Thoái hóa khớp cổ chân: Nguyên nhân và hướng điều trị

Đa phần những trường hợp thoái hóa khớp cổ chân hình thành và phát triển từ các chấn thương trước đó. Sụn khớp có thể bị hư hại do tác động từ chấn thương dẫn đến tình trạng thoái hóa. Bệnh không chỉ khiến khả năng vận động, khả năng di chuyển suy giảm mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Thoái hóa khớp cổ chân: Nguyên nhân và hướng điều trị
Tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân và hướng điều trị bệnh thoái hóa khớp cổ chân

Tổng quan về bệnh thoái hóa khớp cổ chân

Khớp cổ chân được tạo nên từ 3 bộ phận. Đó là xương bàn chân, xương ống chân và xương gót chân. Cả ba đầu xương này đều được bao bọc bởi mô sụn. Mô sụn là một cơ quan quan trong. Chúng mang tác dụng ổn định khớp. Đồng thời giảm xóc và giảm ma sát khi con người vận động.

Bệnh thoái hóa khớp cổ chân có thể hình thành và phát triển khi sụn tồn tại xung quanh xương khớp bị bào mòn và bị hư tổn. Khi bệnh phát triển mạnh, các gai xương sẽ hình thành để lắp vào những vị trí có phần sụn bị bào mòn.

Nguyên nhân gây bệnh

Khớp cổ chân ít khi bị thoái hóa. Hiện tượng thoái hóa chỉ xuất hiện phổ biến ở khớp gối. Đa phần những trường hợp thoái hóa khớp cổ chân hình thành và phát triển từ các chấn thương trước đó. Sụn khớp có thể bị hư hại hoặc khớp có thể thay đổi cấu trúc do tác động từ chấn thương. Từ đó khiến khớp cổ chân hoạt động bất thường dẫn đến tình trạng thoái hóa.

Những yếu tố nêu trên thường khiến mô sụn bị tác động và bị bào mòn theo thời gian. Khi những tổn thương ở sụn khớp phát triển và trở nên nghiêm trọng ở một thời điểm nhất định, những triệu chứng lâm sàng của bệnh sẽ phát sinh.

Bên cạnh chấn thương, bệnh thoái hóa khớp cổ chân còn có thể hình thành bởi sự tác động của những yếu tố sau:

  • Thừa cân
  • Tuổi tác cao. Những người trên 40 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao
  • Gia đình có tiền sử mắc các bệnh xương khớp
  • Giới tính nữ
  • Khiếm khuyết di truyền ở cổ chân và ở sụn
  • Khớp cổ chân vận động quá mức hoặc di chuyển thường xuyên.
Nguyên nhân gây bệnh
Đa phần những trường hợp thoái hóa khớp cổ chân hình thành và phát triển từ các chấn thương trước đó

Dấu hiệu và triệu chứng

Đau cẳng chân dưới, đau giữa bàn chân và đau lưng bàn chân là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thoái hóa khớp cổ chân. Cơn đau sẽ xuất hiện khi bạn đột ngột thay đổi tư thế hoặc vận động mạnh ở khớp cổ chân.

Ở thời gian đầu mắc bệnh, triệu chứng đau nhức chỉ xuất hiện thoáng qua. Triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất sau khi bạn dành thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên nếu không có biện pháp điều trị, theo thời gian, tình trạng đau nhức sẽ xuất hiện với mức độ nặng nề hơn và phát sinh với tần suất dày đặc.

Ngoài triệu chứng đau nhức, người bệnh còn đối mặt thêm nhiều triệu chứng khó chịu khác. Bao gồm:

  • Khớp phát ra âm thanh khi người bệnh vận động hoặc di chuyển
  • Sưng, viêm và đau khớp cổ chân
  • Cứng khớp và gặp nhiều khó khăn khi di chuyển hoặc thực hiện các hoạt động sinh hoạt, vận động ở khớp cổ chân. Đặc biệt là sau khi ngủ dậy
  • Khi cố sức cử động ở khớp cổ chân, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn
  • Phạm vi chuyển động bị hạn chế, độ linh hoạt và khả năng chống chịu của khớp bị suy giảm. Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy khó khăn khi đạp ga xe, đi bộ, đạp phanh khi lái xe hoặc thực hiện một số hoạt động khác.

Mức độ và tần suất xuất hiện của các triệu chứng phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương ở sụn và khả năng chống chịu của từng bệnh nhân. Chính vì thế, triệu chứng xuất hiện ở từng đối tượng có thể không giống nhau.

Dấu hiệu và triệu chứng
Đau nhức là dấu hiệu và triệu chứng điển hình của bệnh thoái hóa khớp cổ chân

Chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp cổ chân

Trước khi yêu cầu bệnh nhân thực hiện những xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chuyên khoa sẽ hỏi bạn một vài câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh lý. Nếu có người thân bị thoát hóa xương khớp hoặc bản thân có tiền sử bị chấn thương ở bàn chân, người bệnh nên chia sẻ với bác sĩ để có thể chẩn đoán chính xác bệnh lý.

Tiếp theo, bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn bạn kiểm tra thể chất để quan sát khả năng vận động, phạm vi chuyển động và những bất thường xảy ra ở khớp cổ chân. Thông qua quá trình kiểm tra thể chất, bác sĩ sẽ đánh giá được lực từ khớp, liên kết xương và sức mạnh từ những cơ bắp lân cận.

Để chẩn đoán chính xác bệnh lý và mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm hình ảnh. Cụ thể như:

  • Chụp X-quang: Xét nghiệm hình ảnh này sẽ giúp bác sĩ xác định được những vấn đề xảy ra ở sụn khớp, mức độ tổn thương của khớp cổ chân. Ngoài ra, chụp X-quang còn giúp bác sĩ ước tính được số lượng sụn khớp quanh khớp bị hư tổn. Đồng thời phản ánh tình trạng hẹp không gian khớp và tình trạng khớp sai lệch.
  • CT và MRI: CT và MRI là những xét nghiệm hình ảnh có thể giúp bác sĩ đánh giá chính xác những tổn thương ở khớp cổ chân.

Hướng điều trị thoái hóa khớp cổ chân

Bệnh thoái hóa khớp không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Chính vì thế những phương pháp chữa bệnh sẽ được chỉ định nhằm ức chế quá trình phát triển của bệnh thoái hóa và kiểm soát tình trạng đau nhức. 

Trước khi can thiệp phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu và hướng dẫn bạn điều trị bệnh bằng những phương pháp nội khoa.

Sử dụng thiết bị hỗ trợ

Việc sử dụng những thiết bị hỗ trợ có thể giúp bệnh nhân bị thoái hóa khớp cổ chân làm giảm sự chèn ép và áp lực lên khớp cổ chân. Để đạt hiệu quả tốt nhất, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ dựa trên tình trạng tổn thương khớp của bạn để lựa chọn những thiết bị hỗ trợ phù hợp.

Một số thiết bị dưới đây có thể được sử dụng:

  • Nẹp: Để tránh gây áp lực lên khớp cổ chân và những cơ quan xung quanh, bác sĩ chuyên khoa có thể giúp bạn nẹp khớp.
  • Gậy: Gậy sẽ được sử dụng khi người bệnh di chuyển để làm giảm bớt sự chèn ép của trọng lượng cơ thể đối với khớp bị tổn thương. 
  • Chỉnh hình: Nếu khớp cổ chân của bạn hoạt động sai lệch hoặc mất đi sự ổn định, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành đưa khớp về trạng thái ban đầu bằng cách chỉnh hình.
Sử dụng thiết bị hỗ trợ
Để tránh gây áp lực lên khớp cổ chân và những cơ quan xung quanh, bác sĩ chuyên khoa có thể giúp bạn nẹp khớp

Sử dụng thuốc điều trị

Những loại thuốc dùng trong điều trị thoái hóa khớp cổ chân mang tác dụng kiểm soát tình trạng đau nhức và các triệu chứng khó chịu của bệnh.

Để kiểm soát bệnh lý, bác sĩ chuyên khoa sẽ có thể yêu cầu bạn sử dụng những loại thuốc sau:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Nhóm thuốc giảm đau không kê đơn sẽ được sử dụng ở những bệnh nhân có cơn đau xuất hiện ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Ibuprofen, Naproxen, Acetaminophen là những loại thuốc được sử dụng phổ biến trong trường hợp này.
  • Thuốc điều trị tại chỗ: Những loại thuốc điều trị tại chỗ có thể bao gồm miếng dán, gel, thuốc xịt, thuốc dạng kem… Nhóm thuốc này có khả năng tác động trực tiếp lên những vùng da có khớp xương bị tổn thương và thoái hóa. Hiện nay có một số loại thuốc điều trị tại chỗ không cần kê đơn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bởi những loại thuốc này có chứa thành phần chống viêm không steroid. Nếu sử dụng bừa bãi thuốc có thể gây tác dụng phụ.
  • Thuốc tiêm: Tiêm steroid sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định khi những loại thuốc điều trị nêu trên không thể kiểm soát cơn đau và những triệu chứng khó chịu khác của bệnh. Loại thuốc này mang tác dụng giảm đau và chống viêm mạnh. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc tiêm có thể khiến người bệnh đối mặt với nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Chính vì thế người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết và có yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa.

Việc sử dụng thuốc có thể giúp người bệnh cải thiện tình trạng đau nhức và kiểm soát nhanh chóng những triệu chứng khó chịu của bệnh thoái hóa khớp cổ chân. Tuy nhiên người bệnh cần sử dụng thuốc đúng liều và sử dụng thuốc với tần suất được chỉ định. Việc lạm dụng thuốc có thể khiến bạn đối mặt với nhiều rủi ro và tác dụng phụ không mong muốn.

Vật lý trị liệu

Hoạt động thể chất sẽ mang đến những tác động tích cực đối với mô mềm và các cơ quan xương khớp. Việc thường xuyên áp dụng các bài tập vật lý trị liệu không chỉ giúp người bệnh cải thiện độ dẻo dai, linh hoạt của khớp mà còn giúp duy trì khớp ở trạng thái cân bằng và ổn định. Đồng thời hỗ trợ giảm đau.

Chính vì những tác dụng nêu trên, bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bạn áp dụng biện pháp vật lý trị liệu để làm chậm quá trình phát triển của bệnh và cải thiện chức năng của xương khớp.

Những biện pháp vật lý trị liệu được sử dụng phổ biến:

  • Massage trị liệu
  • Các bài tập nhẹ nhàng giúp tác động đến cổ chân
  • Chỉnh hình khớp
  • Những phương pháp kiểm soát cơm đau: Nhiệt trị liệu, điện trị liệu, siêu âm trị liệu…
Vật lý trị liệu
Kiểm soát cơn đau và cải thiện bệnh thoái hóa khớp cổ chân bằng biện pháp vật lý trị liệu

Phẫu thuật

Trong điều trị thoái hóa khớp cổ chân, phẫu thuật là một hình thức xâm lấn chỉ được xem xét và áp dụng khi những phương pháp điều trị nội khoa không thể mang đến hiệu quả chữa bệnh như mong đợi.

Một số thủ thuật phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp cổ chân được áp dụng gồm:

  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ khớp: Để ổn định không gian khớp giúp khớp di chuyển và vận động dễ dàng hơn, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng một thiết bị hỗ trợ khớp. Thiết bị này sẽ được gỡ bỏ sau khoảng 3 tháng sử dụng.
  • Tái tạo bề mặt sụn: Tái tạo bề mặt sụn là một thủ thuật được thực hiện nhằm loại bỏ những gai xương nhô ra và làm nhẵn sụn.
  • Phẫu thuật thay thế khớp cổ chân toàn phần hoặc bán phần: Phẫu thuật thay thế khớp cổ chân toàn phần hoặc bán phần sẽ được xem xét và áp dụng khi xương và sụn của bạn hư hỏng hoàn toàn. Để thay thế những cơ quan bị hư tổn, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng bộ phận nhân tạo.

Chế độ chăm sóc ở người bị thoái hóa khớp cổ chân

Ngoài việc áp dụng những phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp cổ chân, người bệnh cũng cần thay đổi những thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống và làm việc để làm giảm những áp lực xảy ra ở khớp cổ chân.

  • Duy trì cân nặng ở mức ổn định
  • Thường xuyên thực hiện những bộ môn thể dục ít tác động và ít gây áp lực lên khớp cổ chân như bơi lội, tập yoga, thiền… Người bệnh cần hạn chế áp dụng những bộ môn thể thao buộc phải sử dụng cổ chân thường xuyên như đạp xe, đi bộ, chạy bộ…
  • Người bệnh cần hạn chế leo cầu thang, mang vác vật nặng và giảm thiểu những hoạt động tạo áp lực lên khớp cổ chân.
  • Áp dụng biện pháp chườm lạnh, chườm nóng để kiểm soát cơn đau thay vì phải sử dụng nhiều thuốc.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế thức khuya, tránh dùng thức uống có cồn và những chất kích thích…
  • Bổ sung những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự hồi phục sức khỏe của xương khớp như các loại vitamin, chất xơ, omega 3, nguyên tố vi lượng…
Chế độ chăm sóc ở người bị thoái hóa khớp cổ chân
Người bị thoái hóa khớp cổ chân cần bổ sung những dưỡng chất cần thiết cho sự hồi phục sức khỏe của xương khớp như các loại vitamin, chất xơ, omega 3, nguyên tố vi lượng…

Bài viết là thông tin cơ bản về bệnh thoái hóa khớp cổ chân, triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh, chẩn đoán và hướng điều trị. Đây là bệnh lý tương đối nguy hiểm do có khả năng làm ảnh hưởng đến chức năng vận động và khả năng đi lại. Vì thế, ngay khi khớp cổ chân có dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến bệnh viện để tiến hành thăm khám và điều trị. Tránh bệnh phát triển và gây nguy hiểm.

XEM THÊM

Ngày Cập nhật 06/09/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *