Khô khớp gối là bệnh gì? Nguyên nhân, Biểu hiện, Cách điều trị

Khô khớp gối là tình trạng rất thường gặp trong các bệnh lý về xương khớp hiện nay. Điều đáng quan tâm là đối tượng mắc bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa. Biến chứng của bệnh không chỉ gây đau nhức kinh niên mà còn dễ khiến dáng đi khập khiễng, thậm chí là bại liệt hai chân.

Khớp gối bị khô là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau nhức đầu gối.
Khớp gối bị khô là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau nhức đầu gối.

Mô tả bệnh khô khớp gối

Cấu tạo của khớp gối gồm cấu trúc xương, lớp sụn bao bọc đầu xương và cấu trúc mềm. Trong đó, cấu trúc mềm bao gồm dây chằng, gân, cơ và bao khớp. Bao khớp là nơi tiết dịch khớp để hạn chế ma sát và tổn thương giữa các đầu khớp. Đồng thời, nó giúp cho việc di chuyển dễ dàng. Bên cạnh đó, chất dịch còn giữ vai trò nuôi dưỡng sụn khớp.

Cấu tạo của bao khớp gồm 2 lớp. Lớp ngoài chứa các sợi collagen và dây thần kinh cảm giác. Lớp trong là nơi có rất nhiều mạch máu, các sợi đàn hồi và tế bào tiết dịch. Vì một lý do nào đó, các tế bào này giảm hoặc ngừng hoạt động, khi bước đi bạn sẽ nghe thấy những tiếng lạo xạo trong đầu gối. Việc di chuyển sẽ trở nên khó khăn vì đau. 

Kéo dài tình trạng này, lớp sụn sẽ bị mòn dần, hai đầu khớp ma sát với nhau gây đau nhức ngay cả những cử động bình thường. Thông thường, khớp gối bị khô sẽ đi kèm với quá trình lão hóa tự nhiên. Thế nhưng trong nhiều năm trở lại đây, đối tượng bị tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa. 

hình ảnh mô phỏng đầu gối của người bình thường với người bị khô khớp.
hình ảnh mô phỏng đầu gối của người bình thường với người bị khô khớp.

Biểu hiện bệnh khô khớp gối

Tương tự các bệnh về xương khớp khác, khô khớp gối bắt đầu với các dấu hiệu không rõ ràng. Người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ ở đầu gối lúc gập chân lại. Cơn đau có thể gia tăng khi người bệnh vận động mạnh hoặc bước đi nhanh. Tuy nhiên, khi nghỉ ngơi thì tình trạng đau sẽ biến mất. Vì triệu chứng mơ hồ nên rất nhiều người chủ quan cho đến khi bệnh nặng.

Khi bệnh bắt đầu chuyển nặng, cơn đau sẽ xuất hiện nhiều hơn. Mức độ đau âm ỉ hoặc dữ dội tùy từng trường hợp. Vị trí đau xuất phát từ đầu gối, có thể lây lan đến đùi và bắp chân. Đồng thời, khi bước đi, người bệnh sẽ nghe thấy tiếng lạo xạo phát ra ở khớp gối. Ngoài ra, có thể người bệnh còn bị sưng đỏ ở đầu gối và sốt.

Nguyên nhân khiến khớp gối bị khô

Theo thời gian, hoạt động của các cơ quan và bộ phận trong cơ thể sẽ bị suy yếu. Đó là quá trình lão hóa tự nhiên. Hoạt động của hệ thống xương khớp cũng không ngoại lệ. Vị trí bị lão hóa thường xuất phát từ đầu khớp. Lớp sụn sẽ tự mòn đi và bao khớp cũng không còn hoạt động tích cực như trước. Lượng dịch nhầy tiết ra không đủ sẽ khiến khớp gối bị khô, thoái hóa và nhiều bệnh lý khác.

Ngoài ra, một số thanh thiếu niên cũng bị tình trạng này. Nguyên nhân là do sự phát triển các dây chằng, cơ, gân và xương không đồng đều. Đa số các trường hợp này không đáng lo ngại. Cơ thể sẽ tự hồi phục và việc di chuyển sẽ nhanh chóng trở lại như bình thường.

Bỏ qua nguyên nhân sinh lý tự nhiên, tình trạng khô khớp còn xuất phát từ bệnh lý, chấn thương và đặc biệt là từ thói quen sinh hoạt không đúng cách của rất nhiều người hiện nay.

  • Bệnh lý

Các bệnh lý thường khiến khớp gối bị khô là thoái hóa khớp gối, vôi hóa hoặc viêm khớp do vi khuẩn tấn công. Đây đều là các bệnh rất nguy hiểm về xương khớp. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh rất dễ gây biến chứng bại bại liệt suốt đời.

  • Chấn thương

Nguyên nhân này không thường gặp. Đồng thời, nó cũng không hẳn là yếu tố tác động trực tiếp khiến đầu gối bị khô. Thay vào đó, vấn đề chăm sóc và điều trị không đúng cách mới chính là nguyên nhân.

  • Thói quen sinh hoạt không khoa học

Đây là nguyên nhân rất thường gặp trong hầu hết các trường hợp bị khô khớp gối ở người trẻ tuổi hiện nay. Nếu như trước đây những người sinh hoạt không khoa học chỉ gặp các vấn đề về xương khớp khi tuổi già thì bây giờ hậu quả của nó lại diễn ra ngay khi còn trẻ.

So với trước đây, điều kiện sống và làm việc của người trẻ có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, họ cũng phải chịu nhiều áp lực hơn. Nhiều người tìm đến các chất kích thích hoặc lao vào kiếm tiền mà không hề chú ý đến sức khỏe bản thân. Họ ăn uống thất thường và thậm chí là thiếu chất dinh dưỡng. Cùng với đó là thói quen ngủ nghỉ không khoa học… Hậu quả của hàng loạt các sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh này là xương khớp ngày càng “xuống cấp” và khớp gối bị khô.

Thói quen sinh hoạt không khoa học và ăn uống thiếu chất là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tình trạng khớp gối bị khô ở người trẻ tuổi.
Thói quen sinh hoạt không khoa học và ăn uống thiếu chất là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tình trạng khớp gối bị khô ở người trẻ tuổi.

Đối tượng dễ bị khô khớp gối

Tổng hợp từ các nguyên nhân kể trên, đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh khô khớp gối là:

  • Người từ 60 tuổi trở lên;
  • Làm việc văn phòng, thường xuyên phải ngồi một chỗ cả ngày và ít vận động;
  • Thường xuyên phải mang vác vật nặng;
  • Béo phì;
  • Mắc các bệnh lý về xương khớp: thoái hóa khớp, viêm hoặc trật khớp…;
  • Lạm dụng chất kích thích và ăn uống thiếu chất.

Khớp gối bị khô nguy hiểm thế nào?

Khớp gối bị khô khiến cho các hoạt động đi lại, lên xuống cầu thang, thậm chí là đứng lên ngồi xuống cũng trở nên rất khó khăn. Chân lúc nào cũng có cảm giác mỏi. Thậm chí còn bị mất cảm giác trong một số trường hợp.

Cấu tạo của sụn khớp hoàn toàn không có mạch máu và dĩ nhiên là nó không được máu nuôi dưỡng. Thay vào đó, nó phụ thuộc hoàn toàn vào dịch khớp. Khi dịch khớp bị thiếu, lớp sụn sẽ bị bào mòn. Hai đầu xương sẽ cọ sát với nhau gây đau nhức.

Cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách hình thành các gai xương. Những gai này sẽ gây đau nhức dữ dội mỗi khi vận động mạnh, thậm chí là bước đi hoặc co duỗi chân. Những cơn đau này sẽ không cách nào trị khỏi hoàn toàn. Bạn chỉ có thể kiểm soát chúng. Điều này cũng có nghĩa là nó sẽ tái phát lại khi có cơ hội và theo bạn đến suốt đời.

Trong trường hợp nặng, khớp gối bị khô rất dễ dẫn đến tình trạng teo cơ và biến dạng khớp. Nó khiến chân bị cong vẹo và dáng đi khập khiễng. Thậm chí còn có thể gây liệt chân. Đây cũng là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh lý này.

Ngoài ra, tình trạng khớp gối bị khô còn ảnh hưởng nhiều đến dây thần kinh tọa. Cơn đau có thể chạy dài từ thắt lưng xuống tận các ngón chân. Khi một nửa thân người bị đau nhức thì hoạt động của các cơ quan và bộ phận nửa thân người còn lại cũng trở nên trì trệ và kém hiệu quả.

Cách điều trị khô khớp gối

Chữa tình trạng khớp gối bị khô bằng thuốc Tây y

Thuốc Tây y chữa bệnh khô khớp gối tập trung vào các mục tiêu: giảm đau, chống viêm và phục hồi chức năng. Đối với thuốc giảm đau và chống viêm, loại thường dùng là Paracetamol, Corticoid và NSAIDs (gồm: Diclofenac, celecoxib, indomethacin…). Còn thuốc phục hồi chức năng của khớp thường chứa các thành phần của sụn khớp và bao bọc khớp. Phổ biến là collagen type 2, acid hyaluronic hoặc chondroitin.

Chữa khô khớp gối thông qua chế độ ăn uống

Trong các trường hợp nhẹ, điều chỉnh chế độ ăn uống là cách điều trị chủ yếu khi khớp gối bị khô. Các thực phẩm có tác dụng cải thiện tình trạng này là đậu bắp; các thực phẩm giàu canxi; vitamin K và D; các loại rau và khoai lang.

Bên cạnh bổ sung thêm các thực phẩm trên, người bệnh cần đảm bảo chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng hằng ngày. Đồng thời đảm bảo lượng nước tiêu thụ trung bình từ 1,5 – 2 lít mỗi ngày. Ngoài tác dụng giảm đau, ăn uống đúng cách sẽ giúp cơ thể tự sản sinh ra dịch khớp và đưa hoạt động của khớp gối trở lại bình thường. 

Vitamin K giúp cơ thể hấp thụ tối đa lượng canxi từ thức ăn.
Vitamin K giúp cơ thể hấp thụ tối đa lượng canxi từ thức ăn.

Vật lý trị liệu chữa tình trạng khớp gối bị khô

Phương pháp điều trị này bao gồm các bài tập, chườm nóng, dùng thiết bị hỗ trợ (chiếu tia hồng ngoại, laser hoặc dùng sóng ngắn). Mỗi phương pháp điều có ưu và nhược điểm riêng. Tác dụng của chúng là giảm sưng đau, phục hồi sụn khớp, kích thích cơ thể sản sinh dịch khớp gối và giảm khô khớp. Đồng thời, các phương pháp này còn tăng cường sự dẻo dai cho hệ thống xương khớp (nhất là các bài tập).

Thông thường, người ta kết hợp cùng lúc nhiều phương pháp vật lý trị liệu để nâng cao hiệu quả cải thiện bệnh. Không có phương pháp nào là hiệu quả tối ưu nhất cho tất cả các trường hợp. Tùy vào tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ thích hợp nhất. 

Tiêm dịch nhầy để cải thiện tình trạng khớp gối bị khô

Một số trường hợp không điều trị được bệnh bằng các liệu pháp thông thường (ví dụ như dùng thuốc) có thể sử dụng acid hyaluronic tiêm trực tiếp vào đầu khớp. Bên cạnh đó, một số trường hợp bệnh từ trung bình đến nặng cũng sẽ được cân nhắc dùng phương pháp này. Ngoài ra, những đối tượng cần trì hoãn phẫu thuật cũng sẽ tiêm dịch khớp để khắc phục triệu chứng trước mắt.

Phương pháp này chỉ phát huy tác dụng khi tiêm đầy đủ 3 hoặc 5 lần tùy loại. Mỗi mũi tiêm thường cách nhau khoảng 1 tuần. Lượng dịch nhầy bổ sung có tác dụng giảm ma sát giữa các đầu khớp và nuôi dưỡng phần sụn. Bên cạnh đó, nó còn kích thích tế bào ở sụn sản sinh ra chất giảm đau. Hiệu quả của phương pháp này có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm tùy trường hợp.

Dù được đánh giá cao về hiệu quả cải thiện bệnh nhưng cách tiêm dịch nhầy vào đầu khớp rất dễ khiến người bệnh phụ thuộc vào thuốc. Bao bọc khớp không còn khả năng sản xuất dịch nhầy tự nhiên nữa. Ngoài ra, một số trường hợp có thể xuất hiện tình trạng chảy dịch khớp, gây sưng và viêm nhiễm.

Tiêm dịch nhầy là phương pháp được đánh giá cao về hiệu quả cải thiện tình trạng khô khớp gối. Tuy nhiên, nó dễ gây phụ thuộc.
Tiêm dịch nhầy là phương pháp được đánh giá cao về hiệu quả cải thiện tình trạng khô khớp gối. Tuy nhiên, nó dễ gây phụ thuộc.

Phẫu thuật chữa bệnh khô khớp gối chuyển nặng

Phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo được áp dụng cho các trường hợp bệnh rất nặng và đối mặt với nguy cơ bại liệt. Tuy nhiên, nó không phải là giải pháp tốt nhất. Bởi có rất nhiều rủi ro khi thực hiện phương pháp điều trị này. Phổ biến là tình trạng nhiễm trùng khớp và lệch khớp.

Các bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần mặt khớp đã hư hại và bọc vào đó mảnh kim loại. Thay thế phần sụn khớp là một miếng nhựa. Sau đó, bệnh nhân sẽ được cân chỉnh lại trục chân. Khi vết mổ lành, người bệnh có thể đi lại bình thường và không còn bị đau nhức nữa. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật rất cao. Cứ sau khoảng 10 – 15 năm phải phẫu thuật lại.

Lưu ý trong điều trị tình trạng khớp gối bị khô

Lưu ý đầu tiên trong điều trị bệnh khô khớp gối là phát hiện và điều trị càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng cao. Bạn cần đến cơ sở y tế kiểm tra để biết chính xác tình trạng bệnh và nguyên nhân để có được hướng điều trị phù hợp nhất.

Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, điều đầu tiên bạn cần làm là tham khảo ý kiến của bác sĩ. Ngay cả những loại thuốc có chỉ định dùng cho trường hợp của bạn thì cũng không được tự ý dùng. Bởi thời điểm sử dụng cũng rất quan trọng. Uống thuốc một cách vô tội vạ có thể ảnh hưởng đến phác đồ điều trị bệnh.

Ngoài việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý, bạn cần kiểm soát cân nặng. Mục đích là giảm bớt áp lực cho đầu gối và giúp bệnh nhanh chóng được cải thiện hơn.

Cuối cùng, hãy giữ sức khỏe tinh thần thật tốt. Điều này sẽ giúp bạn ăn uống ngon miệng và ngủ sâu hơn. Sức khỏe tinh thần và thể chất tốt là điều kiện nền tảng để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể tự sửa chữa những tổn thương cho bệnh khô khớp gối gây ra.

Ngày Cập nhật 23/06/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *