Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi: Dấu hiệu và cách điều trị

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là một bệnh về tâm lý rất phổ biến hiện nay mà bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh nhân sẽ lo lắng, sợ hãi thái quá với một số đối tượng, tình huống không thực sự nguy hiểm. Nghe có vẻ đơn giản, tuy nhiên, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh và tiềm ẩn nhiều vấn đề nguy hiểm về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi là gì?

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi (còn gọi là ám ảnh sợ hãi hoặc ám ảnh cụ thể) là một bệnh rối loạn cảm xúc phổ biến trên thế giới. Hội chứng này đặc trưng bởi phản ứng lo lắng, sợ hãi dữ dội khi tiếp xúc với một đối tượng hoặc sự vật cụ thể có ít hoặc không có gì nguy hiểm. 

Bệnh nhân rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi thường có xu hướng trốn tránh những sự vật, hiện tượng mà họ cảm thấy nguy hiểm. Họ biểu hiện cảm xúc sợ hãi và có thể không tự chủ được hành vi, gây cản trở  rất lớn đến các hoạt động trong cuộc sống bao gồm công việc và các mối quan hệ xã hội. 

ám ảnh sợ hãi là gì
Sợ thang máy là chứng ám ảnh sợ hãi thường gặp ở nhiều người.

Nỗi sợ hãi, lo lắng không chỉ đến khi sự vật, hiện tượng đáng sợ xuất hiện mà có thể trong dự đoán của người bệnh. Mặc dù, họ biết đây là nỗi sợ rất vô lý nhưng họ không thể kiểm soát cảm xúc lo lắng của mình. Kết quả là, người bệnh luôn giằng xé tâm can, đấu tranh tư tưởng khiến tinh thần của họ bấn loạn kèm theo nguy cơ mắc các chứng rối loạn tâm thần khác.

Các loại rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi

Ước tính, có đến 10% dân số Hoa Kỳ mắc các chứng rối loạn ám ảnh lo âu. Khoảng 75% trong số đó mắc nhiều hơn một chứng ám ảnh sợ hãi. Các loại rối loạn ám ảnh sợ thường gặp, bao gồm:

  • Ám ảnh cụ thể: là một dạng ám ảnh phổ biến thể hiện sự sợ hãi quá mức với một sự vật, hiện tượng cụ thể. Ví dụ điển hình là những nỗi sợ động vật (như chó, mèo, nhện, rắn) con người (như chú hề, bác sĩ), môi trường ( như phòng kín, khoảng trống, độ cao). 
  • Rối loạn lo âu xã hội: đặc trưng bởi cảm giác lo lắng sẽ bị người khác soi mói, đánh giá khiến họ xấu hổ và tự ti. Họ càng lo lắng hơn khi gặp những người không quen biết. Nỗi sợ hãi xuất hiện khi người bệnh hoạt động trước đám đông như thuyết trình, ăn uống, gặp mặt nhiều người. Những người nhút nhát hoặc từng gặp những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn này hơn.
  • Chứng sợ đám đông: là cảm giác sợ hãi bản thân sẽ gặp tình huống nguy hiểm nào đó khi ở nơi công cộng mà khó có thể thoát ra ngoài. Người mắc chứng này sẽ tránh hoạt động nơi đông người như xem phim hoặc trên các phương tiện công cộng. Họ thường có biểu hiện hoảng sợ kèm theo run rẩy, tim đập nhanh và đổ mồ hôi.

Đa số những ám ảnh cụ thể đều xuất hiện trong thời thơ ấu hoặc độ tuổi thanh thiếu niên. Ở độ tuổi trưởng thành, nhiều ám ảnh có thể giảm bớt, thậm chí là biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, đối với những người từng trải qua tổn thương lớn về tinh thần, nhiều khả năng bệnh vẫn tiếp diễn và trầm trọng hơn theo thời gian.

Triệu chứng của rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi

Những ám ảnh sợ hãi thường gây ra cơn hoảng loạn kèm theo những trạng thái cảm xúc khác cùng với một số phản ứng của cơ thể. Tùy theo độ tuổi và tính cách của từng cá nhân, những biểu hiện có thể không giống nhau và mức độ triệu chứng cũng khác nhau.

triệu chứng ám ảnh sợ hãi
Bệnh nhân ám ảnh cụ thể có biểu hiện khó thở, tức ngực khi gặp điều khiến họ sợ hãi.

Triệu chứng của rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi bao gồm:

  • Cảm thấy lo lắng, sợ hãi dữ dội ngay khi tiếp xúc với một sự vật hoặc hiện tượng nào đó. Nhiều người thậm chí chỉ nghĩ thôi cũng đã run rẩy, hoảng sợ. 
  • Mức độ lo lắng càng tăng khi các nỗi sợ hãi đến nhiều và dồn dập. Bệnh nhân sẽ chọn cách lảng tránh hoặc chịu đựng trong cảm giác đau khổ và bất lực. 
  • Khó hoạt động bình thường khi sợ hãi và có thể hành xử một cách thái quá. 
  • Các phản ứng tự nhiên của cơ thể khi lo lắng như tim đập loạn nhịp, buồn nôn, đổ nhiều mồ hôi, run bần bật, khó thở và thở gấp hoặc có thể ngất xỉu.
  • Có thể nhìn thấy trước những rủi ro liên quan đến sự vật, hiện tượng gây sợ hãi và có xu hướng né tránh. Chẳng hạn như người sợ không gian kín sẽ lo lắng về việc đến nhà bạn chơi vì mọi người sẽ có thể đóng cửa khi người đó đang ở trong.

Ám ảnh sợ hãi thường phát triển thời thơ ấu và ở giai đoạn vị thành niên. Trẻ em khi mắc chứng ám ảnh sợ hãi có thể khóc lóc, bám lấy cha mẹ hoặc thường xuyên nổi giận. Đồng thời, nếu bệnh xảy ra khi còn nhỏ sẽ có nguy cơ cao mắc thêm các chứng rối loạn tâm thần khác trong cuộc đời.

Nguyên nhân của rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bao gồm sự di truyền, tác nhân môi trường và rối loạn chức năng não.

1. Do di truyền

Theo nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện các chứng rối loạn tâm thần bao gồm cả ám ảnh sợ hãi có liên quan đến sự di truyền ADN. Cụ thể, những người có thành viên trong gia đình mắc  ám ảnh sợ hãi hoặc các chứng rối loạn lo âu khác cũng có nhiều khả năng phát triển một số loại ám ảnh.

nguyên nhân ám ảnh sợ hãi
Cha mẹ mắc ám ảnh sợ hãi thì con cái cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Ngoài ra, môi trường gia đình cũng là nguyên nhân gây ám ảnh sợ hãi ở trẻ em. Chẳng hạn như bố mẹ thường xuyên để bé ở nhà một mình có thể khiến bé bị chứng ám ảnh sợ phòng kín.

2. Những trải nghiệm tiêu cực

Trải nghiệm đau thương hoặc chấn thương nghiêm trọng cũng có thể là nguyên nhân hình thành chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Ở ngay thời điểm gặp trải nghiệm, con người có những cảm xúc cực kỳ sợ hãi, hoảng loạn khiến họ bị tổn thương sâu sắc.

Khi tình huống tương tự xảy đến, tinh thần họ rất dễ bị kích động dẫn đến những cảm xúc lo lắng, sợ hãi quá mức kèm theo những phản ứng của cơ thể như đổ mồ hôi, tim đập nhanh, tuyến bàng quang bị kích thích,…

ám ảnh sợ hãi do trải nghiệm tiêu cực
Nếu từng bị chó cắn, con người có thể gặp phải nỗi ám ảnh sợ hãi với chó.

Sự đa dạng của chứng ám ảnh sợ hãi cũng bắt nguồn từ những trải nghiệm đa dạng của con người. Ví dụ điển hình là chứng sợ bóng tối, sợ thang máy, sợ phòng kín, sợ chó, sợ xe máy,…

3. Do học tập từ quan sát trong thực tế

Một nguyên nhân dựa trên nguyên tắc tự vệ của cơ thể đó là đề phòng những tình huống nguy hiểm qua quan sát và đánh giá. Khi nhìn thấy những phản ứng sợ hãi của người khác đối với một sự vật, hiện tượng, con người sẽ có thể ghi nhớ nó thành nỗi sợ hãi của bản thân.

Điều này có liên quan mật thiết với môi trường sống xung quanh đặc biệt là gia đình. Nếu người thân trong gia đình có những phản ứng sợ hãi, lo lắng gay gắt với một vấn đề nào đó, thì cá nhân cũng có khả năng học tập điều đó và phát triển thành chứng ám ảnh cụ thể.

4. Rối loạn chức năng của não

Sự mất cân bằng sinh hóa bên trong não cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Điều này được chứng minh khi môi trường bên trong não thiếu hụt các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và norepinephrine làm ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát căng thẳng và lo lắng. 

Không dừng lại ở đó, sự thiếu hụt cũng gây ra rối loạn trao đổi thông tin giữa các dây thần kinh cảm xúc dẫn đến các bệnh rối loạn tâm thần.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh ám ảnh sợ hãi

Đối với nhiều người, chứng ám ảnh sợ hãi như sợ chó, sợ thang máy có vẻ đơn giản và không có gì nghiêm trọng. Nhưng đối với những người đang mắc bệnh, chúng có thể dày vò họ về cả thể xác lẫn tinh thần.

biến chứng của ám ảnh sợ hãi
Ám ảnh cụ thể có liên quan trực tiếp đến các chứng bệnh rối loạn tâm thần khác mà bệnh nhân có thể phải đối mặt.

Những biến chứng của bệnh ám ảnh sợ hãi bao gồm:

  • Mắc chứng rối loạn tâm thần khác: Nhiều nghiên cứu đã cho rằng, rối loạn ám ảnh có liên quan đến các chứng rối loạn tâm thần khác bao gồm trầm cảm và các chứng rối loạn lo âu
  • Lạm dụng chất kích thích: Những người gặp rắc rối với việc kiểm soát cảm xúc của họ như các bệnh nhân mắc chứng ám ảnh cụ thể sẽ có xu hướng tìm đến với chất kích thích để quên đi vấn đề của họ. Tuy nhiên, chất kích thích chỉ khiến tình trạng trở nên tồi tệ và dễ mất kiểm soát hành vi.
  • Cách ly xã hội: Bệnh nhân ám ảnh sợ hãi thường né tránh những tình huống mà họ nghĩ là gây nguy hiểm cho họ. Họ sẽ âm thầm chịu đựng theo thời gian mà không hề muốn đối diện với nỗi sợ hãi của mình. Kết quả là, họ tự lẩn trốn mọi thứ và tự mình cách ly với xã hội.
  • Tự tử: hành vi nguy hiểm nhất mà hầu hết bệnh nhân ám ảnh sợ hãi đều ít nhất 1 lần suy nghĩ đến – tự tử. Thay vì chọn cách tìm bất kỳ sự trợ giúp nào đó, họ mặc cảm với bản thân và nghĩ tới việc tự giải thoát cho bản thân để chấm dứt chuỗi ngày đau khổ, sợ hãi dằn vặt. 

Chẩn đoán chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi

Tương tự như cách chẩn đoán các chứng rối loạn tâm thần, trước tiên các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát và điều tra tiền sử tâm thần. Theo đó, các bác sĩ sẽ tìm các bệnh lý tiềm ẩn có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. 

chẩn đoán ảm ảnh sợ hãi
Bệnh nhân sẽ được kiểm tra mức độ triệu chứng bằng cách trả lời hàng loạt các câu hỏi trắc nghiệm dựa trên tiêu chí của DSM – 5.

Tiếp đến, bệnh nhân sẽ được chuyển đến với các chuyên gia về tâm lý để được họ chẩn đoán bệnh và đánh giá mức độ của các triệu chứng. Việc chẩn đoán sẽ dựa trên các tiêu chí cụ thể được liệt kê trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM).

Phương pháp điều trị chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi

Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào đưa ra phương pháp điều trị dành riêng cho chứng ám ảnh sợ hãi. Mặc dù, ám ảnh sợ hãi ít nghiêm trọng hơn các loại rối loạn lo âu khác, nhưng về cơ bản phương án điều trị khá giống nhau. Các phương pháp điều trị được khuyến khích lựa chọn là dùng thuốc, điều trị tâm lý và một số biện pháp hỗ trợ tại nhà.

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu được đánh giá là phương án điều trị được ưu tiên áp dụng đối với các chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Các chuyên gia tâm lý sẽ dựa trên hệ thống phương pháp luận cụ thể thực hiện những kỹ thuật điều trị bao gồm phi ngôn ngữ và ngôn ngữ. 

Mục đích của liệu pháp tâm lý nhằm giúp các bệnh nhân thấu hiểu bản thân và biết cách kiểm soát cảm xúc, nhờ vậy có thể thay đổi tích cực đối với chứng ám ảnh sợ hãi. Nhờ vậy, bệnh nhân sẽ nhanh chóng cải thiện sức khỏe về cả mặt tinh thần lẫn thể chất.

điều trị tâm lý ám ảnh sợ hãi

Tùy vào tình trạng bệnh và độ tuổi của từng bệnh nhân, các chuyên gia sẽ áp dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau, trong đó, nổi bật nhất là 2 phương pháp, bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): được xem là tiêu chuẩn vàng được ưu tiên lựa chọn khi điều trị các chứng ám ảnh sợ hãi. Các chương trình điều trị theo liệu pháp CBT nhằm mục đích giúp bệnh nhân xác định rõ suy nghĩ tiêu cực và thay đổi nó.
  • Liệu pháp phơi nhiễm: là phương pháp đưa bệnh nhân vào tình huống được tiếp xúc trực tiếp với điều khiến họ sợ hãi. Tần suất tiếp xúc nhiều và đảm bảo không có gì quá nguy hiểm, não bộ sẽ tự động thích nghi và điều chỉnh hệ thống báo động đúng thực tế hơn.

2. Điều trị bằng thuốc

Phương pháp điều trị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi chưa được khuyến khích sử dụng độc lập mà thường được kết hợp với liệu pháp tâm lý. Bởi vì sử dụng thuốc có thể khiến các triệu chứng dễ tái phát hơn. Thay vào đó, thuốc được chỉ định để áp chế một số triệu chứng lâm sàng của bệnh như đau đầu, rối loạn tiêu hóa,..

điều trị ám ảnh sợ hãi bằng thuốc
Không nên dùng thuốc trong điều trị dài hạn vì có thể gây nghiện và khiến bệnh nhân dễ lạm dụng quá liều.

Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị chứng rối loạn lo âu  ám ảnh sợ hãi là:

  • Thuốc chẹn beta
  • Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc
  • Thuốc chống trầm cảm (paroxetine và escitalopram)
  • Benzodiazepine

Những loại thuốc này thường không được khuyến khích sử dụng trong điều trị lâu dài vì có thể khiến bệnh nhân bị phụ thuộc vào thuốc và dễ dẫn tới lạm dụng quá liều. Chính vì vậy, bệnh nhân không nên tự mua thuốc về uống mà cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ.

Có thể trị khỏi chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi không?

Ước tính, có đến 12% khả năng mắc chứng rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi đối với bất kỳ ai vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tỷ lệ có thể mắc bệnh suốt đời là 7,4%. Trong đó, độ tuổi dễ mắc bệnh nhất là giai đoạn vị thành niên và khả năng mắc bệnh ở nữ cao hơn nhiều so với nam giới.

ám ảnh sợ hãi có khỏi hoàn toàn không
Ám ảnh sợ hãi có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu người bệnh kiên trì điều trị và làm theo chỉ dẫn từ bác sĩ.

Tuy nhiên, đây là một bệnh lý ít nguy hiểm hơn các bệnh rối loạn lo âu khác và hoàn toàn có thể điều trị khỏi. Vì vậy, cần chẩn đoán bệnh sớm khi phát hiện triệu chứng và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Trong trường hợp điều trị cần dùng thuốc, hãy đảm bảo sự kiên trì, đều đặn và đúng liều để tránh gây ra phản tác dụng cũng như giảm nguy cơ tái phát bệnh.

Rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi không loại trừ bất kỳ ai và có thể mãn tính nếu không có phương án điều trị sớm. Hơn nữa, rối loạn lo âu ám ảnh còn ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh, thậm chí là bị cách ly với cả xã hội. Điều quan trọng là bệnh có thể trị khỏi hoàn toàn. Vì vậy, nếu nhận thấy biểu hiện bất thường, bạn hãy đến ngay các cơ sở uy tín để được chẩn đoán sớm và có phương án điều trị phù hợp.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Ngày Cập nhật 19/07/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *