Cây Cỏ Máu - Tác Dụng, Cách Dùng Và Những Lưu Ý Cần Biết

Theo Y học cổ truyền, cây cỏ máu có tác dụng tăng cường lợi ích sức khỏe nhờ tác dụng dưỡng huyết. Bên cạnh đó, dược liệu còn giúp thanh lọc cơ thể, giải độc. Thường xuyên sử dụng giúp làm đẹp da và làm đen tóc.

Cây cỏ máu
Cây cỏ máu có tác dụng gì? Cách sử dụng như thế nào?

+ Tên khác: Cây bổ huyết, kê huyết đằng,…

+ Tên khoa học: Sargentodoxaceae

+ Họ: Huyết đằng

Đặc điểm thực vật của cây cỏ máu

Cây cỏ máu hay còn gọi là cây bổ huyết là thực vật thuộc dạng cây leo. Cây thân gỗ, rất cứng với đường kính khoảng 3 – 4 cm. Khi cưa hoặc chặt cây, bên trong thân có chảy ra lớp nhựa mủ màu đỏ như máu. Lá kép, có 5 – 7 hoặc 9 lá chét. Lá chét thường thuôn dài với mặt trên nhẵn, có màu xanh tươi và mặt dưới có màu sẫm hơn. Hoa dược liệu thường mọc thành cụm, có chiều dài 15 – 20 cm. Hoa mọc xếp sát nhau, có màu đỏ. Quả hình trứng với chiều dài 2 cm, được bao phủ bởi một lớp lông mịn, có màu nâu đỏ. Vỏ quả mỏng, bên trong mỗi quả chứa khoảng 3 – 6 hạt.

Phân bố và môi trường sống của cây cỏ máu

Cây bổ máu sinh trưởng tốt ở những vùng rừng nguyên sinh hoặc rừng rậm có nhiều cây gỗ lớn. Ngoài ra, dược liệu cũng có thể tìm thấy ở vùng đồi núi nhưng với số lượng ít. Ở nước ta, thảo dược được tìm thấy ở các tỉnh sau:

  • Quảng Bình
  • Quảng Trị
  • Hà Tĩnh
  • Quảng Nam
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Lai Châu
  • Điện Biên
  • Lào Cai
  • Hòa Bình

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản cây cỏ máu

  • Bộ phận dùng: Thân cây
  • Thu hái: Dược liệu có thể thu hái bất kỳ thời điểm nào trong năm
  • Chế biến: Cây thảo dược sau khi thu hoạch sẽ được đem rửa sạch và thái lát phơi hoặc sấy khô
  • Bảo quản: Dược liệu cần được bảo quản tốt để tránh mọt hoặc mốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tốt nhất nên bảo quản thảo dược khô ở nơi thoáng mát. Không nên dùng dược liệu đã bị mốc.

Tính vị và qui kinh của cây cỏ máu

  • Tính vị: Tính ấm, vị đắng
  • Qui kinh: Chưa cập nhật
Hình ảnh cây cỏ máu
Cây cỏ máu thường phân bố nhiều ở Quảng Bình

Tác dụng của cây cỏ máu

Cây cỏ máu có những tác dụng nổi bật sau:

  • Bổ huyết
  • Thư cân hoạt lạc
  • Bổ trung táo vị
  • Điều kinh
  • Sanh huyết mới
  • Phong huyết tý chứng
  • Bổ huyết tính cường tráng
  • Lưu lợi kinh mạch
  • Mạnh gân cốt

Chính nhờ những tác dụng này, dược liệu thường dùng chủ trị:

  • Chứng tê liệt thần kinh do thiếu máu
  • Kinh nguyệt không đều ở nữ giới
  • Nguyệt kinh bế ngừng
  • Chân tay hoặc eo lưng đau mỏi
  • Chữa đau dạ dày
  • Chứng đau lưng, mỏi gối

Ngoài những tác dụng nêu trên, cây cỏ máu còn giúp sát trùng, giúp cải thiện các bệnh lý ngoài da. Bên cạnh đó, dược liệu còn giúp giải độc bia rượu và thanh lọc cơ thể, giúp da trở nên mịn màng và hồng hào hơn. Mặt khác, thảo dược có công dụng mát gan, hỗ trợ hạ men gan và tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Đặc biệt, cây cỏ máu còn có tác dụng ăn ngon, hỗ trợ tăng cân ở người gầy.

Cách dùng và liều lượng dùng cây cỏ máu

Cây cỏ huyết thường dùng dưới dạng thuốc sắc, nấu cao, hãm trà hoặc ngâm rượu. Tùy thuộc vào kinh nghiệm chữa bệnh của mỗi người mà có thể thêm hoặc phối trộn dược liệu với các loại thảo dược khác.

Liều dùng khuyến cáo tối đa mỗi ngày là 6 – 30 gram. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng cho từng đối tượng bệnh mà bác sĩ hoặc thầy thuốc có thể gia giảm liều lượng phù hợp.

Bài thuốc chữa bệnh từ cây cỏ máu

+ Chữa mỏi gối, đau lưng

Sử dụng 16 gram cây cỏ máu, 12 gram dây đau xương, 16 gram tục đoạn, 12 gram cẩu tích và 12 gram xuyên khung. Sắc thuốc, chia uống 2- 3 lần/ ngày. Kiên trì sử dụng khoảng 6 thang, triệu chứng đau nhức và mỏi ở khớp sẽ thuyên giảm.

+ Điều trị chứng đổ mồ hôi trộm, cơ thể suy yếu

Hái 90 – 100 gram cây cỏ máu đem rửa sạch và sắc lấy nước uống. Sử dụng thường xuyên từ 5 – 7 ngày giúp bổ máu, tăng cường sức khỏe và cải thiện tình trạng đổ mồ hôi.

+ Chữa bệnh đau dạ dày

Dùng 16 – 20 gram cây cỏ máu đem rửa sạch và sắc lấy nước uống. Ngoài ra có thể dùng cây cỏ máu ngâm rượu và uống. Ngoài ra, để kiểm soát triệu chứng đau, có thể sử dụng cây cỏ máu, hà thủ ô, cam thảo dây, rau má khô, đỗ đen, hà thủ ô, hoài sơn và ý dĩ, mỗi vị 12 gram sắc chung với 16 gram đảng sâm. Nên uống nước thuốc liên tục 5 – 7 ngày giúp cải thiện tình trạng ợ hơi, đầy bụng hoặc khó chịu ở dạ dày.

Tác dụng cây cỏ máu
Cây cỏ máu có tác dụng giảm đau và cải thiện triệu chứng đau dạ dày

+ Điều trị chứng hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, thiếu máu não hoặc khí huyết hư

Chuẩn bị:

  • 16 gram cây cỏ máu
  • 12 gram ích mẫu
  • 10 gram ngưu tất
  • 6 gram nghệ vàng

Thực hiện:

Đem tất cả các dược liệu rửa sạch và sắc thuốc uống. Thời gian sử dụng để thuốc phát huy tác dụng giúp làm giảm triệu chứng bệnh và tăng cường phục hồi sức khỏe là từ 5 – 10 ngày.

+ Giúp tăng cân ở người gầy và bồi bổ cơ thể

Dùng 2 – 3 lát cây cỏ huyết hãm nước sôi như hãm trà và uống. Kiên trì sử dụng từ 10 – 12 ngày giúp cải thiện cân nặng. Bên cạnh đó, thức uống còn giúp bổ máu và tăng cường sức khỏe.

+ Trị đau nhức lưng

Sử dụng 16 gram dược liệu cỏ máu khô, 16 gram ý dĩ, 16 gram rễ trinh nữ, 16 gram tỳ giải và 12 gram cỏ xước, 6 gram trần bì, 8 gram thiên niên kiện, 8 gram rễ lá lốt, 8 gram quế chi. Tất cả vị thuốc đem sắc nước và uống.

+ Giúp phục hồi sức khỏe và làm đẹp da sau sinh

Dược liệu có tác dụng bổ huyết và thanh lọc cơ thể, rất thích hợp cho phụ nữ sau sinh. Chị em chỉ cần sử dụng 3 gram thảo dược sắc nước và uống. Kiên trì dùng sẽ giúp phục hồi sức khỏe, lợi sữa, đồng thời giúp khí huyết lưu thông tốt, cải thiện da sau sinh.

Cây cỏ máu có tác dụng hỗ trợ cải thiện một số vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, dược liệu vẫn chưa được chứng minh rõ ràng về tác dụng dược lý. Do đó, bạn không nên tự tiện sử dụng khi chưa được thầy thuốc chỉ định. Đặc biệt, không nên dùng thảo dược ở phụ nữ mang thai và trẻ em. Bởi dược liệu có thể gây động thai và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

→ Có thể bạn quan tâm:

Ngày Cập nhật 07/09/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *