Cây Kim Tiền Thảo Và Những Tác Dụng Chữa Bệnh Từ Dược Liệu

Cây kim tiền thảo còn gọi là rau má lông, rau má thìa với danh pháp khoa học là Desmodium styracifolium (Osb.) Merr. Trong Đông y, loại dược liệu này được bào chế thành thuốc trị sỏi bàng quang, sỏi mật, phong thấp, cảm cúm, kinh nguyệt không đều, trị mụn nhọt và một số bệnh lý khác.

Cây kim tiền thảo hay còn gọi là rau má lông, là cây thuộc họ Cánh bướm với danh pháp khoa học là Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.
Cây kim tiền thảo hay còn gọi là rau má lông, là cây thuộc họ Cánh bướm với danh pháp khoa học là Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.
  • Tên gọi khác: Bạch nhĩ thảo, Rau má lông, Rau má thìa, Liên tiền thảo, Bươm bướm, Vảy rồng, Mắt trâu,…
  • Tên khoa học: Desmodium styracifolium (Osb.) Merr.
  • Họ: Thuộc họ Cánh bướm (Fabaceae)

1. Đặc điểm sinh thái

Mô tả:

Cây kim tiền thảo là cây thân thảo. mọc bò. Khi trưởng thành, cây mọc dựng đứng và cao khoảng 500 cm. Ngọn cây non dẹt, khía. Toàn bộ thân cây có lông tơ nhỏ. Lá chét hình tròn, lá mọc so le, dài khoảng 1,5 – 3 cm. Lá hình hơi tim, đầu tù hoặc hơi lõm. Mặt trên của lá màu xanh lục xám nhạt, có gân. Mặt dưới lá có phủ một lớp lông trắng bạc. Cuống lá dài khoảng 1 – 2 cm.

Hoa màu tím trắng, tràng hoa hình cánh bướm, hoa mọc thành chùm khoảng 7 – 10 hoa nhỏ. Quả đầu hơi công, hạt có lông.

Phân bố:

Cây kim tiền thảo là loại cây ưa sáng, ưa ẩm và có thể chịu được sự khô hạn. Loại cây này thường mọc ở ven rừng, nương rẫy, đất bỏ hoang hoặc đồi núi thấp cao khoảng 600 mét.

Trên thế giới, cây kim tiền thảo được trồng nhiều ở các tỉnh phía nam nước Trung Quốc và nước Lào. Loại cây này cũng được tìm thấy khá nhiều ở nước ta, chủ yếu là các vùng núi thấp và trung du như các tỉnh Nghệ An, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Tây, Hòa Bình,…

2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

Bộ phận dùng: Dùng toàn thân cây kim tiền thảo để bào chế thành thuốc chữa bệnh.

Thu hái: Thời điểm thích hợp để thu hoạch cây kim tiền thảo là vào mùa hè, lúc ấy cây ra nhiều hoa và lá, năng suất thu lại cao.

Chế biến: Đem những phần cây đã thu hoạch rửa sạch nhiều lần với nước để loại bỏ bụi bẩn và lớp đất cát. Cắt thành từng đoạn nhỏ rồi đem phơi nắng hoặc sấy cho khô.

Bảo quản: Bảo quản dược liệu trong bọc kín, nơi thoáng mát, tránh bảo quản ở nơi ẩm móc hay vị trí tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

3. Thành phần hóa học

Trong cây kim tiền thảo có chứa các thành phần sau:

  • L – pinocamphone;
  • L -menthone;
  • L – pulegone;
  • A – pinene;
  • Limonene;
  • P – cymene;
  • Isopinocamphone;
  • Isomenthone;
  • Linalolo;
  • Menthol;
  • A – terpinol;
  • Ursolic acid;
  • B – sitosterol;
  • Palmitic acid;
  • Amino acid;
  • Tannins;
  • Choline;
  • Succinic acid;
  • Potassium nitrate;
  • Phenols;
  • Sterols.
  • Flavones;
  • Essential oils.

4. Tính vị – Quy kinh

Theo sách Dược điển nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xuất bản vào năm 1985, tính vị và quy kinh của dược liệu cây kim tiền thảo được ghi nhận như sau:

Tính vị: Vị ngọt, mặn, tính hơi hàn.

Quy kinh: Kinh Can, Đởm, Thận và Bàng quang.

5. Tác dụng dược lý

Theo y học hiện đại

Trong nền y học hiện đại đã đưa ra những công dụng của loại dược liệu này cụ thể như sau:

  • Tim mạch: Gây tê hệ thống tuần hoàn mạch vành, hạ áp lực động mạch, làm chậm nhịp tim và làm giảm oxy ở tim khi tiến hành thí nghiệm trên chó. Ở heo thì cơ tim co lại;
  • Mật: Khi thí nghiệm trên mật của chó, dược liệu kim tiền thảo làm tăng nhanh hệ bài tiết, khử sạn mật, giảm đau ở ống mật và giúp trị vàng da;
  • Hệ bài tiết: Có tác dụng lợi tiểu do thành phần hoạt chất potasium khi thí nghiệm ở chuột và thỏ;
  • Sỏi, sạn: Dược liệu kim tiền thảo giúp tống sỏi hoặc sản ở mật và đường tiểu;
  • Hỗ trợ điều trị bệnh viêm tuyến vú;
  • Điều trị một số bệnh lý do nhiễm khuẩn như: bệnh ho gà, lỵ, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn thương hàn,…

Theo y học cổ truyền

Trong Đông y, cây kim tiền thảo có những công dụng và chủ trị như sau:

Tác dụng:

  • Lợi thủy, giải độc, thanh nhiệt, tiêu viêm, tiêu sạn (theo Trung Dược Học);
  • Lợi thủy, tiêu tích tụ ở gan thận, thông lâm (theo Đông Dược Học Thiết Yếu);
  • Trị chứng nga chưởng phong, khứ phong, tán độc, trị ghẻ,… (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển);
  • Tống sỏi ở mật, gan và thận (theo Trung Dược Học).

Chủ trị:

  • Trị bệnh ở gan mật do kết sỏi, sạn, chữa chứng tiểu buốt, hoàng đản (theo Đông Dược Học Thiết Yếu);
  • Trị chứng nhiệt lâm, sỏi mật, hoàng đản, thạch lâm, ung nhọt do bị nhiệt trong cơ thể (theo Trung Dược Học).

6. Cách dùng – Liều dùng

Cách dùng: Dùng kim tiền thảo để sắc cùng với một số dược liệu khác hoặc dùng để hãm cùng với nước trà để dùng cải thiện bệnh lý.

Liều dùng: Dao động từ 20 – 40 gram/ ngày.

7. Những bài thuốc từ dược liệu cây kim tiền thảo

Dược liệu kim tiền thảo được sử dụng khá nhiều trong một số bài thuốc đã được nền Y học cổ truyền lưu trữ lại. Bạn đọc có thể tham khảo các bài thuốc dưới đây:

Cây kim tiền thảo có công dụng tiêu viêm, tiêu sạn, sỏi ở mật, tiểu đường, giúp giải độc, thanh nhiệt,...
Cây kim tiền thảo có công dụng tiêu viêm, tiêu sạn, sỏi ở mật, tiểu đường, giúp giải độc, thanh nhiệt,…

# Bài thuốc trị sỏi mật. sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang kèm các cơn đau ở bụng dưới, cơn đau kéo dài, đi tiểu buốt, lúc thông, lúc bí:

  • Nguyên liệu: Kim tiền thảo, cây ké đầu ngựa, rễ cỏ xước, cối xay, rễ cây đinh lăng, rễ cỏ tranh, mã đề, vỏ bi ngò, thổ phục linh mỗi vị 16 gram cùng với 10 gram mộc thông.
  • Cách thực hiện: Sắc một thang thuốc trên cùng với 5 chén nước. Sắc cô đặc còn lại khoảng 1 chén. Chắt lọc lấy phần nước để dùng và tiếp tục sắc để lấy thêm một chén thuốc. Mỗi ngày sử dụng 2 lần, mỗi lần sử dụng 1 chén. Nên dùng thuốc khi thuốc còn ấm, nếu thuốc nguội, nên hâm nóng lại trước khi sử dụng.

# Bài thuốc trị ghẻ lở, mụn nhọt trên da (Bạch Hổ Đơn):

  • Nguyên liệu: Kim tiền thảo tươi và rượu trắng.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch kim tiền thảo còn tươi rồi giã cho nát. Thêm một ít rượu rồi chắt lấy phần nước cốt. Dùng một nhúm bông gòn để chấm thấm nước cốt rồi dùng bôi lên vùng da bị ghẻ lở, da nổi mụn nhọt.

# Bài thuốc trị sỏi, sạn ở túi mật (Trung Dược Học):

Bài thuốc số 1:

  • Nguyên liệu: 30 gram kim tiền thảo, 10 – 15 gram chỉ xác (sao), 10 gram xuyên luyện tử, 10 gram hoàng tinh cùng với 6 – 10 gram sinh địa.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu vào trong nồi đất trừ sinh địa cùng với một lượng vừa đủ. Khi nước sôi, tiếp tục cho sinh địa và sắc cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại phân nửa để sử dụng. Dùng khi thuốc còn ấm.

Bài thuốc số 2:

  • Nguyên liệu: Kim tiền thảo và trần bì mỗi vị 30 gram, 15 gram xuyên phá thạch, 12 gram uất kim cùng với 10 gram xuyên quân.
  • Cách thực hiện: Cho toàn bộ nguyên liệu (trừ xuyên quân) vào trong nồi đất cùng với một lượng nước vừa đủ và tiến hành sắc trên ngọn lửa liu riu. Khi nước sôi, tiếp tục cho xuyên quân vào trong nồi. Sắc cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại phân nửa. Chắc lọc lấy phần nước để dùng.

# Bài thuốc trị sạn, sỏi đường tiểu (Trung Dược Học):

Bài thuốc số 1:

  • Nguyên liệu: Kim tiền thảo 30 – 60 gram, hải kim sa (gói vào túi vải), đông quỳ tử, xuyên phá thạch và hoạt thạch mỗi vị 15 gram cùng với 12 gram hoài ngưu tất.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu trên cùng cùng với nước để dùng khi còn nóng.

Bài thuốc số 2:

  • Nguyên liệu: 30 gram kim tiền thảo, 19 gram ô dược, 15 gram xa tiền tử (bọc vào túi vải), 12 gram xuyên ngưu tất cùng với xuyên sơn giáp, thanh bì, đào nhân mỗi vị 10 gram.
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu trên cùng với một lượng nước vừa đủ. Sắc cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại khoảng 2 chén là được. Chắc lọc lấy phần nước. Chia phần nước sắc dược thành hai phần nhỏ để dùng. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.

# Bài thuốc trị sỏi tiểu đường do thận hư thấp nhiệt (Trung Dược Học):

  • Nguyên liệu: 20 gram kim tiền thảo, 30 gram hoàng kỳ cùng với hải kim sa (gói vào túi vải), hoàng tinh, hoài ngưu tất, xuyên phá thạch và vương bất lưu hành mỗi vị 15 gram.
  • Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc cùng với 1 lít nước. Sắc cô đặc còn lại khoảng 250 – 300 ml để dùng để cải thiện bệnh lý.

# Bài thuốc chữa bệnh trĩ:

  • Nguyên liệu: 100 gram kim tiền thảo tươi hoặc 50 gram kim tiền thảo khô.
  • Cách thực hiện: Sắc lấy nước dùng để trị bệnh trĩ.

# Bài thuốc trị viêm đường mật do nhiễm khuẩn, nhiễm virus:

  • Nguyên liệu: 30 gram kim tiền thảo.
  • Cách thực hiện: Sắc lấy nước dùng để cải thiện chứng viêm đường mật do nhiễm khuẩn. Hoặc có thể giảm liều còn 20 gram hoặc 10 gram tùy thuộc vào từng đối tượng.

# Bài thuốc trị bệnh quai bị:

  • Nguyên liệu: Kim tiền thảo.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch nhánh kim tiền thảo tươi rồi giã nát, sau đó đem đắp lên vị trí sưng.

# Bài thuốc trị bỏng:

  • Nguyên liệu: Kim tiền thảo tươi.
  • Cách thực hiện: Rửa sạch nhánh cây kim tiền thảo bằng nước sạch. Giã nát rồi đem đắp lên vùng da bị bỏng. Giữ nguyên khoảng 10  -15 phút rồi rửa lại bằng nước sạch.

# Bài thuốc trị viêm túi mật, viêm gan, viêm thận:

  • Nguyên liệu: 40 gram kim tiền thảo, ngưu tất và mộc thông mỗi vị 20 gram cùng với 10 gram chút chít.
  • Cách thực hiện: Sắc một thang thuốc trên cùng với một lượng nước vừa đủ. Sắc cho đến khi lượng nước cô đặc còn lại phân nửa. Chắc lọc lấy phần nước rồi chia thành 2 phần nhỏ để dùng. Dùng thuốc khi thuốc còn ấm.

# Bài thuốc trị tiểu đau, tiểu ra máu, bí tiểu:

  • Nguyên liệu: Kim tiền thảo 30 gram, xa tiền thảo, tỳ giải, hoạt thạch mỗi vị 20 gram, thục địa 10 gram cùng với đan sâm và tục đoạn mỗi vị 9 gram
  • Cách thực hiện: Đem toàn bộ nguyên liệu trên sắc cùng với một lượng nước vừa đủ. Chia phần nước sắc được thành 2 – 3 phần nhỏ để sử dụng trong ngày. Người bệnh nên dùng thuốc khi thuốc còn ấm.

8. Một số lưu ý khi sử dụng dược liệu cây kim tiền thảo

Bên cạnh việc tuân thủ cách dùng và liều dùng dược liệu kim tiền thảo, người bệnh cũng cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với một số thành phần có trong dược liệu kim tiền thảo hoặc một số dược liệu khác có trong bài thuốc không được khuyến cáo sử dụng;
  • Theo Đông Dược Học Thiết Yếu, đối tượng mắc bệnh tiêu chảy, tỳ hư không được sử dụng các bài thuốc từ dược liệu cây kim tiền thảo;
  • Không lạm dụng dược liệu kim tiền thảo quá nhiều. Việc lạm dụng có thể dẫn đến một số tác dụng phụ ngoài ý muốn như: buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau bụng, kích ứng da, đau đầu,…;
  • Thận trọng khi sử dụng bài thuốc từ kim tiền thảo cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

Trên đây là những thông tin liên quan đến dược liệu cây kim tiền thảo cũng như một số bài thuốc trị bệnh hay và một số lưu ý khi sử dụng. Tuy nhiên, những thông tin trong bài viết chỉ mang giá trị tham khảo, người bệnh không được tự ý sử dụng những bài thuốc từ dược liệu này khi chưa có sự đồng ý của lương y hay bác sĩ có chuyên môn.

Bạn đọc có thể xem thêm:

Ngày Cập nhật 11/07/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *