Cây Húng Quế Và Những Tác Dụng Chữa Bệnh Ít Người Biết

Cây húng quế không chỉ là rau thơm dùng trong thực phẩm mà còn là vị thuốc Đông y giúp hỗ trợ điều trị bệnh. Nhờ chứa lượng lớn tinh dầu và thành phần hóa học khác nhau, dược liệu có tác dụng giảm căng thẳng và lo âu. Bên cạnh đó còn giúp chống nhiễm trùng và tăng cường sinh lực cho cơ thể.

Cây húng quế
Hình ảnh cây húng quế và tác dụng chữa bệnh từ dược liệu

+ Tên khác: Rau quế, húng chó, é quế hoặc húng giổi, hương thái, é quế, é tía, rau é,…

+ Tên tiếng Anh: Sweet Basil hoặc Basil

+ Tên khoa học: Ocimum basilicum

+ Họ: Hoa Môi (Lamiaceae)

Đặc điểm thực vật về cây húng quế

Húng quế là thảo dược cây thảo, sống hàng năm. Cây chó chiều cao từ 50 – 60 cm với thân cây nhẵn hoặc có lông. Lá cây mọc đối với phiến lá hình thuôn dài. Lá cây có màu xanh lục, có cuống lá dài. Hoa húng quế mọc thành chùm hoặc phân nhánh. Hoa có màu trắng hay hơi tía. Quả chứa hạt màu đen như hạt mè. Khi ngâm trong nước, hạt trương nở và có chất nhầy màu trắng bên ngoài.

Phân loại

Có rất nhiều loại húng quế Ocimum basilicum như sau:

  • Húng quế ngọt (Sweet basil): Dược liệu này được trồng rộng rãi bởi chúng được sử dụng phổ biến trong các món ăn. Thảo dược có mùi thơm và hương vị tương tự cam thảo hoặc đinh hương.
  • Húng quế Hy Lạp (Greek basil): Húng quế này có mùi thơm mạnh nhưng hương vị thường dịu nhẹ. Do đó, có thể sử dụng thay thế cho húng quế ngọt. Húng quế Hy Lạp thường phát triển tốt trong chậu
  • Húng quế (Lettuce basil): Rau có lá lớn, mềm và hơi nhăn, có vị giống cam thảo. Húng quế này thường dùng trong món salad cà chua
  • Húng quế Thái (Thai basil): Có mùi hương tựa cam thảo. Chúng thường được sử dụng trong các món ăn ở Thái và các nước Đông Nam Á
  • Húng quế (Cinnamon basil): Loại rau này có nguồn gốc ở Mexico. Chúng có mùi hương giống như quế, thường dùng chung với các loại rau cay hoặc đậu

Phân loài (các loài tương cận)

Rau quế chia thành các loài chính sau:

  • É trắng, trà tiên (Ocimum basilicum pilosum): Hay còn được gọi với tên khác là tiến thực, húng lông, hương thảo, húng trắng hoặc húng quế lông. Là một phân loài của cây húng quế với thân cây nhỏ, phân thành nhiều nhánh ngay gốc tạo thành. Cây bụi có chiều cao từ 0.5 – 1 m. Thân cây có màu lục nhạt, có lông thưa. Lá cây mọc đơn, có chiều dài 5 – 6 cm và rộng 2 – 3 cm. Hai mặt lá có chứa nhiều lông, khi vò có mùi thơm dịu nhẹ giống sả. Quả é có kích thước nhỏ, hình bầu dục giống hạt mè, có màu xám đen. Mỗi quả chứa một hạt.
  • Húng tía hoặc húng lá đỏ (Ocimum basilicum purpureum)
  • Húng chanh (Ocimum x citriodorum) 
  • Hương nhu (Ocimum gratissimum gratissimum)
  • É lá to (Ocimum gratissimum macrophyllum)
Phân biệt cây húng quế
Húng tía thuộc loài húng quế nhưng điểm khác nhau là lá cây to, có màu tím đậm và phiến lá có răng cưa
 

Phân bố và môi trường sống của cây húng quế

Húng quế có nguồn gốc Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện nay, cây được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước nhiệt đới. Ở Việt Nam, cây được phân bố nhiều ở miền Nam và miền Bắc. Hầu hết húng quế được trồng nhằm phục vụ nhu cầu ăn uống.

Thành phần hóa học của cây húng quế

Theo các nghiên cứu khoa học, cứ 100 gram húng quế chứa các dược chất tự nhiên sau:

  • Chất xơ: 1.6 gram
  • Vitamin A: 264 microgram
  • Riboflavin: 0.076 miligram
  • Choline: 11.4 miligram
  • Vitamin E: 0.8 miligram
  • Magie: 64 miligram
  • Canxi: 177 miligram
  • Protein: 3.15 gram
  • Vitamin B6: 0.155 microgram
  • Natri: 4 miligram
  • Phospho: 56 miligram
  • Vitamin K: 414.8 microgram
  • Vitamin C: 18 miligram
  • Sắt: 3.17 gram
  • Kali: 295 miligram
  • Chất béo: 0.64 gram
  • Kẽm: 0.81 miligram
  • Vitamin B1: 0.034 microgram
  • Mangan: 1.148 miligram

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản húng quế

  • Bộ phận dùng: Lá và ngọn cây thường hái làm thuốc
  • Thu hái: Quanh năm
  • Chế biến: Dược liệu sau khi thu hoạch có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Bên cạnh đó cũng có thể hái toàn cây để chưng chất tinh dầu
  • Bảo quản: Nơi khô ráo, tránh nước

Tính vị và qui kinh của húng quế

  • Tính vị: Tính nóng, vị cay và có hương thơm dịu
  • Qui kinh: Chưa cập nhật

Tác dụng của cây húng quế

Các nghiên cứu khoa học về húng quế cho biết, dược liệu chứa nhiều tinh dầu và hợp chất chống oxy hóa như Flavonoid và Anthocyanin. Do đó, thảo dược có các tác dụng nổi bật sau:

+ Tác dụng giảm stress và căng thẳng

Một số hoạt chất chứa trong húng quế có thể giúp cơ thể thích nghi với căng thẳng. Theo nghiên cứu về hoạt động chống trầm cảm của húng quế ở thỏ, các nhà khoa học cho thỏ tiếp xúc với oxy hóa căng thẳng. Sau đó cho chúng uống 2 gram lá húng quế tươi mỗi ngày.

Sau thời gian sử dụng khoảng 30 ngày, thỏ bắt đầu thích nghi với stress. Đồng thời, chức năng của tim và hệ hô hấp của thỏ hoạt động ổn định hơn. Bên cạnh đó, các hoạt chất trong dược liệu giúp làm giảm đáng kể lượng đường trong máu. Ngoài ra còn giúp tăng hoạt chất chống oxy hóa. Do đó, giúp làm dịu và kiểm soát căng thẳng, stress.

+ Tác dụng giảm viêm và sưng

Hoạt chất Beta-Caryophyllene tìm thấy trong húng quế có tác dụng chống viêm và giảm sưng đau đến 73% sau 24 giờ sử dụng. Do đó, thảo dược thường được khuyên dùng điều trị viêm khớp.

Tác dụng của húng quế
Cây húng quế có công dụng giảm viêm và sưng, hỗ trợ điều trị viêm khớp

+ Tác dụng kháng khuẩn

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh húng quế có tác dụng kháng khuẩn. Sở dĩ dược liệu có đặc tính này là do chứa nhiều các thành phần dược chất sau đây:

  • Cineole
  • Linalool
  • Sabinene
  • Estragole
  • Limonene
  • Myrcene

Những hoạt chất này có khả năng hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn sau:

  • Escherichia coli O157: H7
  • Staphylococcus aureus
  • Listeria monocytogenes
  • Pseudomonas aeruginosa
  • Yersinia enterocolitica

+ Tác dụng chống oxy hóa

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Giáo dục và Nghiên cứu Dược phẩm tiên tiến cho thấy, chiết xuất ethanol có trong cây húng quế có tác dụng chống oxy hóa. Do đó, giúp chống lại gốc tự do gây hại, đồng thời ngăn ngừa lão hóa sớm.

+ Tác dụng chống ung thư

Một số nghiên cứu và đánh giá về tiềm năng của cây húng quế trong việc ngăn chặn ung thư cho biết, dược liệu có khả năng phòng chống ung thư. Các nhà khoa học cho hay, chất phytochemical có trong húng quế có chứa các thành phần như Axit Rosmarinic, Eugenol, Axit Carnosic, Myretenal, -Sitosterol và Luteolin, có tác dụng tăng cường hoạt động chống oxy hóa. Từ đó, tiêu diệt và làm chậm quá trình phân chia tế bào ung thư, ngăn ngừa ung thư ở phổi, da, gan và miệng.

Húng quế chữa bệnh gì?

Cây húng quế có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý sau:

  • Bệnh trầm cảm: Nhờ tác dụng làm dịu hệ thần kinh và giảm căng thẳng, húng quế giúp cải thiện chứng trầm cảm. Không những thế, với đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa và tăng cường hệ miễn dịch, dược liệu giúp kiểm soát tình trạng căng thẳng do bệnh gây nên.
  • Chữa tiểu đường: Dược liệu có chứa các thành phần hóa học có thể giúp giải phóng đường trong máu chậm. Bên cạnh đó, tinh dầu chứa trong thảo dược có khả năng giúp cắt giảm chất béo trung bình và cholesterol trong cơ thể. Do đó, húng quế đặc biệt hữu ích đối với bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, giúp kiểm soát triệu chứng bệnh.
  • Giúp giải độc và tăng cường chức năng gan: Húng quế có tác dụng giải độc mạnh. Thêm vào đó, thảo dược tự nhiên này còn có công dụng ngăn ngừa sự tích tụ chất béo trong gan. Vì vậy, thường xuyên tiêu thụ không chỉ giúp loại bỏ độc tố cơ thể mà còn giúp gan khỏe mạnh và tăng cường chức năng hoạt động.
  • Giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt: Dược liệu có công dụng khôi phục pH tự nhiên trong dạ dày. Từ đó giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh và hiệu quả hơn.
  • Cải thiện các vấn đề liên quan đến dạ dày: Tiêu thụ húng quế có thể giúp cải thiện các vấn đề đầy hơi, chướng bụng,… do dạ dày gây nên. Bên cạnh đó, thảo dược còn giúp kích thích sự thèm ăn và kiểm soát dịch tiết acid dạ dày. Vì vậy, sử dụng thường xuyên giúp cải thiện chứng trào ngược dạ dày.
  • Điều trị mụn trứng cá: Tinh dầu húng quế có tác dụng làm giảm viêm và sưng. Do đó, chúng mang lại lợi ích cao trong điều trị mụn trứng cá và giúp dưỡng ẩm da, tóc.

Ngoài những lợi ích nêu trên, cây húng quế còn có tác dụng chữa và ngăn ngừa sâu răng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng thảo dược này để phòng và điều trị bệnh đường hô hấp như viêm xoang, cảm cúm, viêm phế quản và hen suyễn,…

húng quế chữa đau dạ dày
Cây húng quế giúp kiểm soát triệu chứng đau dạ dày như đầy hơi và ợ chua

Cách dùng và liều dùng cây húng quế

  • Cách dùng: Húng quế được bào chế dưới dạng phơi khô, xay nhuyễn, chiết xuất hoặc dùng làm trà. Tùy theo hình thức sử dụng mà cách dùng ở mỗi người khác nhau.
  • Liều dùng: Dược liệu dùng ở mỗi người thường không giống nhau. Điều này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác cũng như mức độ bệnh,… Do đó, các bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Tác dụng phụ của húng quế

Húng quế nếu sử dụng quá liều hoặc lạm dụng trong thời gian dài có thể gây các tác dụng phụ sau:

  • Ngộ độc: Việc sử dụng quá nhiều lá cây húng quế có thể dẫn đến quá liều Eugenol gây khó thở, thở gấp, ho hoặc máu lẫn trong nước tiểu
  • Gây hạ đường huyết: Húng quế có thể làm lượng đường trong máu hạ thấp. Do đó, bệnh nhân bị tiểu đường hoặc có tiền sử mắc phải bệnh này nên thận trọng
  • Làm loãng máu hoặc chậm quá trình đông máu
  • Ung thư niêm mạc gan
  • Đối với phụ nữ mang thai: Dược liệu có thể làm co thắt cổ tử cung, gây biến chứng trong khi sinh

Bài thuốc chữa bệnh từ cây húng quế

+ Giúp bảo vệ tim mạch

Hái vài lá húng quế đem rửa sạch và nhai nuốt lúc bụng còn đói. Thực hiện đều đặn mỗi ngày, giúp tăng cường sức khỏe tim. Từ đó phòng tránh các bệnh lý liên quan đến tim.

+ Cắt cơn sốt

Sử dụng một nắm lá húng quế rửa sạch, sắc với 1 chén nước và uống. Để cắt cơn sốt, bạn cần uống 2 – 3 lần nước sắc từ lá húng quế.

+ Giảm stress, căng thẳng

Dùng 12 lá húng quế đem rửa sạch và nhai nuốt. Mỗi ngày nhai 2 lần giúp điều chỉnh khả năng tuần hoàn máu, đồng thời xoa dịu thần kinh, giảm stress.

+ Chữa sỏi thận

Uống nước ép lá cây húng quế trong với mật ong mỗi ngày giúp làm sạch thận. Sử dụng liên tục trong 6 tháng giúp chữa bệnh sỏi thận.

+ Giảm ngứa trên da đầu và giúp ngăn ngừa rụng tóc

Dùng lá húng quế ép lấy nước uống, phần bã đem đắp lên da đầu. Tuần thực hiện 2 – 3 lần giúp da đầu mềm, giảm ngứa và mượt tóc.

+ Lợi sữa

Sử dụng một nắm lá húng quế sắc chung với 1 lít nước. Mỗi ngày uống 2 ly sau bữa ăn.

Cây húng quế giúp lợi sữa
Uống nước sắc cây húng quế giúp lợi sữa, có lợi cho chị em đang cho con bú

+ Điều trị chứng đau đầu

Hái một nắm lá cây húng quế, đem rửa sạch và để ráo. Sau đó giã nát và cho vào nước đun sôi. Chờ nước nguội bớt dùng khăn nhúng vào nước rồi vắt khô và đắp lên trên trán.

+ Chữa tiêu chảy, sổ mũi hoặc khó tiêu

Dùng 15 gram cành lá hưng quế sắc nước uống.

+ Điều trị dị ứng hoặc nổi mẩn ngứa

Dùng quả, hoa và hạt cùng với lá húng quế đem giã nát. Sau đó vắt lấy nước cốt uống. Còn phần bã, sau khi vệ sinh da sạch sẽ đắp lên giúp giảm đau và ngứa.

+ Trị chứng lo âu, bồn chồn hoặc viêm họng

Hái 20 – 40 nhúm lá cây húng quế và một ít hoa khô đem hãm trong 1 lít nước sôi. Mỗi ngày uống từ 2 – 3 ly. Kiên trì sử dụng 3 – 5 ngày giúp làm dịu thần kinh, giảm đau rát ở họng và cải thiện chứng lo âu.

+ Cai thuốc lá

Nhai một vài lá húng quế mỗi khi lên cơn thèm thuốc sẽ giúp giảm cơn thèm. Sử dụng thường xuyên sẽ giúp bỏ thuốc lá.

+ Điều trị ho

Dùng lá húng quế kết hợp với lá xương sông và húng chanh. Sau khi rửa sạch dược liệu đem giã nát với một ít muối và ngậm.

Lưu ý khi sử dụng húng quê 

Trong quá trình dùng dược liệu, bạn nên lưu ý những thông tin nổi bật sau:

  • Phụ nữ có thai nên hạn chế sử dụng húng quế
  • Dược liệu có tác dụng làm chậm quá trình đông máu. Do đó, người trước hoặc sau khi phẫu thuật nên ngưng sử dụng ít nhất 2 tuần
  • Húng quế có chứa chất gây đột biến. Vì thế, không nên sử dụng trong thời gian dài với liều lượng cao
  • Không sử dụng dược liệu trước khi tiến hành kiểm tra đường huyết bởi chúng có thể gây ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra
  • Không dùng cây húng quế chung với thuốc chữa bệnh tiểu đường

Cây húng quế giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa nhiều bệnh lý khác nhau nhưng vì cây chứa chất gây đột biến, gây tác động xấu đến sức khỏe. Do đó, bạn chỉ nên dùng dược liệu theo đúng lượng được bác sĩ khuyến nghị.

→ Có thể bạn quan tâm:

Ngày Cập nhật 11/07/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *