Bệnh đau vai gáy có nguy hiểm không? Bác sĩ nói gì

Đau vai gáy có nguy hiểm không là thắc mắc chung của nhiều người. Trả lời câu hỏi này cần xét trên nhiều yếu tố. Thông thường, nếu nguyên nhân gây đau do bệnh lý sẽ gây nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Đau vai gáy là tình trạng rất hay thường gặp. Nó thường không gây nguy hiểm nếu có nguyên nhân cơ học.
Đau vai gáy là tình trạng rất hay thường gặp. Nó thường không gây nguy hiểm nếu có nguyên nhân cơ học.

Đau vai gáy thường không nguy hiểm nếu có nguyên nhân cơ học

Các bác sĩ cho biết căn cứ quan trọng nhất để xác định bệnh đau vai gáy có nguy hiểm không đó là nguyên nhân. Nó được xếp thành 2 nhóm chính: cơ học và bệnh lý. Trong đó, tình trạng đau vai gáy có nguyên nhân cơ học thường không nguy hiểm. Bởi cơ chế gây đau chủ yếu là do cơ bị mỏi hoặc lưu thông máu kém. Nó không gây tổn thương cơ xương hoặc làm sai lệch cấu trúc cột sống.

Cụ thể các trường hợp được xếp vào nhóm nguyên nhân này là: chế độ sinh hoạt và ăn uống không khoa học; lao động hoặc tập luyện quá sức và chấn thương. Trong đó, cách sinh hoạt không khoa học là nguyên nhân cơ học phổ biến nhất gây đau vai gáy. Cụ thể là những người có thói quen ngủ co quắp hoặc kê gối quá cao. Bên cạnh đó, những người làm việc văn phòng thường xuyên phải ngồi quá lâu một chỗ không đúng tư thế khiến máu huyết lưu thông kém cũng có thể gây đau.

Nhóm nguyên nhân cơ học thường gây đau vai gáy nhưng nó cũng dễ chữa khỏi. Thông thường tình trạng này chỉ kéo dài từ 2 – 3 ngày. Trường hợp lâu hơn thì có thể kéo dài gần 1 tuần. Bên cạnh đó, cơn đau chỉ xuất hiện riêng lẻ. Nó không đi kèm với các biểu hiện khác như buồn nôn, chóng mặt, sốt hoặc suy nhược cơ thể.

Ngủ hoặc làm việc không đúng tư thế là một trong những nguyên nhân cơ học gây đau vai gáy.
Ngủ hoặc làm việc không đúng tư thế là một trong những nguyên nhân cơ học gây đau vai gáy.

Những bệnh lý gây đau vai gáy

Khác với những trường hợp bị đau vai gáy có nguyên nhân cơ học, nhóm nguyên nhân từ bệnh lý khiến tình trạng đau diễn biến phức tạp. Đồng thời, nó cũng khó điều trị hơn. Thông thường, chỉ khi cơn đau kéo dài hơn 1 tuần và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thì người bệnh mới thăm khám ở cơ sở y tế.

Theo nhận định của các bác sĩ, hầu hết những trường hợp đau vai gáy gây nguy hiểm đều có nguyên nhân từ bệnh lý. Các bệnh này không chỉ liên quan đến cột sống mà còn liên quan đến não. Cả hai bộ phận này đều là nơi tập trung rất nhiều dây thần kinh và chịu trách nhiệm điều khiển toàn bộ hoạt động của cơ thể. Nếu tình trạng tổn thương ở cột sống (đặc biệt là ở các đốt sống cổ) và não không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến bại liệt, rối loạn thần kinh thực vật hoặc mất ý thức.

Các bệnh lý có thể là nguyên nhân gây đau vai gáy gồm:

U não hố sau

Đối tượng chủ yếu mắc bệnh u não hố sau là trẻ em. Đa số các khối u này là ác tính. Vì thế, một khi đã mắc bệnh thì khả năng sống sau 5 năm rất ít. Khối u nằm sát thành sau của thân não và ngăn dịch não tủy lưu thông. Kéo theo đó thường là tình trạng giãn não thất và tụt não đột ngột. 

Biểu hiện ban đầu khi có khối u trong não là đau vai gáy, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn. Đồng thời, trẻ sẽ ăn uống rất kém, thường xuyên quấy khóc hoặc nằm ngủ li bì. Các biểu hiện này thể hiện nhiều nhất vào sáng sớm và được gọi là Hội chứng tăng áp lực hộp sọ.

Tiếp đến, các triệu chứng của bệnh u não hố sau sẽ thể hiện rõ ràng hơn. Trẻ đi đứng loạng choạng hoặc đứng không vững; cơ bị giảm trương lực và bị nhão. Thêm vào đó, trẻ có thể còn bị rối loạn lời nói, chữ viết và cử động mắt. Trường hợp nặng hơn sẽ khiến cổ ưỡn ra sau và tăng trương lực cơ duỗi. Nếu vẫn không được cấp cứu kịp thời, trẻ sẽ bị tụt não và tử vong.

U não hố sau là bệnh lý rất nguy hiểm gây đau vai gáy ở trẻ em.
U não hố sau là bệnh lý rất nguy hiểm gây đau vai gáy ở trẻ em.

Thoái hóa đốt sống cổ

Trước đây, bệnh lý này chỉ gặp ở người già. Tuy nhiên, hiện nay nó đang có dấu hiệu trẻ hóa. Nếu không có chế độ sinh hoạt và ăn uống phù hợp thì bước sang tuổi 30, người ta rất dễ bị thoái hóa cột sống nói chung và thoái hóa đốt sống cổ nói riêng.

Đầu tiên là tình trạng thoát vị của đĩa đệm. Nó khiến rễ dây thần kinh bị chèn ép và dây đau nhức. Cơn đau lan ra toàn bộ vùng vai gáy theo đường đi của dây thần kinh. Tiếp đến là tình trạng hư hại ở dây chằng, các đốt sống bị mài mòn. Cơ thể phản ứng lại bằng cách hình thành các gai xương. Sự cọ sát của các gai này khi cử động sẽ gây đau nhức dữ dội. Hoặc các đốt sống bị dính chặt lại với nhau, gây biến dạng cột sống và khiến dáng đi cong vẹo.

Cấu trúc cột sống bị sai lệch, rễ dây thần kinh và ống sống bị chèn ép không chỉ gây ra các cơn đau vai gáy mà còn có thể dẫn đến teo cơ và bại liệt. Trước khi xảy ra những biến chứng này, người bệnh sẽ phải sống chung với những cơn đau âm ỉ hoặc từng cơn ở vai gáy. Cơn đau lan đến đầu, xuống hai tay gây tê bì và mất cảm giác tạm thời. Nó khiến người bệnh mất tập trung, ăn không ngon, ngủ không yên. Lâu ngày dẫn đến sụt cân, suy nhược cơ thể và suy yếu sức đề kháng. 

Biểu hiện đầu tiên của thoái hóa đốt sống cổ là thoát vị đĩa đệm. Nhân nhầy chèn ép rễ dây thần kinh sẽ gây ra những cơn đau vai gáy.
Nhân nhầy của đĩa đệm thoát vị sẽ chèn ép rễ dây thần kinh sẽ gây ra những cơn đau vai gáy.

Viêm quanh khớp vai

Viêm quanh khớp vai gây tổn thương đến các cấu trúc mềm bên cạnh khớp vai. Nó không tác động trực tiếp đến sụn khớp, đầu xương hay màng hoạt dịch. Do đó, so với các bệnh về xương khớp thì tình trạng viêm quanh khớp vai không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nó vẫn có nguy cơ khiến người bệnh bị biến dạng khớp, teo cơ và mất khả năng vận động.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh được chia thành 4 thể.

  • Đau đơn thuần: Giống như các cơn đau có nguyên nhân cơ học. Tuy nhiên, nó đau nhiều về đêm hoặc khi vận động nặng;
  • Đau vai cấp: Kèm với tình trạng đau là sưng và nóng. Cơn đau xuất hiện đột ngột và dữ dội ở vai gáy rồi lan ra toàn bộ cánh tay. Đồng thời, người bệnh có thể bị sốt nhẹ;
  • Giả liệt khớp vai: Đi kèm những cơn đau dữ dội là những tiếng kêu răng rắc. Người bệnh không thể tự mình nâng hai vai lên. Ngoài ra, một số trường hợp còn xuất hiện các dấu bầm tím trên cánh tay;
  • Đông cứng khớp vai: Dấu hiệu đau tương tự như thể đau vai gáy đơn thuần. Tuy nhiên, kèm với đó là tình trạng bả vai bị đông cứng lại. Dù có sự giúp đỡ của người khác thì việc cử động cũng rất khó khăn.

Điều trị đau vai gáy do bệnh lý gây ra

Phác đồ điều trị tình trạng đau vai gáy do bệnh lý gây ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là tình trạng và thể trạng của người bệnh. Các bác sĩ quyết định điều này sau khi cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Việc bạn cần làm là tuân theo các chỉ dẫn của họ.

Các phương pháp điều trị bệnh lý gây đau vai gáy

Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Thời điểm bắt đầu điều trị càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao. Đồng thời, cách thức điều trị cũng dễ dàng và tốn ít chi phí hơn. Các biện pháp điều trị này được xếp vào 2 nhóm lớn: nội khoa và ngoại khoa.

Phương pháp nội khoa

Chủ yếu là dùng thuốc (Tây y và Đông Y); vật lý trị liệu (massage, thực hiện các bài tập, dùng điện hoặc nhiệt trị liệu, kéo giãn cột sống…); tiêm thuốc… Cùng với đó là chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý. Hầu hết các giải pháp điều trị nội khoa đều có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện. Nhất là đối với việc sử dụng các loại thuốc điều trị và những bài tập.

Điều trị ngoại khoa

Hầu hết các bệnh về xương khớp ở dạng nhẹ đều ưu tiên thực hiện cách điều trị nội khoa. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển nặng hoặc các giải pháp này không cải thiện được tình trạng đau nhức thì các bác sĩ sẽ cân nhắc dùng đến biện pháp ngoại khoa (phẫu thuật). 

Dù thế, phẫu thuật không phải là giải pháp tối ưu nhất. Nguyên nhân là các bệnh về xương khớp (chiếm phần lớn các trường hợp bị đau vai gáy do bệnh lý) không thể chữa khỏi hoàn toàn dù đã mổ. Bên cạnh đó, cột sống cổ là nơi tập trung nhiều dây thần kinh nên rủi ro khi thực hiện phương pháp này là rất lớn. Trường hợp cần thay đĩa đệm nhân tạo có thể lên đến cả trăm triệu đồng.

Một số trường hợp bị đau vai gáy do bệnh lý phải dùng đến phẫu thuật để tránh biến chứng bại liệt.
Một số trường hợp bị đau vai gáy do bệnh lý phải dùng đến phẫu thuật để tránh biến chứng bại liệt.

Xem thêm: Đau mỏi vai gáy tê bì chân tay và cách điều trị hiệu quả

Lưu ý khi điều trị đau vai gáy có nguyên nhân từ bệnh lý

Bệnh đau vai gáy có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào chính bản thân bạn. Nếu chủ động điều trị, điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt và ăn uống của mình thì khả năng tác động của bệnh sẽ rất ít. Cụ thể là:

  • Nếu đã có chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa đốt sống cổ thì bạn không nên xoay lưng hoặc vặn cổ mạnh;
  • Xoa bóp, bấm huyệt có thể giảm đau nhưng cần thực hiện đúng cách và điều đặn hàng ngày. Bạn có thể kết hợp với thuốc xoa bóp nhưng điều này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện;
  • Không tự ý mua thuốc giảm đau hoặc tự kết hợp các loại thuốc với nhau mà không có chỉ định của bác sĩ. Kể cả việc dùng thuốc Đông y cũng phải đúng liều lượng và chỉ dẫn của thầy thuốc. Bạn nên thông báo cho họ biết các loại thuốc đang dùng;
  • Hạn chế ngồi quá lâu trước máy lạnh. Nên che nắng khi ra ngoài;
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia và thuốc lá;
  • Luyện tập thể dục nhẹ nhàng và vừa sức;
  • Ăn uống đầy đủ chất. Bổ sung thêm canxi, vitamin B, D, C và E;
  • Nghỉ ngơi hợp lý. Cân bằng giữa công việc và thư giãn để tin thần được thoải mái nhất.

Xem thêm: Đau vai gáy nên ăn gì và kiêng gì? Lời khuyên từ bác sĩ

Ngày Cập nhật 06/09/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *