Nướu răng nổi cục thịt do đâu? Có nguy hiểm không?

Nổi cục thịt ở nướu răng là biến chứng thường gặp của bệnh sâu răng tiến triển. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của áp xe răng, ung thư nướu răng, viêm lợi trùm răng khôn và viêm nướu triển dưỡng. Nếu không can thiệp xử lý và khắc phục đúng cách, tình trạng có thể chuyển biến xấu, làm tăng nguy cơ mất răng hoặc thậm chí đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Nướu răng nổi cục thịt
Nướu răng nổi cục thịt do đâu? Điều trị bằng cách nào?

Nướu răng nổi cục thịt do đâu?

Nướu răng nổi cục thịt là tình trạng mô nướu tăng sinh, dẫn đến hiện tượng hình thành cục thịt bất thường. Tình trạng này gây chèn ép chân răng, làm phát sinh triệu chứng đau nhức, ê buốt, răng lung lay và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống. Tuy nhiên trước khi can thiệp các biện pháp điều trị, bạn cần xác định nguyên nhân cụ thể gây nổi cục thịt ở nướu răng.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến có khả năng gây ra triệu chứng này, bao gồm:

1. Biến chứng của bệnh sâu răng

Sâu răng là bệnh lý nha khoa thường gặp, xảy ra khi vi khuẩn Streptococcus mutans xâm nhập vào mảng bám, gây ra quá trình hủy khoáng và làm mất mô cứng của răng. Thông thường trong giai đoạn đầu, bệnh lý này ít khi gây đau nhức hay khó chịu. Tuy nhiên với những trường hợp sâu răng diễn tiến nặng, vi khuẩn có thể gây hư hại chân răng hoàn toàn và làm phát sinh hiện tượng nổi cục thịt ở nướu răng.

Thực tế, cục thịt ở nướu là hệ quả do sâu răng ăn vào tủy khiến cơ quan này bị viêm nhiễm và hoại tử. Sau đó dịch tủy có xu hướng chảy xuống ổ răng, đọng lại và sưng thành cục thịt thừa.

2. Áp xe răng

Áp xe răng là hiện tượng vi khuẩn xâm nhập vào tổ chức bên dưới mô nướu hoặc xung quanh chóp răng, gây viêm nhiễm và hình thành ổ mủ. Khi ổ mủ hình thành, nướu có xu hướng sưng lên 1 cục có hình dạng tương tự cục thịt thừa.

Nướu răng nổi cục thịt
Áp xe răng gây hình thành ổ mủ, khiến nướu răng sưng lên và gây đau nhức, ê buốt dữ dội

Áp xe răng là bệnh lý nha khoa có mức độ nặng nề và dễ phát sinh biến chứng nguy hiểm nếu không can thiệp kịp thời. Bạn có thể nhận biết bệnh thông qua một số triệu chứng như răng lung lay, nướu chảy mủ, đau nhức, ê buốt răng dữ dội, hôi miệng,…

3. Viêm lợi trùm răng khôn

Viêm lợi trùm là tình trạng lợi bị sưng viêm do răng khôn mắc kẹt bên dưới và không thể mọc lên như bình thường. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng nướu răng nổi cục thịt, sưng to, đau nhức và khó chịu. Ở một số trường hợp, lợi có thể sưng đỏ nghiêm trọng và chảy dịch mủ khi dùng tay ấn vào.

Khi xuất hiện cục thịt ở mô nướu, thức ăn dễ dàng ứ đọng trong kẽ răng và lợi, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm mô nướu.

4. Viêm nướu triển dưỡng

Viêm nướu triển dưỡng là tình trạng mô nướu bị tổn thương do cao răng và có thể kết hợp với một số bệnh lý toàn thân như rối loạn nội tiết, tim mạch, thai nghén, tiểu đường,…

Nướu răng nổi cục thịt
Viêm nướu triển dưỡng có thể gây hình thành túi nướu giả có hình dạng tương tự cục thịt

Khác với viêm nướu răng thông thường, loại viêm nướu này đặc trưng bởi tình trạng vôi răng nhiều, nướu thường xuyên chảy máu và có túi nướu giả từ 3 – 4mm. Vì vậy nếu nướu răng nổi cục thịt, đây có thể là biểu hiện của túi nướu giả do bệnh viêm nướu triển dưỡng gây ra.

5. Ung thư nướu răng

Ung thư nướu răng là bệnh lý có mức độ nặng nề và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không kịp thời điều trị. Bệnh xảy ra khi các tế bào nướu tăng sản bất thường, dẫn đến hiện tượng tăng sinh mô nướu và hình thành cục thịt thừa.

Hiện tại vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này. Tuy nhiên theo một số giả thuyết, bệnh có liên quan mật thiết với thói quen vệ sinh răng miệng kém và hút thuốc lá trong thời gian dài. Ngoài triệu chứng nướu răng nổi cục thịt, ung thư nướu răng còn có thể gây đau nhức, tụ mủ vùng chân răng, răng lung lay, lưỡi bị đau và lở loét.

Nướu răng nổi cục thịt có nguy hiểm không?

Không giống với tình trạng sưng nướu răng, nướu chảy máu và đau nhức, nướu răng nổi cục thịt là triệu chứng bất thường cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Sự xuất hiện của cục thịt ở nướu răng có thể gây đau nhức khi ăn uống, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao tiếp và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Nướu răng nổi cục thịt
Nướu răng nổi cục thịt không được điều trị có thể gây hư hại chân răng và tăng nguy cơ mất răng

Ngoài ra, tình trạng này kéo dài còn có thể tiến triển và gây ra các biến chứng nặng nề như:

  • Mất răng: Mất răng là tình trạng tủy răng và chân răng bị hoại tử và không có khả năng hồi phục. Đây là biến chứng thường gặp của bệnh sâu răng ăn vào tủy, áp xe răng và ung thư nướu răng.
  • Hoại tử sàn miệng: Vi khuẩn tích tụ trong cục thịt thừa có thể lan tỏa rộng ra vùng bên dưới lưỡi, sàn miệng, hàm và vùng cằm, gây hoại tử sàn miệng và tắc nghẽn hô hấp.
  • Nhiễm trùng huyết: Nhiễm trùng huyết xảy ra khi vi khuẩn có hại xâm nhập vào tuần hoàn máu và gây ra hiện tượng nhiễm trùng. Biến chứng này thường xảy ra do ổ áp xe phát triển lớn và tự vỡ.
  • Đe dọa đến tính mạng: Ung thư nướu răng là bệnh lý nha khoa có mức độ rất nghiêm trọng. Nếu không kịp thời kiểm soát, tế bào ác tính có thể di căn đến các cơ quan khác, gây ra khối u thứ phát và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Hướng xử lý tình trạng nướu răng nổi cục thịt

Ngay khi nhận thấy nướu răng nổi cục thịt, bạn cần tìm gặp bác sĩ Răng hàm mặt để được thăm khám và chỉ định các biện pháp điều trị thích hợp.

1. Thăm khám và can thiệp điều trị

Với trường hợp nổi cục thịt ở nướu răng, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám thực thể, xét nghiệm X-Quang và chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý có liên quan trước khi đưa ra kết quả chẩn đoán.

Nướu răng nổi cục thịt
Khi nhận thấy nướu răng nổi cục, bạn nên thăm khám và can thiệp các biện pháp điều trị chuyên sâu

Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp như sau:

  • Viêm nướu triển dưỡng: Điều trị bệnh lý này bao gồm phẫu thuật tái tạo nướu, cạo vôi răng, sử dụng thuốc kháng sinh (Cephalexin hoặc Spiramycin + Metronidazol), thuốc kháng viêm (Dexamethasone) và thuốc giảm đau.
  • Viêm lợi trùm răng khôn: Với trường hợp răng khôn mọc thẳng, bác sĩ sẽ rạch lợi trùm để tạo điều kiện cho răng mọc và phát triển bình thường. Tuy nhiên nếu răng khôn mọc lệch và mọc ngang, điều trị ưu tiên là nhổ bỏ răng để dự phòng biến chứng.
  • Ung thư nướu răng: Điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị tùy thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh lý và khả năng đáp ứng của từng trường hợp.
  • Áp xe răng: Với trường hợp bị áp xe, bác sĩ sẽ chủ động trích rạch ổ mủ và làm sạch vi khuẩn để hạn chế nguy cơ vỡ mủ, gây nhiễm trùng huyết và áp xe não. Kết hợp với thuốc kháng viêm, giảm đau và kháng sinh để cải thiện triệu chứng và nâng cao thể trạng. Sau khi kiểm soát được nhiễm trùng, bác sĩ sẽ tiến hành xác định nguyên nhân và can thiệp các biện pháp điều trị tương ứng.
  • Sâu răng nặng: Trong trường hợp nướu răng nổi cục thịt do sâu răng nặng, bác sĩ thường yêu cầu điều trị nội nha (rút tủy) để làm sạch ổ viêm nhiễm, ngăn ngừa biến chứng và bảo tồn răng. Ngược lại, nếu chân răng bị hư hại nghiêm trọng, răng có thể phải nhổ bỏ và thay thế bằng răng nhân tạo.

Lưu ý: Các biện pháp điều trị nướu răng nổi cục thịt tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Thông tin về các biện pháp điều trị trong bài viết chỉ có tính chất tham khảo. Vì vậy bạn đọc vui lòng liên hệ với bác sĩ Răng hàm mặt để được chẩn đoán và đề xuất hướng điều trị phù hợp.

2. Chú trọng bước chăm sóc răng miệng

Song song với các biện pháp điều trị, bạn cần kết hợp với chế độ chăm sóc răng miệng đúng cách nhằm thúc đẩy tốc độ hồi phục, giảm biến chứng và kiểm soát tiến triển của bệnh.

Nướu răng nổi cục thịt
Cần vệ sinh răng miệng đúng cách nhằm hỗ trợ loại bỏ hại khuẩn và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh

Biện pháp chăm sóc răng miệng cho trường hợp nướu răng nổi cục thịt:

  • Chải răng 2 – 3 lần/ ngày với bàn chải có lông mềm mịn và cần thao tác chải răng nhẹ nhàng để hạn chế kích thích và chảy máu mô nướu. Nếu có thể, bạn nên dùng bàn chải có mặt chải má trong và lưỡi để loại bỏ vi khuẩn có hại và bảo vệ sức khỏe răng miệng một cách toàn diện.
  • Sử dụng nước súc miệng chứa dung dịch diệt khuẩn và khoáng chất nhằm tiêu diệt vi khuẩn có hại, hỗ trợ thúc đẩy quá trình tái khoáng và làm chậm tiến triển của bệnh sâu răng.
  • Dùng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn thừa và mảng bám ở kẽ răng và răng ở những vị trí khuất, khó làm sạch.
  • Hạn chế dung nạp các thực phẩm và đồ uống gây hại cho răng như nước ngọt có gas, đường, chất béo bão hòa, thực phẩm quá nóng/ lạnh, thức ăn có vị quá chua, cay hoặc mặn.
  • Thay đổi một số thói quen gây hại cho sức khỏe răng miệng như nghiến răng, hút thuốc lá, uống rượu bia, dùng răng cạy/ cắn vật dụng cứng,…

Nướu răng nổi cục thịt là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề nha khoa có mức độ nghiêm trọng. Nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng có thể chuyển biến xấu, tăng nguy cơ mất răng, hoại tử sàn miệng hoặc thậm chí đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Vì vậy khi nhận thấy triệu chứng này, bạn cần chủ động đến bệnh viện để được thăm khám và xử lý trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo thêm: Lợi bị sưng một cục – Nguyên nhân và cách điều trị nhanh khỏi

Ngày Cập nhật 01/03/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *