Cây Mật Nhân (Bá Bệnh) - Công Dụng Và Các Bài Thuốc Trị Bệnh

Cây Mật nhân còn được gọi là cây Bá bệnh, tên khoa học là Eurycoma longifolia Jack. (Crassula pinnata Lour). Loại thảo dược này mang trong mình tính mát, vị đắng, quy vào kinh Can, Thận. Nhờ đó, thảo dược có khả năng thanh nhiệt cơ thể, lợi tiểu. Ngoài ra, dược liệu chuyên chủ trị các chứng đi tiểu ra máu, chàm ở trẻ em, chướng hơi, đau mỏi lưng, ăn lâu tiêu, đầy bụng…

Cây Mật nhân (Bá bệnh) - Công dụng và các bài thuốc trị bệnh
Tìm hiểu Cây Mật nhân (Bá bệnh), công dụng, đặc tính, cách dùng, liều lượng và các bài thuốc trị bệnh

  • Tên khác: Bá bệnh, Mật nhơn, Bách bệnh, long jack (Mỹ), tho nan (Lào), tongkat ali (Malaysia), Hậu phác nam, Hậu phác
  • Tên khoa học: Eurycoma longifolia Jack. (Crassula pinnata Lour).
  • Thuộc họ: Thanh thất (danh pháp khoa học: Simaroubaceae)

Mô tả về cây Mật nhân

Đặc điểm của cây Mật nhân

Cây Mật nhân (Bá bệnh) là một loại cây bụi. Thảo dược có thân mảnh, xuất hiện với chiều cao khoảng 10m. Thân cây thường không phân nhánh, mọc thẳng đứng. Lớp vỏ bao bọc phía ngoài của thân cây có màu vàng ngà hoặc màu trắng xám.

Cây có lá mọc kép, chứa khoảng 30 – 40 lá chét. Chúng mọc đối xứng với nhau có mặt dưới màu trắng và mặt trên màu xanh bóng. Lá kép có kích thước dài đến 1 mét. Trong khi đó những lá chét thường có chiều ngang tối đa là 6cm và có chiều dài giao động từ 5 – 20cm.

Khi trưởng thành, cây Mật nhân cho ra rất nhiều quả và hoa. Từ tháng 1 đến tháng 2 là mùa hoa. Hoa thuộc dạng lưỡng tính. Chúng xuất hiện ở những nách lá, tạo thành từng cụm nhỏ hình chùy và có màu đỏ nâu. Cánh hoa mềm mại và có kích thước khá nhỏ, có nhiều lông tơ mịn bao quanh.

Từ tháng 4 đến tháng 5 là mùa quả. Quả Mật nhân xuất hiện với hình trứng. Bên trong quả chứa một hạt. Vỏ quả cứng và có rãnh nhỏ ở giữa. Quả xuất hiện với màu nâu vàng khi còn non. Quả sẽ chuyển dần sang màu nâu đỏ khi chín. Khi gặp điều kiện thuận lợi, quả chín rụng dưới đất sẽ đâm chồi. Đồng thời phát triển thêm nhiều cây con mới.

Mô tả dược liệu

  • Rễ xuất hiện với hình trụ tròn. Chúng được cắt thành những khúc ngắn có bán kính từ 1 – 4cm, kích thước khoảng 40cm, bề mặt hơi cong
  • Phía ngoài trơn láng hoặc xù xì nếu xuất hiện cùng với nhiều rễ con, có màu vàng nâu
  • Cắt ngang rễ không thấy vân, có màu trắng ngà
  • Chất cứng, rất khó bẻ gãy bằng tay.
Đặc điểm của dược liệu Mật nhân
Đặc điểm của dược liệu Mật nhân

Bộ phận dùng 

Trừ hoa, tất cả những bộ phận tồn tại trên cây Mật nhân đều được sử dụng để làm thuốc. Bao gồm: Rễ, thân cây, lá, lớp vỏ bên ngoài của thân cây, quả. Trong số những bộ phận này, rễ Mật nhân được dùng phổ biến nhất.

Tính vị

Vị mát, tính đắng.

Quy kinh

Quy vào kinh Can, Thận.

Thu hái và chế biến

Thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Sau khi thu hái, rửa sạch quả và lá cây, sau đó mang phơi khô ngay. Đối với thân cây, rễ, và vỏ thân, sau khi thu hái, chặt chúng thành từng khúc ngắn. mang sấy hoặc phơi cho thật khô.

Bảo quản

Sau khi phơi khô, cho dược liệu vào bao ni lông, dùng dây buột chặt miệng bao lại. Sau đó mang túi dược liệu bảo quản ở những nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh bảo quản ở những vị trí ẩm ướt vì sẽ khiến dược liệu bị ẩm móc.

Bảo quản Mật nhân
Sau khi phơi khô, cho dược liệu Mật nhân vào bao ni lông, dùng dây buột chặt miệng bao lại, bảo quản ở những nơi khô ráo và thoáng mát

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

  • Những người bị liệt dương, suy giảm chức năng sinh lý
  • Người có cơ thể thường xuyên mệt mỏi, gầy yếu, người bị mất ngủ
  • Phụ nữ huyết kém, khí hư
  • Nam giới mắc chứng tinh trùng loãng, vô sinh
  • Những người mắc bệnh viêm đa khớp, bệnh gout hoặc các bệnh xương khớp khác
  • Người già có chân tay bị tê buốt
  • Người có khối u, u bướu
  • Bệnh nhân mắc bệnh đường ruột, ăn uống không tiêu, tiêu hóa kém, phân sống
  • Men gan cao, xơ gan, viêm gan, suy gan, viêm gan B.

Chống chỉ định

  • Phụ nữ đang mang thai
  • Những người có thể trạng quá yếu, cụ thể như người mắc bệnh ung thư
  • Trẻ em dưới 10 tuổi
  • Bệnh nhân bị tim mạch hoặc có những vấn đề liên quan đến bệnh tim mạch
  • Người bị đái tháo đường
  • Những bệnh nhân đang gặp vấn đề ở tuyến tiền liệt.
  • Những người đang điều trị bệnh bằng thuốc Tây. Bởi những hoạt chất được tìm thấy trong cây Mật nhân có khả năng tác động và làm thay đổi khả năng điều trị bệnh của các loại thuốc.

Thành phần hóa học

Khi tiến hành phân tích thành phần của cây Mật nhân, các nhà nghiên cứu đã tìm ra những hợp chất sau:

  • Các Alcaloid: Bao gồm 10-dimethoxycanthin và carbolin.
  • Chất đắng: Chất đắng được tìm thấy trong vỏ cây là 2. 6 dimethoxybenzoquinon và Eurycomalacton.
  • Hợp chất Quassinoid: Eurycomalacton, 15-β-dihydroxyklaineanon, Longilacton…
  • Hợp chất Triterpen: Hyspidron, Niloticin, Piscidinol A.
  • Một số hoạt chất khác: 2-O-β-D-glucopyranosid, 6 – dion, β-sitosterol, Eurycoinanol, Campestrol…
Thành phần hóa học của Mật nhân
Cây Mật nhân chứa nhiều thành phần hóa học quan trọng và có lợi cho sức khỏe

Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Những tác dụng dược lý từ cây Mật nhân đã được chứng minh:

  • Hàm lượng testosteron trong huyết thanh trên cơ thể của động vật giống đực được xác định là có gia tăng đáng kể sau khi cho động vật thí nghiệm sử dụng chiết xuất từ thân và rễ của cây Mật nhân. Chính vì thế, các nhà khoa học tin rằng chiết xuất từ dược liệu có khả năng cải thiện chức năng sinh lý ở nam giới và làm tăng nội tiết tố nam.
  • Thử nghiệm nuôi cấy In vitro đã được thực hiện. Kết quả cho thấy, lượng cao được chiết xuất từ dược liệu có khả năng ức chế hoạt động và sự phát triển của ký sinh trùng gây sốt rét.
  • Thử nghiệm thuốc được bào chế từ dược liệu Mật nhân, cây Trâm bầu và cây Xấu hổ trên chuột cống trắng đã được thực hiện. Kết quả cho thấy sự kết hợp này mang tác dụng lợi mật rõ rệt. Bên cạnh đó, khi thực hiện với chuột có gan bị tổn thương, thuốc còn phát huy tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo các tế bào gan. Đồng thời làm giảm những tác hại của carbon tetraclorid đối với gan. Khi sử dụng thuốc trên bệnh nhân, thuốc phát huy tác dụng làm giảm bilirubin trong máu.

Theo Y học cổ truyền

Dược liệu Mật nhân mang tác dụng:

  • Lợi tiểu
  • Thanh giải lý nhiệt
  • Điều trị chàm ở trẻ em
  • Chữa đau nhức lưng
  • Trị đi tiểu ra máu
  • Điều trị đầy bụng, chướng hơi, ăn lâu tiêu
  • Lá điều trị lở ngứa, trị giun, giải rượu
  • Quả giúp điều trị bệnh lỵ.

Cách dùng và liều lượng

Cách dùng

Dùng khô sắc lấy nước uống, nấu thành cao, tán bột làm hoàn hoặc ngâm rượu. Có thể sử dụng riêng lẻ hoặc sử dụng phối hợp cùng với những vị thuốc khác để chữa bệnh.

Liều lượng

Dùng từ 4 – 6 gram/ngày.

Cách sử dụng và liều dùng vị thuốc Mật nhân
Cách sử dụng và liều dùng vị thuốc Mật nhân

Tác dụng phụ

Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện khi bạn sử dụng cây Mật nhân. Đặc biệt là khi người bệnh tùy tiện phối hợp dược liệu với những vị thuốc Đông y khác hoặc khi sử dụng quá liều.

  • Đau bụng
  • Buồn nôn
  • Đau đầu
  • Nôn ói
  • Hạ huyết áp.

Bài thuốc điều trị bệnh

Nhờ đặc tính, tác dụng và thành phần hóa học đa dạng, cây Mật nhân được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh.

Bài thuốc từ dược liệu Mật nhân điều trị chàm ở trẻ em, ghẻ, lở ngứa

Nguyên liệu:

  • Lá Mật nhân với liều lượng tùy chỉnh.

Cách thực hiện:

  • Sau khi rửa sạch, mang dược liệu nấu sôi để lấy nước tắm, ngâm và rửa sạch chỗ bị chàm
  • Tiếp tục giã lá trong cối, đắp lên vùng da đang bị bệnh
  • Áp dụng bài thuốc cho đến khi khỏi bệnh.

Bài thuốc điều trị ăn không tiêu, đầy bụng từ cây Mật nhân

Nguyên liệu:

  • 12 gram vỏ thân cây Mật nhân
  • 8 gram Trần bì
  • 6 gram Đậu khấu
  • 4 gram Can khương
  • 12 gram Xích phục linh
  • 4 gram Cam thảo.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch các vị thuốc
  • Sắc thuốc cùng 500ml nước lọc
  • Sau 20 phút, tắt bếp
  • Chắt lấy nước thuốc để uống
  • Mỗi ngày sử dụng một thang. Áp dụng bài thuốc liên tục từ 5 – 7 ngày.
Bài thuốc điều trị ăn không tiêu, đầy bụng từ cây Mật nhân
Bài thuốc điều trị ăn không tiêu, đầy bụng từ cây Mật nhân

Bài thuốc từ vị thuốc Mật nhân điều trị đau bụng khi có kinh, phụ nữ kinh huyệt không thông

Nguyên liệu:

  • 15 gram rễ Mật nhân.

Cách thực hiện:

  • Mang vị thuốc sắc uống mỗi ngày 1 thang
  • Sử dụng bài thuốc liên tục từ 7 – 10 ngày.

Bài thuốc từ vị thuốc Mật nhân giúp kích thích tiêu hóa, bổ dạ dày

Nguyên liệu:

  • 20 gram rễ Mật nhân
  • 10 quả chuối sứ
  • 1 lít rượu trắng.

Cách thực hiện:

  • Chuối sứ mang đi rửa sạch, phơi khô sau đó nướng vàng
  • Cho chuối cùng rễ Mật nhân vào bình
  • Rót thêm rượu và ngâm trong 7 ngày
  • Khi cần lấy 20ml rượu thuốc để uống
  • Người bệnh cần kiên trì sử dụng rượu thuốc 3 lần/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.

Bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị yếu sinh lý ở nam giới, tăng cường sinh lực bằng cây Mật nhân

Nguyên liệu:

  • 400mg Mật nhân
  • 50mg tinh chất Nhân sâm
  • 50mg Linh chi.

Cách thực hiện:

  • Mang tất cả vị thuốc bào chế thành viên nang
  • Sử dụng thuốc cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
Bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị yếu sinh lý ở nam giới, tăng cường sinh lực bằng cây Mật nhân
Bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị yếu sinh lý ở nam giới, tăng cường sinh lực bằng cây Mật nhân

Bài thuốc từ cây Mật nhân điều trị tê lạnh cơ thể, liệt nửa người bên phải

Nguyên liệu:

  • 4 gram Mật nhân
  • 8 gram cây Xấu hổ
  • 8 gram Đậu chiều
  • 8 gram dây Trâu cổ
  • 6 gram cây Thần sa
  • 5 gram quả Hồ tiêu chín, phơi khô, loại bỏ lớp vỏ ngoài, quế chi
  • 10 gram rễ Đinh lăng
  • 3 gram Gừng tươi.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch các vị thuốc
  • Sắc thuốc cùng 800ml nước lọc
  • Sau 20 phút, tắt bếp
  • Chắt lấy nước thuốc để uống
  • Mỗi ngày sử dụng một thang.

Bài thuốc điều trị âm huyết suy kém từ dược liệu Mật nhân

Nguyên liệu:

  • 6 gram Mật nhân
  • 2 gram Dây ký sinh
  • 12 gram Đậu đen
  • 10 gram Hà thủ ô đỏ
  • 8 gram cây Gùi
  • 8 gram Tang chi
  • 8 gram cây Huyết rồng
  • 8 gram rễ Cỏ xước
  • 8 gram muống biển.

Cách thực hiện: 

  • Mang vị thuốc sắc uống mỗi ngày 1 thang
  • Uống thuốc ngay khi còn ấm, bỏ bã
  • Người bệnh cần kiên trì sử dụng bài thuốc liên tục từ 7 – 10 ngày.

Bài thuốc chữa ăn lâu tiêu, đầy bụng, đau bụng, chướng hơi từ vị thuốc Mật nhân

Nguyên liệu:

  • 50 gram cây Mật nhân
  • 50 gram củ Gấu
  • 50 gram củ Sả
  • 50 gram Tiêu lốt
  • 100 gram vỏ Quýt
  • 100 gram Thổ cam thảo
  • 100 gram Dây mơ
  • 100 gram Thổ hoắc hương
  • 100 gram Nhân trần
  • 100 gram Xuyên phác
  • 100 gram Dây rơm.

Cách thực hiện:

  • Sau khi rửa sạch và phơi khô các vị thuốc, tán thuốc thành bột mịn
  • Bảo quản thuốc trong bình thủy tinh có nắp
  • Mỗi ngày lấy 12 gram thuốc bột uống cùng với nước lọc (liều dùng cho người lớn). Trẻ em sử dụng thuốc với liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Người bệnh cần kiên trì sử dụng bài thuốc cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
Bài thuốc chữa ăn lâu tiêu, đầy bụng, đau bụng, chướng hơi từ vị thuốc Mật nhân
Bài thuốc chữa ăn lâu tiêu, đầy bụng, đau bụng, chướng hơi từ vị thuốc Mật nhân

Lưu ý

  • Rễ Mật nhân mang vị đắng. Nếu ngâm vị thuốc với rượu, người bệnh không nên sử dụng rượu thuốc quá nhiều trong ngày.
  • Không nên sử dụng nồi hoặc ấm có chất liệu kim loại để sắc thuốc. Bởi kim loại có thể tác động và làm giảm dược tính của thuốc.
  • Đối với những trường hợp bệnh nặng, người bệnh sử dụng dược liệu Mật nhân liên tục trong 3 tháng. Sau 3 tháng dùng thuốc nghỉ 1 tháng. Sử dụng tiếp liệu trình mới. Người bệnh không nên uống thuốc quá 3 tháng vì điều này có thể làm tăng cao nguy cơ mắc phải tác dụng phụ ngoài ý muốn.

Thông tin về công dụng, đặc tính và những bài thuốc điều trị bệnh của cây Mật nhân (Bá bệnh) trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tối đa mức độ an toàn và tính hiệu quả, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc những người có chuyên môn trước khi sử dụng vị thuốc.

Ngày Cập nhật 19/08/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *