Ê buốt răng sau sinh: Nguyên nhân và cách điều trị

Phụ nữ sau khi sinh thường bị ê buốt răng do thiếu canxi, chăm sóc răng miệng không đúng cách và rối loạn hormone. Ngoài ra triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm nướu, tụt lợi,… Điều trị ê buốt răng sau sinh chủ yếu là chăm sóc và cải thiện tại nhà. Tuy nhiên trong một số trường hợp, sản phụ buộc phải can thiệp các biện pháp y tế.

Ê buốt răng sau sinh
Ê buốt răng sau sinh do đâu? Cải thiện bằng cách nào?

Các nguyên nhân gây ê buốt răng sau sinh?

Ê buốt răng là tình trạng răng buốt và nhức khi dùng đồ uống quá nóng/ lạnh hoặc thực phẩm có vị ngọt, chua, chát,… Ngoài ra triệu chứng này cũng có thể bùng phát do hít không khí lạnh, sử dụng chỉ nha khoa và chải răng.

Tình trạng ê buốt răng thường xảy ra khi lớp men bảo vệ răng bị bào mòn, mỏng để lộ ngà răng bên trong. Khác với men răng, ngà răng chứa nhiều dây thần kinh cảm giác, có thể tạo ra cảm giác ê buốt, khó chịu và đau nhức khi có tác động.

Ê buốt răng sau sinh
Thiếu hụt canxi là một trong những nguyên nhân chính gây ê buốt, đau nhức răng sau sinh

Theo thống kê, tình trạng ê buốt răng thường gặp nhiều nhất ở phụ nữ sau khi sinh do những nguyên nhân sau đây:

  • Thiếu canxi: Thiếu canxi là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng răng nhạy cảm và ê buốt ở sản phụ. Trong thời gian mang thai, cơ thể mẹ phải cung cấp hàm lượng lớn khoáng chất nhằm giúp thai nhi phát triển xương, răng, tóc,… toàn diện. Chính vì vậy sau khi sinh, mẹ thường bị thiếu hụt canxi, dẫn đến tình trạng men răng suy yếu, mỏng và làm tăng độ nhạy cảm của răng.
  • Rối loạn hormone: Sau khi sinh, nồng độ hormone trong cơ thể có xu hướng rối loạn và bất ổn. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và chức năng sinh lý mà còn làm tăng độ nhạy cảm của răng và mô nướu.
  • Chăm sóc răng miệng kém: Sau khi sinh nở, thể trạng của sản phụ thường rất yếu. Vì vậy trong thời gian đầu, sản phụ chủ yếu nghỉ ngơi trên giường, ít vận động và vệ sinh răng miệng. Hơn nữa theo một số quan niệm dân gian, phụ nữ sau sinh cần hạn chế tiếp xúc với nước lạnh để tránh nhiễm phong hàn. Tuy nhiên các thói quen này vô tình làm tăng mảng bám răng khiến hại khuẩn bùng phát mạnh và gây ê buốt.
  • Dấu hiệu của các bệnh nha khoa: Ngoài ra, ê buốt răng sau sinh còn có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nha khoa như viêm nướu, tụt lợi và sâu răng.

Ê buốt răng sau sinh có tự hết không?

Ê buốt răng sau khi sinh là tình trạng khá phổ biến. Nếu xảy ra do nội tiết tố, triệu chứng có thể tự thuyên giảm sau khi nồng độ hormone ổn định trở lại (trong khoảng 3 – 6 tháng). Tuy nhiên trong trường hợp xảy ra do các bệnh nha khoa, vệ sinh răng miệng kém và thiếu hụt canxi, triệu chứng không thể tự thuyên giảm nếu không can thiệp điều trị và khắc phục.

Hơn nữa ê buốt răng kéo dài còn khiến răng suy yếu, tăng nguy cơ mất răng và mắc các bệnh nha khoa khác. Bên cạnh đó, triệu chứng này còn ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Cách điều trị chứng ê buốt răng sau sinh

Ê buốt răng sau sinh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên phần lớn đều khởi phát do rối loạn nội tiết, thiếu hụt canxi và chăm sóc răng miệng không đúng cách.

Để giảm ê buốt răng, sản phụ có thể áp dụng các biện pháp sau:

1. Chăm sóc răng miệng đúng cách

Chăm sóc răng miệng là yếu tố quan trọng nhất đối với các vấn đề nha khoa. Chăm sóc răng đúng cách giúp loại bỏ mảng bám sinh học, giảm nguy cơ hình thành cao răng và ngăn ngừa quá trình hư hại men răng.

Ê buốt răng sau sinh
Chải răng đúng cách giúp ức chế hại khuẩn, giảm hình thành cao răng và bảo vệ sức khỏe răng miệng

Vì vậy khi răng bị ê buốt, bạn nên thực hiện các biện pháp chăm sóc răng miệng như sau:

  • Chải răng 2 – 3 lần/ ngày với bàn chải có lông mềm và kem đánh răng chứa fluoride. Khác với người bình thường, phụ nữ sau khi sinh thường có mô nướu và răng nhạy cảm. Vì vậy khi đánh răng, bạn nên thao tác nhẹ nhàng để tránh tình trạng hư hại men răng và mô nướu.
  • Súc miệng với nước muối 2 lần/ ngày và sử dụng chỉ nha khoa 1 lần/ ngày để làm sạch mảng bám ở kẽ răng và loại bỏ vi khuẩn có hại.
  • Thay đổi bàn chải mới sau 2 – 3 tháng sử dụng. Dùng bàn chải quá thời hạn có thể làm tăng số lượng hại khuẩn trong khoang miệng và gây viêm nhiễm nướu.

2. Bổ sung canxi và fluoride

Răng ê buốt là triệu chứng cho thấy men răng bị suy yếu và mỏng, dẫn đến tình trạng lộ ngà răng và tăng mức độ nhạy cảm của răng. Vì vậy bạn nên bổ sung canxi và fluoride nhằm thúc đẩy quá trình tái khoáng và làm dày men răng bằng một số cách sau:

  • Uống nước khoáng chứa fluoride hoặc có thể dùng kem đánh răng, nước súc miệng chứa khoáng chất này.
  • Có thể dùng viên uống bổ sung canxi để ngăn ngừa ê buốt răng và giảm nguy cơ loãng xương sau khi sinh.
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu canxi và khoáng chất như hàu, tôm, cua, nghêu, sữa bò,…

3. Xây dựng chế độ ăn khoa học

Giảm thể trạng và hệ miễn dịch suy yếu là một trong những yếu tố khiến phụ nữ mang thai dễ mắc phải các vấn đề nha khoa. Do đó bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi và xây dựng chế độ ăn khoa học nhằm cải thiện sức khỏe tổng thể và tác động tích cực đến triệu chứng ê buốt răng.

Bên cạnh đó, một số thực phẩm lành mạnh còn có thể kích thích bài tiết nước bọt, làm giảm hình thành mảng bám, ức chế hại khuẩn và cân bằng độ pH trong khoang miệng.

Ê buốt răng sau sinh
Phụ nữ sau khi sinh nên bổ sung món ăn có kết cấu mềm để giảm độ nhạy cảm và áp lực lên răng

Chế độ ăn thích hợp cho phụ nữ sau sinh bị ê buốt răng:

  • Nên bổ sung các món ăn có kết cấu mềm, lỏng và có nhiệt độ ấm vừa phải để giảm độ nhạy cảm và áp lực lên răng. Bên cạnh đó, cần giảm lượng gia vị khi nêm nếm món ăn.
  • Hạn chế uống nước đá, nước nóng, ăn thực phẩm có vị chua hoặc quá ngọt.
  • Tránh dùng món ăn khô và cứng. Các món ăn này có thể khiến răng bị mẻ, kích thích và gây tổn thương mô nướu.
  • Uống từ 2 – 3 lít nước/ ngày để làm sạch sản dịch, kích thích bài tiết nước bọt và thúc đẩy hoạt động sản xuất sữa mẹ.
  • Bổ sung các thực phẩm tốt cho sức khỏe nói chung và răng miệng nói riêng như thực phẩm giàu canxi, vitamin A, C, D, magie, protein, Omega 3,…
  • Nên ăn chậm nhai kỹ để tránh ê buốt và đau nhức răng.

4. Áp dụng biện pháp giảm ê buốt tại nhà

Ngoài ra để giảm nhanh tình trạng ê buốt răng sau sinh, sản phụ có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện tại nhà như:

Ê buốt răng sau sinh
Uống trà bạc hà có thể giảm ê buốt, đau nhức răng và loại bỏ hơi thở có mùi
  • Dầu đinh hương: Tinh dầu đinh hương chứa hoạt chất Eugenol có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm mạnh, hỗ trợ ức chế hại khuẩn trong khoang miệng và giảm độ nhạy cảm của răng. Vì vậy bạn có thể thêm ½ thìa dầu đinh hương với 200ml nước lọc và dùng súc miệng để giảm ê buốt răng sau khi sinh.
  • Uống trà bạc hà: Menthone và Menthol trong lá bạc hà có tác dụng làm mát, gây tê và giảm cảm giác ê buốt nhanh chóng. Bên cạnh đó, tinh dầu từ thảo dược này còn giúp làm sạch khoang miệng và hỗ trợ khử mùi hôi khó chịu.
  • Gel nha đam: Nha đam có đặc tính làm dịu, phục hồi mô nướu và ức chế vi khuẩn Streptococcus mutans (nguyên nhân chính gây ra bệnh sâu răng). Bạn có thể dùng gel nha đam tươi thoa lên răng bị ê buốt để trong 5 phút và súc miệng lại với nước lạnh.

5. Chủ động thăm khám khi cần thiết

Nếu ê buốt răng kéo dài, bạn nên thăm khám để được xác định nguyên nhân và can thiệp các biện pháp điều trị chuyên sâu. Tùy vào mức độ ê buốt và nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị sau:

  • Bọc răng: Trong trường hợp men răng mỏng, bác sĩ có thể đề nghị bọc răng để giảm độ nhạy cảm, bảo vệ chân răng và ngăn ngừa hại khuẩn xâm nhập vào bên trong tủy răng. Bọc răng được thực hiện bằng cách mài nhỏ răng gốc, sau đó sử dụng răng giả bọc ở bên ngoài.
  • Phẫu thuật ghép lợi: Phẫu thuật ghép lợi được thực hiện với người bị ê buốt răng do tụt lợi nghiêm trọng. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách vạt niêm mạc ở răng lân cận và dùng để che phủ vùng chân răng bị tụt lợi.
  • Trám răng: Với những người bị ê buốt do sâu răng, bác sĩ sẽ làm sạch ổ sâu và sử dụng vật liệu nhân tạo trám đầy lỗ hổng. Tuy nhiên biện pháp này chỉ được thực hiện khi sâu răng chưa xâm nhập vào tủy.
  • Rút tủy răng: Rút tủy răng được thực hiện khi vi khuẩn gây sâu răng ăn vào tủy, gây viêm nhiễm, ê buốt và đau nhức dữ dội. Sau khi rút dịch tủy bị nhiễm trùng, nha sĩ sẽ trám lỗ hổng bằng chất liệu nhân tạo nhằm ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào vùng chóp răng và gây ổ áp xe.

Trên thực tế, ê buốt răng sau khi sinh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân không được đề cập trong bài viết. Vì vậy nếu nhận thấy triệu chứng không có cải thiện khi chăm sóc và điều trị tại nhà, bạn nên thăm khám để phát hiện bệnh lý và can thiệp xử lý trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm: 17 Cách chữa đau răng hiệu quả giúp giảm đau nhanh chóng

Ngày Cập nhật 15/11/2021

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *