Cây Chó Đẻ (Diệp Hạ Châu) - Tác Dụng Trị Bệnh Và Các Bài Thuốc

Cây chó đẻ còn có tên gọi khác là Diệp hạ châu, Cỏ chó đẻ, Diệp hòe thái, Diệp hạ châu trắng, Lão nha châu. Dược liệu có tính mát, vị hơi đắng ngọt. Quy vào kinh Thận và Can. Nhờ đặc tính này, dược liệu có tác dụng điều trị phù thũng do viêm thận, trẻ con cam tích, nhiễm trùng đường tiểu, tiêu chảy. Ngoài ra dược liệu còn có khả năng chữa viêm ruột, sỏi bàng quang, họng sưng đau…

Giới thiệu về cây chó đẻ (Diệp hạ châu)

Tên gọi khác: Diệp hạ châu, Cỏ chó đẻ, Diệp hòe thái, Diệp hạ châu trắng, Lão nha châu

Tên khoa học: Phyllanthus urinaria L.

Thuộc họ: Thầu dầu (danh pháp khoa học: Euphorbiaceae)

Cây chó đẻ (Diệp hạ châu) - Tác dụng trị bệnh và các bài thuốc
Tìm hiểu thành phần hóa học, đặc điểm sinh thái, phân bố, tác dụng trị bệnh và các bài thuốc từ cây chó đẻ (Diệp hạ châu)

Đặc điểm sinh thái

Cây chó đẻ (Diệp hạ châu) là một cây thuốc Nam quý. Cây thảo sống dai hoặc sống hàng năm. Thân cứng xuất hiện với màu hồng. Lá có hình bầu dục ngược hoặc thuôn. Cuốn lá rất ngắn. Lá kèm có cấu tạo là hình tam giác nhọn.

Hoa mọc thành cụm. Cụm hoa xuất hiện ở nách, gần phía ngọn. Hoa không có cuốn hoặc có cuốn rất ngắn. Đĩa mật có 6 tuyến. Đài 6 hình bầu dục ngược. Nhị 3 chỉ nhị rất ngắn. Chúng mọc dính với nhau ở gốc.

Hoa cái thường xuất hiện đơn độc ở phía dưới của các cành, có chiều dài 6 hình bầu dục mũi mác. Các vòi nhị có kích thước ngắn. Chúng xẻ đôi thành hai nhánh uốn cong, xuất hiện với hình bầu dục. Đĩa mật hình vòng phân thùy. Bên trong quả nang chứa hạt hình 3 cạnh, quả không có cuốn.

Cây chó đẻ là một loài cây liên nhiệt đới. Dược liệu phân bố ở Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và những nước Đông Dương. Ở nước ta, dược liệu mọc hoang ở khắp nơi. Chúng thường xuất hiện ở những bãi cỏ ruộng đất hoang.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản

Bộ phận dùng: Toàn cây, thường được gọi là Diệp hạ châu, danh pháp khoa học là Herba Phyllanthi.

Thu hái: Mùa hè thu hàng năm.

Chế biến: Sau khi thu hái, rửa sạch bụi bẩn, thái dược liệu thành từng đoạn. Có thể mang dược liệu phơi cho héo, bó dược liệu lại và phơi trong râm hoặc dùng tươi.

Bảo quản: Bảo quản dược liệu ở những nơi thoáng mát, khô ráo.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản dược liệu Diệp hạ châu
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản dược liệu Diệp hạ châu

Thành phần hóa học

Bên trong cây chó đẻ là các triterpen, các acid, dẫn xuất phenol và một vài alcaloid. Gần đây người ta sử dụng lá dược liệu để tiến hành nghiên cứu. Kết quả cho thấy, bên trong lá là hoạt chất acid ellagic, hoạt chất acid gallic, một flavonoid, một acid phenolic. Chất thứ nhất không thể tan trong nước. Những chất sau có thể tan khi hòa cùng với nước nóng. Ngoài ra, còn xuất hiện một chiết xuất tinh khác được gọi là coderacin.

Tác dụng trị bệnh của cây chó đẻ

Theo Y học hiện đại

Cây chó đẻ mang những tác dụng sau:

  • Điều trị bệnh viêm gan: Tác dụng điều trị bệnh viêm gan của dược liệu Diệp hạ châu đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu ở trong và ngoài nước.
  • Tác dụng trên hệ thống miễn dịch: Các nhà khoa học Nhật Bản đã thực hiện nghiên cứu xoay quanh khả năng ức chế sự phát triển của HIV-1 khi dùng cao lỏng Phyllanthus niruri thông qua sự tác động và sự ức chế quá trình nhân lên của virus HIV (1992). Viện nghiên cứu Dược học Bristol Myezs Squibb tìm ra một hoạt chất trong Diệp hạ châu có tác dụng trên hệ thống miễn dịch và đặt tên là Nuruside (1996).
  • Tác dụng thải độc: Người Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam sử dụng dược liệu để điều trị lở loét, mụn nhọt, rắn cắn, đinh râu, giun. Nhân dân Java, Ấn Độ sử dụng dược liệu để điều trị bệnh lậu. Theo kinh nghiệm nhân gian tồn tại trên đất nước Malaysia, dược liệu có khả năng điều trị các chứng viêm da, giang mai, viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo… Cây chó đẻ có tác dụng chống viêm cấp trên chuột thí nghiệm khi sử dụng liều 10 – 50 gram/kg (theo công trình nghiên cứu của Viện Dược liệu – Việt Nam (1987 – 2000))
  • Điều trị các bệnh về đường tiêu hóa: Thành phần hóa học được tìm thấy trong dược liệu Diệp hạ châu có tác dụng kích thích trung tiện, kích thích ăn ngon. Người Ấn Độ sử dụng dược liệu để điều trị vàng da, bệnh viêm gan, táo bón, kiết lỵ, thương hàn, viêm đại tràng. Người dân vùng Java, Haiti sử dụng vị thuốc này để điều trị chứng rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày.
  • Bệnh về đường hô hấp: Người Ấn Độ sử dụng Diệp hạ châu để chữa bệnh lao, hen phế quản, viêm phế quản, bệnh ho khan, ho có đờm…
  • Tác dụng giảm đau: Tác dụng giảm đau của dược liêu Diệp hạ châu mạnh hơn gấp 4 lần so với indomethacin và mạnh hơn gấp 3 lần sao với morphin. Tác dụng này được thành lập là do bên trong dược liệu chứa ester ethyl, acid gallic và hỗn hợp steroid (stigmasterol, beta sitosterol) (theo kết quả nghiên cứu của Kenneth Jones và các nhà khoa học Brazil).
  • Tác dụng lợi tiểu: Nền Y học Cổ truyền của một số quốc gia đã sử dụng dược liệu Diệp hạ châu trong điều trị phù thũng, làm thuốc lợi tiểu. Viện Y học Hà Nội (1967 – Việt Nam) sử dụng dược liệu để điều trị xơ gan cổ trướng. Trường Đại học Dược Santa Catarina (Brazil-1984) đã thực hiện nghiên cứu và tìm ra một alkaloid trong thành phần của Diệp Hạ Châu phyllan thoside. Thành phần này có tác dụng chống co thắt cơ trơn và chống co thắt cơ vân, điều trị bệnh sỏi mật, sỏi thận.
  • Điều trị bệnh tiểu đường: Năm 1995, tác dụng điều trị bệnh tiểu được của dược liệu Diệp hạ châu đã được kết luận. Những bệnh nhân bị tiểu đường khi uống dược liệu trong 10 ngày sẽ có lượng đường huyết giảm một cách đáng kể.

Theo Y học cổ truyền

  • Thanh can
  • Thấm thấp
  • Lợi tiểu
  • Minh mục
  • Điều trị phù thũng do viêm thận
  • Chữa trẻ con cam tích
  • Trị nhiễm trùng đường tiểu
  • Trị tiêu chảy
  • Chữa viêm ruột
  • Điều trị sỏi bàng quang
  • Trị họng sưng đau.
Tác dụng dược lý của dược liệu Diệp hạ châu
Tác dụng dược lý theo nghiên cứu dược lý hiện đại và theo Y học cổ truyền của dược liệu Diệp hạ châu

Tính vị

Tính mát, vị hơi đắng ngọt.

Quy kinh

Quy vào kinh Can và Thận.

Liều lượng và cách dùng cây chó đẻ

Dùng tươi

 Dùng 20 – 60 gram. Có thể mang dược liệu sao khô sau đó sắc đặc để uống.

Dùng khô

Dùng 15 – 30 gram sắc uống.

Dùng ngoài

Liều lượng tùy chỉnh.

Liều lượng và cách dùng cây chó đẻ
Liều lượng và cách dùng cây chó đẻ

Các bài thuốc chữa bệnh từ cây chó đẻ

Nhờ thành phần hóa học, đặc tính và tác dụng dược lý đa dạng, cây chó đẻ được ứng dụng trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh.

  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị bệnh viêm gan cấp tính hoặc viêm gan mãn tính mức độ nhẹ và vừa, xét nghiệm HbsAg (+): Dùng 40 gram chó đẻ răng cưa, 15 gram chua ngút, 15 gram nhọ nồi rửa sạch sắc cùng với 600ml nước lọc (3 chén nước). Thuốc còn 200ml (1 chén nước thuốc) thì tắt bếp và chia thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng thuốc để điều trị nhiều đợt cho đến khi bệnh tình khỏi hẳn.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị xơ gan cổ trướng thể nặng: Sao khô 100 gram chó đẻ răng cưa đắng. Sắc nước 3 lần. Tiến hành trộn chung nước sắc. Cho thuốc vào nồi với 150 gram đường. Đun sôi thuốc để đường tan hết. Chia thuốc này thành nhiều lần uống trong ngày. Sử dụng thuốc ít nhất một liệu trình (30 – 40 ngày). Khẩu phần ăn cần thêm đạm (đậu phụ, cá, trứng, thịt), hạn chế sử dụng muối.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị sưng đau, nhọt độc (theo Bách Gia Trân Tàng): Dùng một nắm chó đẻ răng cưa và một ít muối. Cho các nguyên liệu vào cối để giã nhỏ. Rót một lượng nước chín vừa đủ vào cối thuốc. Chắt lấy nước cốt để uống. Dùng bã đắp vào những chỗ đau .
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị bị thương, có vết thương chảy máu (theo Bách Gia Trân Tàng): Lấy một lượng vừa đủ chó đẻ răng cưa và vôi cho vào cối giã nhuyễn. Sau khi vệ sinh da, đắp hỗn hợp này vào vết thương.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị bị thương ứ máu (theo Hoạt Nhân Toát Yếu): Dùng phần lá và phần cành của chó đẻ răng cưa (một nắm) và mầm tưới (một nắm). Cho nguyên liệu vào cối để giã nhỏ. Rót nước đồng tiện vào, trộn đều và chắt lấy nước uống. Sử dụng phần bã đắp lên vết thương sau khi đã vệ sinh da. Có thể hòa thêm cùng với 8 – 12 gram bột đại hoàng càng tốt.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị viêm gan vàng da, mắt đau sưng đỏ, viêm thận đái đỏ, viêm ruột đi ngoài ra nước: Dùng 40 gram chó đẻ răng cưa, 20 gram mã đề, 12 gram dành dành. Mang các vị thuốc rửa sạch sắc cùng với 3 chén nước lọc. Còn 1 chén nước thuốc thì tắt bếp và chia thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng thuốc để điều trị nhiều đợt cho đến khi bệnh tình khỏi hẳn.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị lở loét khối thịt không liền miệng (theo Bách Gia Trân Tàng): Dùng chó đẻ răng cưa và lá thồm lồm với liều lượng bằng nhau, đinh hương 1 nụ. Giã nhỏ tất cả dược liệu và đắp lên vết thương.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị trẻ em tưa lưỡi (theo Dược Liệu Việt Nam): Dùng một lượng vừa đủ cây chó để giã tươi và vắt lấy nước cốt. Bôi thuốc vào lưỡi.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị sản hậu ứ huyết (theo Dược Liệu Việt Nam): Dùng từ 8 – 16 gram cây chó đẻ khô cho vào nồi và sắc lấy nước uống mỗi ngày, không sử dụng bã.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị suy gan do sốt rét, lỵ amip, sán lá, nhiễm độc, ứ mật: Dùng 20 gram thân và la chó đẻ khô, 20 gram cam thảo đất khô. Sắc thuốc cùng với 600ml nước lọc. Chắt lấy nước thuốc uống mỗi ngày. 
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị viêm gan, vàng da: Dùng 40 gram chó đẻ răng cưa, 20 gram mã đề, 12 gram dành dành. Mang các vị thuốc rửa sạch sắc cùng với 3 chén nước lọc. Còn 1 chén nước thuốc thì tắt bếp và chia thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng thuốc để điều trị nhiều đợt cho đến khi bệnh tình khỏi hẳn.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị sốt rét (bài thuốc 1): Dùng 8 gram cây chó đẻ, 10 gram dây hà thủ ô, 10 gram thảo quả, 10 gram lá mãn cầu ta tươi, 10 gram dây gấm, 10 gram thường sơn, 4 gram ô mai, 4 gram bình lang (hạt cau), 4 gram dây cóc. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch và sắc đặc với 600ml nước lọc. Khi nước thuốc còn 200ml thì tắt bếp. Chia thuốc này thành 2 lần uống trước khi lên cơn sốt rét 2 giờ. Thêm 10 gram sài hồ trong trường hợp bệnh không hết.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị sốt rét (bài thuốc 2): Dùng 16 gram cây chó đẻ, 16 gram thường sơn, 16 gram thảo quả, 12 gram hạ khô thảo, 8 gram binh lang, 12 gram đinh lăng. Mang tất cả vị thuốc sắc lấy nước uống sau khi rửa sạch.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị sốt, đau bụng, ăn không ngon miệng, nước tiểu màu sẫm: Dùng 1 gram cây chó đẻ, 2 gram nhọ nồi, 1 gram xuyên tâm liên. Sau khi rửa sạch, mang tất cả vị thuốc phơi trong bóng râm đến khi khô thì tán thành bột. Sắc bột thuốc này cùng với một lượng nước thuốc vừa đủ. Uống hết thuốc ngay sau khi sắc xong. Uống 3 lần/ngày.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị viêm gan siêu vi B: Dùng 30 gram Diệp hạ châu, 8 gram chi tử, 12 gram nhân trần, 12 gram sài hồ, 12 gram hạ ô thảo. Mỗi ngày sắc một thang thuốc để uống cho đến khi bệnh tình khỏi hẳn. 
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị viêm gan siêu vi: Dùng 16 gram Diệp hạ châu đắng, 4 gram vỏ bưởi (đã phơi khô và sao vàng), 16 gram nhân trần nam, 8 gram hậu phác, 12 gram thổ phục linh. Thêm 12 gram đinh lăng nếu cơ thể quá suy nhược. Thêm 12 gram rau má, 12 gram hạt dành dành khi nhiệt nhiều. Thêm 8 gram vỏ đại khi báng tích nhiều. Bài thuốc giúp tăng tác dụng chống siêu vi, giải độc khi sử dụng kết hợp Diệp hạ châu, thổ phục linh và nhân trần. Gia thêm hậu phác, vỏ bưởi ấm nóng giúp kiện tỳ để tác động làm trung hòa bớt tính mát của Diệp hạ châu và nhân trần khi cần sử dụng bài thuốc trong một thời gian dài. Sắc thuốc để lấy nước uống mỗi ngày.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị sạn thận, sạn mật: Dùng 24 gram Diệp hạ châu đắng rửa sạch và sắc lấy nước uống. Sắc làm hai lần nước để có thể vừa uống thêm được nhiều nước vừa vận dụng hoạt chất. Gia thêm hậu phác hoặc gừng sống trong trường hợp ăn kém, đầy bụng.
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ phòng ngừa sỏi tái phát: Thỉng thoảng dùng 8 – 10 gram Diệp hạ châu hãm với nước sôi để uống thay trà. 
  • Bài thuốc từ cây chó đẻ điều trị rắn cắn, đau mắt: Dùng 20 – 40 gram chó đẻ tươi rửa sạch, để ráo, cho vào chảo sao khô. Cho thuốc vào ấm sắc đặc để uống.

Kiêng kỵ

  • Phụ nữ đang mang thai không dùng cây chó đẻ.
  • Những người có thể trạng hàn không nên sử dụng dược liệu lâu ngày.
Bài thuốc từ cây chó đẻ
Nhờ thành phần hóa học, đặc tính và tác dụng dược lý đa dạng, cây chó đẻ được ứng dụng trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh

Lưu ý khi dùng cây chó đẻ trị bệnh

Cây chó đẻ không mang độc tính, có độ an toàn cao ngoại trừ những bệnh nhân bị co giật, đau cơ trong khi điều trị sỏi mật, sỏi thận. Điều này xuất hiện là do quá trình tống xuất sỏi. Bên cạnh đó, tính mát của dược liệu có khả năng gây đầy bụng, trệ Tỳ ở những bệnh nhân sử dụng lâu ngày, sử dụng liều cao hoặc có Tỳ vị hư hàn. Do đó, người rơi vào những trường hợp này cần sử dụng kết hợp Diệp hạ châu cùng với những vị thuốc mang tính cay ấm. Điều này sẽ làm dung hòa bớt tính mát của dược liệu.

Các nhà khoa học của trường Đại học Gujaret ở Ấn độ đã thực hiện một nghiên cứu về tác dụng ngừa thai đối với cây chó đẻ trên cơ thể của chuột. Kết quả cho thấy khi loài chuột sử dụng cao toàn thân cây chó đẻ ở liều 500mg/kg trọng lượng đối với chuột đực và 100mg/kg trọng lượng đối với chuột cái có thể ức chế tạm thời khả năng sinh sản trong 45 ngày đối với chuột đực và 30 ngày đối với chuột cái (thời gian thí nghiệm).

Sau khi ngưng sử dụng thuốc, khả năng sinh sản ở chuột phục hồi. Điều này không giống với bệnh vô sinh. Bên cạnh đó, thí nghiệm này chỉ mới thực hiện trên động vật. Tuy nhiên những bệnh nhân đang muốn có con tốt nhất không nên sử dụng dược liệu.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng cây chó đẻ
Những điều cần lưu ý khi sử dụng dược liệu Diệp hạ châu và những bài thuốc

Bài viết là thông tin tham khảo về cây chó đẻ (Diệp hạ châu). Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên hỏi qua ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc thầy thuốc nếu muốn đưa dược liệu và những bài thuốc vào quá trình điều trị bệnh.

Ngày Cập nhật 23/06/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *