Phác đồ điều trị áp-xe phổi Bộ Y tế công bố mới nhất

Áp xe phổi là bệnh nhiễm trùng phổi, bệnh gây ra tình trạng sưng mủ, hoại tử mô phổi. Đây được xem là một bệnh nguy hiểm, nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng. Chính vì vậy, phác đồ điều trị áp-xe phổi Bộ Y tế công bố đang được rất nhiều người quan tâm.

Phác đồ điều trị áp-xe phổi Bộ Y tế

Theo Hướng dẫn sử dụng kháng sinh, ban hành kèm theo Quyết định số 708/QĐ-BYT ngày 02/3/2015 của Bộ Y tế, đã chỉ rõ phác đồ điều trị bệnh áp-xe phổi. 

Áp-xe phổi là ổ mủ trong nhu môi phổi, do viêm nhiễm hoại tử cấp tính gây ra không phải lao, sau khi ộc mủ tạo thành hang. Có thể có một hoặc nhiều ổ áp-xe phổi. Khi bệnh nhân điều trị nội khoa quá thời gian 6 tuần mà thất bại được gọi là áp xe phổi mạn tính.

Phác đồ điều trị áp-xe phổi Bộ Y tế
Phác đồ điều trị áp-xe phổi Bộ Y tế

Bộ Y tế công bố bệnh áp-xe phổi hiện nay có 2 hướng điều trị chính là: Điều trị kháng sinh và điều trị phẫu thuật. Trong đó:

Đối với bệnh nhân điều trị nội khoa phải lưu ý 3 hướng:

Điều trị kháng sinh phải tuân theo nguyên tắc dùng kháng sinh do Bộ Y tế quy định; thời gian điều trị kháng sinh; các loại kháng sinh được phép sử dụng và theo dõi đáp ứng của bệnh nhân với phác đồ và thời gian điều trị. 

Dẫn lưu ổ áp-xe gồm có: Dẫn lưu tư thế, vỗ rung lồng ngực; Nội soi phế quản ống mềm để hút mủ ở phế quản dẫn lưu ổ áp xe; Chọc dẫn lưu mủ qua thành ngực

Các điều trị khác phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho người bệnh; đảm bảo cân bằng nước điện giải, thăng bằng kiềm toan và giảm đau, hạ sốt.

Đối với bệnh nhân điều trị phẫu thuật:

Thường là mổ cắt phân thuỳ phổi hoặc thùy phổi hoặc cả một bên phổi. Tuỳ theo mức độ lan rộng với thể trạng người bệnh và chức năng hô hấp trong giới hạn cho phép:

  • Ổ áp-xe > 10cm.
  • Áp xe phổi mạn tính điều trị nội khoa không cho kết quả.
  • Bị ho ra máu tái phát hoặc ho máu nặng, đe doạ tính mạng người bệnh.
  • Áp-xe phối hợp với giãn phế quản khu trú nặng.
  • Có biến chứng rò phế quản – khoang màng phổi.

Hướng dẫn chẩn đoán áp-xe phổi theo phác đồ Bộ Y tế

Với bệnh nhân nghi áp-xe phổi, sẽ trải qua 2 bước chẩn đoán là chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân. 

Chẩn đoán xác định

Bệnh nhân có những triệu chứng lâm sàng sau đây:

  • Sốt từ 38,5 độ C – 39 độ C hoặc cao hơn, có thể kèm theo các biểu hiện như rét run hoặc không.
  • Ở phía ngực bị tổn thương có cảm giác đau, với những trường hợp bị áp xe phổi thùy dưới có thể bị đau bụng.
  • Hiện tượng ho khạc đờm có mủ, đờm có mùi hôi thối, khạc mủ số lượng nhiều (ộc mủ) và đôi khi trong mủ có lẫn cả máu, ho ra máu nhiều có khi ho khan.
  • Người bệnh có biểu hiện khó thở, suy hô hấp như: thở nhanh, tím môi, đầu chi, SaO2 giảm, PaO2 giảm.
  • Khi được khám phổi có thể thấy ran ngáy, ran nổ, ran ẩm, hội chứng hang, hội chứng đông đặc.
Ho ra đờm, có mủ, ốm sốt, khó thở là những dấu hiệu nhận biết rõ nhất của áp xe phổi
Ho ra đờm, có mủ, ốm sốt, khó thở là những dấu hiệu nhận biết rõ nhất của áp xe phổi

Cận lâm sàng cụ thể như sau:

  • Công thức máu thường thấy số lượng bạch cầu >10G/l và tốc độ máu lắng tăng.
  • Chụp X-quang phổi hình hang thường có thành tương đối đều, với mức nước hơi. Khi đó, có thể có một hay nhiều ổ áp-xe, một bên hoặc hai bên.
  • Cần phải chụp phim X-quang phổi nghiêng cho bệnh nhân, thậm chí phải chụp cắt lớp vi tính để xác định chính xác vị trí của ổ áp xe, giúp chọn phương pháp dẫn lưu mủ phù hợp nhất.
  • Cấy máu tìm vi khuẩn trong trường hợp bệnh nhân sốt > 38,5 độ C và làm kháng sinh đồ nếu có điều kiện.
  • Nhuộm soi trực tiếp và nuôi cấy vi khuẩn từ đờm, dịch phế quản hoặc mủ của ổ áp-xe. Trong trường hợp thấy vi khuẩn có thể làm kháng sinh đồ.

Chẩn đoán nguyên nhân

Để chẩn đoán được nguyên nhân bệnh phải dựa vào xét nghiệm vi sinh vật ở đờm, dịch phế quản, máu hoặc bệnh phẩm khác của bệnh nhân. 

Thông thường, các tác nhân gây áp-xe phổi thường là Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Streptococcus pneumoniae, E. coli, Proteus, vi khuẩn kỵ khí, Haemophilus influenzae, Klebsiella pneumoniae. 

Một số trường hợp áp-xe do nấm, ký sinh trùng (amip) gây ra. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhấn mạnh rằng áp-xe phổi thường là tình trạng mà bệnh nhân bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn cùng một lúc.

Ngoài ra, cần tìm thêm các yếu tố thuận lợi gây bệnh như nghiện rượu, suy giảm miễn dịch do HIV, các thuốc ức chế miễn dịch hay tìm các ổ nhiễm khuẩn nguyên phát như răng hàm mặt, tai mũi họng…

Hướng dẫn phòng bệnh áp-xe phổi

Theo Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng bệnh áp-xe phổi cần phải chú ý vệ sinh răng miệng, mũi, họng sạch sẽ. Điều trị tốt các nhiễm khuẩn về răng, hàm, mặt, tai, mũi, họng. 

Thăm khám định kỳ sức khỏe để kịp thời phát hiện bệnh
Thăm khám định kỳ sức khỏe để kịp thời phát hiện bệnh

Cần phải thận trọng khi  tiến hành các thủ thuật ở các vùng này để tránh các mảnh tổ chức rơi vào khí phế quản, gây ra áp-xe. Khi cho người bệnh ăn bằng ống thông dạ dày, người nhà phải theo dõi chặt chẽ, tránh để sặc thức ăn. Cuối cùng là phòng ngừa các dị vật rơi vào đường thở. Để có một sức khỏe tốt, mỗi người cần phải thường xuyên thăm khám sức khỏe, trung bình 1 năm 2 lần để kịp thời phát hiện những biểu hiện xấu của cơ thể và nhanh chóng tìm hướng giải quyết.

Trên đây là những kiến thức về phác đồ điều trị áp-xe phổi do Bộ Y tế công bố mới nhất. Hy vọng đã đem đến cho bạn vốn kiến thức hữu ích. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!

Ngày Cập nhật 16/08/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *