Hương Nhu Tía - Dược Liệu Quen Thuộc Với Nhiều Tác Dụng Hay

Hương nhu tía không chỉ được trồng làm gia vị, rau thơm, chúng còn được sử dụng với mục đích làm thuốc chữa bệnh. Nhờ chứa lượng lớn tinh dầu có tác dụng kháng khuẩn và chống nấm, dược liệu thường dùng chữa các bệnh nhiễm khuẩn ngoài da như mụn trứng cá, viêm da,… Không những thế, thảo dược tự nhiên này còn giúp kiểm soát hàm lượng cholesterol xấu trong máu, giúp hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường và một số bệnh lý liên quan khác.

Hương nhu tía
Hương nhu tía – Thảo dược mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe

+ Tên gọi khác: É đỏ, é rừng hoặc é tía

+ Tên khoa học: Ocimum sanctum L.

+ Họ: Hoa môi Lamiaceae

Đặc điểm thực vật của hương nhu tía

Hương nhu tía là loại cây sống hàng năm, có một số cây có thể sống nhiều năm. Cây cao 1.5 – 2 m, thân có màu tía, nhiều cành, được bao phủ bởi lông. Lá cây hình trứng hoặc hình mác, mép lá có răng cưa, cuống lá dài, cả hai mặt lá đều có lông. Hoa cây mọc thành chùm, có màu tím. Hoa thường xếp thành từng vòng có từ 6 – 8 cái trên chùm, không hoặc ít phân nhánh.

Phân bố và môi trường sống của hương nhu tía

Thảo dược có thể tìm thấy ở các nước Châu Á như Trung Quốc, Lào hay Thái Lan. Tương tự như hương nhu trắng, hương nhu tía cũng là một trong những loại thực vật được trồng nhiều ở Việt Nam. Thông thường, cây được trồng nhiều ở các cơ sở y học dân tộc hoặc hộ gia đình với mục đích làm thuốc chữa bệnh hoặc dùng làm rau, gia vị trong chế biến món ăn. 

Là loài cây ưa khí hậu nóng ẩm, hương nhu tía sinh trưởng tốt ở nhiệt độ trung bình từ 25 – 30 độ C. Cây thường không mọc hoặc không trồng được ở những nơi vùng núi cao có khí hậu hơi lạnh hoặc cận nhiệt đới. Cây rất dễ trồng bằng hạt, cây thường mọc vào khoảng cuối mùa xuân và phát triển tốt vào mùa hè. Thời gian tàn lụi của cây thường bắt đầu vào mùa đầu đông hoặc cuối mua thu. 

Thành phần hóa học của hương nhu tía

Theo một vài nghiên cứu khoa học về thành phần hóa học của é đỏ, dược liệu chứa các hoạt chất chính sau:

  • 70% tinh dầu eugenol
  • 21% Elemen
  • 12% tinh dầu methyl eugenol và β- caryophyllen
  • 0,8% caryophylen oxy
  • 0,6% elemol
  • 22,2% caryophylen
  • 1,3% humulen
Hình ảnh hương nhu tía
Hương nhu tía chứa lượng lớn tinh dầu có tác dụng điều trị bệnh

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản của hương nhu tía

  • Bộ phận dùng: Tất cả các bộ phận trên mặt đất của é đỏ đều được sử dụng làm thuốc, bao gồm cả cành, lá, thân và hoa
  • Thu hái: É đỏ thường được thu hái khi cây đang ra hoa, khoảng vào tháng 5 – 10 hàng năm. Tùy thuộc vào bộ phận làm thuốc mà thời gian thu hoạch thường không khác nhau.
  • Chế biến: É đỏ sau khi hái về sẽ được thái nhỏ thành từng đoạn có chiều dài từ 2 – 3 cm, phơi âm can (phơi dưới bóng râm) cho đến khi khô hoàn toàn. Không nên phơi dược liệu ở nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào, làm giảm chất lượng và tác dụng dược lý
  • Bảo quản: Nơi khô ráo, tránh ẩm ướt và ánh sáng mặt trời

Tính vị và qui kinh của hương nhu tía

  • Tính vị: Tính ấm, vị cay
  • Qui kinh: Phế và VỊ

Tác dụng của hương nhu tía

Theo nghiên cứu của Y học hiện đai, é đỏ có những tác dụng đặc trưng sau:

  • Diệt khuẩn, chống nhiễm trùng, điều trị mụn trứng cá: Các nghiên cứu chỉ rõ, các hoạt chất tồn tại trong é đỏ có tác dụng kháng vi rút, kháng khuẩn và chống nấm mạnh mẽ. Do đó, chúng được sử dụng như dược liệu tự nhiên giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng da. Không những thế, các thành phần hóa học chứa trong é đỏ còn có tác dụng giảm đau và giảm viêm. Vì vậy, có thể sử dụng điều trị mụn trứng cá. Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí International Journal of Cosmetic Science cho biết, tinh dầu chứa trong é đỏ có thể kết hợp với một số loại dầu nền khác như dầu hạnh nhân, dầu dừa, dầu ô liu,… giúp làm tăng công dụng điều trị mụn.
  • Hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh đái tháo đường: Các thành phần dược chất tìm thấy trong é đỏ được chứng minh có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu. Cụ thể, một số thử nghiệm é đỏ ở người mắc bệnh đái tháo đường không phụ thuộc vào insullin cho thấy, dược liệu có tác dụng làm giảm đường huyết và cholesterol toàn phần ở họ lúc đói hoặc sau bữa ăn. Sử dụng thường xuyên có thể giúp kiểm soát triệu chứng bệnh đái tháo đường ở mức độ từ nhẹ đến trung bình.
  • Giúp giảm cholesterol xấu: Dựa vào nghiên cứu thử nghiệm ở thỏ, các nhà khoa học nhận thấy, é đỏ có tác dụng thúc đẩy tăng cường trao đổi chất, giúp giảm cân. Không những thế, các hoạt chất chiết xuất từ dược liệu này còn có tác dụng làm giảm cholesterol xấu trong máu xuống mức thấp hơn và tăng chỉ số cholesterol tốt lên cao. Từ đó, giúp hỗ trợ phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến tim mạch và huyết áp
  • Tác dụng đối với hệ tiêu hóa, đặc biệt dạ dày: Thảo dược é đỏ chứa nhiều hoạt chất có lợi đối với hệ tiêu hóa. Chúng có tác dụng tăng tiết chất nhầy, làm giảm acid dạ dày. Vì vậy, giúp bảo vệ dạ dày khỏi sự tấn công của các cơn đau dạ dày do vi khuẩn hoặc tăng tiết quá nhiều acid dạ dày gây nên.
  • Giúp chăm sóc răng miệng, ngừa sâu răng: É đỏ có tác dụng kháng khuẩn cao. Do đó, chúng giúp tiêu diệt vi khuẩn gây sâu răng và hôi miệng. Đồng thời, dược liều còn giúp giảm mảng bám trên răng miệng, từ đó giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh viêm nướu.
Cây é đỏ
Tinh dầu chiết xuất từ hương nhu tía có tác dụng kháng khuẩn, giúp điều trị mụn trứng cá

Cách dùng và liều lượng sử dụng hương nhu tía

  • Cách dùng: Hương nhu tía thường được sử dụng ở dạng khô hoặc tươi, dưới hình thức sắc uống, đắp ngoài hoặc xông hơi.
  • Liều dùng: Đối với dạng sắc uống, liều dùng mỗi ngày từ 6 – 12 gram. Còn đối dạng xông lá tươi, liều sử dụng từ 50 – 100 gram. Liều sử dụng điều trị bệnh ở mỗi người có thể gia giảm khác nhau. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, cân nặng hoặc mức độ bệnh tình,…

Bài thuốc chữa bệnh từ hương nhu tía

+ Điều trị nhiễm lạnh do đi mưa hoặc cảm lạnh 

Bạn có thể sử dụng hương nhu tía điều trị bệnh cảm lạnh hoặc nhiễm lạnh với các triệu chứng như đau đầu, phát sốt, đi tiêu lỏng hoặc đau bụng, miệng nôn,… Cách sử dụng đơn giản như sau:

  • Chuẩn bị: 500 gram hương nhu tía, 200 gram đậu ván trắng sao vàng, 200 gram hậu phác tẩm gừng nướng
  • Đem tất cả các dược liệu này tán thành bột mịn, bảo quản ở lọ thủy tinh
  • Mỗi ngày dùng 8 – 10 gram pha với nước ấm và uống

Với các điều trị bệnh này, mỗi ngày bạn nên uống 2 lần. Uống liên tục cho đến khi đổ mồ hôi, triệu chứng bệnh thuyên giảm.

+ Chữa hôi miệng và tăng cường sức khỏe nướu

Dùng 10 gram é đỏ khô đem sắc với 200 ml. Sau khi nước thuốc cạn còn 100 ml, lọc lấy thuốc và để nguội. Sử dụng nước này súc miệng 2 lần vào buổi sáng và tối. Thực hiện đều đặn trong vòng 15 ngày, chứng hôi miệng sẽ dần dần biến mất.

+ Giúp tóc bóng mượt và nhanh dài

Hái 10 gram lá cây hương nhu và 10 gram lá hoặc vỏ quả bưởi đem rửa sạch và thái khúc. Dùng 10 gram bồ kết đem nương vàng hai mặt trên bếp than hồng rồi đập dập. Sau đó, cho tất cả các thảo dược vào nồi, thêm 3 lít nước và đun sôi. Chờ nước nguội bớt hoặc có thể pha thêm nước lạnh, dùng gội đầu. Mỗi tuần gội 2 lần, kiên trì trong 1 tháng giúp tóc nhanh dài và bóng mượt hơn.

+ Kích thích mọc tóc ở trẻ chậm mọc tóc

Sử dụng 40 gram lá hương nhu tía đem sắc với 200 ml. Chờ cho nước thuốc cô đặc lại trộn đều với mỡ lợn. Dùng hỗn hợp này thoa lên đầu trẻ vài tiếng rồi gội lại bằng nước sạch. Mỗi ngày thực hiện 1 – 2 lần. Thực hiện thường xuyên giúp kích thích mọc tóc nhanh. Lưu ý, trước khi bôi hỗn hợp này lên đầu trẻ, cha mẹ nên vệ sinh da đầu trẻ sạch sẽ nhằm giúp tăng khả năng hấp thu dưỡng chất kích thích mọc tóc, đồng thời ngăn ngừa viêm nhiễm do vi khuẩn.

+ Điều trị tiêu chảy do lạnh bụng

Sử dụng 12 gram é đỏ, 9 gram mộc qua và 9 gram tía tô, bao gồm cả cành và lá. Đem các vị thuốc này rửa sạch và sắc chung với 3 bát nước. Sau khi nước thuốc cạn còn 1 chén, chắc lấy nước và uống ấm. Nên uống thuốc sau khi ăn sáng để có tác dụng tốt.

+ Điều trị nước tiểu đục, phù thũng

Dùng 9 gram hương nhu tía khô đem sắc chung với 12 gram ích mẫu thảo, 30 gram rễ cỏ tranh và 600 ml nước cho đến khi cạn còn 200 ml. Chia thuốc ra uống nhiều lần trong ngày. Để kiểm soát triệu chứng phù thũng hoặc nước tiểu đục, bạn cần uống thuốc trong vòng 10 ngày.

Hương nhu tía
Nước thuốc hương nhu tía có tác dụng điều trị nước tiểu đục, phù thũng

Lưu ý khi sử dụng hương nhu tía điều trị bệnh

Hương nhu tía là thảo dược tự nhiên lành tính, khá an toàn đối với người sử dụng. Bên cạnh đó, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ ghi nhận nào về tác dụng phụ của thảo dược. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng điều trị bệnh, bạn cũng nên hết sức cẩn thận. Tốt nhất nên lưu ý những điểm sau để tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

– Tránh sử dụng hương nhu tía ở những đối tượng sau:

  • Người thường xuyên ra mồ hôi
  • Người bị âm hoặc khí hư
  • Phụ nữ đang cho con bú hoặc thai phụ
  • Bệnh nhân bị ho lao
  • Người chuẩn bị phẫu thuật

– Tránh sử dụng dược liệu quá liều

Mặc dù hương nhu tía an toàn khi sử dụng lâu dài nhưng để đảm bảo an toàn đối với sức khỏe, đồng thời giúp thúc đẩy tốc độ bình phục bệnh, bạn chỉ nên dùng thảo dược theo chỉ định từ thầy thuốc chuyên môn. Tuyệt đối không dùng quá liều quy định, tránh những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.

– Tránh sử dụng hương nhu tía với các loại thuốc sau:

  • Pentobarbital: Thuốc có thể gây tương tác với hương nhu, làm cơn buồn ngủ
  • Nhóm thuốc đông máu: Bao gồm Dalteparin (Fragmin®),Enoxaparin (Lovenox®), Aspirin, Warfarin (Coumadin®), Clopidogrel (Plavix®), Heparin, Ticlopidin (Ticlid®),… Những loại thuốc này có thể phản ứng với các hoạt chất chứa trong hương nhu tía, làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu.

Hương nhu tía có thể gây tương tác với một số thuốc có thể làm giảm tác dụng điều trị và tăng phản ứng phụ. Vì vậy, khi dùng dược liệu bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ về những loại thuốc tây, thảo dược, vitamin hoặc thực phẩm chức năng tránh dùng chung với hương nhu tía. 

Những thông tin về hương nhu tía nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết thêm thông tin về dược liệu cũng như cách điều trị và tác dụng phụ có thể xảy ra, các bạn vui lòng trao đổi kỹ với thầy thuốc Y học cổ truyền.

→ Có thể bạn quan tâm:

Ngày Cập nhật 23/06/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *