Cây Đinh Lăng: Công Dụng Chữa Bệnh Và Bài Thuốc Hay Lưu Truyền

Nhắc đến cây đinh lăng, người ta thường nghĩ đến công dụng ngâm rượu từ rễ. Ít ai biết rằng hầu như toàn bộ các thành phần của cây này đều có giá trị dược liệu rất cao. Bên cạnh đó, có đến 7 loại đinh lăng nhưng chỉ có 1 loại có thể dùng làm thuốc. Vì thế, nếu không tìm hiểu kỹ, người mua rất dễ bị lầm.

Giá trị dược liệu của cây đinh lăng ngày càng được làm sáng tỏ, vì thế hiện nay đây là loại cây có giá trị kinh tế cao
Giá trị dược liệu của cây đinh lăng ngày càng được làm sáng tỏ, vì thế hiện nay đây là loại cây có giá trị kinh tế cao

Tên khoa học: Polyscias fruticosa.

Tên khác: cây gỏi cá, nam dương sâm.

Họ: Araliaceae (họ nhân sâm).

1. Đặc điểm sinh thái cây đinh lăng

1.1. Đặc điểm các thành phần của đinh lăng

Tên gọi đinh lăng cũng thường dùng để chỉ loại lá nếp. Nó thuộc loại cây bụi, thân nhỏ và có màu nâu xám. Cây có thể cao đến 2m. Vỏ nhẵn và không có gai. Đinh lăng xanh tốt quanh năm và có khả năng tái sinh bằng cách giâm cành xuống đất. Cây ưa sáng, chịu hạn tốt nhưng không chịu được ngập úng.

Hoa mọc thành cụm ở đầu ngọn của cành. Đây là hoa lưỡng tính với kích thước nhỏ. Cuống hoa màu xanh và có hình trụ, lá bắc có hình tam giác nhọn. Đài hoa có 5 răng hình bầu dục và có màu xanh. Cánh hoa ngắn, dài khoảng 0,3cm. Mỗi hoa có 5 bộ nhị rời, thường có màu trắng. Còn bộ ngụy thì có từ 2 – 3 lá noãn.

Quả đinh lăng có hình bầu dục và thuộc loại quả hạch. Quả có màu xanh nhạt. Vỏ quả có những nốt tròn. Đỉnh quả còn vòi nhụy. Lá đinh lăng thuộc loại lá kép lông chim 2 -3 lần. Chiều dài của lá giao động từ 20 – 40cm tùy loại. Lá chét có răng cưa.

1.2. Phân loại đinh cây đinh lăng

Khá nhiều người nghĩ rằng đinh lăng chỉ có 2 loại: lá to và lá nhỏ. Ít ai biết rằng loài cây này có đến 7 loại. Tuy nhiên, nếu nói về công dụng làm dược liệu thì chỉ có 1 loại. Đó là đinh lăng lá nếp (lá nhỏ). 6 loại còn lại chủ yếu là làm cảnh.

  1. Đinh lăng lá nếp (còn gọi là Nam sâm dương): Thân nhẵn, lá nhỏ và hơi xoăn. Rễ chùm, nhiều và mềm. Trồng lâu năm, rễ sẽ phát triển thành củ. Vỏ rễ dày có giá trị dược lược cao.
  2. Đinh lăng lá tẻ (còn gọi là đinh lăng lá to, lá ráng; tên khoa học là Polyscias filicifolia): Thân xù xì, lá to. Rễ ít và cứng. Vỏ mỏng, củ không to.
  3. Đinh lăng đĩa (polyscias scutellaria): Loại này lá to như chiếc đĩa và hiếm gặp.
  4. Đinh lăng lá răng (Polyscias serrata Balf): Thân màu xám trắng. Lá xẻ răng cưa. Thường được bỏ trong chậu kiểng nhỏ và trang trí trên bàn.
  5. Đinh lăng lá tròn (Polyscias balfouriana): Nó còn tên gọi khác là đinh lăng vỏ hến vì hình dáng lá. Mép lá có màu trắng và phần ở trong màu xanh.
  6. Đinh lăng lá vằn (Polyscias guilfoylei): Màu lá tương tự đinh lăng lá tròn. Tuy nhiên, mép lá có hình gân cưa và dài như những cánh hoa.
  7. Đinh lăng mép lá bạc (P. guilfoylei var. laciniata): Tên gọi khác là đinh lăng viền bạc hoặc đinh lăng trổ.Thường được dùng để làm bonsai.
Chỉ đinh lăng lá nếp mới có giá trị dược liệu, 6 loại còn lại dùng làm cảnh. Trong cảnh là đinh lăng lá tẻ (lá to), loại này thường bị nhầm lẫn với đinh lăng lá nếp
Chỉ đinh lăng lá nếp mới có giá trị dược liệu, 6 loại còn lại dùng làm cảnh. Trong cảnh là đinh lăng lá tẻ (lá to), loại này thường bị nhầm lẫn với đinh lăng lá nếp

1.3. Phân bố của đinh lăng

Nhiều tài liệu cho rằng cây đinh lăng có nguồn gốc từ các đảo ở Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, người ta không biết nó xuất hiện từ khi nào. Tuy nhiên, vào khoảng những năm 60 của thế kỷ XX, đinh lăng bắt đầu được trồng nhiều ở nhiều nơi. Đặc biệt là trong các vườn thuốc. Hiện nay, ngày càng nhiều người trồng loại cây này trong sân vừa vừa để trang trí vừa sử dụng làm dược liệu.

Đặc tính của đinh lăng ưa là nóng và ưa sáng nên nó được tìm thấy nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên (đặc biệt là ở Đắk Lắk), Đông Nam Bộ (nhiều nhất ở Đồng Nai) và một số tỉnh ở miền Tây Nam Bộ.

1.4. Bộ phận dùng, cách thu hái và chế biến đinh lăng

Trừ quả, tất cả các bộ phận của đinh lăng đều có thể dùng làm dược liệu. Cụ thể là lá, thân, rễ (đặc biệt là vỏ rễ) và hoa. Thông thường, khi cây đạt từ 3 năm tuổi trở lên mới được thu hoạch làm dược liệu.

Rễ hoặc củ thường được thu hái vào mùa thu. Đây là giai đoạn rễ mềm và chứa nhiều dược liệu nhất. Nếu rễ to (trồng lâu hơn 3 năm), người ta thường chỉ dùng vỏ rễ). Lá có thể thu hái quanh năm. Hoa thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7, hái khi còn nụ. Phần thân thường đợi đạt đến chiều cao khoảng 2m mới bắt đầu thu hoạch.

Rễ, củ và vỏ có thể dùng ở dạng tươi hoặc khô. Đinh lăng thường được dùng để ngâm với rượu uống, có công dụng bồi bổ khí huyết rất tốt, nhưng cần phải biết ngâm rượu đinh lăng đúng cách mới đạt được hiệu quả cao. Ngoài ra, nó còn dùng để sắc lấy nước uống. Tuy nhiên, cách này không phổ biến. Đối với hoa, người ta dùng làm dược liệu khi mới ra nụ. Có thể ngâm khi hoa tươi hoặc khô. Tuy nhiên, hoa khô sẽ cho chất lượng rượu tốt hơn. Còn lá đinh lăng ở dạng tươi có thể sắc lấy nước uống hoặc giã nát và đắp lên vết thương. Khi phơi khô hoặc sao vàng, lá cây này được dùng để lót gối hoặc tán thành bột và xoa bóp trực tràng.

Trong quá trình sao vàng các bộ phận của đinh lăng để làm dược liệu, người ta thường tẩm một ít mật ong, rượu gừng hoặc kết hợp cả hai. Mục đích là tăng hương vị khi uống. Đồng thời, cách làm này còn bổ sung và phát huy giá trị dược liệu của bài thuốc.

2. Tính vị và thành phần hóa học của đinh lăng

Xét về tính vị, các thành phần của cây đinh lăng có tính mát, hơi đắng nhưng có vị ngọt.

Về thành phần hóa học, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 8 loại saponin khác nhau trong các thành phần của đinh lăng. Trong đó, bộ phận chứa nhiều saponin nhất là vỏ rễ. Chất này có nhiều điểm giống nhân sâm.

Bên cạnh đó, người ta còn tìm thấy alkaloid; glycoside; phytosterol; tanin; acid hữu cơ; khoảng 20 loại axit amin; các nguyên tố vi lượng, 21,1% đường; vitamin B1, B2, B6 và C. Đáng chú ý là trong các loại axit amin này, có nhiều loại không thể thay thế được như: Lysine, cysteine và methionine.

Thành phần saponin giúp đinh lăng có nhiều đặc tính giống nhân sâm
Thành phần saponin giúp đinh lăng có nhiều đặc tính giống nhân sâm

3. Công dụng và liều lượng của đinh lăng

3.1 Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thu Hương (Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM)

TS Nguyễn Thị Thu Hương và các cộng sự đã mất 7 năm để nghiên cứu và chứng minh công dụng của cây đinh lăng (từ năm 2000 – 2007). Kết quả công trình nghiên cứu của họ đi đến kết luận rằng các tác dụng dược lý của đinh lăng tương tự như nhân sâm. Tuy nhiên, nó dễ trồng, mau thu hoạch và có giá thành rẻ hơn. 

Rễ (hoặc củ) đinh lăng có tác dụng tăng cường thể lực; giải tỏa căng thẳng cho não và chống oxy hóa tốt. Do đó, nó giúp người sử dụng nhanh chóng giảm được mệt mỏi (do lao lực hoặc tập luyện quá sức). Đồng thời, rễ cây này còn có tác dụng bảo vệ hoạt động của gan và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. 

Ngoài ra, bộ phận này còn có tác dụng thanh nhiệt, giảm đau khớp và kích thích cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu về công dụng của rễ đinh lăng, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra tác dụng tăng cường trí nhớ và tăng tuổi thọ của chuột

Ngoài giá trị dược liệu quý giá từ rễ, lá đinh lăng cũng có nhiều công dụng quan trọng. Cụ thể, khi dùng lá ở dạng tươi có thể chống viêm sưng. Ngoài ra, dịch chiết cồn của loại cây này có tác dụng điều trị hen suyễn.

3.2. Theo tài liệu của Công ty CP Dược liệu Trung ương 2

Công dụng chính của đinh lăng là làm thuốc bổ. Bên cạnh đó, nó còn ứng dụng cho các trường hợp tiêu hóa kém và ho ra máu. Ngoài ra, từng thành phần của loại cây này dùng đúng cách có thể chữa được được các tình trạng như:

  • Phong thấp và đau lưng: Thường dùng thân và cành;
  • Chữa cảm sốt, mụn nhọt và sưng vú; trị thấp khớp; làm lành vết thương: Dùng lá dạng tươi;
  • Phòng bệnh kinh giật (ở trẻ nhỏ): Lá phơi khô hoặc sao vàng rồi lót gối hoặc trải dưới giường;
  • Giúp phụ nữ sau sinh có nhiều sữa: Lá đinh lăng khô sắc lấy nước uống. Hoặc băm nhỏ lá tươi trộn với cháo;
  • Xông lá tươi giúp cơ thể tăng thải mồ hôi và trị chứng chóng mặt;
  • Hạ nhiệt: Vỏ cây nghiền thành bột làm nước uống.

3.4. Tổng hợp công dụng của đinh lăng

Từ rất nhiều công trình nghiên cứu lớn nhỏ khác nhau về công dụng của đinh lăng, đặc biệt là từ kết quả của 2 công trình nghiên cứu trên, có thể tổng kết lại công dụng của đinh lăng như sau:

Công dụng phần rễ (bao gồm cả vỏ rễ) và củ đinh lăng:

  • Rễ đinh lăng ngâm rượu có tác dụng chính là tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể dẻo dai hơn. Đồng thời, nó còn giúp não tăng cường sự tập trung; ăn ngon miệng và ngủ ngon;
  • Thông tia sữa;
  • Chữa liệt dương, thiếu máu (phát huy công dụng tối đa khi kết hợp cùng một số vị thuốc Đông y khác);
  • Chữa hen suyễn lâu năm.
Rễ đinh lăng ngâm rượu là cách sử dụng phổ biến nhất của loại cây này
Rễ đinh lăng ngâm rượu là cách sử dụng phổ biến nhất của loại cây này

Công dụng của lá đinh lăng:

  • Dùng ở dạng tươi giúp vết thương mau lành và chữa viêm sưng ở vết thương hoặc các khớp;
  • Lá đinh lăng phơi khô lót gối phòng co giật ở trẻ nhỏ;
  • Sắc lá khô lấy nước uống chữa tình trạng dị ứng, ban sởi hoặc kiết lỵ.

Công dụng của thân và cành đinh lăng:

Ngâm rượu hoặc sắc lấy nước uống chữa tình trạng đau lưng, mỏi gối. 

Công dụng nụ hoa đinh lăng

Thường đem phơi khô rồi sắc lấy nước uống hoặc ngâm rượu. Công dụng chính của nụ hoa đinh lăng là lợi tiểu, tăng cường trí nhớ, hỗ trợ điều trị đau đầu. Đồng thời, nó còn giúp người dùng ăn ngon và ngủ sâu.

4. Bài thuốc Đông y với đinh lăng

Bài thuốc số 1: Dùng lá đinh lăng thanh nhiệt cơ thể

Thành phần: Lá đinh lăng và cam thảo dây (mỗi loại 50g); 1g cúc hoa.

Chế biến: Hãm nước sôi (tráng sơ và ngập các nguyên liệu bằng nước sôi rồi đổ bỏ nước. Cho tiếp nước sôi vào bình lần 2 rồi giữ ấm liên tục trong khi dùng).

Liều dùng: Uống thay nước chè hằng ngày.

Bài thuốc số 2: Rễ đinh lăng ngâm rượu cùng các vị thuốc Đông y chữa ho lâu năm

Thành phần: rễ đinh lăng, rễ cây dâu, rau tần dày, đậu săn và bách bộ (mỗi loại 8g); 6g củ xương bồ; 4g gừng khô.

Chế biến: Sắc thuốc với 600ml nước xuống còn khoảng 250ml là dùng được.

Liều dùng: Chia thành 2 lần uống/1 ngày. Uống lúc còn nóng.

Dược tính trong rễ đinh lăng nhiều hơn hẳn so với các thành phần còn lại nên nó được ứng dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y
Dược tính trong rễ đinh lăng nhiều hơn hẳn so với các thành phần còn lại nên nó được ứng dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y

Bài thuốc số 3: Chữa liệt dương với rễ đinh lăng

Thành phần: Rễ đinh lăng, kỷ tử, hoài sơn, ý dĩ, long nhãn, cám nếp và hoàng tinh (mỗi loại 12g); cao ban long và trâu cổ (mỗi loại 8g); 6g sa nhân.

Chế biến: Sắc lấy nước uống.

Liều dùng: Mỗi ngày uống 1 thang.

Bài thuốc số 4: Rễ đinh lăng chữa viêm gan

Thành phần: Nghệ, ngưu tất, uất kim (mỗi loại 8g); rễ đinh lăng, rễ cỏ tranh, hoài sơn, chi tử, biển đậu, ngũ gia bì, xa tiền tử (mỗi loại 12g); 16g ý dĩ; 20g nhân trần.

Chế biến và liều dùng: Tương tự bài thuốc số 3.

Bài thuốc số 5: Chữa thiếu máu với rễ đinh lăng

Thành phần: Hoàng tinh, thục địa, hà thủ ô và rễ đinh lăng (mỗi loại 100g); tam thất 20g.

Chế biến: Tán bột rồi nấu nước uống.

Liều dùng: Mỗi ngày dùng 100g bột trộn từ các thành phần trên.

Xem thêm dược liệu: 9 công dụng bất ngờ từ râu ngô (Bắp)

5. Lưu ý khi sử dụng đinh lăng làm dược liệu

Thành phần saponin trong đinh lăng có tác dụng rất tốt cho sức khỏe khi dùng đúng liều lượng. Nếu lạm dụng, chất này sẽ gây vỡ hồng cầu. Bởi chúng có tính chất phá huyết. Trường hợp nhẹ, biểu hiện của người hấp thụ quá nhiều saponin đó là buồn nôn, tiêu chảy và kiệt sức. Tuy nhiên, xét về độc tính thì đinh lăng ít hơn nhân sâm.

Cụ thể, kết quả tiêm phúc mạc DL50 (màng thanh mạc lớn nhất trong cơ thể) của đinh lăng là 32,9g/kg. Trong khi đó, con số này ở nhân sâm chỉ đạt 16,5g/kg. Ngoài ra, khi cho chuột uống đinh lăng với liều lượng 50g/kg, chúng vẫn sống bình thường. Nếu thay thế là nhân sâm với cùng liều lượng này, thì những con chuột được tiêm sẽ chết. Trước khi chết, chúng xuất hiện tình trạng tiêu chảy, kém ăn và mệt mỏi.

Ngày Cập nhật 23/06/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *