Cây Mạch Môn - Tác Dụng Và Cách Ngâm Rượu Mạch Môn Trị Bệnh

Cây Mạch môn còn có tên gọi khác là Thông đông, Dương cửu, Dương tể, Ô cửu, Vũ cửu, Bất tử thảo… Dược liệu thuộc họ Mạch Môn Đông (danh pháp khoa học: Haemodoraceae). Nhờ đặc tính và thành phần hóa học đa dạng, dược liệu có tác dụng làm tăng huyết lượng động mạch vành, cải thiện lực co bóp cơ tim, giúp an thần. Ngoài ra, người ta còn sử dụng dược liệu để ngâm rượu giúp ích khí dưỡng huyết, bổ thận tráng dương.

Cây Mạch môn - Tác dụng và cách ngâm rượu mạch môn trị bệnh
Tìm hiểu tính vị, quy kinh, thành phần hóa học, tác dụng dược lý, chủ trị, rượu và những bài thuốc chữa bệnh từ cây Mạch môn

  • Tên gọi khác:  Thốn đông (Nhĩ Nhã), Dương cửu, Dương tề, Vũ cửu, Ô cửu, Ái cửu, Bộc điệp, Tuyệt cửu (Ngô Phổ Bản Thảo), Giai tiền thảo (Bản Thảo Cương Mục), Vũ phích, Dương Tử (Biệt Lục), Thốn Mạch Đông, Đại mạch đông, Bất tử thảo, Nhẫn lăng, Sa thảo tú căn, Hương đôn thảo, Thờ mạch đông, Tô đông, Qua hoàng (Hòa Hán Dược Khảo), Lan tiên, Củ Tóc tiên (Dược Liệu Việt Nam)
  • Tên khoa học: Ophiopogon japonicus Wall-
  • Thuộc họ: Mạch Môn Đông (danh pháp khoa học: Haemodoraceae)

Mô tả cây Mạch môn

Nhận dạng cây Mạch môn

Cây Mạch môn là một cây thuốc Nam quý. Cây thuộc loại cây thảo, sống lâu năm, xuất hiện với chiều cao từ 10 – 40cm. Rễ chùm. Phía trên của rễ có những chỗ phát triển mạnh tạo thành củ mẫm. Lá hẹp, có chiều rộng từ 1 – 4cm, dài từ 15 – 40cm, mọc từ gốc lên, phần gốc của lá hơi có bẹ.

Cán mang hoa có chiều dài từ 10 – 20cm, hoa xuất hiện với màu lơ nhạt, cuống có chiều dài từ 3 – 5mm, ở kẽ lá bắc mọc tập trung từ 1 – 3 hoa, màu trắng nhạt. Quả mọng có màu tím đen, đường kính khoảng 6mm. Bên trong quả chứa 1 – 2 hạt.

Mô tả dược liệu

Dược liệu Mạch môn có hình dáng giống với cái suốt vải, phần giữa tròn, béo mập, dẹt, không đầu. Dược liệu xuất hiện với chiều dài khoảng 1,6 – 3,3cm, phần giữa có đường kính từ 0,3 – 0,6cm. Mặt ngoài xuất hiện với màu vàng trắng, nửa trong suốt còn có vân dọc mịn. Bên trong chứa chất mềm dai. Mặt cắt ngang dược liệu có màu trắng, mịn, giống chất sáp.

Phần giữa của dược liệu có lõi cứng nhỏ, có thể rút ra. Khi nhai thì dính, vị ngọt, hơi có mùi thơm. Thứ to, chất mềm, có màu trắng nhạt, nhai dính là tốt. Thử nhỏ, nhai ít dính, màu vàng nâu là loại kém.

Phần rễ con của Mạch môn không được sử dụng để làm thuốc (Dược Tài Học).

Phân biệt

Rễ Mạch môn rất dễ bị nhầm lẫn với rễ cây Đạm trúc diệp (tên khoa học là Lophatherum gracile Brong, thuộc họ Lúa – danh pháp khoa học: Poaceae). Đôi khi có sự nhầm lẫn với rễ non, rễ nhỏ của cây Bách bộ (tên khoa học là Stenona tuberosa Lour., thuộc họ Bách bộ – danh pháp khoa học: Stemonaceae).

Phân bố

Dược liệu Mạch môn có nguồn gốc từ Nhật Bản. Hiện nay chúng được trồng ở nhiều nơi. Nhiều nhất là ở Hà Bắc, Hải Hưng và Hà Sơn Bình. Ở nước ta, dược liệu mọc hoang và được trồng nhiều ở Nghệ An, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam…

Bộ phận dùng

Sử dụng những củ có kích thước to bằng đầu đũa, vỏ trắng vàng, bên trong mềm, thịt ngọt, không bị teo, không bị mốc là tốt. Củ có vị đắng, cứng không nên sử dụng (theo Dược Liệu Việt Nam).

Bộ phận dùng của cây Mạch môn
Sử dụng những củ Mạch môn có kích thước to bằng đầu đũa, vỏ trắng vàng, bên trong mềm, thịt ngọt, không bị teo, không bị mốc là tốt

Tính vị

Tính bình, vị ngọt (theo Bản Kinh).

Tính hàn, vị hơi đắng (theo Y Học Khởi Nguyên).

Tính hàn, vị ngọt, hơi đắng (theo Trung Dược Học Đại Từ Điển).

Tính hàn, Vị ngọt, hơi đắng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Quy kinh

Quy vào kinh thủ Thái âm Phế (Thang Dịch Bản Thảo).

Quy vào kinh túc Dương minh, Thiếu âm, kiêm thủ Thái âm (theo Bản Thảo Kinh Sơ).

Quy vào kinh thủ Thái âm, thủ Thiếu âm (theo Bản Thảo Mông Thuyên).

Quy vào kinh Phế, Vị, Tâm (theo Trung Dược Học Đại Từ Điển).

Quy vào kinh Tâm, Phế, Vị (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Thu hái và chế biến

Thu hái

Thu hái vào tháng 7 đến tháng 8 hàng năm.

Chế biến

Chọn những củ già trên 2 năm, loại bỏ hết rễ con, sau đó mang đi rửa sạch.

  • Tẩm dược liệu trong nước nóng cho đến khi mềm, loại bỏ phần lõi. Nếu muốn tán dược liệu thành bột thì sau khi loại bỏ phần lõi, mang dược liệu sao nóng, để nguội. Thực hiện liên tục như vậy từ 3 – 4 lần cho đến khi dược liệu khô giòn thì mang tán bột (theo Lôi Công Bào Chích Luận).
  • Chu Mạch môn: Cho dược liệu vào chậu. Phun vào chậu một ít nước để dược liệu hơi mềm. Lấy một lượng vừa đủ bột mịn Chu sa rắc đều vào chậu, trộn đều để mặt ngoài có thể dính đều bột Chu sa. Sau đó mang dược liệu phơi khô là được (theo Dược Tài Học).
  • Không ngâm dược liệu lâu trong nước, rửa sạch cho nhanh, để ráo nước cho đến khi se vỏ, sử dụng nhíp cùn để rút bỏ phần lõi. Đối với củ to thì mang đi bổ đôi, sao qua hoặc phơi khô thì có thể sử dụng (theo Dược Liệu Việt Nam).
Thu hái và chế biến dược liệu Mạch môn
Thu hái và chế biến dược liệu Mạch môn

Bảo quản

Để dược liệu Mạch môn trong thùng kín, đặt tại vị trí khô ráo, thông thoáng bởi dược liệu rất dễ bị mốc.

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

  • Những người có khí kết ở ngực và bụng, người gầy đoán khí, vị lạc mạch tuyệt
  • Người bị hư lao nhiệt, phiền khát, miệng khô
  • Bệnh nhân bị lao phổi, viêm phế quản mạn, hội chứng phế kèm theo ho kéo dài, họng viêm mạn, ho khan
  • Chảy máu cam, thổ huyết, răng chảy máu
  • Người bị táo bón, hư nhiệt, bệnh nhiễm thời kỳ hồi phục, phiền khát.

Chống chỉ định

  • Bệnh nhân bị tiêu chảy cần thận trọng khi sử dụng cây Mạch môn (theo Trung Dương Học).
  • Tiêu chảy hoặc có thấp, Tỳ vị hư hàn kiêng sử dụng dược liệu (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
  • Không sử dụng dược liệu ở những người có Phế và Vị có nung nấu nhiệt bên trong (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).

Thành phần hóa học

Cây Mạch môn chứa những thành phần hóa học quan trọng sau:

Theo Trung Dược Học

  • Stgmasterol
  • Ruscogenin
  • B-Sitosterol
  • Ophiopogonin.

Theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược

  • Vitamin A
  • Saponin
  • Axit amin.
Cây Mạch môn chứa nhiều thành phần hóa học quan trọng và tốt cho sức khỏe
Cây Mạch môn chứa nhiều thành phần hóa học quan trọng và tốt cho sức khỏe

Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Cây Mạch môn mang nhiều lợi ích và tác dụng hữu hiệu đối với sức khỏe. 

  • Tác dụng đối với tim: Thuốc mang tác dụng bảo vệ bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu cơ tim, tăng huyết lượng động mạch vành, chống rối loạn nhịp tim, cải thiện lực co bóp cơ tim. Ngoài ra, trên thực nghiệm còn cho thấy thuốc có tác dụng an thần (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng đối với vi khuẩn: Thuốc mang tác dụng ức chế mạnh hoạt động của trực khuẩn đại trường, tụ cầu trắng, trực khuẩn thương hàn (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng tăng đường huyết: Một nghiên cứu về tác dụng của cây Mạch môn trên cơ thể của thỏ đã được thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng nước sắc Mạch môn để tiêm bắp cho thỏ giúp làm tăng đường huyết. Tuy nhiên một số báo cáo khác lại ghi chép kết quả ngược lại (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng nội tiết: Cồn được chiếc xuất từ Mạch môn hoặc nước sắc của dược liệu khi pha vào dịch truyền chích cho thỏ cho thấy tăng lượng dự trữ Glycogen, đảo Langerhans phục hồi nhanh so với lô đối chứng (theo Chinese Hebral Medicine).
  • Tác dụng kháng khuẩn: Bột thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của Stapylococus albus và E. Coli (theo Chinese Hebral Medicine).

Theo Y học cổ truyền

  • Chỉ ẩu thổ, tiêu cốc, cường âm ích tinh, bảo thần, điều trung, an ngũ tạng, định phế khí, làm cho cơ thể mập mạp, khỏe mạnh (theo Danh Y Biệt Lục).
  • Nhuận phế, thanh tâm (theo Bản Thảo Hối Ngôn).
  • Chỉ thấu, an thần (theo Nhật Hoa Từ Bản Thảo).
  • Bổ vị âm, giải khát, tư tân dịch (theo Bản Thảo Chính Nghĩa).
  • Dưỡng âm, thanh tâm, nhuận Phế, trừ phiền, sinh tân, ích vị (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Thanh tâm, nhuận phế, dưỡng vị, sinh tân (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Nhuận phế, ích vị sinh tân, dưỡng âm, thanh tâm, trừ phiền, nhuận trường (theo Trung Dược Học).

Chủ trị

Cây Mạch môn chủ trị các chứng:

  • Khí kết ở bụng và ngực, người gầy đoản khí, vị lạc mạch tuyệt, uống lâu nhẹ người, không già, không đối (theo Bản Kinh).
  • Nhiệt độc, phù thũng ở mặt, chân tay… giải phiền khát, nôn ra mủ, phế nuy, tiết tinh (theo Dược Tính Bản Thảo).
  • Người nặng, mắt vàng, hư hao nhiệt, dưới ngực đầy, miệng khô, phiền khát (theo Danh Y Biệt Lục).
  • Đau đầu, ngũ lão thất thường (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
  • Tâm phế hư nhiệt (theo Bản Thảo Diễn Nghĩa).
  • Miệng khô, ho ra máu, khát nước, táo bón sau khi sinh hoặc ở những người lớn tuổi (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
  • Hồi hộp, tâm khí bất túc, hay quên, lo sợ, tinh thần tán loạn, hơi thở ngắn, phế nhiệt phế táo, hư suyễn, hư lao, ho ra máu, sốt về chiều, táo bón, tỳ vị táo (theo Bản Thảo Hối Ngôn).
Chủ trị
Cây Mạch môn chủ trị các chứng hồi hộp, tâm khí bất túc, hay quên, lo sợ, tinh thần tán loạn, hơi thở ngắn, phế nhiệt phế táo, hư suyễn, hư lao, ho ra máu…

Liều lượng và cách dùng

Liều lượng

Dùng 8 – 30 gram/ngày.

Cách dùng

Sử dụng cao đơn hoàn tán hoặc dùng cho thuốc than. Nếu sử dụng thuốc để cường tim thì sử dụng liều cao hơn.

Bài thuốc điều trị bệnh

Vị thuốc Mạch môn được ứng dụng trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh và nâng cao sức khỏe.

Dùng rượu cây Mạch môn giúp ích khí dưỡng huyết, bổ thận tráng dương

Nguyên liệu:

  • 30 gram Mạch môn
  • 15 gram Sơn thù
  • 15 gram Đương quy
  • 15 gram Kỷ tử
  • 15 gram Cẩu tích
  • 15 gram Thỏ ty tử
  • 15 gram Nhân sâm
  • 1 đôi tắc kè
  • 2 lít rượu trắng.

Cách thực hiện:

  • Mang các vị thuốc rửa sạch, thái vụn
  • Cho thuốc và rượu vào bình kín
  • Ngâm rượu trong 3 tuần thì mang ra sử dụng
  • Uống 20ml rượu thuốc/lần x 3 lần/ngày sau mỗi bữa ăn.

Bài thuốc từ cây Mạch môn điều trị lao phổi, họng viêm mãn tính, viêm phế quản mãn tính, ho khan, có hội chứng phế kèm theo ho kéo dài (Mạch môn Đông Thang – Kim Quỹ Yếu Lược)

Nguyên liệu:

  • 20 gram Mạch môn
  • 6 gram Bán hạ chế
  • 12 gram Đảng sâm
  • 4 gram Cam thảo
  • 20 gram Ngạnh mễ
  • 4 quả đại táo.

Cách thực hiện:

  • Mang các vị thuốc rửa sạch
  • Sắc thuốc
  • Chắt lấy 300ml nước thuốc để uống. Uống thuốc trong 1 lần hoặc chia thành 2 lần uống
  • Sử dụng 1 thang/ngày.
Bài thuốc từ cây Mạch môn điều trị lao phổi, họng viêm mãn tính
Bài thuốc từ cây Mạch môn điều trị lao phổi, họng viêm mãn tính, viêm phế quản mãn tính, ho khan, có hội chứng phế kèm theo ho kéo dài (Mạch môn Đông Thang – Kim Quỹ Yếu Lược)

Bài thuốc điều trị thổ huyết, chảy máu cam không cầm bằng cây Mạch môn (theo Hoạt Nhân Bản Kinh)

Nguyên liệu:

  • 480 gram Mạch môn đã loại bỏ lõi.

Cách thực hiện:

  • Nghiền nát dược liệu, ép lấy nước cốt
  • Thêm một ít mật ong vào nước cốt
  • Chia thuốc thành 2 lần uống, sử dụng trong ngày.

Bài thuốc điều trị chảy máu cam từ vị thuốc Mạch môn (theo Bảo Mệnh Tập)

Nguyên liệu:

  • 20 gram Mạch môn đã loại bỏ lõi
  • 20 gram Sinh địa.

Cách thực hiện:

  • Mang các vị thuốc đun cùng với 400ml nước lọc
  • Bỏ bã, lấy phần nước để uống
  • Sử dụng 1 thang/ngày.

Bài thuốc từ cây Mạch môn trong điều trị răng chảy máu (theo Lan Thất Bảo Giám)

Nguyên liệu: 

  • 20 gram Mạch môn.

Cách thực hiện:

  • Mang dược liệu sắc lấy nước thuốc và uống trong ngày
  • Sử dụng 1 thang/ngày đến khi răng hết chảy máu.

Bài thuốc từ Mạch môn điều trị Tỳ và Phế có hư nhiệt bốc lên, họng lở loét (Phổ Tế Phương)

Nguyên liệu:

  • 40 gram Mạch môn
  • 20 gram Hoàng liên
  • Mật ong nguyên chất với liều dùng vừa đủ.

Cách thực hiện:

  • Mang hai vị thuốc tán nhuyễn
  • Trộn thuốc bột cùng với mật ong nguyên chất để làm hoàn có kích thước to bằng hạt ngô
  • Uống 20 viên/lần. Uống cùng với nước sắc Mạch môn.
Bài thuốc từ Mạch môn điều trị Tỳ và Phế có hư nhiệt bốc lên, họng lở loét
Bài thuốc từ Mạch môn điều trị Tỳ và Phế có hư nhiệt bốc lên, họng lở loét (Phổ Tế Phương)

Bài thuốc từ cây Mạch môn trị tiêu khát (Hải Thượng Phương)

Nguyên liệu:

  • 20 gram Mạch môn đã loại bỏ lõi
  • 20 gram Hoàng liên

Cách thực hiện:

  • Mang các vị thuốc đun cùng với 400ml nước lọc
  • Bỏ bã, lấy phần nước để uống
  • Sử dụng 1 thang/ngày.

Bài thuốc từ cây Mạch môn điều trị hư lao, Tâm phế có hư nhiệt, cốt chưng, khách nhiệt, lao nhiệt (theo Bản Thảo Diễn Nghĩa)

Nguyên liệu:

  • Mạch môn
  • Sa sâm
  • Ngũ vị tử
  • Miết giáp
  • Thanh hao
  • Địa hoàng
  • Ngưu tất
  • Thược dược
  • Ngô thù du
  • Thiên môn
  • Mật ong nguyên chất
  • Liều dùng các vị thuốc bằng nhau.

Cách thực hiện:

  • Mang tất cả vị thuốc rửa sạch, phơi khô, tán nhuyễn
  • Trộn thuốc bột cùng với mật ong nguyên chất để làm hoàn có kích thước to bằng hạt ngô
  • Uống từ 10 – 20 gram thuốc/ngày.

Bài thuốc từ cây Mạch môn điều trị vinh khí muốn tuyệt (theo Nam Dương Hoạt Nhân Thư)

Nguyên liệu:

  • 40 gram Mạch môn
  • 80 gram Chích thảo
  • Hàng mễ ½ mộc
  • 2 quả Táo
  • 10 lá Trúc điệp.

Cách thực hiện:

  • Mang tất cả vị thuốc sắc cùng với 2 thăng nước còn 1 thăng
  • Chia thuốc thành 3 lần uống
  • Sử dụng 1 thang thuốc/ngày. 

Bài thuốc điều trị khát uống không ngừng, hạ lỵ bằng dược liệu Mạch môn (Tất Hiệu Phương)

Nguyên liệu:

  • 120 gram Mạch môn bỏ lõi
  • 20 trái Ô mai nhục.

Cách thực hiện:

  • Mang tất cả vị thuốc sắc cùng với 1 thăng nước còn 7 hộc
  • Uống dần trong ngày
  • Sử dụng 1 thang thuốc/ngày. 
Bài thuốc điều trị khát uống không ngừng, hạ lỵ bằng dược liệu Mạch môn
Bài thuốc điều trị khát uống không ngừng, hạ lỵ bằng dược liệu Mạch môn (Tất Hiệu Phương)

Bài thuốc trị táo bón, bệnh nhiễm thời kỳ hồi phục, phiền khát, hư nhiệt bằng cây Mạch môn (Dưỡng Chính Thang – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược)

Nguyên liệu:

  • 12 gram Mạch môn
  • 20 gram Ngọc trúc
  • 12 gram đương quy
  • 16 gram Hà thủ ô
  • 16 gram Thục địa
  • 12 gram Sinh địa
  • 8 gram Phục linh
  • 16 gram Hoài sơn
  • 8 gram Nữ trinh tử
  • 8 gram Thiên hoa phấn
  • 8 gram Bạch thược
  • 4 gram Chích thảo.

Cách thực hiện:

  • Mang các vị thuốc rửa sạch
  • Sắc thuốc với 800ml nước
  • Sắc còn 300ml nước thuốc để uống. Uống thuốc trong 1 lần hoặc chia thành 2 lần sử dụng trong ngày
  • Sử dụng 1 thang/ngày.

Bài thuốc từ cây Mạch môn điều trị suy tim, ra mồ hôi nhiều, có chứng hư thoát, mạch nhanh, huyết áp hạ (Sinh Mạch Tán – Nội Ngoại Thương Biện Hoặc Luận)

Nguyên liệu:

  • 16 gram Mạch môn
  • 8 gram Nhân sâm hoặc Đan sâm (lượng gấp đôi)
  • 6 gram Ngủ vị tử.

Cách thực hiện: 

  • Mang tất cả vị thuốc sắc cùng với 1 thăng nước còn 7 hộc
  • Uống dần trong ngày
  • Sử dụng 1 thang thuốc/ngày. 

Bài thuốc từ cây Mạch môn điều trị suy tim, ra mồ hôi nhiều, có chứng hư thoát, mạch nhanh, huyết áp hạ kèm theo bứt rứt khó chịu (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược)

Nguyên liệu:

  • 20 gram Mạch môn
  • 8 gram Đương quy
  • 8 gram Hoàng kỳ
  • 4 gram Ngũ vị tử
  • 4 gram Chích thảo.

Cách thực hiện:

  • Mang tất cả vị thuốc sắc cùng với 1 thăng nước
  • Sắc còn 7 hộc
  • Chia thuốc thành 2 lần uống
  • Sử dụng 1 thang thuốc/ngày.

Bài thuốc trị táo nhiệt hại phế, đờm dính, ho khan, họng đau bằng vị thuốc Mạch môn (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)

Nguyên liệu:

  • 5 gram Mạch môn
  • 10 gram Thạch cao
  • 12 gram Tang diệp
  • 4 gram Cam thảo
  • 4 gram Mè đen
  • 3 gram Hạnh nhân
  • 3 gram A giao
  • 4 gram Tỳ bà diệp.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch, sắc thuốc
  • Chắt lấy nước thuốc để uống dần trong ngày
  • Mỗi ngày uống một thang thuốc.
Bài thuốc trị táo nhiệt hại phế, đờm dính, ho khan, họng đau bằng vị thuốc Mạch môn
Bài thuốc trị táo nhiệt hại phế, đờm dính, ho khan, họng đau bằng vị thuốc Mạch môn (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)

Bài thuốc điều trị họng đau, Vị và Phế bị táo nhiệt, họng khô, ho ít đờm bằng cây Mạch môn (Nhị Đông Cao – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)

Nguyên liệu:

  • 1 kg Mạch môn
  • 1 kg Thiên môn
  • 0,5kg Mạch nha.

Cách thực hiện:

  • Nấu Mạch môn và Thiên môn thành cao
  • Tiếp tục thêm Mạch nha, trộn đều
  • Mỗi ngày uống 3 lần thuốc trước bữa ăn. Mỗi lần uống từ 1 – 2 thìa canh. 

Bài thuốc từ cây Mạch môn chữa táo bón do âm hư (Tăng Dịch Thang – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)

Nguyên liệu:

  • 20 gram Mạch môn đông
  • 20 gram Sinh địa
  • 12 gram Huyền sâm.

Cách thực hiện:

  • Mang nguyên liệu rửa sạch
  • Sắc thuốc 
  • Lọc lấy 300ml nước thuốc để uống dần trong ngày
  • Sử dụng một thang mỗi ngày để bệnh tình thuyên giảm.

Bài thuốc chữa nhiệt bệnh làm tổn thương tâm phiền, phần âm, tinh hồng nhiệt, khát, thần trí mê muội, đơn độc phát ban bằng cây Mạch môn (Thanh Doanh Thanh – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)

Nguyên liệu:

  • 12 gram Mạch môn
  • 20 gram Huyền sâm
  • 24 gram Sinh địa
  • 4 gram Tê giác
  • 12 gram Tinh tre
  • 16 gram Đan sâm
  • 16 gram Kim ngân hoa
  • 16 gram Liên kiều
  • 4 gram Hoàng liên.

Cách thực hiện:

  • Sắc thuốc cùng 600ml nước sau khi rửa sạch
  • Thuốc còn 200ml thì tắt bếp
  • Uống thuốc khi còn ấm nóng
  • Mỗi ngày uống 1 thang.

Bài thuốc trị bệnh động mạch vành từ vị thuốc Mạch môn

Nguyên liệu:

  • Mạch môn.

Cách thực hiện:

  • Sắc dược liệu để lấy nước thuốc
  • Uống 10ml nước thuốc sắc (chứa 15 gram thuốc sống)/lần x 3 lần/ngày. Liệu trình từ 3 – 18 tháng.
  • Hoặc tiêm bắp 4ml dung dịch tiêm Mạch môn (mỗi ống 2ml có 4 gram thuốc), chia thuốc thành 1 – 2 lần chích. Sử dụng từ 2 – 4 tháng là 1 liệu trình.
  • Hoặc mỗi ngày tiêm tĩnh mạch cùng với 40ml dung dịch tiêm Mạch môn (mỗi ống 10ml chứa 10 gram thuốc sống). Sử dụng 1 tuần.
Bài thuốc trị bệnh động mạch vành từ vị thuốc Mạch môn
Bài thuốc trị bệnh động mạch vành từ vị thuốc Mạch môn

Thông tin về cây Mạch môn trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh cần chủ động liên hệ và trao đổi với những người có chuyên môn hoặc bác sĩ chuyên khoa nhằm xác định mức độ an toàn. Đồng thời xác định hiệu quả điều trị bệnh của những bài thuốc từ dược liệu trước khi sử dụng.

Ngày Cập nhật 12/07/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *