Bị men gan cao khi mang thai và những điều cần biết

Men gan cao khi mang thai là dấu hiệu cảnh báo tế bào gan bị tổn thương, viêm và suy giảm chức năng. Nếu không điều trị và kiểm soát kịp thời, tình trạng này có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của thai nhi lẫn mẹ bầu.

men gan cao khi mang thai
Bị men gan cao khi mang thai có nguy hiểm không?

Men gan cao khi mang thai là gì?

Men gan thường có 4 loại, bao gồm Gamma-glutamyl transpeptidase (GGT), Alanine transaminase (ALT), Aspartate transaminase (AST) và Phosphatase kiềm (ALP). Trong đó, men AST và ALT có trong tế bào gan, ALP có trong thành tế bào gan và GGT có trong thành tế bào ống mật.

Chỉ số men gan tăng cao là một trong những dấu hiệu cho thấy gan bị tổn thương và suy giảm hoạt động. Thông thường, men gan chỉ tồn tại trong máu với một nồng độ nhất định. Tuy nhiên khi gan bị viêm hoặc hư tổn, men gan có thể rò rỉ vào máu và gia tăng nồng độ.

Thống kê cho thấy, có khoảng 5% phụ nữ mang thai bị tăng men gan. Khác với người bình thường, men gan cao khi mang thai không chỉ ảnh hưởng đến thai phụ mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe của thai nhi và có khả năng gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân gây tăng men gan khi mang thai

Theo các chuyên gia, men gan cao khi mang thai có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:

men gan cao khi mang thai
Lạm dụng rượu là nguyên nhân khiến gan bị tổn thương và tăng men gan trong thai kỳ
  • Viêm gan siêu vi: Phụ nữ mang thai bị viêm gan B, C, A có thể khả năng tăng chỉ số men gan trong máu. Nguyên nhân là do các bệnh lý này khiến chức năng gan suy giảm và tạo điều kiện cho men gan rò rỉ vào tuần hoàn máu.
  • Gan nhiễm mỡ: Ngoài các bệnh viêm gan siêu vi, men gan tăng cao ở phụ nữ mang thai còn có thể là dấu hiệu của gan nhiễm mỡ. Bệnh lý này thường xảy ra ở nữ giới có cân nặng dư thừa và chế độ nhiều dầu mỡ.
  • Viêm gan tự miễn: Trong thời gian mang thai, cơ thể thường có các thay đổi đột ngột về tâm sinh lý. Các thay đổi này có thể kích thích một số bệnh lý bùng phát – chẳng hạn như viêm gan tự miễn. Bệnh lý này xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra kháng thể tấn công vào tế bào gan, khiến gan bị viêm, suy giảm chức năng và tăng men gan.
  • Do các bệnh đường mật: Đường mật là cơ quan có mối quan hệ mật thiết với gan. Do đó một số bệnh lý ở đường mật như viêm đường mật, sỏi đường mật,… có thể gây tổn thương tế bào gan và làm tăng men gan.
  • Ảnh hưởng của một số loại thuốc: Phụ nữ mang thai lạm dụng các loại thuốc chuyển hóa qua gan (Paracetamol) có thể khiến gan bị tổn thương và tăng enzyme trong máu.
  • Dùng nhiều rượu: Tiêu thụ quá nhiều rượu có thể khiến gan bị hư hại, tổn thương và có xu hướng tăng men gan. Ngoài ra, thói quen uống rượu trong thời gian mang thai còn gây hại cho thai nhi và tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.

Các triệu chứng nhận biết men gan cao khi mang thai

Thông thường, men gan tăng nhẹ ít khi gây ra các triệu chứng lâm sàng. Vì vậy phần lớn thai phụ chỉ phát hiện tăng men gan khi thăm khám định kỳ.

men gan cao khi mang thai
Tăng men gan có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, chán ăn, chướng bụng và đau vùng hạ sườn phải

Tuy nhiên trong trường hợp men gan tăng cao, thai phụ có thể gặp phải một số triệu chứng như:

  • Đau vùng hạ sườn phải
  • Giãn vi mạch ở cổ
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Chướng bụng nhẹ

Các triệu chứng tăng men gan thường chỉ kéo dài trong khoảng vài ngày đến vài tuần. Vì vậy rất hiếm trường hợp phát hiện bệnh thông qua triệu chứng lâm sàng mà chủ yếu phát hiện khi thăm khám tổng quát và xét nghiệm máu.

Vì vậy trước và trong thời gian mang thai, bạn nên sàng lọc sức khỏe và kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các dấu hiệu bất thường.

Tăng men gan ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm không?

Tăng men gan là dấu hiệu cho thấy gan bị tổn thương và suy giảm chức năng. Nếu không tiến hành điều trị, tình trạng có thể kéo dài và gây ra các vấn đề về gan như xơ gan, suy gan và ung thư gan.

Tuy nhiên ở phụ nữ mang thai, men gan cao còn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Hội chứng HELLP: Hội chứng HELLP là viết tắt của tình trạng tăng men gan, giảm tiểu cầu và thiếu máu tan huyết. Hội chứng thường xảy ra ở giai đoạn cuối thai kỳ và là một biến thể của tình trạng tiền sản giật. Trong trường hợp men gan cao không được khắc phục, thai phụ có thể gặp phải hội chứng HELLP, tăng nguy cơ tổn thương gan, suy đa tạng, xuất huyết não và có nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con.
  • Gây ảnh hưởng sức khỏe thai nhi: Men gan cao có thể làm giảm khả năng chuyển hóa và thanh lọc của gan, khiến cơ thể mẹ mệt mỏi, chán ăn và suy yếu. Sức khỏe của thai phụ suy giảm tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, tăng nguy cơ sinh non và nhẹ cân.
  • Lây nhiễm virus viêm gan cho trẻ: Nếu mẹ bị tăng men gan do viêm gan siêu vi, trẻ có thể bị lây nhiễm bệnh lý này từ mẹ. Đối với những trường hợp này, cần thăm khám định kỳ để bác sĩ chuẩn bị các phương án phòng ngừa lây nhiễm ngay khi trẻ vừa chào đời.

Mẹ bầu bị tăng men gan phải làm sao?

Tăng men gan ở phụ nữ mang thai có thể gây ra các biến chứng nặng nề. Vì vậy ngay khi được chẩn đoán men gan cao, thai phụ nên tìm gặp bác sĩ để được chỉ định các biện pháp điều trị và hướng dẫn cách chăm sóc khoa học.

1. Điều trị y tế

Khác với người bình thường, phụ nữ mang thai là một trong những nhóm đối tượng nhạy cảm và dễ gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng thuốc. Vì vậy với những trường hợp men gan tăng nhẹ, bác sĩ thường không khuyến khích các biện pháp điều trị y tế.

men gan cao khi mang thai
Phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa

Tuy nhiên đối với các thai phụ có chỉ số men gan tăng cao bất thường và có nguy cơ gặp phải biến chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích trước khi chỉ định thuốc. Các loại thuốc thường được dùng để điều trị men gan cao ở mẹ bầu, bao gồm thuốc giải độc gan, thuốc bảo vệ tế bào gan, thuốc hạ men gan và một số loại thuốc thảo dược (cà gai leo, nhân trần và atiso).

Việc dùng thuốc cho phụ nữ mang thai có thể gây ra nhiều rủi ro và hệ lụy. Vì vậy bạn chỉ nên sử dụng khi có chỉ định và cần thông báo với bác sĩ trong trường hợp phát sinh các biểu hiện bất thường.

2. Biện pháp chăm sóc

Ngoài sử dụng thuốc, mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc nhằm hạ men gan, cải thiện chức năng gan và hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng phát sinh.

men gan cao khi mang thai
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học giúp hạ men gan và bảo vệ chức năng gan

Chế độ chăm sóc cho phụ nữ mang thai bị tăng men gan:

  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, củ và trái cây. Ngoài tác động tích cực đến chức năng tiêu hóa, chất xơ còn giúp phá vỡ cholesterol, giảm tích tụ chất béo và kiểm soát nồng độ men gan.
  • Tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa như dầu ô liu, bơ, yến mạch, củ cải đường, cà rốt,… Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các tế bào trong cơ thể, tiêu trừ gốc tự do và tối ưu hóa hoạt động của gan, mật.
  • Thường xuyên dùng cam, quýt, bưởi, lê,… để bổ sung vitamin C cho cơ thể. Vitamin C giúp chống oxy hóa, cải thiện sức khỏe và nâng cao khả năng miễn dịch. Sức đề kháng khỏe mạnh giúp thúc đẩy phục hồi tế bào gan, ổn định men gan và ngăn chặn biến chứng suy gan, xơ gan,…
  • Phụ nữ mang thai thường có xu hướng tăng cân nhanh do thường xuyên bồi bổ bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên việc tăng cân quá nhanh có thể tăng tích tụ mỡ trong gan, gây gan nhiễm mỡ và làm tăng men gan. Để làm giảm tình trạng này, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được xây dựng chế độ ăn đủ dinh dưỡng nhưng không gây tăng cân quá nhanh.
  • Khi mang thai, nên uống từ 2.5 – 3 lít nước/ ngày. Uống nhiều nước giúp cân bằng điện giải, điều hòa huyết áp và hỗ trợ gan đào thải độc tố.
  • Từ tháng thứ 4 trở đi, thai phụ có thể tập các động tác thể dục nhẹ nhàng nhằm kiểm soát huyết áp, tăng cường sức khỏe xương khớp và hỗ trợ cải thiện chức năng gan. Ngoài ra, vận động với cường độ thích hợp còn giúp thai phụ điều chỉnh cân nặng và hạn chế tình trạng phù chi dưới vào những tháng cuối thai kỳ.
  • Ngoài ra, phụ nữ mang thai cần tránh rượu bia, đồ uống chứa chất kích thích, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ và gia vị.
  • Sử dụng máy lọc không khí để làm sạch khói thuốc lá, bụi mịn và nấm mốc.
  • Trong thời gian mang thai, cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc – đặc biệt là các loại thuốc gây độc lên gan và tác động xấu đến thai nhi.

Men gan cao khi mang thai có thể gây ra các biến chứng nặng nề, đe dọa đến tính mạng của thai nhi và mẹ bầu. Vì vậy khi được chẩn đoán tăng men gan, bạn cần chủ động điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ và thiết lập chế độ chăm sóc khoa học.

Tham khảo thêm: Top 10 thuốc hạ men gan tốt nhất được sử dụng phổ biến

Ngày Cập nhật 06/03/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *