Các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung chị em nên biết

Kết quả thống kê cho thấy có khoảng 9 phụ nữ Việt Nam tử vong mỗi ngày do mắc căn bệnh ung thư cổ tử cung. Mặt khác những bệnh nhân ngày càng trẻ hóa và có thời gian sống sau khi mắc bệnh ung thư ngắn hơn so với thông thường. Tuy nhiên ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu được chữa ở giai đoạn sớm. Đồng thời có thể phòng ngừa hiệu quả. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung chị em nên biết và áp dụng.

Các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung gồm tiêm vắc xin chống HPV, giữ gìn vệ sinh âm đạo, ăn uống lành mạnh, tránh quan hệ sớm…

Các biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả

Mặc dù là một bệnh lý nguy hiểm nhưng ung thư cổ tử cung có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng cách tiêm phòng vắc xin HPV và nhiều biện pháp đơn giản khác. Bên cạnh đó bệnh còn có thể được chữa khỏi nếu sớm phát hiện.

Cụ thể những biện pháp giúp phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung gồm:

1. Tiêm phòng vắc xin HPV – Biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất

Tiêm phòng vắc-xin HPV được xác định là một biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nữ giới có độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi, chưa quan hệ tình dục và chưa bị nhiễm HPV nên tiến hành tiêm vắc xin để phòng ngừa virus gây bệnh ung thư cổ tử cung (virus HPV). Lúc này vắc xin sẽ phát huy hiệu quả phòng bệnh ở mức tối đa.

Tuy nhiên trên thực tế những người phụ nữ đã quan hệ tình dục và nhiễm HPV cũng có thể tiêm phòng để hạn chế nguy cơ nhiễm virus và mắc bệnh. Nguyên nhân là do virus HPV có nhiều loại, cơ thể chỉ có thể phòng ngừa nhiễm virus một cách thụ động, trong khi đó việc tiêm phòng sẽ giúp cơ thể chủ động hơn trong việc loại trừ các loại HPV còn lại (những chủng virus HPV chưa nhiễm) và phòng ngừa tái phát (những chủng virus HPV đã bị cơ thể ngăn chặn trước đó).

Theo khuyến cáo của Bộ y tế, nữ giới từ 9 – 26 tuổi cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin chống virus HPV trong vòng 6 tháng đến 1 năm để phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Do chỉ có tác dụng ngăn chặn giai đoạn tiền ung thư nên nữ giới cần được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt và tiêm đúng liệu trình theo chỉ định của chuyên gia và nhân viên y tế.

Hiện nay có hai loại vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung, gồm:

Vắc xin Cervarix (xuất xử: Bỉ)

  • Số chủng phòng ngừa: Phòng ngừa 2 tuýp virus HPV gồm 16 và 18.
  • Đối tượng tiêm: Nữ giới từ 10 đến 25 tuổi.
  • Lịch tiêm: 3 mũi gồm:
    • Mũi 1: Ngày tiêm mũi đầu tiên.
    • Mũi 2: 1 tháng sau khi được tiêm mũi đầu tiên.
    • Mũi 3: 6 tháng sau khi được tiêm mũi đầu tiên.
  • Tác dụng: Phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung.

Vắc xin Gardasil (xuất xứ: Mỹ)

  • Số chủng phòng ngừa: Phòng ngừa 4 tuýp virus HPV gồm 6, 11, 16 và 18.
  • Đối tượng tiêm: Nữ giới từ 9 đến 26 tuổi.
  • Lịch tiêm: 3 mũi gồm:
    • Mũi 1: Ngày tiêm mũi đầu tiên.
    • Mũi 2: 2 tháng sau khi được tiêm mũi đầu tiên.
    • Mũi 3: 6 tháng sau khi được tiêm mũi đầu tiên.
  • Tác dụng: Phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung, bệnh ung thư âm đạo, ung thư âm hộ, ung thư hậu môn và mụn cóc sinh dục.
Tiêm phòng vắc xin HPV
Tiêm phòng vắc xin HPV là biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất

2. Không quan hệ tình dục quá sớm và bừa bãi

Bị lây virus HPV qua đường tình dục là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bệnh ung thư cổ tử cung xảy ra. Trong khi đó việc quan hệ tình dục quá sớm, quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên rất dễ khiến nữ giới bị lây nhiễm virus HPV. Nguyên nhân là do khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước những tác nhân gây bệnh trong giai đoạn này chưa được tốt.

Bên cạnh đó độ tuổi vị thành niên cũng là giai đoạn mà những bộ phận có trong cơ quan sinh dục nhạy cảm nhất và đang dần hoàn thiện. Trong trường hợp không biết cách phòng ngừa, nữ giới rất có thể sẽ nhanh chóng bị nhiễm virus HPV và mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra quan hệ tình dục bừa bãi cũng khiến nữ giới dễ bị nhiễm virus HPV hơn so với thông thường. Nguyên nhân là do tác nhân gây bệnh có thể nhanh chóng lây lan khi nữ giới quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hay quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh.

3. Có chế độ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý

Việc ăn uống điều độ, áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ góp phần tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe tổng thể. Từ đó giúp nữ giới chống lại những tác nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung và nhiều bệnh ung thư khác. 

Đặc biệt những loại thức uống, thực phẩm giàu vitamin A, vitamin C, vitamin E và thực phẩm giàu canxi chứa chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ niêm mạc và những tế bào khỏi những gốc tự do. Từ đó giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư hiệu quả và phòng ngừa viêm nhiễm bộ phận sinh dục.

Ngoài ra nữ giới cũng cần có một chế độ nghỉ ngơi, chế độ luyện tập thể thao và vận động hợp lý để nâng cao hiệu quả phòng ngừa bệnh ung thư. Đồng thời giúp ổn định sức khỏe và ổn định hoạt động của những cơ quan trong cơ thể.

Theo kết quả nghiên cứu, stress, căng thẳng kéo dài là một trong những nguyên nhân thường gặp khiến mầm bệnh ung thư hình thành và phát triển nhanh hơn. Chính vì thế để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, nữ giới nên suy nghĩ tích cực, giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, vui vẻ, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và hạn chế căng thẳng.

Có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng và vận động hợp lý
Nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để tăng cường sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh ung thư

4. Không lạm dụng thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai được đánh giá là một biện pháp phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn hiệu quả. Tuy nhiên việc thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc lạm dụng loại thuốc này có thể làm phát sinh nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Trong đó gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung là một trong những tác dụng phụ thường gặp.

Chính vì thế khi sử dụng thuốc tránh thai như một biện pháp phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, nữ giới cần lưu ý không sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp quá 2 lần/ tháng và không sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày trên 3 tháng. Điều này sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung từ việc sử dụng thuốc tránh thai.

5. Giữ gìn vệ sinh âm đạo sạch sẽ giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

Không giữ gìn vệ sinh âm đạo, không thường xuyên vệ sinh vùng kín hay vệ sinh vùng kín không đúng cách đều là nguyên nhân gây viêm nhiễm phụ khoa và tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ quan sinh dục. Nguy hiểm hơn, nếu tình trạng viêm nhiễm kéo dài và không được chữa trị, bệnh sẽ tiến triển và chuyển sang ung thư cổ tử cung.

Do đó để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, nữ giới cần lưu ý những điều sau đây:

  • Giữ gìn vệ sinh âm đạo sạch sẽ, nên vệ sinh âm đạo theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
  • Tuyệt đối không thụt rửa âm đạo và sử dụng vòi sen không đúng cách. Tốt nhất nữ giới chỉ nên rửa vùng ngoài âm đạo và dùng tay sạch vệ sinh một cách nhẹ nhàng.
  • Loại bỏ thói quen mặc quần lót quá chật bởi điều này có thể làm tăng tiết mồ hôi, tăng dịch tiết âm đạo, gây bí khí, tạo cảm giác khó chó chịu, viêm nhiễm, khí hư có mùi hôi. .. Ngoài ra bạn cũng cần tránh mặc quần lót bẩn, quần ẩm ướt, nên thay quần lót từ 2 – 3 lần mỗi ngày để giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Nên thận trọng hơn về vấn đề vệ sinh trong thời gian hành kinh. Nên thường xuyên thay băng vệ sinh (mỗi 3 – 4 tiếng/ lần), tuyệt đối không quan hệ tình dục trong những ngày hành kinh. Nguyên nhân là do trong khoảng thời gian này tử cung thường yếu và dễ bị viêm nhiễm hơn.
  • Nữ giới cần tiến hành thăm khám phụ khoa khi nhận thấy âm đạo có những biểu hiện bất thường. Ngoài ra bạn cần điều trị dứt điểm những tình trạng viêm nhiễm hoặc các bệnh lý liên quan để phòng ngừa mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
Giữ gìn vệ sinh âm đạo sạch sẽ giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung
Giữ gìn vệ sinh âm đạo sạch sẽ giúp phòng ngừa viêm nhiễm và ngăn ngừa bệnh ung thư cổ tử cung hiệu quả

6. Sàng lọc ung thư cổ tử cung

Trong thời gian đầu hầu như bệnh ung thư cổ tử cung không làm phát sinh bất kỳ triệu chứng gì. Điều này khiến phần lớn các bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn. Chính vì thế sàng lọc sớm được xác định là biện pháp tốt nhất để phát hiện sớm và kịp thời chữa trị ung thư cổ tử cung.

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, nữ giới cần tiến hành sàng lọc phát hiện ung thư giai đoạn sớm và những tổn thương tiền ung thư nếu không may mắc bệnh ngay cả khi đã tiêm vắc xin chống virus HPV.

Nhiều phụ nữ cảm thấy căng thẳng và lo lắng khi thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc kiểm tra, xét nghiệm định kỳ để kịp thời phát hiện và xử lý những bất thường, tổn thương trước khi chúng tiến triển nghiêm trọng đã cứu sống được rất nhiều người mỗi năm (khoảng hàng trăm ngàn người). Do đó bạn không nên quá lo lắng, nên tự tin và suy nghĩ tích cực vì bạn đã kiểm soát được căn bệnh và sức khỏe của mình.

Trên đây là 6 biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả, chị em nên biết và áp dụng. Việc thực hiện đúng khuyến cáo của Bộ y tế và áp dụng nghiêm ngặt những biện pháp phòng ngừa này sẽ giúp bạn kiểm soát tình tình trạng sức khỏe của mình, đảm bảo an toàn, chống nhiễm virus HPV và bệnh ung thư cổ tử cung một cách hiệu quả nhất.

Bài viết liên quan:

Ngày Cập nhật 23/06/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *