Đậu Bắp - Tác Dụng Và Những Lợi Ích Tuyệt Vời Cho Sức Khỏe

Đậu bắp là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, phòng ngừa dị tật thai nhi và tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, loại thực phẩm này còn hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như phong thấp, viêm họng, viêm đường tiết niệu, bệnh gút và đái tháo đường.

Đậu bắp
Đậu bắp là thực phẩm giàu dinh dưỡng, đem lại nhiều công dụng và lợi ích đối với sức khỏe

  • Tên gọi khác: Mướp tây, Bông bang, Bụp Bắp.
  • Tên khoa học: Hibiscus esculentus L
  • Tên Tiếng Anh: Okra
  • Họ: Bông – Malvaceae

Đặc điểm sinh thái của cây đậu bắp

1. Mô tả cây đậu bắp

Đậu bắp là cây thân thảo, chiều cao khoảng 1.5 – 2m. Cây sống hằng năm, thân có hình hình trụ, màu đỏ tía rất đặc trưng. Bề mặt thân cây nhám, có lông dài và cứng. Lá hình tim, mép có răng cưa thô, phiến lá được chia thành 5 thùy dài và hẹp. Lá mọc so le, bề mặt nhám, được phủ lông và có gân nổi rõ bên trên.

Đậu bắp
Quả đậu bắp có hình chùy, màu xanh lục, có lông bao phủ và dài khoảng 5 – 20cm

Hoa đậu bắp mọc ở nách lá, có màu vàng, ở giữa có màu nâu tía hoặc đỏ, mỗi hoa có khoảng 5 – 6 cánh. Quả có hình chùy, màu xanh, có lông bao và dài khoảng 5 – 20cm. Cây ra hoa và sai quả vào mùa hè, khoảng tháng 4 – 7 hằng năm.

2. Khu vực phân bố

Đậu bắp được trồng nhiều ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới như Tây Phi, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Lào và Philipin. Ở nước ta, cây được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam để làm thực phẩm và làm thuốc.

3. Bộ phận sử dụng

Quả đậu bắp thường được thu hái để làm thực phẩm. Ngoài ra nhân dân còn dùng rễ, hạt và quả già của cây để làm dược liệu.

4. Thu hái, sơ chế và bảo quản

  • Đậu bắp được thu hái quanh năm nhưng thời điểm thu hái nhiều nhất là mùa hè – thu.
  • Sau khi thu hoạch, có thể dùng tươi hoặc đem phơi khô để dùng dần.
  • Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ cao.

5. Thành phần hóa học

  • Rễ và lá cây chứa dịch nhầy.
  • Quả non chứa khoảng 4 – 16% hydrat carbon (trong đó chủ yếu là đường, tinh bột) và chất nhầy.
  • Hạt của cây có dầu béo màu xanh lục, mùi thơm, khi phân tích nhận thấy tinh dầu chứa stearin và panmitin.

Tính vị và công năng của đậu bắp theo y học cổ truyền

Đậu bắp
Theo y học cổ truyền, mướp tây có vị ngọt, tính mát và không độc

1. Tính vị

Đậu bắp có vị ngọt, không độc và tính mát.

2. Công năng

Theo y học cổ truyền, đậu bắp có tác dụng chữa các chứng bệnh sau:

  • Chữa bệnh phong thấp
  • Táo bón
  • Thống phong (bệnh gút)
  • Đái tháo đường
  • Tiểu đục
  • Bệnh trĩ
  • Viêm họng
  • Viêm đường tiết niệu

Tác dụng của đậu bắp trên cơ sở khoa học

Ngoài các công năng được ghi chép theo y học cổ truyền, đậu bắp còn được nghiên cứu trên cơ sở khoa học. Một số tác dụng của đậu bắp đối với sức khỏe, bao gồm:

1. Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Chất xơ và một số thành phần dinh dưỡng trong loại thực phẩm này có tác dụng duy trì đường huyết ở mức cân bằng và giảm thiểu các biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Đậu bắp
Đậu bắp có tác dụng kiểm soát nồng độ đường huyết và hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng

Vì vậy bệnh nhân tiểu đường có thể bổ sung đậu bắp vào chế độ dinh dưỡng để ngăn ngừa hiện tượng tăng đường huyết và hỗ trợ kiểm soát tiến triển của bệnh.

2. Phòng ngừa dị tật thai nhi

Trung bình khoảng 100g đậu bắp có thể cung cấp hơn 87mg acid folic (vitamin B9). Thành phần này là chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sự phát triển tế bào thần kinh ở thai nhi. Vì vậy bổ sung đậu bắp trong thời gian thai kỳ có thể phòng ngừa các dị tật bẩm sinh.

3. Thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa

Với hàm lượng chất xơ dồi dào, ăn đậu bắp thường xuyên có thể trung hòa dịch vị dạ dày, làm sạch đường ruột và thúc đẩy sự phát triển của các lợi khuẩn trong đại tràng. Bên cạnh đó, chất nhầy trong thực phẩm này còn làm mềm, bôi trơn lòng ruột, giúp phân dễ dàng thoát ra bên ngoài và hạn chế tình trạng táo bón.

4. Hỗ trợ kiểm soát nồng độ cholesterol

Hầu hết các loại thực phẩm giàu chất xơ đều có tác dụng kiểm soát cholesterol. Chất xơ trong đậu bắp và các loại rau củ khác có thể tăng chuyển hóa chất béo và giảm tình trạng tích tụ triglyceride và cholesterol.

Đậu bắp
Chất xơ trong đậu bắp có tác dụng làm giảm tích tụ và hình thành triglyceride và cholesterol

Việc kiểm soát nồng độ cholesterol giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như huyết áp cao, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch,…

5. Tăng cường miễn dịch

Đậu bắp chứa hàm lượng vitamin C dồi dào. Loại vitamin này có tác dụng tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch và nâng cao thể trạng.

Bên cạnh đó, vitamin C còn bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lý viêm nhiễm thường gặp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm amidan và viêm họng.

6. Cải thiện sức khỏe xương khớp

Đậu bắp chứa hàm lượng folate và vitamin K dồi dào, có tác dụng sản sinh mô da và ngăn chặn tình trạng tiêu hủy xương do quá trình thoái hóa. Bên cạnh đó, bổ sung đậu bắp thường xuyên còn hỗ trợ điều trị chứng loãng xương ở phụ nữ sau sinh và người cao tuổi.

7. Đậu bắp tốt cho da

Hàm lượng vitamin C trong đậu bắp có thể kích thích sản sinh collagen – một loại protein đặc biệt có tác dụng duy trì độ đàn hồi và căng bóng của da. Bên cạnh đó loại thực phẩm này còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu, giúp cân bằng độ ẩm và tăng hàng rào bảo vệ da.

Một số món ăn và bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh từ đậu bắp

Đậu bắp
Đậu bắp được dùng để thực phẩm và làm thuốc chữa bệnh

1. Bài thuốc chữa chứng thống phong (bệnh gút)

  • Chuẩn bị: Quả đậu bắp tươi 250 – 300g.
  • Thực hiện: Luộc chín và dùng ăn với cơm, nên ăn hằng ngày.

2. Bài thuốc hỗ trợ làm giảm mỡ trong máu

  • Chuẩn bị: Một nắm đậu bắp tươi.
  • Thực hiện: Luộc hoặc nấu canh ăn thường xuyên, hạn chế các món ăn từ đậu bắp chứa nhiều dầu và gia vị.

3. Canh rau đay và đậu bắp hỗ trợ tiêu hóa, trị chứng táo bón

  • Chuẩn bị: Một nắm rau đay tươi và 50g đậu bắp.
  • Thực hiện: Rửa sạch rau đay và đậu bắp, sau đó cắt nhỏ vừa ăn. Cho vào nấu canh cùng với cua hoặc tôm. Dùng ăn liên tục trong 2 – 3 ngày để hỗ trợ làm giảm chứng táo bón và khó khăn khi đại tiện.

4. Bài thuốc trị chứng đổ mồ hôi nhiều

  • Chuẩn bị: Một ít hạt đậu bắp.
  • Thực hiện: Đem sao vàng và sắc uống cho đến khi khỏi.

5. Bài thuốc hỗ trợ làm giảm đau nhức do bệnh phong thấp

  • Chuẩn bị: Toàn bộ cây đậu bắp (nên ưu tiên dùng quả, hạt và rễ).
  • Thực hiện: Đem phơi khô, cắt nhỏ và sắc uống hàng ngày.

6. Bài thuốc chữa tiểu đục do viêm đường tiết niệu

  • Chuẩn bị: Cả cây đậu bắp tươi 100g.
  • Thực hiện: Đem cắt nhỏ, rửa sạch và sắc uống thường xuyên. Khi dùng bài thuốc này, nên uống nhiều nước và hạn chế rượu bia, thức ăn cay nóng.

7. Bài thuốc làm giảm chứng ho do viêm họng

  • Chuẩn bị: Lá đậu bắp phơi khô.
  • Thực hiện: Dùng 1 ít hãm với nước sôi và dùng súc miệng. Đồng thời dùng khoảng 15g hãm và uống như trà.

Mặc dù có nhiều tác dụng chữa bệnh, tuy nhiên dược tính của đậu bắp thường yếu hơn so với thuốc Tây y. Vì vậy khi áp dụng bài thuốc từ loại thực phẩm này, bạn nên phối hợp với các biện pháp được chỉ định nhằm kiểm soát hoàn toàn các triệu chứng của bệnh.

Tham khảo thêm: Sâm Cao Ly – Tác dụng, cách dùng trị bệnh bồi bổ sức khỏe

Ngày Cập nhật 23/06/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *