Bọc răng sứ bị viêm lợi (Viêm nướu) – Dấu hiệu và cách khắc phục

Bọc răng sứ bị viêm lợi là tình trạng khá phổ biến, thường xảy ra do vệ sinh răng miệng kém, răng sứ có kích thước không phù hợp với ổ răng hoặc do thực hiện tại các cơ sở không uy tín. Để khắc phục tình trạng này, bác sĩ có thể chỉ định thuốc hoặc can thiệp các thủ thuật xâm lấn.

Bọc răng sứ bị viêm lợi
Bọc răng sứ bị viêm lợi là tình trạng khá phổ biến, có thể gây đau nhức, khó chịu và hôi miệng

Vì sao bọc răng sứ gây viêm lợi?

Bọc răng sứ là thủ thuật nha khoa giúp cải thiện hình dáng và phục hồi chức năng của răng. Thủ thuật này được áp dụng trong trường hợp răng sứt mẻ, sâu răng nặng, răng mòn men,… Hiện nay bọc răng sứ còn được thực hiện nhằm cải thiện ngoại hình và tính thẩm mỹ.

Tuy nhiên ngoài lợi ích kể trên, bọc răng sứ có thể gây ra một số tác dụng phụ như viêm lợi (viêm nướu). Viêm lợi là tình trạng mô nướu bao xung quanh răng bị viêm nhiễm do vi khuẩn xâm nhập. Bọc răng sứ gây viêm lợi là tình trạng khá phổ biến và thường có mức độ nhẹ. Tuy nhiên nếu không điều trị đúng cách, mô nướu có thể bị tổn thương nặng nề và gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe răng miệng.

Theo các bác sĩ Nha khoa, tình trạng viêm lợi sau khi bọc răng sứ có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:

– Do răng sứ xâm phạm khoảng sinh học

Các mô nướu thường bao xung quanh chân răng nhằm ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào lợi và các mô mềm bên dưới răng. Tuy nhiên trong quá trình bọc răng sứ, nha sĩ có thể mài răng quá sâu dẫn đến tình trạng phá vỡ khoảng sinh học và tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, gây viêm lợi và viêm nha chu.

– Vệ sinh răng miệng kém

Sau khi bọc răng sứ, mô nướu thường nhạy cảm hơn so với bình thường. Vì vậy nếu chăm sóc răng miệng không đúng cách, vi khuẩn có thể xâm nhập vào lợi và gây viêm nhiễm cơ quan này.

– Kích ứng với chất liệu răng sứ

Một số người có cơ địa nhạy cảm có thể bị kích ứng với chất liệu của răng sứ. Tình trạng này gây sưng đỏ mô nướu, tăng nguy cơ viêm nhiễm và gây đau nhức khi nhai nuốt.

– Răng sứ chế tạo có kích thước không tương thích

Bọc răng sứ đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn cao nhằm chế tạo răng sứ có kích thước phù hợp với ổ răng và mô nướu của bệnh nhân.

Bọc răng sứ bị viêm lợi
Viêm lợi có thể xảy ra do răng sứ được chế tạo không tương thích với ổ răng

Bọc răng sứ chế tạo không tương thích có thể khiến răng bị chênh, hở, cộm,… và tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập và gây ra các bệnh nha khoa.

– Thực hiện bọc răng sứ tại các cơ sở không uy tín

Bọc răng sứ là thủ thuật ngoại khoa phổ biến và được thực hiện tại nhiều phòng khám nha khoa tư nhân. Tuy nhiên một số cơ sở không có đủ trình độ và thiết bị chuyên môn có thể gây tổn thương nướu, lệch răng và tăng nguy cơ viêm nhiễm. Ngoài ra, viêm lợi cũng có thể xảy ra do các thiết bị nha khoa chưa được khử trùng tuyệt đối.

Dấu hiệu nhận biết viêm nướu do bọc răng sứ

Viêm lợi sau khi bọc răng sứ có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Nướu có dấu hiệu sưng đỏ, chảy máu hoặc chuyển sang màu đỏ/ tím thẫm
  • Một số trường hợp có thể bị nổi hạch ở mô nướu
  • Răng lung lay và không chắc chắn
  • Khó khăn, đau nhức và ê buốt khi ăn uống
  • Hơi thở có mùi

Viêm nướu do bọc răng sứ có nguy hiểm không?

Viêm lợi do bọc răng sứ là tình trạng rất phổ biến. Triệu chứng sưng tấy, viêm đỏ và đau nhức mô nướu có thể ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, sinh hoạt và làm giảm chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh đó viêm lợi còn gây hôi miệng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và gây ra tình trạng thiếu tự tin khi giao tiếp.

Bọc răng sứ bị viêm lợi
Viêm lợi có thể gây tổn thương mô nướu nghiêm trọng, gây viêm quanh răng và bệnh nha chu

Ngoài ra nếu không điều trị kịp thời, bệnh còn có thể làm phát sinh các biến chứng nặng nề như:

  • Viêm nha chu: Nha chu là tổ chức mô mềm bao xung quanh răng và mô nướu là một trong những bộ phận cấu thành. Trong trường hợp không kiểm soát kịp thời, viêm nhiễm ở nướu có thể tiến triển sâu gây tổn thương nha chu.
  • Viêm quanh răng: Viêm quanh răng là giai đoạn tiến triển của bệnh viêm lợi. Trong giai đoạn này, lợi bị tách rời khỏi răng và có dấu hiệu tụt xuống. Viêm quanh răng có thể khiến răng lung lay và buộc phải nhổ bỏ nếu không xử lý và khắc phục đúng cách.
  • Mất răng: Viêm lợi có thể tiến triển và gây nhiễm trùng lan tỏa rộng, khiến chân răng bị hư hại và tăng nguy cơ mất răng. Biến chứng này không chỉ ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ mà còn làm giảm chức năng của răng.

Biện pháp xử lý tình trạng bọc răng sứ bị viêm lợi

Mặc dù viêm lợi do bọc răng sứ là tình trạng thường gặp. Tuy nhiên nếu chủ quan, bạn có thể gặp phải các biến chứng nặng nề như viêm quanh răng, bệnh nha chu và mất răng vĩnh viễn. Vì vậy khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh, cần chủ động đến bệnh viện để được thăm khám và can thiệp các biện pháp khắc phục phù hợp.

Bọc răng sứ bị viêm lợi
Với những trường hợp viêm nướu nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau và kháng sinh

Dưới đây là một số biện pháp điều trị được áp dụng phổ biến, bao gồm:

  • Sử dụng thuốc: Với những trường hợp viêm lợi nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau Paracetamol và kháng sinh nhóm beta-lactam để cải thiện đau nhức, sưng viêm và hỗ trợ ức chế vi khuẩn gây viêm nhiễm.
  • Cắt lợi: Cắt lợi là thủ thuật xâm lấn được thực hiện với những trường hợp viêm lợi kéo dài và có nguy cơ gây tiêu xương ổ răng. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ làm sạch các mô lợi bị viêm và cắt bỏ một phần lợi để giảm nguy cơ tái phát.
  • Bọc lại răng: Nếu viêm lợi xảy ra do răng sứ chênh và có kích thước không tương thích, nha sĩ có thể đề nghị bọc lại răng để giảm viêm nhiễm. Răng sứ được làm lại sẽ tương thích với chân răng, không gây kích thích mô nướu và giảm nguy cơ viêm nhiễm tái phát.
  • Ghép lợi: Ghép lợi là biện pháp ngoại khoa được thực hiện khi viêm lợi có mức độ nặng nề và gây phá vỡ khoảng sinh học nghiêm trọng. Khi thực hiện, nha sĩ sẽ phá bỏ răng sứ cũ và tiểu phẫu nhằm phục hồi khoảng sinh học. Sau khoảng 20 – 30 ngày, nha sĩ sẽ tiến hành bọc răng sứ lại để tránh kích thích và gây tổn thương mô nướu.

Biện pháp chăm sóc sau điều trị

Sau khi can thiệp các biện pháp điều trị, bạn nên xây dựng chế độ chăm sóc đúng cách nhằm giảm nguy cơ tái phát viêm lợi và các bệnh nha khoa khác.

Bọc răng sứ bị viêm lợi
Chải răng đúng cách 3 lần/ ngày giúp bảo vệ răng miệng và phòng ngừa tái phát
  • Cần chải răng 3 lần/ ngày và nên thao tác nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương và kích thích mô nướu.
  • Sử dụng đồng thời với chỉ nha khoa và dung dịch sát khuẩn để giảm nguy cơ viêm nhiễm lợi.
  • Sau khi bọc răng sứ, bạn nên tránh ăn các thực phẩm và thức uống gây hại cho răng như nước ngọt có gas, tinh bột, thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo.
  • Nên bổ sung thức ăn mềm, ít gia vị, chứa nhiều lợi khuẩn, vitamin và khoáng chất nhằm giảm kích thích lên chân răng, mô nướu và hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh trong khoang miệng.
  • Khi bọc răng sứ, bạn nên ăn chậm nhai kỹ và tránh ăn các thực phẩm, thức uống quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Hạn chế hút thuốc lá.
  • Thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để được lấy vôi răng, kiểm tra tình trạng răng sứ và có biện pháp xử lý kịp thời.

Bị viêm lợi là tác dụng phụ thường gặp của thủ thuật bọc răng sứ. Nếu can thiệp điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm ở mô nướu sẽ được kiểm soát triệt để. Ngược lại viêm lợi kéo dài có thể gây mất răng và tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa khác.

Ngày Cập nhật 26/07/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *