Công dụng chữa bệnh từ cây Bạch quả và những lưu ý

Bạch quả còn có tên gọi khác là Áp cước tử, Ngân hạnh, Công tôn thụ, Arbre aux quarante écus. Dược liệu có vị ngọt, đắng, chát, tính bình. Qui vào kinh Phế và Thận. Nhờ đặc tính này, dược liệu có tác dụng định suyễn ho, liễm phế khí, súc tiểu tiện, cầm đái trọc. Ngoài ra dược liệu còn thường được dùng trong điều trị di tinh, hen suyễn, bạch đới, bạch trọc, đàm thấu, tiểu tiện nhiều lần…

Cây Bạch quả
Tổng hợp thông tin cơ bản về thành phần hóa học, tác dụng dược lý, tính vị, qui kinh, liều dùng và những bài thuốc điều trị bệnh từ dược liệu Bạch quả

Tên gọi, phân nhóm

Tên gọi khác: Áp cước tử, Ngân hạnh, Công tôn thụ, Arbre aux quarante écus

Tên khoa học: Ginkgo biloba L.

Thuộc họ: Bạch quả (danh pháp khoa học: Ginkgoaceae.)

Đặc điểm sinh thái

Mô tả

Cây Bạch quả là một cây thuốc quý. Dược liệu xuất hiện với thân cây to, có chiều cao khoảng 20 – 30cm. Thân cây phân thành nhiều cành dài, chúng hầu như mọc thành vòng. Trên các cành của cây thuốc có những nhánh ngắn. Chúng xuất hiện cùng với các lá có cuống. Phiến lá hình quạt, phía trên của mép lá có hình tròn, nhẵn, phần giữa của mép lá hơi lõm và chia phiến lá thành hai thùy. Trên mặt lá xuất hiện nhiều gân. Gân lá phân nhánh theo hướng rẽ đôi. Dược liệu có quả hạch. Quả dược liệu xuất hiện với kích thước bằng quả mận. Bên trong quả có thịt màu vàng và có mùi bơ khét rất khó chịu.

Phân bố

Cây Bạch quả có nguồn gốc ở Trung Quốc. Dược liệu chỉ trồng ở Trung Quốc và một ít ở Nhật Bản.

Theo Pételot (1954), dược liệu Bạch quả được nhìn thấy mọc rải rác ở miền Bắc Việt Nam quanh một số ngôi chùa và trong một số vườn hoa để làm cảnh. Tuy nhiên trên thực tế, đã qua mấy chục năm nhưng các nhà nghiên cứu tại Việt Nam không thể tìm thấy dược liệu. Các nhà thực vật danh tiếng cũng đều nói chưa từng gặp loại dược liệu này. Ở những hiệu thuốc, Bạch quả là một vị thuốc không được sử dụng rộng rãi.

Khi làm thuốc, phần quả và phần nhân là hai bộ phận được sử dụng. Thời gian gần đây các nhà nghiên cứu học tại phương Tây đã nghiên cứu về việc sử dụng lá để điều trị một số bệnh lý. Những lá Bạch quả được sử dụng trong nghiên cứu ở thời gian đầu là nhập từ Triều Tiên và Nhật Bản. Những lá Bạch quả được sử dụng trong những chế phẩm của Pháp được trồng và thu hái ở những khu vực gần Bordeaux.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản

Bộ phận dùng: Quả Bạch quả và lá Bạch quả (còn được gọi là Ngân hạnh diệp)

Thu hái: Quanh năm

Chế biến: Sau khi thu hái, mang dược liệu rửa sạch, để ráo nước dùng tươi hoặc phơi khô tán thành bột mịn làm hoàn, đắp ngoài. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô dược liệu nấu thành cao hoặc sắc thành thuốc để uống.

Cách bảo quản: Để dược liệu ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh những nơi ẩm ướt.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản dược liệu Bạch quả
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản dược liệu Bạch quả

Thành phần hóa học

Trong cây Bạch quả chứa những bộ phận ứng với các thành phần hóa học quan trọng sau:

Phần nhân dược liệu chứa:

  • 1.5% chất béo
  • 68% tinh bột
  • 5.3% protein
  • 1.57% tro
  • 6% đường.

Phần vỏ quả chứa:

  • Ginkgolic axit
  • Bilobol
  • Ginnol.

Phần lá của dược liệu chứa:

  • Hợp chất Flavonoic
  • Các Tecpen.

Các hợp chất favonoic là những hợp chất có lợi. Trong đó phần aglycon là một flavonol quan trong. Phần đường là rhamnose và glucoza.

Nhóm các tecpen bên trong lá dược liệu gồm có biloblit và ginkgolite có vị đắng. Ngoài hai hợp chất nêu trên, phần lá của dược liệu gồm còn chứa một số axit hữu cơ quan trong. Bao gồm: Parahydroxybenzoic, Hydroxykinurenic và Vanillic.

Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

Dược liệu Bạch quả khi được sử dụng ở dạng cao có chứa 24% chất heterosit flavonoic và 6% hợp chất tecpenic mang tên ginkor hoặc ginkogink. Chúng xuất hiện dưới dạng ống chứa 5ml để uống hoặc viên nang.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, dược liệu Bạch quả có tác dụng ngăn ngừa và điều trị những bệnh lý sau:

  • Trí nhớ kém
  • Hay gắt bẳn của người có tuổi
  • Thường xuyên ngủ gà ngủ gật, do tác dụng của vi tuần hoàn.

Theo Y học cổ truyền

Dược liệu Bạch quả có tính chất thu sáp, dược liệu ăn chín thời ôn mà tích khí, tiêu đờm, ích phổi, dẹp được ho, trừ được hen, khỏi được chứng tiểu tiện, hết được chứng bạch đới, khí hư.

Dược liệu Bạch quả khi ăn sống có tác dụng giáng được đờm, tiêu được độc, tỉnh được say rượu, sát được trùng.

Tuy mang nhiều tác dụng hữu ích nhưng người bệnh không nên ăn nhiều. Bởi dược liệu có tính thu liễm quá mạnh. Chính vì thế, nếu ăn nhiều sẽ hay sinh chứng đầy tức khó chịu.

Chủ trị

Dược liệu Bạch quả thường được dùng trong điều trị:

  • Định suyễn ho
  • Liễm phế khí
  • Súc tiểu tiện
  • Cầm đái trọc
  • Di tinh
  • Hen suyễn
  • Bạch đới
  • Bạch trọc
  • Đàm thấu
  • Tiểu tiện nhiều lần liên tiếp.

Theo Tam Nguyên Duyên Thọ Thư

  • Ăn sống dược liệu giúp giải rượu.

Theo Điền Nam Bản Thảo

  • Nhọt to không ra đầu. Để điều trị cần sử dụng phần thịt của Bạch quả cùng với nếp chưng sau đó hợp với mật để làm hoàn.
  • Nôn ói (ăn nghẹn phản vị), lãnh lâm, bạch trọc. Để điều trị cần sử dụng phần thịt của Bạch quả cùng với Hạch đào rửa sạch, cho vào cối giã nát và nấu thành cao để uống.

Theo Phẩm Hối Tinh Yếu

  • Nướng dược liệu ăn chín để cầm tiểu tiện nhiều lần.

Theo Y Học Nhập Môn

  • Cầm ho
  • Thanh trọc khí phế vị
  • Hóa đàm định suyễn.

Theo Cương Mục

  • Ăn chín giúp ôn Phế ích khí, định suyễn ho
  • Ăn chín giúp súc tiểu tiện, cầm bạch trọc
  • Ăn sống giúp tiêu độc sát trùng, giáng đàm.

Theo Bản Thảo Tái Tân

  • Bổ khí dưỡng âm
  • Ích thận tư âm
  • Sinh cơ thịt
  • Cầm ho trừ đàm
  • Trừ mủ hút độc
  • Tiêu ung nhọt ghẻ lở.

Theo Bản Thảo Tiện Độc

  • Dưới hành thấp trọc hóa đàm dãi
  • Trên liễm Phế kim trừ ho nghịch.

Theo Hiện Đại Thực Dụng Trung Dược

  • Hạch nhân điều trị suyễn thở, ù tai, choáng đầu, đái hạ ở phụ nữ, lâm trọc mạn tính
  • Phần thịt Bạch quả cho vào cối giã nát để làm thuốc vải dán, thuốc có tác dụng tạo bọt
  • Ngâm dầu cải một năm trở lên để dùng trong điều trị bệnh lao phổi.

Theo Trung Dược Sơn Đông

  • Điều trị di niệu, di tinh.
Chủ trị
Dược liệu Bạch quả được dùng trong điều trị bạch đới, bạch trọc, định suyễn ho, liễm phế khí, súc tiểu tiện, cầm đái trọc…

Tính vị

Vị ngọt, đắng, chát, tính bình, có độc (theo Trung Dược Đại Từ Điển).

Vị ngọt, đắng, chát, tính bình (theo Trung Dược Học).

Vị ngọt đắng, không độc (theo Ẩm Thiện Chính Yếu).

Vị ngọt, bình, tính hàn (theo Điền Nam Bản Thảo).

Vị ngọt, đắng, tính bình, chát. Nhỏ hơi ngọt, ăn chín đắng, tính ấm, có độc nhỏ (theo Cương Mục).

Qui kinh

Qui vào kinh Phế và Thận (theo Trung Dược Đại Từ Điển).

Có độc, qui vào kinh Phế (theo Trung Dược Học).

Qui vào kinh Phế (theo Cương Mục).

Qui vào kinh Thủ thái âm, thái dương (theo Bản Thảo Hối Ngôn).

Qui vào 3 kinh Tâm, Phế và Thận (theo Bản Thảo Tái Tân).

Liều lượng và cách dùng

Đối với nhân Bạch quả, dùng 10 – 20 gram/ngày. Loại bỏ phần vỏ. Sử dụng dược liệu dưới dạng nướng chín, thuốc sắc hoặc tán bột.

Phần thịt quả có độc nên không thể ăn được. Người dùng phải ép bỏ đầu, để và bảo quản dược liệu trên 1 năm thì mới có thể sử dụng được. Dùng 3 – 4 quả/ngày. Có thể sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp cùng những vị thuốc chữa bệnh khác.

Bài thuốc

Nhờ đặc tính, thành phần hóa học và tác dụng dược lý đa dạng, dược liệu Bạch quả được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.

  • Bài thuốc từ dược liệu Bạch quả điều trị ho có đờm, cảm lạnh, có khi thở suyễn, cổ có tiếng khò khè: Dùng 7 trái bạch quả rửa sạch để chuẩn bị nướng chín. Dùng thêm lá ngải cứu rửa sạch. Sau đó sử dụng lá ngải cứu như một cái tổ. Mỗi quả dược liệu khi đã rửa sạch sẽ cho vào tổ lá ngải cứu. Dùng giấy bọc xung quanh rồi mang dược liệu nướng cho đến khi thơm. Sau khi nướng xong, bỏ hết phần giấy, bỏ hết phần lá ngải cứu. Chỉ để lại phần quả dược liệu. Ăn nguyên quả. Sử dụng từ 3 – 4 quả cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ dược liệu Bạch quả định suyễn thang: Dùng 21 quả dược liệu, 12 gram ma hoàng, 8 gram tô tử, 8 gram tang bạch bì, 8 gram chế bán hạ, 8 gram khoản đông hoa, 8 gram tang tầm bì, 6 gram hoàng cầm, 6 gram hạnh nhân đã loại bỏ phần vỏ và đầu nhọn, 4 gram cam thảo. Mang Bạch quả rửa sạch, để ráo nước. Sau đó cho dược liệu vào chảo và thực hiện sao vàng. Mang chế bán hạ, khoản đông hoa, tang tầm bì rửa sạch, để ráo nước. Cho các vị thuốc vào chảo và thực hiện sao vàng cùng với mật ong. Hoàng cầm, hạnh nhân mang đi rửa sạch và sao qua. Mang các vị thuốc còn lại rửa sạch. Cho tất cả vị thuốc vào nồi cùng với 600ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc cùng với lửa nhỏ 3 lần. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc để uống. Chia thuốc thành nhiều lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ dược liệu Bạch quả điều trị tiểu tiện quá nhiều, đái buốt, tiểu tiện trắng đục: Dùng 10 quả dược liệu rửa sạch và chia thành 2 phần bằng nhau gồm 5 quả uống chín và 5 quả để sống. Gom cả hai thứ vào và ăn trong ngày. Sử dụng 1 ngày 1 thang trong 10 ngày.
  • Bài thuốc từ dược liệu Bạch quả điều trị nhọt to không ra đầu: Sử dụng phần thịt của Bạch quả cùng với nếp chưng sau đó hợp với mật để làm hoàn có kích thước to bằng hạt nhãn. Mỗi lần uống 1 viên. Uống từ 1 – 2 lần/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ dược liệu Bạch quả điều trị nôn ói (ăn nghẹn phản vị), lãnh lâm, bạch trọc: Dùng phần thịt của Bạch quả cùng với Hạch đào rửa sạch, để ráo nước. Cho cả hai vị thuốc vào cối và thực hiện giã nát. Cho phần hai dược liệu đã giã vào nồi cùng với một ít nước để nấu thành cao. Khi cần lấy 1 muỗng cà phê cao thuốc uống cùng với nước ấm. Uống từ 1 – 2 lần/ngày.
Bài thuốc chữa bệnh từ Bạch quả
Nhờ đặc tính, thành phần hóa học và tác dụng dược lý đa dạng, dược liệu Bạch quả được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh

Kiêng kỵ

Theo Trung Dược Đại Từ Điển

  • Những người có thực tà cấm dùng dược liệu Bạch quả.

Theo Trung Dược Học

  • Bổn phẩm có độc, người bệnh không nên sử dụng nhiều. Trẻ nhỏ càng nên chú ý.
  • Việc sử dụng quá nhiều quả Bạch quả có thể dẫn đến trúng độc, thổ tả, bụng đau, cơ thể tím xanh, phát sốt, co rút, hôn mê. Những trường hợp nghiêm trọng có thể gây liệt hô hấp và dẫn đến tử vong.

Theo Nhật Dụng Bản Thảo

  • Việc sử dụng quá nhiều dược liệu có thể dẫn đến nghẽn khí phong động.
  • Trẻ con nếu ăn nhiều dược liệu có thể dẫn đến phát kinh gây cam, hôn hoắc.
  • Dược liệu Bạch quả nếu sử dụng đồng thời cùng với cá chình sẽ dẫn đến chứng nhuyễn phong.

Theo Cương Mục

  • Việc ăn nhiều dược liệu sẽ khiến bụng trước chướng.

Bài viết đã tổng hợp thông tin cơ bản về thành phần hóa học, tác dụng dược lý, tính vị, qui kinh, liều dùng và những bài thuốc điều trị bệnh từ dược liệu Bạch quả. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh và phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền trước khi sử dụng dược liệu. Bên cạnh đó, người bệnh nên thực hiện các bài thuốc chữa bệnh cùng với liều dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này sẽ giúp bạn đảm bảo an toàn và rút ngắn thời gian chữa bệnh.

Ngày Cập nhật 23/06/2022

Bình luận (1)

  1. Hương trần says: Trả lời

    Lá bạch quả uống rất tốt .mình bị rối loạn tiền đình .viên xoang sàn hơn 25 năm mà uống thuốc tây o hết ,cách đây 4 năm chú mình cho mình lá bạch quả mình đã uống được hơn 2 năm thì các triệu chứng chóng mặt nhức đầu hầu như không còn ghé thâm mình nữa.mình cũng cho mấy người quen của mình uống họ cũng đã bớt rất nhiều.bây giờ mình có em bé cũng không thấy chóng mặt hay nghén giống mấy bà bầu khác nữa đó..

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *