Ngứa da mặt: Xác định nguyên nhân và điều trị dứt điểm

Ngứa da mặt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như dị ứng, nhiễm trùng da, các bệnh da liễu mãn tính hoặc do thói quen sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học. Để điều trị dứt điểm triệu chứng này, bạn cần xác định nguyên nhân cụ thể và áp dụng các biện pháp cải thiện tương ứng.

Ngứa da mặt
Ngứa da mặt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau

Các nguyên nhân gây ngứa da mặt

Ngứa da mặt là tình trạng vùng da mặt bị kích thích, dẫn đến triệu chứng ngứa, châm chích và khó chịu. Ngứa da mặt có thể khởi phát đơn độc nhưng cũng có thể đi kèm với một số tổn thương thực thể như mụn, phát ban, mề đay, sẩn ngứa,…

Triệu chứng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để xác định được nguyên nhân cụ thể, bạn nên xem xét các biểu hiện thực thể và triệu chứng đi kèm để khoanh vùng các khả năng có thể xảy ra.

Một số nguyên nhân có thể gây ra chứng ngứa da mặt, bao gồm:

1. Do các bệnh da liễu cấp – mãn tính gây ra

Ngứa da mặt là triệu chứng điển hình của các bệnh da liễu cấp và mãn tính như:

Nổi mề đay mẩn ngứa:

Nổi mề đay mẩn ngứa là hệ quả do mao mạch ở lớp trung bì bị kích thích. Tình trạng này thường xảy ra sau khi ăn thực phẩm dị ứng, thay đổi nội tiết hoặc do nhiệt độ môi trường giảm đột ngột.

Nổi mề đay ở da mặt đặc trưng bởi triệu chứng ngứa ngáy, sưng viêm và nóng rát nhẹ. Bên cạnh đó tình trạng này còn khiến da xuất hiện các sẩn ngứa và ban da có bề mặt nổi cộm và ranh giới rõ ràng so với những vùng da xung quanh.

Chàm sữa:

Chàm sữa là bệnh da liễu mãn tính, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Bệnh gây ra tình trạng đỏ da, sần sùi, bong tróc và ngứa ngáy.

ngứa da mặt là bệnh gì
Chàm sữa thường gây tổn thương ở vùng má, cằm kèm theo triệu chứng ngứa và bong tróc

Tổn thương da do chàm sữa thường tập trung ở 2 bên má, cằm và trán.

Viêm da cơ địa:

Viêm da cơ địa là tình trạng viêm da mãn tính có liên quan đến yếu tố cơ địa. Bệnh cũng có thể gây ra tổn thương ở vùng da mặt khi có các yếu tố thuận lợi như sử dụng sữa rửa mặt có độ pH cao, thường xuyên trang điểm hoặc da mặt quá khô, bong tróc.

ngứa da mặt là bệnh gì
Viêm da cơ địa ở mặt gây ra ban da, mụn nước đi kèm với triệu chứng ngứa, châm chích và nóng rát

Viêm da cơ địa ở mặt thường làm xuất hiện phát ban da, trên bề mặt có các mụn nước nhỏ, gây nóng rát và ngứa ngáy. Tuy nhiên theo thời gian, tổn thương da thường có xu hướng dày sừng, cứng, thâm sạm và nứt nẻ.

Viêm da tiết bã nhờn:

Viêm da tiết bã nhờn (viêm da dầu) thường xảy ra ở những vùng da có nhiều dầu như vùng má, lông mày, cằm và trán. Bệnh lý này có thể gây ngứa da mặt kèm theo tổn thương có màu đỏ, bề mặt chứa nhiều dầu và có vảy bong màu mật ong hoặc vàng nhạt.

2. Do nhiễm trùng da

Nhiễm trùng da là tình trạng da bị tổn thương do virus, nấm hoặc vi khuẩn. Tương tự các bệnh da liễu thông thường, nhiễm trùng da không chỉ gây ngứa mà còn làm phát sinh mụn, sẩn ngứa, viêm sưng,…

Mụn nhọt:

Mụn nhọt là một dạng nhiễm trùng da ở các nang lông do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) gây ra. Nhọt đặc trưng bởi tình trạng da sưng viêm, nóng rát và có xuất hiện các u nhọt chứa mủ trắng bên trong.

Khi mới hình thành, nhọt thường gây ngứa da mặt và châm chích. Tuy nhiên sau khi đã tụ mủ, mụn nhọt thường gây viêm sưng, đau rát và có thể gây sốt nhẹ.

Mụn trứng cá:

Mụn trứng cá là tình trạng da liễu thường gặp và chủ yếu xảy ra ở vùng da mặt. Mụn trứng cá thường hình thành do lỗ chân lông bị bít tắc khiến dầu thừa cộng hưởng với bụi bẩn, tế bào chết tạo thành các nang mụn. Tình trạng này thường gây ngứa da mặt kèm sưng đau nhẹ.

Ngứa da mặt
Mụn trứng cá gây ngứa da mặt kèm theo sự xuất hiện của các mụn viêm có nhân trắng

Viêm nang lông:

Viêm nang lông có thể xảy ra ở vùng da mặt do thói quen rửa mặt với nước ấm, vệ sinh kém hoặc do da tiết quá nhiều dầu. Bệnh lý này thường gây viêm nhiễm khu trú ở một hoặc nhiều nang lông, đi kèm với triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu và châm chích.

Zona thần kinh:

Zona thần kinh là bệnh da liễu do nhiễm trùng virus varicella zoster. Loại virus này thường gây bệnh thủy đậu. Tuy nhiên sau khi điều trị, virus không được tiêu diệt hoàn toàn mà tiềm ẩn bên trong các tế bào thần kinh. Khi có điều kiện thích hợp (da mặt bị kích thích, hệ miễn dịch suy giảm, suy nhược cơ thể,…), virus có thể bùng phát và gây tổn thương ở vùng da mặt (chủ yếu ở vùng mắt, môi và xương hàm).

Ngứa da mặt
Zona thần kinh xảy ra ở mặt có thể gây đau, ngứa rát, sưng hạch bạch huyết và sốt nhẹ

Zona thần kinh gây tổn thương da là các ban da nhỏ, bề mặt có sự xuất hiện của các mụn nước chứa dịch, mọc khu trú thành từng cụm. Ngoài triệu chứng ngứa da mặt, zona còn gây đau rát, sưng nóng kèm mệt mỏi, sốt nhẹ và đau đầu.

Hắc lào:

Hắc lào là một dạng tổn thương da có hình tròn, bề mặt khô, sần sùi và gây ngứa âm ỉ đến dữ dội. Bệnh xảy ra khi nhiễm vi nấm Trichophyton, Epidermophyton, Malassezia furfur,… Hắc lào có thể gây tổn thương ở vùng da mặt kèm theo ngứa và đau rát nhẹ.

Herpes môi:

Herpes môi (mụn rộp sinh dục) là một dạng nhiễm trùng da do virus herpes simplex type 1. Bệnh gây ra các vết phồng rộp nhỏ ở da, bên trong chứa dịch trong suốt kèm ngứa và đau rát. Tổn thương da của herpes môi tương tự zona thần kinh nhưng phạm vi ảnh hưởng thường nhỏ hơn.

3. Do dị ứng

Bên cạnh đó, ngứa da mặt cũng có thể là hệ quả do một số tình trạng dị ứng như:

Dị ứng thức ăn:

Dị ứng thức ăn xảy ra khi hệ miễn dịch “nhạy cảm” với protein và các thành phần dinh dưỡng có trong thực phẩm. Vì vậy sau khi dung nạp các thực phẩm này, cơ thể thường có xu hướng tạo ra kháng nguyên – IgE.

Nồng độ IgE trong máu tăng lên gây phóng thích histamine vào niêm mạc hô hấp, tiêu hóa và da, từ đó làm phát sinh triệu chứng nổi mề đay, phát ban ở vùng da mặt, tay chân,… kèm ngứa ngáy. Bên cạnh đó, ngứa da mặt do dị ứng thức ăn còn đi kèm với một số triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, sưng cổ họng, ngứa họng và chảy nước mũi.

Dị ứng thời tiết:

Dị ứng thời tiết là thuật ngữ đề cập đến các triệu chứng khó chịu xảy ra do hệ miễn dịch phản ứng quá mức trước sự thay đổi về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm và không khí. Bệnh lý này thường gây ra tình trạng nổi mẩn ngứa ở vùng da mặt và tay chân, kèm theo ngứa âm ỉ đến dữ dội.

Ngứa da mặt
Dị ứng thời tiết thường khiến da mặt khô, căng rát, dẫn đến tình trạng kích ứng và ngứa ngáy

Bên cạnh đó, dị ứng thời tiết còn đi kèm với một số triệu chứng khác như sổ mũi, đau cổ họng, ho, chảy nước mắt, hắt hơi, sốt nhẹ, mệt mỏi và đau nhức cơ thể.

Dị ứng mỹ phẩm:

Dị ứng mỹ phẩm là tình trạng thường gặp nhất ở vùng da mặt. Các thành phần có trong mỹ phẩm có thể khiến da bị kích thích, dẫn đến tình trạng ngứa ngáy, châm chích, nổi sẩn, mụn, sưng viêm và nóng rát.

Một số tình trạng dị ứng khác:

Ngoài ra ngứa da mặt còn có thể xảy ra do dị ứng với côn trùng, nhựa độc từ thực vật, tiếp xúc với hóa chất, dị ứng nước xịt phòng, dị ứng thuốc,…

4. Do các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn

Bên cạnh đó, ngứa da mặt còn có thể bắt nguồn từ những bệnh lý tiềm ẩn như:

Ngứa da mặt
Nồng độ hormone thay đổi đột ngột có thể khiến da mất cân bằng, nổi sẩn và ngứa rát
  • Các vấn đề về gan: Gan suy giảm chức năng có thể khiến enzyme mật được bài tiết vào máu, gây vàng da, nổi mề đay mẩn ngứa kéo dài kèm theo triệu chứng ngứa ngáy. Nếu ngứa da mặt do các vấn đề về gan, bạn có thể nhận thấy triệu chứng ngứa thường xảy ra trên phạm vi rộng và có mức độ tăng lên vào ban đêm.
  • Rối loạn hormone: Rối loạn hormone thường xảy ra trong thời gian mang thai, sau khi sinh hoặc do chế độ sinh hoạt không điều độ. Nồng độ nội tiết thay đổi đột ngột có thể khiến da mất cân bằng, nổi mẩn kèm theo ngứa ngáy và châm chích.
  • Nhiễm giun sán: Khi xâm nhập vào cơ thể, giun sán không chỉ tồn tại ở bên trong hệ tiêu hóa mà có thể di chuyển đến mô mềm và da. Trong trường hợp này, ngoài ngứa da mặt bạn có thể nhận thấy triệu chứng ngứa xảy ra ở mu bàn tay, bụng, mông,…

5. Do thói quen sinh hoạt và ăn uống

Ngoài các nguyên nhân bệnh lý, ngứa da mặt còn có thể khởi phát do một số thói quen ăn uống và sinh hoạt không khoa học:

Ngứa da mặt
Ngoài ra da mặt bị ngứa cũng có thể xảy ra do thói quen uống nhiều rượu bia
  • Uống ít nước: Không cung cấp đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày có thể khiến da bị khô, bong tróc và phá vỡ lớp màng lipid (lớp màng bảo vệ da). Vì vậy thường xuyên uống ít nước có thể là nguyên nhân khiến da mặt bị khô và ngứa ngáy.
  • Vệ sinh da kém: Da mặt là vị trí nhạy cảm và dễ kích ứng. Nếu không được vệ sinh đúng cách, bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết có thể tồn đọng trên da, gây mụn và ngứa ngáy. Tình trạng này kéo dài còn làm tăng nguy cơ bị nhọt, viêm nang lông và tăng tốc độ lão hóa da.
  • Thường xuyên sờ tay lên mặt: Thói quen sờ tay lên mặt có thể vô tình đưa vi khuẩn lên da, gây mụn trứng cá và khiến da bị kích thích, dẫn đến tình trạng nổi mẩn đó và ngứa.
  • Uống nhiều rượu bia: Cồn, ethanol và các chất kích thích trong rượu bia có thể khiến da mặt bị đỏ, khô và ngứa ngáy. Ngoài ra uống nhiều rượu có thể khiến cơ thể mất nước, khiến da khô ráp và nhạy cảm hơn với các yếu tố kích thích.

Ngứa da mặt có nguy hiểm không?

Ngứa da mặt là triệu chứng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mức độ ngứa có thể từ âm ỉ đến dữ dội tùy vào từng nguyên nhân cụ thể.

Ở một số trường hợp, ngứa da mặt có thể giảm nhanh sau khoảng vài ngày. Tuy nhiên trong trường hợp ngứa da kéo dài, da mặt có thể bị xây xước, mưng mủ và nhiễm khuẩn do thói quen gãi, cào,.. Hơn nữa triệu chứng ngứa dai dẳng, ngứa nhiều vào ban đêm còn gây mất ngủ, sụt cân, suy nhược và mệt mỏi.

Điều trị ngứa da mặt theo từng nguyên nhân cụ thể

Ngứa da mặt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy để cải thiện ngứa da và một số triệu chứng đi kèm, bạn cần xác định nguyên nhân và áp dụng biện pháp điều trị tương ứng.

1. Điều trị ngứa da mặt do nhiễm trùng

Nhiễm trùng da thường do virus, nấm và vi khuẩn. Với từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị sau:

Ngứa da mặt
Điều trị ngứa da mặt do nhiễm trùng chủ yếu dùng thuốc kháng sinh, kháng nấm và virus
  • Thuốc kháng nấm: Trong trường hợp ngứa da mặt do hắc lào, bạn có thể dùng thuốc kháng nấm đường uống hoặc bôi như Fluconazole, Miconazole, Nystatin, Clotrimazole,…
  • Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được chỉ định với trường hợp ngứa da mặt do mụn nhọt và áp xe. Thông thường nhóm thuốc này được chỉ định ở dạng bôi. Tuy nhiên với những trường hợp nhiễm trùng nặng, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc kháng sinh đường uống.
  • Thuốc kháng virus: Với những trường hợp bị herpes môi và zona thần kinh, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc kháng virus như Acyclovir, Valacyclovir,…
  • Thuốc sát trùng tại chỗ: Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng kẽm oxide, povidone iodine,… để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát.

2. Chữa ngứa da mặt do dị ứng

Với trường hợp dị ứng, bác sĩ thường chỉ định thuốc kháng histamine để giảm tổn thương da, giảm ngứa và một số triệu chứng đi kèm. Ngoài ra, bạn có thể dùng phối hợp với các loại thuốc bôi ngoài để làm dịu sẩn ngứa, làm mềm da và ngăn ngừa tổn thương lan rộng.

Ngứa da mặt
Với những trường hợp do dị ứng, điều trị bao gồm dùng kem làm dịu da và thuốc kháng H1

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị ngứa da mặt do dị ứng:

  • Thuốc kháng histamine H1: Các loại thuốc kháng histamine H1 như Clorpheniramin, Cetirizin, Loratadin,… có tác dụng ức chế phóng thích histamine, giúp giảm ngứa da, cải thiện mề đay và sẩn đỏ.
  • Thuốc bôi chứa steroid: Trong trường hợp da bị viêm nặng, bác sĩ có thể chỉ định một số kem bôi chứa steroid để cải thiện triệu chứng, giảm ngứa và ngăn ngừa tổn thương lan rộng.
  • Kem dưỡng ẩm: Sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có thể làm dịu vùng da sưng đau, nổi mẩn và làm dịu triệu chứng ngứa. Ngoài ra một số sản phẩm dưỡng ẩm còn có tác dụng làm sáng da và ngăn ngừa thâm sẹo sau điều trị.

3. Trị ngứa da mặt do các bệnh da liễu cấp – mãn tính

Nếu nguyên nhân do nổi mề đay mẩn ngứa, viêm da cơ địa, chàm sữa, viêm da tiết bã nhờn,… bạn có thể điều trị bằng cách sử dụng các loại thuốc sau:

Ngứa da mặt
Nếu do các bệnh lý mãn tính, điều trị cần kết hợp cả thuốc bôi và thuốc dạng uống
  • Thuốc bôi chứa steroid: Các bệnh lý này thường gây ra tình trạng viêm kéo dài, do đó thuốc bôi chứa steroid thường được sử dụng để kiểm soát viêm và giảm ngứa. Với những trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định corticosteroid đường uống trong điều trị ngắn hạn.
  • Thuốc ức chế calcineurin: Nếu tình trạng da không có đáp ứng với thuốc bôi chứa steroid, bác sĩ có thể chỉ định thuốc ức chế calcineurin (Tacrolimus). Loại thuốc này ức chế miễn dịch ở vùng da tổn thương, từ đó làm giảm viêm, dày sừng và ngứa da.
  • Quang trị liệu: Ngoài việc sử dụng, bác sĩ cũng có thể đề nghị áp dụng liệu pháp quang trị liệu để giảm tổn thương da, cải thiện ngứa và viêm. Tuy nhiên lạm dụng liệu pháp này có thể làm tăng nguy cơ ung thư da và thúc đẩy tốc độ lão hóa.
  • Các loại thuốc khác: So với những bệnh da liễu do nhiễm trùng hoặc dị ứng, các bệnh da liễu mãn tính thường dễ tái phát và đáp ứng kém với các loại thuốc điều trị. Vì vậy trong từng trường cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định kèm theo thuốc kháng histamine H1, thuốc kháng leukotriene, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid,…

Lưu ý: Trong trường hợp nổi mề đay cấp, bạn có thể điều trị tương tự ngứa da mặt do hiện tượng dị ứng.

4. Cải thiện ngứa da mặt do thói quen sinh hoạt và ăn uống

Ngứa da mặt do thói quen sinh hoạt và ăn uống thường có mức độ nhẹ. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên thay đổi các thói quen xấu và chăm sóc da đúng cách.

Ngứa da mặt
Vệ sinh da mặt đúng cách giúp loại bỏ dầu thừa, bã nhờn và giảm ngứa nhanh chóng
  • Nên vệ sinh da 2 lần/ ngày với các sữa rửa mặt dịu nhẹ và nước mát. Tránh rửa mặt với nước ấm hoặc dùng các sản phẩm chứa nhiều xà phòng, hương liệu và có độ pH cao.
  • Không sờ tay lên mặt, đồng thời hạn chế tình trạng gãi và chà xát lên da.
  • Uống nhiều nước, có thể bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng đề kháng cho da, giúp cân bằng độ ẩm và giảm tình trạng khô ráp.
  • Tránh uống rượu bia và các đồ uống ảnh hưởng xấu đến da như trà đặc, cà phê và nước ngọt có gas.
  • Nên giữ tâm trạng thoải mái và lạc quan, tránh căng thẳng, mệt mỏi và làm việc quá sức.
  • Cần đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày. Tình trạng thức khuya và thiếu ngủ có thể khiến da sạm, khô và ngứa ngáy dữ dội.

5. Ngứa da mặt do các bệnh tiềm ẩn – Phải làm sao?

Nếu nghi ngờ ngứa da mặt do những bệnh lý tiềm ẩn, bạn nên tiến hành thăm khám để xác định nguyên nhân và áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp. Trong trường hợp này, tổn thương ở da mặt không phải là triệu chứng điển hình của bệnh. Vì vậy sau khi kiểm soát bệnh lý nguyên nhân, tình trạng ngứa da sẽ có xu hướng thuyên giảm nhanh chóng.

Ngứa da mặt là triệu chứng thường gặp và xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó nếu nghi ngờ triệu chứng bắt nguồn từ các bệnh lý mãn tính hoặc các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, bạn nên tìm gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và can thiệp các biện pháp điều trị thích hợp.

Ngày Cập nhật 06/03/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *