Cây Thồm Lồm - Công Dụng Trị Bệnh Và Cách Sử Dụng

Cây thồm lồm là loại cây mọc dại, có tác dụng chữa bệnh các bệnh lý ngoài da như chốc mép, mụn nhọt, chốc đầu hoặc eczema,… Ngoài ra, dược liệu còn dùng cải thiện tình trạng đau do dạ dày gây nên. Mặt khác, nhân gian còn dùng lá cây làm thuốc chữa trị hoặc ho gà, sốt,…

Cây thồm lồm
Cây thồm lồm chữa bệnh gì? Cách sử dụng như thế nào?

+ Tên khác: Đuôi tôm, xích địa lợi, lá luồm, hỏa mẫu thảo hoặc mía bẹm, mía mung,…

+ Tên khoa học: Polygonum chinense I.

+ Họ: Rau răm Polygonaceae

Đặc điểm thực vật của cây thồm lồm

Cây thồm lồm là loại cây thân thảo sống dai, có chiều dài khi mọc bò hoặc leo từ 2 – 3 m. Thân cây có màu đỏ nâu và có rãnh dọc. Lá cây hình bầu dục, hơi thuôn với ngọn lá hẹp nhọn. Mép lá không có răng cưa với cuống lá ngắn. Hoa mọc thành cụm hình xim, thương mọc ở đầu cành dài. Cụm hoa mang nhiều hoa nhỏ, có màu trắng. Quả cây nhỏ, có 3 cạnh thuôn dài và có hạnh cứng ở chính giữa. Khi sống quả có màu xanh và chín có màu đen.

Phân bố và môi trường sống của cây thồm lồm

Cây thồm lồm tìm thấy nhiều ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như:

  • Trung Quốc
  • Nhật Bản
  • Indonexia
  • Lào
  • Ấn Độ
  • Mianma

Ở Việt Nam, cây mọc nhiều ở vùng đồi núi, ven đường hoặc ruộng khô.

Thành phần hóa học của cây thồm lồm

Dược liệu chứa các thành phần sau:

  • Anthraquinon
  • Myricyl alcol
  • Rheum emodin
  • Vitamin C
  • Glucosid
  • Rubin
  • Oxymethylanthraquinon
  • Caroten
Hình ảnh cây thồm lồm
Hoa cây thồm lồm có màu trắng

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản cây thồm lồm

  • Bộ phận dùng: Toàn cây
  • Thu hái: Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm
  • Chế biến: Dược liệu có thể dùng tươi hoặc khô. Đối với dạng khô, sau khi thu hoạch về rửa sạch và phơi hoặc sấy khô
  • Bảo quản: Tránh nơi ẩm ướt và ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp

Tính vị và qui kinh của cây thồm lồm

  • Tính vị: Tính bình và vị ngọt, hơi chua
  • Qui kinh: Can, Tỳ và Đại Trường

Tác dụng của cây thồm lồm

Theo tài liệu tập 2 của Quảng Tây trung dược chí sản xuất năm 1963 cho biết, dược liệu có tác dụng chính sau:

  • Giải độc, thanh nhiệt
  • Trừ thấp
  • Tiêu thủng chỉ thống (giúp làm hết đau)
  • Ung thững sưng đau
  • Chữa bệnh lỵ
  • Trị bì phu thấp độc

Theo Nguyễn Xuân Hiều công tác tại Khoa da liễn Quân y 108 (Sức khỏe, 79-7/1968) cho biết, cây thồm lồm có tác dụng chữa:

  • Thồm lồm ăn tai (loét kẽ tai) do nhiễm liên cầu khuẩn
  • Chốc đầu
  • Chốc da thường
  • Chốc mép do nhiễm khuẩn
  • Eczema 

Cách dùng và liều lượng sử dụng cây thồm lồm

Dược liều có thể dùng dưới dạng khô hoặc tươi với hình thức đắp ngoài da hoặc sắc thuốc uống. Đối với liều dùng ngoài da, không kể liều lượng, bạn có thể dùng nhiều hoặc ít tùy ý. Tuy nhiên, đối với dạng sắc uống, liều khô khoảng 12 gram và liều tươi từ 12 – 20 gram.

Bài thuốc chữa bệnh từ cây thồm lồm

+ Điều trị bệnh viêm nang lông

Hái 20 gram lá thồm lồm sắc với 15 gram bồ công anh. Ngoài uống nước lá, các bạn có thể sử dụng 2 phần lá cây giã nát với 1 phần mai mực. Sau đó, thêm một ít dầu vừng vào trộn đều. Sau khi vệ sinh da sạch sẽ, dùng bông gòn thấm hỗn hợp và thoa đều lên vùng da bị viêm. Thực hiện 3 – 4 lần/ ngày.

+ Trị mụn nhọt

Sử dụng 20 gram lá cây thồm lồm sắc với 10 gram lá khổ sâm. Dùng nước sắc uống 2 lần mỗi ngày. Ngoài ra, có thể dùng lá cây rửa sạch và giã nát. Cuối cùng đắp lên nốt mụn 2 lần mỗi ngày, giúp giảm sưng và đau. Thực hiện đều đặn, mụn sẽ khỏi sau đó vài ngày.

+ Chữa viêm da đầu do tăng tiết bã nhờn

Dùng 100 gram lá thồm lôm và 30 gram lá thông đuôi ngựa. Đem rửa sạch, thái nhỏ và sắc chung với 1 lít nước. Dùng nước này gội đầu. Mỗi ngày gội 1 lần.

+ Điều trị chứng lở ngứa

Chuẩn bị 20 gram lá cây thồm lồm, 15 gram rau sam, 15 gram cây kinh giới và 8 gram kim ngân hoa. Tất cả các dược liệu nêu trên đem nấu nước và tắm. Mỗi ngày tắm 2 lần. Sử dụng liên tục cho đến khi ngứa thuyên giảm và khỏi hẳn.

Tác dụng cây thồm lồm
Nước sắc cây thồm lồm có tác dụng chữa lở ngứa

+ Chữa xơ gan

Dùng 20 gram lá thồm lồm, 10 gram kim tiền thảo, 10 gram mộc hương, 15 gram nhân trần, 10 gram đại phúc bì, 12 gram thổ phục linh và 6 gram hoàng liên. Sau khi rửa sạch, cho tất cả các thảo dược vào ấm sắc chung với 700 ml nước. Chờ thuốc cạn còn 250 ml, tắt bếp và lọc lấy nước thuốc, chia uống 3 lần trong ngày. Thời gian sử dụng khoảng 10 ngày.

+ Trị bệnh lỵ

Sử dụng 12 gram dược liệu thồm lồm rửa sạch và sao nóng. Sau đó sắc thuốc và uống. Dùng nước thuốc liên tục 2 – 3 ngày, triệu chứng bệnh sẽ được cải thiện.

+ Điều trị bệnh đau dạ dày

Dùng lá cây thồm lồm rửa sạch, sắc thuốc và uống. Có thể uống lỏng hoặc đặc tùy theo mỗi người. Trong trường hợp đun nước đặc, các bạn chờ nước chuyển sang màu vàng và lá không quá nhừ, tắt bếp. Dùng nước này uống thay nước uống hàng ngày.

Cây thồm lồm có tác dụng chữa bệnh nhưng đối với trường hợp có tiền sử dị ứng, tốt nhất không nên sử dụng. Bên cạnh đó, bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này chỉ mang tính chất truyền miệng và vẫn chưa được khoa học kiểm chứng cụ thể. Do đó, bạn không nên tự ý sử dụng khi chưa được thầy thuốc đồng ý. 

→ Có thể bạn quan tâm:

Ngày Cập nhật 05/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *