Mỏi lưng: Nguyên nhân và các biện pháp khắc phục nhanh nhất

Mỏi lưng có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên như chấn thương, thoát vị đĩa đệm, loãng xương,… Triệu chứng này có thể xảy ra ở mọi người, mọi lứa tuổi. Đặc biệt, mỏi ở lưng càng phát triển dữ dội khi người bệnh già đi. Để chấm dứt tình trạng nhức mỏi này, bệnh nhân cần chẩn đoán và điều trị đúng nguyên nhân gây bệnh.

Mỏi lưng
Mỏi lưng – Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân gây mỏi lưng là do đâu?

Theo các chuyên gia, lưng có cấu trúc phức tạp, bao gồm dây chằng, cơ bắp, đĩa, xương và gân. Các bộ phận này hoạt động cùng nhau giúp hỗ trợ cơ thể hoạt động và di chuyển. Tuy nhiên, nếu bất kỳ bộ phận nào gặp vấn đề có thể gây đau mỏi ở lưng.

Nguyên nhân gây mỏi và đau ở lưng vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng triệu chứng này hình thành cũng có thể do các tác nhân sau đây:

Do chấn thương hoặc căng cơ

Mỏi và đau ở lưng có thể bắt nguồn từ chấn thương hoặc do căng cơ hay dây chằng. Ngoài ra, tình trạng này xảy ra cũng có thể do gãy xương, co thắt cơ bắp hoặc đĩa đệm bị hỏng. 

Căng cơ, chấn thương xảy ra chủ yếu là do người bệnh lặp lại hoạt động trong thời gian dài. Ngoài ra, chấn thương gây đau nhức, mỏi ở lưng cũng có thể là do tai nạn hoặc nâng vật nặng không đúng cách. Mặt khác, đau nhức hoặc mỏi ở lưng cũng có thể là kết quả của một số hoạt động hàng ngày hoặc thực hiện tư thế xấu sau:

  • Lá xe đường dài nhưng không nghỉ ngơi
  • Ngủ ở nệm mềm, không giúp nâng đỡ cơ thể hoặc giữ thẳng cột sống
  • Thường xuyên sử dụng máy tính với tư thế căng cổ về phía trước
  • Áp dụng các bài tập uốn cong cơ thể trong thời gian dài không đúng cách

Do bệnh lý cột sống

Triệu chứng này xảy ra cũng có thể do các bệnh lý sau gây nên:

  • Viêm khớp: Theo các chuyên gia xương khớp, viêm khớp có thể gây các vấn đề đau hoặc nhức mỏi ở hông, lưng và một vài nơi khác, trong đó phổ biến nhất là lưng.
  • Đau thần kinh tọa: Nguyên nhân là do đĩa đệm bị thoát vị gây chèn ép dây thần kinh dẫn đến tình trạng đau nhức lan rộng từ lưng, hông xuống mông và phía sau chân
  • Loãng xương: Là hiện tượng mật độ khoáng chất trong xương giảm dần khiến xương trở nên giòn và dễ gãy. Ngoài xét nghiệm cho thấy hàm lượng khoáng chất trong xương giảm dần, người bệnh còn gặp triệu chứng đau nhức, mỏi ở lưng kèm theo tình trạng tê nhức, khó chịu.
  • Độ cong bất thường ở cột sống: Một vài nghiên cứu cho biết, cột sống cong một cách bất thường như vẹo cột sống hoặc cột sống cong sang một bên có thể gây cảm giác đau và nhức mỏi ở lưng
  • Vấn đề ở thận: Nhiễm trùng thận hoặc sỏi thận có thể gây mỏi hoặc đau nhức ở lưng, đặc biệt là phần lưng dưới
  • Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm bị thoát ra khỏi vị trí vốn có của nó có thể gây chèn dây thần kinh và rễ tủy gây đau mỏi chạy dọc dây thần kinh từ lưng xuống mông và chân 
nguyên nhân gây mỏi lưng
Mỏi lưng có thể là do bệnh thoát vị đĩa đệm gây nên

Nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, mỏi và đau ở lưng cũng có thể là do:

  • Bệnh viêm vùng chậu hoặc nhiễm trùng bàng quang
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Bệnh zona
  • Bệnh ung thư cột sống
  • Bệnh hội chứng Equina Cauda
  • Do tới kỳ hành kinh ở phụ nữ

Ai có nguy cơ mắc chứng mỏi lưng cao?

Những đối tượng sau đây thường có nguy cơ mắc chứng mỏi và đau lưng cao như: 

  • Phụ nữ mang thai
  • Người thừa cân, mắc bệnh béo phì
  • Người thường xuyên hút thuốc 
  • Người cao tuổi
  • Người ít vận động có thể lực kém
  • Người ngồi nhiều trước màn hình máy tính
  • Người tập thể dục với cường độ cao
  • Người lao động khuân vác vật nặng nhưng không có dụng cụ trợ giúp

Mỏi lưng – Khi nào cần thăm khám?

Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, tình trạng đau nhức ở lưng lan xuống tận mông và chân. Thông thường, cơn đau nhức, mỏi ở lưng có thể biến mất sau đó vài tiếng hoặc vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này không thuyên giảm và kèm theo các biểu hiện sau, bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám.

  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Sốt
  • Viêm hoặc sưng ở phần lưng
  • Đau lan xuống chân dưới
  • Đau dai dẳng, kéo dài ngay cả khi người bệnh nằm nghỉ
  • Cảm giác khó tiểu, tiểu buốt
  • Tê ở quanh hậu môn, bộ phận sinh dục hoặc mông

Chẩn đoán nguyên nhân gây mỏi lưng

Thông thường, triệu chứng mỏi và đau ở lưng đều được người bệnh lơ là, bỏ qua. Tuy nhiên, trong một trường hợp mỏi kèm theo tình trạng đau nhức dữ dội, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân tiến hành các kiểm tra sau đây để xác định nguyên nhân gây bệnh.

  • Chụp X – quang: Giúp chẩn đoán triệu chứng bệnh có phải do gãy xương hay viêm khớp gây nên. Tuy nhiên, biện pháp này không giúp kiểm tra những tổn thương ở tủy sống, cơ, đĩa đệm hoặc dây thần kinh
  • Chụp CT hoặc MRI: Giúp phát hiện thoát vị đĩa đệm và các vấn đề liên quan đến dây thần kinh, mạch máu, mô, cơ, gân và xương
  • Quét xương: Giúp chẩn đoán loãng xương và chẩn đoán khối u xương.
  • Điện cơ hoặc EMG: Biện pháp giúp đo các xung điện do dây thần kinh tạo ra để đáp ứng với cơ bắp. Điều này có nghĩa,  nếu dây thần kinh bị chèn ép, người bệnh có thể bị hẹp ống sống hoặc thoát vị đĩa đệm
  • Xét nghiệm máu: Chẩn đoán bệnh nếu nghi ngờ nhiễm trùng
Mỏi lưng
Chẩn đoán mỏi lưng bằng x – quang, MRI hoặc chụp CT

Điều trị mỏi lưng

Mỏi lưng có thể tự khỏi sau đó vài ngày xoa bóp hoặc nghỉ ngơi. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn để cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp đau và mỏi ở lưng kéo dài, bệnh nhân cần điều trị bệnh theo chỉ định từ chuyên gia.

Giảm đau mỏi lưng bằng thuốc

Hầu hết bệnh nhân có thể giảm đau mỏi lưng bằng các loại thuốc sau đây:

  • Thuốc chống viêm không steroid: Bao gồm Ibuprofen (Motrin) và Naproxen (Aleve). Ở những đối tượng có vấn đề về thận hoặc viêm loét dạ dày nên sử dụng thuốc Ibuprofen thận trọng tránh gây ảnh hưởng xấu đến bệnh. 
  • Thuốc giảm đau: Acetaminophen (Tylenol)
  • Thuốc mỡ hoặc thuốc bôi ngoài: Dùng các sản phẩm có chứa thành phần giảm đau, chống mỏi như Ibuprofen và lidocaine
  • Thuốc giảm đau mạnh được kê đơn: Oxycodone (OxyContin) và  hydrocodone (Vicodin). Thuốc nên dùng cẩn thận về liều lượng, tránh gây nghiện
  • Thuốc giãn cơ: Đau và mỏi ở lưng có thể do ảnh hưởng bởi cơ. Vì vậy, để kiểm soát triệu chứng này, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc giãn cơ nhằm giảm đau.
  • Thuốc chống trầm cảm: Loại thuốc chống trầm cảm ba vòng thường được sử dụng phổ biến là Amitriptyline 

Lưu ý: Thuốc có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy, bệnh nhân không bao giờ dùng nhiều hơn liều dùng khuyến cáo.

Kiểm soát triệu chứng đay và mỏi lưng bằng nhiệt

Nhiệt là một trong những cách giúp kiểm soát triệu chứng đau và mỏi ở lưng hiệu quả ngay tại nhà. Để cải thiện triệu chứng này, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp nhiệt sau đây:

  • Chườm nóng: Có tác dụng kích thích máu lưu thông, làm giãn cơ, giúp hệ cơ và dây chằng thả lỏng và thư giãn, giảm đau và mỏi. Người bệnh có thể sử dụng túi chườm hoặc chai đựng nước nóng 60 độ C chườm lên vị trí mỏi ở lưng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể dùng ngải cứu hoặc gạo rang nóng, cho vào tấm vải và chườm lên lưng. Thực hiện đều đặn mỗi ngày cho đến khi triệu chứng bệnh giảm dần.
  • Chườm lạnh: Nước đá có tác dụng làm giảm đau và cải thiện tình trạng sưng đỏ, mỏi ở lưng. Bệnh nhân dùng túi nước lạnh chườm lên vị trí mỏi 20 phút. Không nên dùng đá chườm trực tiếp lên da tránh gây ảnh hưởng đến dây thần kinh cảm giác dưới da.

Chữa mỏi lưng bằng bài tập trị liệu

Các bài tập vận động không chỉ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, lưng và xương mà còn giúp giảm đau và mỏi ở lưng. Bên cạnh đó, thường xuyên tập luyện, giúp máu lưu thông tốt, tăng cường phạm vi chuyển động của cơ bắp và dây chằng, gân. Chưa kể đến, áp dụng các bài tập trị liệu giúp thúc đẩy não bộ sản xuất endorphin giúp giảm căng thẳng và đau tự nhiên.

Để thực hiện các bài tập trị liệu giúp cải thiện tình trạng đau mỏi ở lưng, bệnh nhân nên trao đổi kỹ với bác sĩ về tình trạng bệnh. Từ đó, các chuyên gia sẽ thiết kế chế độ bài tập phù hợp ở mỗi người. Ngoài các động tác tập luyện này, người bệnh cũng có thể chạy bộ hoặc đi bộ 30 phút mỗi ngày để tăng sức bền cơ thể.

Mỏi lưng
Điều trị mỏi lưng bằng cách tham gia vận động 30 phút mỗi ngày bằng cách đi bộ, yoga hoặc chạy,…

Một số biện pháp khắc phục mỏi lưng tại nhà

Ngoài các phương pháp nêu trên, người bệnh có thể thử các cách giảm mỏi, đau ở lưng tại nhà sau đây:

  • Sử dụng tinh dầu xoa bóp: Các hoạt chất chứa trong tinh dầu có tác dụng làm ấm cơ và giảm đau. Người bệnh có thể sử dụng tinh dầu oải hương, bạc hà,… trộn với dầu vận chuyển như dầu jojoba, hạnh nhân hoặc dầu ô liu,… thoa đều lên lưng. Sau đó, tiến hành dùng tay xoa bóp và massage nhẹ nhàng tại vị trí đau mỏi. Thực hiện thường xuyên để nhận được kết quả tốt.
  • Tắm nước ấm: Tương tự như liệu pháp nhiệt, tắm nước ấm giúp giảm nhanh tình trạng đau nhức và mỏi ở lưng. Bên cạnh tắm nước nóng, bệnh nhân có thể ngâm mình trong nước ấm với tinh dầu, muối epsom hoặc nước thảo dược,… nhằm giúp bệnh nhanh chóng phục hồi.

Cách phòng ngừa mỏi lưng

Để phòng tránh tình trạng đau nhức và mỏi ở lưng, bệnh nhân nên tuân thủ các lời khuyên sau đây:

  • Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng ở mức độ ổn định giúp giảm áp lực cơ thể lên cơ lưng, giúp giảm mỏi và đau 
  • Cân bằng chế độ ăn uống: Có kế hoạch ăn uống khoa học, giàu dinh dưỡng. Tốt nhất, bệnh nhân nên ăn nhiều rau xanh, thực phẩm chứa canxi và chống viêm. Hạn chế sử dụng đồ ăn chứa nhiều chất béo no, đặc biệt là thức ăn nhanh. Nên tránh uống rượu bia hoặc đồ uống có chứa cồn.
  • Cải thiện tư thế sinh hoạt và làm việc: Việc điều chỉnh tư thế đúng giúp giảm bớt căng thẳng, áp lực đè nén lên cột sống. Vì vậy, giúp giảm đau và mỏi ở cơ lưng.
  • Không nên mang giày cao gót thường xuyên: Theo một số nghiên cứu, giày cao gót có thể gây tổn thương cho lưng, gây đau và mỏi. Do đó, để kiểm soát triệu chứng khó chịu ở bệnh, người bệnh nên đổi giày cao gót thành giày pata.

Mỏi lưng không phải là vấn đề bệnh lý nguy hiểm. Để kiểm soát triệu chứng khó chịu ở lưng, người bệnh có thể áp dụng các mẹo chữa trị, chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, mỏi lưng cũng có thể là dấu hiệu nhận biết của bệnh lý xương khớp Vì vậy, người bệnh cần thăm khám sớm để có hướng điều trị bệnh chủ động, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

→ Có thể bạn quan tâm:

Ngày Cập nhật 05/06/2023

Hết đau vai gáy, khô khớp rồi thoái hóa cột sống... tôi từng khổ sở vô cùng. Nhưng may mắn khi biết đến phác đồ trị bệnh của Đỗ Minh Đường mà tôi đã có thể thở phào, vận động dễ dàng hơn.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *