“Điểm mặt” những nguyên nhân gây viêm tai giữa giúp phòng tránh sớm

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý viêm tai giữa. Bệnh có thể bắt nguồn từ việc nhiễm các virus, vi khuẩn, biến chứng của các bệnh viêm đường hô hấp hay do lối sống sinh hoạt không lành mạnh. Hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn biết cách phòng tránh căn bệnh phổ biến này hiệu quả hơn.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh viêm tai giữa

Viêm tai giữa là một trong những bệnh lý viêm đường hô hấp trên phổ biến nhất hiện nay. Người mắc bệnh thường có những biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, sốt vừa đến sốt cao, sưng viêm ống tai, tai chảy dịch, đau ù tai…gây nhiều đau đớn và khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Là một tình trạng nhiễm trùng vùng tai giữa, nguyên nhân chủ yếu của bệnh cũng bắt nguồn từ việc các virus, vi khuẩn xâm nhập và gây viêm ống vòi nhĩ (ống Eustachian). Chức năng của vòi nhĩ là hút các loại dịch và các mảnh vụn từ không gian giữa tai. Nhưng khi cơ quan này bị nhiễm trùng, các chất dịch sẽ tích tụ ngày càng nhiều và gây áp lực lên màng nhĩ, dẫn đến màng nhĩ có nguy cơ bị thủng và tai chảy nhiều mủ.

Viêm tai giữa xuất hiện khi ống vòi nhĩ bị viêm
Viêm tai giữa xuất hiện khi ống vòi nhĩ bị viêm

Các loại virus, vi khuẩn dẫn đến bệnh viêm tai giữa cũng là những tác nhân thường gây ra các bệnh viêm đường hô hấp kéo dài.

# Viêm tai giữa cấp tính: Các chủng loại vi khuẩn, virus gây ra viêm tai giữa cấp tính thường là:

  • Khuẩn phế cầu: Chiếm tỷ lệ 40 – 50%, các mầm bệnh phổ biến nhất là các kiểu huyết thanh 19F, 23F, 14, 6B, 6A, 19A và 9V
  • Haemophilus Enzae: Chiếm tỷ lệ 30 – 40%, gần một nửa tiết beta-lactamase
  • Moraxella catarrhalis: Chiếm tỷ lệ 10 – 15%, hầu hết đều tiết beta-lactamase
  • Liên cầu khuẩn nhóm A: Hiếm gặp ở người lớn, thường là nguyên nhân gây viêm tai giữa ở trẻ em 
  • Staphylococcus aureus và vi sinh kỵ khí: Hiếm gặp ở giai đoạn cấp tính, thường là nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa mãn tính
  • Trực khuẩn gram âm: Nguyên nhân chủ yếu gây viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh, bệnh nhân bị ức chế miễn dịch hoặc bị viêm tai giữa mủ mạn tính
  • Virus: Chiếm tỷ lệ khoảng 10%, các loại virus như virus hợp bào hô hấp (RSV), adenovirus, rhovovirus hoặc virus cúm có thể là nguyên nhân gây viêm tai giữa.
  • Ngoài ra còn một số chủng loại khác như: Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae, Chlamydia trachomatis (ở trẻ nhỏ dưới sáu tháng tuổi), Mycobacterium tuberculosis (ở các nước đang phát triển)…
Phần lớn nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa là vi khuẩn và virus
Phần lớn nguyên nhân dẫn đến viêm tai giữa là vi khuẩn và virus

#Viêm tai giữa mãn tính: Các chủng loại gây viêm tai giữa mãn tính thường ít hơn so với giai đoạn viêm tai giữa cấp tính. Các chủng loại thường gặp nhất là:

  • Vi sinh vật hiếu khí: Pseudomonas aeruginosa, Proteus mirabilis, S. aureus, Streptococcus pyogenes, Escherichia coli hoặc các loài Klebsiella
  • Vi sinh vật kỵ khí: Peptostreptococcus hoặc Propionibacterium

Mặc dù viêm tai giữa đều có nguồn gốc chung là nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc do virus nhưng con đường hình thành bệnh giữa người lớn và trẻ em cũng có sự khác biệt.

Nguyên nhân trẻ bị viêm tai giữa

Trẻ em dưới ba tuổi là đối tượng chủ yếu mắc phải viêm tai giữa do có hệ miễn dịch còn non yếu. Đặc biệt trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ tương đối cao.

Trẻ em là đối tượng mắc viêm tai giữa nhiều nhất
Trẻ em là đối tượng mắc viêm tai giữa nhiều nhất

Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm tai giữa thường là: 

  • Cấu trúc vòi nhĩ: Vòi nhĩ của trẻ thường nhỏ và ngắn nhưng khẩu kính lại to hơn so với người lớn, trở thành cửa ngõ thuận lợi cho các vi sinh vật xâm nhập và gây viêm nhiễm. 
  • Đường hô hấp nhạy cảm: Trẻ có hệ miễn dịch yếu và đường hô hấp rất nhạy cảm nên các tác nhân vi sinh dễ dàng tấn công và phát triển mạnh mẽ. Vùng mũi họng cũng là nơi cư trú thường xuyên của các virus, vi khuẩn. Các tác nhân này dễ dàng lây lan sang tai khi có các điều kiện thuận lợi. Chẳng hạn như trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất, hít phải khói bụi hay dị ứng theo mùa
  • Biến chứng của các bệnh khác: Các bệnh về tai – mũi – họng có mối liên quan mật thiết với nhau. Vì vậy mà trẻ bị mắc bệnh về mũi họng thường gặp thêm biến chứng kế cận là viêm tai giữa. Trẻ bị mắc viêm xoang, viêm amidan, viêm VA, cảm lạnh… có nguy cơ bị viêm tai giữa cao hơn bình thường
  • Môi trường tai ẩm ướt: Tai của trẻ sơ sinh dễ bị ẩm ướt do trẻ nằm bú bình khiến sữa bị trào ngược lên tai, nước lọt vào tai khi tắm hoặc bơi lội, xì mũi không đúng cách… Môi trường tai luôn ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển và gây viêm nhiễm.

Nguyên nhân viêm tai giữa ở người lớn

Viêm tai giữa hiếm gặp hơn ở người trưởng thành do cấu trúc tai đã phát triển toàn diện, hệ miễn dịch cũng đủ mạnh để loại bỏ các độc tố gây hại cho cơ thể. Con đường hình thành viêm tai giữa ở người lớn có thể tương đồng như ở trẻ em, ngoài ra cũng có những nguyên do phổ biến hơn như:

  • Thường xuyên vệ sinh tai bằng các vật sắc, nhọn: Những vật dụng lấy ráy tai có thể làm xước và rách niêm mạc trong ống tai, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và hình thành bệnh.
  • Mắc viêm tai giữa tái phát: Bệnh nhân đã từng bị viêm tai giữa khi còn bé nhưng chưa điều trị dứt điểm bệnh khiến cho bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, thường xuyên tái phát trở lại.

Mặc dù viêm tai giữa không phải là căn bệnh quá nguy hiểm, có thể gây tử vong ngay nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực, gây ù tai và khả năng nghe sẽ ngày càng kém. Bệnh nhân bị viêm tai giữa mãn tính còn có nguy cơ bị thủng màng nhĩ cao gây điếc hoàn toàn. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có khả năng gặp các biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến chứng ngoài sọ: Viêm mê nhĩ, liệt dây thần kinh mặt, viêm xương chũm và áp xe dưới màng xương (áp xe thể Bezold), viêm xương đá (hội chứng Gradengo).
  • Biến chứng nội sọ: Viêm màng não, áp xe não, não úng thủy, viêm tắc xoang tĩnh mạch sigma.
Viêm màng não là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm tai giữa
Viêm màng não là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm tai giữa

Trẻ em bị viêm tai giữa thường nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều. Bởi trẻ dễ gặp phải biến chứng viêm màng não, loại biến chứng nghiêm trọng nhất có thể khiến trẻ bị suy giảm trí tuệ, khả năng nói, thậm chí là có nguy cơ tử vong.

Cách phòng tránh viêm tai giữa hiệu quả

Viêm tai giữa là căn bệnh viêm đường hô hấp trên phổ biến thứ hai sau bệnh viêm họng ở trẻ em. Cha mẹ cần biết cách phòng tránh cho trẻ bằng những biện pháp đơn giản sau:

  • Vệ sinh tai cho trẻ bằng nước muối sinh lý và giữ cho tai của trẻ luôn khô ráo.
  • Vệ sinh răng miệng, mũi của trẻ để phòng tránh các bệnh về mũi họng dẫn đến biến chứng viêm tai giữa.
  • Khi trẻ bú bình thì nên cho trẻ ngồi hoặc nằm gối đầu cao để tránh tràn sữa vào tai
  • Giữ ấm cho trẻ vừa phải, tránh cho trẻ bị toát mồ hôi quá nhiều và bị cảm lạnh ngược.
  • Trẻ sơ sinh nên được bú nhiều sữa mẹ đồng thời bổ sung các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng.
Phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ
Phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ

Người lớn thường hiếm khi bị viêm tai giữa nhưng một khi mắc bệnh thì rất dễ chuyển thành giai đoạn mãn tính. Do đó việc biết cách phòng tránh bệnh cũng là điều vô cùng quan trọng:

  • Không sử dụng các vật sắc nhọn ngoáy tai khiến cho niêm mạc tai bị tổn thương
  • Ở những bệnh nhân bị viêm xoang, viêm mũi cần điều trị nhanh chóng để vi khuẩn không có cơ hội xâm nhập vào tai
  • Khi tắm rửa, gội đầu cần tránh để nước vào tai, phải luôn giữ tai được khô ráo
  • Không sử dụng các thực phẩm chứa chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá

Trên đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm tai giữa ở cả người lớn và trẻ em. Mặc dù không phải là căn bệnh dễ lây lan, khó điều trị nhưng viêm tai giữa lại rất phổ biến vì khả năng tái phát sau điều trị cao. Nếu người bệnh phát hiện ra các triệu chứng thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị dứt điểm từ đầu.

 

Ngày Cập nhật 05/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *