tủy bị suy giảm chức năng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như giảm tiểu cầu, thiếu máu bất sản và mất bạch cầu hạt.
  • Phản ứng quá mẫn nghiêm trọng: Các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng như hoại tử độc tế bào và hội chứng Steven-Johnson là biến chứng thường gặp khi sử dụng thuốc ức chế tổng hợp acid uric (Alluporinol). Ngoài ra, loại thuốc này còn gây rối loạn tiêu hóa, phát ban da, buồn nôn, nôn mửa,…

Trên thực tế, các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh gout có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ và biến chứng nghiêm trọng. Để dự phòng các tình huống rủi ro, bạn nên khai báo tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng và tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Phòng ngừa biến chứng của bệnh gout bằng cách nào?

Mặc dù không thể điều trị dứt điểm nhưng bạn có thể phòng ngừa biến chứng của bệnh gout nếu điều trị và chăm sóc đúng cách. Thực tế cho thấy, hầu hết trường hợp tích cực điều trị đều có đáp ứng tốt và ít phát sinh biến chứng.

Các biện pháp giúp phòng ngừa biến chứng của bệnh gút, bao gồm:

1. Chủ động thăm khám và tích cực điều trị

Chủ động thăm khám và tuân thủ điều trị là biện pháp giúp kiểm soát và phòng ngừa biến chứng của bệnh gout. Thống kê cho thấy, hầu hết các trường hợp tham gia chẩn đoán sớm đều có đáp ứng tốt với các biện pháp điều trị, cơn đau ít tái phát và nồng độ acid uric máu ở mức ổn định.

Trong khi đó ở những trường hợp thăm khám và điều trị muộn, khớp thường có hiện tượng thoái hóa, tổn thương, hình thành hạt tophi và nồng độ acid uric cao vượt mức. Đối với những trường hợp này, điều trị thường có đáp ứng kém, cơn đau tái phát nhiều lần, thể trạng suy giảm và dễ phát sinh biến chứng.

Biến chứng của bệnh Gout
Thăm khám và điều trị sớm có thể kiểm soát cơn đau và phòng ngừa biến chứng của bệnh Gout

Chính vì vậy, khi nhận thấy cơn đau xuất hiện ở khớp ngón chân kèm theo triệu chứng khớp sưng đỏ, viêm và nóng rát nghiêm trọng, bạn nên chủ động thăm khám và can thiệp điều trị trong thời gian sớm nhất. 

Ngoài ra, nếu vô tình nhận thấy nồng độ acid uric trong máu cao khi thăm khám định kỳ, bạn nên điều chỉnh chế độ ăn, lối sống sinh hoạt để phòng ngừa bệnh gout và các bệnh rối loạn chuyển hóa khác.

2. Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt

Bệnh gout là một trong những bệnh lý chịu ảnh hưởng lớn từ chế độ ăn uống và sinh hoạt. Lối sống không lành mạnh chính là nguyên nhân làm tăng sản xuất acid uric và kích thích cơn đau gút bùng phát.

Để kiểm soát cơn đau và ngăn ngừa của bệnh gút, bạn nên xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học theo các nguyên tắc sau:

  • Hạn chế tối đa các loại thực phẩm chứa nhiều purin như thịt đỏ, hải sản, nấm, măng tây, cải bó xôi, trứng,…
  • Thường xuyên ăn rau xanh, trái cây và uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày nhằm thúc đẩy quá trình đào thải acid uric của thận. Ngoài ra, các loại thực phẩm này còn giúp điều hòa huyết áp, đường huyết và giảm cholesterol.
  • Không sử dụng rượu bia và hút thuốc lá. Các thói quen này có thể làm tăng áp lực lên thận, gây gián đoạn hoạt động bài tiết acid uric và làm tăng hoạt động rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
  • Nên dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và làm việc vừa sức để hạn chế căng thẳng, mệt mỏi và suy nhược.
  • Tập thể dục thường xuyên giúp giảm cân nặng, ổn định huyết áp và cải thiện chức năng xương khớp. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất còn có tác dụng tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ chức năng gan và thận.

3. Kết hợp điều trị các bệnh lý đi kèm

Thống kê cho thấy, phần lớn người bị bệnh gout thường đi kèm với các vấn đề sức khỏe khác như tiểu đường, huyết áp cao và suy thận. Đối với những trường hợp này, cần kết hợp điều trị gout với các bệnh lý kèm theo để kiểm soát hoàn toàn cơn đau, dự phòng tái phát và giảm nguy cơ phát sinh biến chứng.

Bài viết đã tổng hợp một số biến chứng nguy hiểm của bệnh gout, đồng thời đề cập đến các biện pháp giúp cải thiện triệu chứng và phòng ngừa tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, bạn nên chủ động thăm khám để bác sĩ xác định mức độ bệnh và đề xuất các phương pháp điều trị tương ứng.

Tham khảo thêm: Khám bệnh Gout ở đâu tại Hà Nội tốt nhất?

Ngày Cập nhật 20/12/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *