Cây Huyết Dụ - Công Dụng Và Các Bài Thuốc Từ Dược Liệu Quý

Cây huyết dụ có tính mát và vị ngọt, có tác dụng cầm máu và bổ huyết. Bên cạnh đó, dược liệu còn giúp hỗ trợ điều trị rong kinh, băng huyết hoặc sốt xuất huyết,… Ngoài các tác dụng này, thảo dược còn được chỉ định với nhiều mục đích chữa trị khác. 

Cây huyết dụ
Cây huyết dụ – Thảo dược có tác dụng cầm máu

+ Tên khác: Phật dụ, huyết dụ lá đỏ, cây long huyết, co trướng lậu (tiếng Thái), thiết thụ (trung dược), quyền diên ái (tiếng Dao) hoặc chổng đeng (tiếng Tày),…

+ Tên khoa học: Cordyline terminalis kunth

+ Họ: Huyết dụ Dracaena terminalis

Đặc điểm thực vật của cây huyết dụ

Cây huyết dụ là loại cây bụi, thường mọc thẳng với chiều cao khoảng 1 – 2 m. Thân cây gỗ mảnh khảnh, ít phân nhánh, vỏ cây có sẹo. Lá cây có màu đỏ hoặc đỏ tím đặc trưng thường mọc tập trung ở ngọn với hình lưỡi kiếm. Lá có chiều dài 20 – 50 cm và rộng 5 – 10. Đầu lá thuôn nhọn, cuống lá dài, phiến lá không có răng cưa. Lá có nhiều gân song song dài với hai mặt bóng láng, không có sẹo vòng. 

Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành chùy phân nhánh hoặc chùm xim, có chiều dài 30 – 40 cm. Mỗi nhánh cây mang nhiều hoa, có màu trắng. Hoa thường nở rộ từ tháng 12 đến tháng 1. Quả mọng có dạng hình cầu. Ban đầu quả có màu vàng sau khi trưởng thành chúng chuyển sang màu đỏ. Quả chứa rất ít hạt màu đen, sáng bóng.

Phân loại

Huyết dụ có hai loại chính là Cordyline terminalis Kunth. var ferrea và Cordyline terminalis Kunth. var viridis. Cả hai loại này đều được Y học cổ truyền sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian, loại Cordyline terminalis Kunth. var ferrea thường có tác dụng dược tính cao, giúp đem lại kết quả trị liệu tốt hơn.

Để phân biệt dược liệu, các bạn nên dựa vào màu sắc của lá cây. Cụ thể:

  • Cordyline terminalis Kunth. var ferrea: Lá cây có màu đỏ tím ở hai mặt
  • Cordyline terminalis Kunth. var viridis: Mặt trên có màu xanh và mặt dưới có màu đỏ tím
Hình ảnh huyết dụ
Cây huyết dụ có lá có màu đỏ ở hai mặt thường được sử dụng điều trị bệnh phổ biến trong dân gian

Phân bố và môi trường sống của cây huyết dụ

Dược liệu có nguồn gốc ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và Papua New Guinea. Sau đó, cây được nhập thực và trồng ở nhiều nước trên thế giới, bao gồm các nước ở quần đảo Thái Bình Dương, New Zealand hoặc Đông Bắc Australia. Ở Việt Nam, cây được trồng khắp cả nước với mục đích dùng làm cảnh và thuốc.

Thành phần hóa học của cây huyết dụ

Cây chứa các thành phần chính sau:

  • Đường
  • Acid amin
  • Phenol
  • Anthocyanin

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản cây huyết dụ

  • Bộ phận dùng: Lá và rễ cây
  • Thu hái: Có thể thu hái quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch thích hợp, đảm bảo chất lượng dược chất là vào mùa hè. Khi thu hái nên lựa chọn những ngày có nắng
  • Chế biến: Dược liệu sau khi hái về sẽ được loại bỏ lá hư hỏng hoặc sâu. Sau đó đem phơi hoặc sấy khô
  • Bảo quản: Nơi thoáng mát, tránh ẩm mốc

Tính vị và qui kinh của cây huyết dụ

  • Tính vị: Tính bình, vị hơi ngọt
  • Qui kinh: Thận và Can

Tác dụng của cây huyết dụ

Theo Y học cổ truyền, cây huyết dụ có những tác dụng sau:

  • Cầm máu
  • Làm mát máu
  • Bổ huyết
  • Tán ứ
  • Định thống
  • Tiêu ứ

Do đó, thường dùng chữa các bệnh lý sau:

  • Rong kinh
  • Xích bạch đới
  • Phong thấp
  • Kiết lỵ chảy máu
  • Lậu huyết
  • Ho thổ huyết
  • Kinh nguyệt ra nhiều
  • Lao phổi
  • Đau nhức xương
  • Băng huyết
Dược liệu cây long huyết
Lá cây huyết dụ sấy khô có tác dụng chữa bệnh trĩ

Theo y học hiện đại, dược liệu có những tác dụng chính sau:

  • Chống viêm: Một trong những lợi ích của cây huyết dụ là tác dụng chống viêm, giảm sưng nướu. Để làm lành và giảm thiểu cơn đau, đồng thời chống viêm ở nướu, bạn có thể dùng bột dược liệu trộn với chút muối và đắp lên nướu.
  • Kháng khuẩn: Các hoạt chất chứa trong dược liệu có tác dụng kháng khuẩn mạnh. Cụ thể, thảo dược có thể ức chế và tiêu diệt vi khuẩn Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumonia, Enterococcus, Salmonella typhi, Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli hoặc Streptococcus faecalis,…
  • Chống ung thư: Các dược chất có trong cây huyết dụ có tác dụng gây độc tế bào ung thư. Do đó, giúp dự phòng và chống ung thư.

Chính nhờ những tác dụng này, thảo dược thường được sử dụng điều trị các bệnh như:

  • Chữa bệnh trĩ
  • Giảm triệu chứng bệnh hen suyễn
  • Dự phòng ung thư
  • Điều hào kinh nguyệt
  • Chữa bệnh kiết lỵ
  • Giảm triệu chứng viêm loét do acid dạ dày

Cách dùng và liều lượng cây huyết dụ

Có thể sử dụng lá cây huyết dụ chữa bệnh dưới dạng tươi hoặc khô. Hình thức chữa bệnh bằng thảo dược thường là sắc, hãm trà hoặc giã đắp. Liều dùng dược liệu tươi là 20 – 25 gram. Còn ở dạng khô, sử dụng từ 10 – 25 gram/ ngày. Tùy theo mức độ bệnh lý cũng như độ tuổi và thể tạng của mỗi người khác nhau mà thầy thuốc chỉ định liều dùng không giống nhau.

Bài thuốc chữa bệnh từ cây huyết dụ

+ Điều trị chảy máu cam, ho ra máu hoặc chảy máu dưới da

Sử dụng 30 gram lá huyết dụ tươi, 20 gram cỏ nhọ nồi và 20 gram trắc bá diệp sao cháy. Tất cả đem sắc thuốc. Chia uống 2 – 3 lần/ngày.

+ Chữa bệnh ho ra máu

Dùng 10 gram lá huyết dụ sắc chung với 4 gram trắc bách diệp sao đen, 8 gram rễ rẻ quạt và 4 gram lá thài lài tía. Chia thuốc ra uống. Ngày uống 1 thang.

Chữa ho ra máu bằng cây huyết dụ
Uống nước sắc cây huyết dụ giúp chữa ho ra máu

+ Điều trị chứng mất kinh, bệnh lao phổi, tiểu ra máu hoặc thổ huyết

Dùng 60 – 100 gram lá cây huyết dụ tươi hoặc 30 – 60 gram rễ khô đem sắc nước và uống.

+ Điều trị băng huyết hoặc rong kinh

  • Bài 1: Hái 20 gram lá huyết dụ, 10 gram đài tồn tại của quả mướp, 10 gram rễ cỏ tranh và 8 gram rễ cỏ gừng. Sắc chung với 300 ml nước. Sau khi nước cạn còn 100 ml, chia làm 2 và uống.
  • Bài 2: Sử dụng 20 gram lá huyết dụ tươi với 10 gram hoa cau đực, 10 gram cành tử tô đem rửa sạch và thái nhỏ. Sau đó trộn với một ít tóc đốt thành than rồi sao vàng. Cuối cùng sắc thuốc uống. Mỗi ngày 1 thang.

+ Chữa phong thấp gây đau nhức hoặc đau do vết thương

Dùng 30 gram lá, hoa và rễ cây huyết dụ sắc chung với 15 gram huyết giác và uống.

+ Điều trị bạch đới, rong huyết, viêm ruột, hậu môn lở loét ra máu hoặc viêm dạ dày, trĩ nội

Sử dụng 40 gram huyết dụ tươi, 20 gram xích đồng nam và 20 gram cây lá bỏng. Tất cả đem rửa sạch và sắc uống. Ngày uống 2 – 3 lần, uống liên tục 5 – 7 ngày.

+ Chữa tiêu chảy ra máu, xuất huyết tử cung hoặc các loại bệnh chảy máu khác

Hái 40 – 50 gram lá cây huyết dụ  đem sắc nước uống. Có thể dùng dược liệu khô để điều trị bệnh. Tuy nhiên, liều lượng cần gia giảm, chỉ nên sử dụng 1/2 liều dùng tươi. Lưu ý, bài thuốc này không áp dụng ở đối tượng đẻ sót rau hoặc sau nạo thai.

+ Trị sốt xuất huyết, bao gồm cả chứng xuất huyết dưới da

Dùng 30 gram cây huyết dụ tươi đem sắc chung với trắc bá sao đen và cỏ nhọ nồi, mỗi vị 20 gram. Ngày uống 2 – 3 lần.

+ Chữa kiết lỵ

Chuẩn bị 20 gram huyết dụ tươi, 20 gram rau má và 12 gram cỏ nhọ nồi. Đem rửa sạch và giã nát. Cuối cùng thêm một ít nước vào, vắt lấy nước và chia ra uống ngày 2 lần.

+ Điều trị chứng tiểu ra máu

Sử dụng 20 gram cây huyết dụ tươi, 10 gram lá lẩu, 10 gram rễ cây rang, 10 gram lá tiết dê và 10 gram lá cây muối. Tất cả các dược liệu được rửa sạch và giã, lấy nước uống.

Lưu ý khi sử dụng cây huyết dụ

Tác dụng phụ gây hại sức khỏe có thể xảy ra khi dùng cây huyết dụ cho đến nay vẫn chưa được xác minh cụ thể. Tuy nhiên, để giảm thiểu yếu tố nguy cơ, bạn nên dùng dược liệu theo đúng hướng dẫn được khuyến cáo ban đầu. Ngoài ra, không nên dùng dược liệu ở phụ nữ đang mang thai hoặc sau khi sinh còn sót nhau.

Cây huyết dụ mặc dù có tác dụng hỗ trợ cải thiện nhiều bệnh lý nhưng bạn không nên tự ý sử dụng khi chưa có sự đồng ý từ thầy thuốc. Tốt nhất, các bạn nên thảo luận với bác sĩ về tác dụng, liều dùng cũng như thời gian sử dụng trước khi dùng.

→ Có thể bạn quan tâm:

Ngày Cập nhật 11/07/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *