Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là gì? Chi phí & Tỷ lệ thành công

Thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện bằng cách cho tinh trùng và trứng kết hợp trong môi trường nhân tạo. Nhờ sự tiến bộ của y học, chi phí thực hiện không còn là điều quá xa vời. Đồng thời, tỷ lệ thành công cũng được gia tăng đáng kể.

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ngày càng được áp dụng rộng rãi cho các cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ngày càng được áp dụng rộng rãi cho các cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là gì?

Tiếng anh gọi là: In Vitro Fertilization (viết tắt là IVF), tạm dịch là thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là một trong những phương pháp can thiệp y học để giúp những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có con. Theo đó, trứng và tinh trùng sẽ được kết hợp với nhau trong ống nghiệm (thay vì trong tử cung của người phụ nữ). Nếu sự kết hợp này thành công và hợp tử phát triển thành phôi. Nó sẽ được cấy trở lại tử cung của người phụ nữ. Quá trình phát triển thai nhi sau đó tương tự như bình thường.

Những cặp vợ chồng lựa chọn kỹ thuật IVF thường là người vợ hoặc chồng có vấn đề về khả năng sinh sản. Chỉ một số ít trường hợp là cả hai đều gặp vấn đề.

  • Đối với người vợ:

Thường là trường hợp bị tắc vòi trứng (thường là tắc cả hai); lạc nội mạc tử cung hoặc không có trứng. Ngoài ra, những trường hợp áp dụng UIU (bơm tinh trùng vào tử cung) nhiều lần nhưng thất bại cũng có thể được chỉ định dùng phương pháp IVF.

  • Đối với người chồng:

Đa số là trường hợp tinh trùng yếu (về khả năng di chuyển), số lượng tinh trùng khỏe mạnh quá ít (tỷ lệ tinh trùng dị tật trên 70%) hoặc không có tinh trùng trong tinh dịch. Bên cạnh đó, một số trường hợp xuất tinh sớm hoặc xuất tinh ngược dòng cũng có thể cần đến IVF để có con.

Các hoạt động thăm khám trước khi thụ tinh nhân tạo

Trước khi thực hiện kỹ thuật IVF, cả hai vợ chồng đều phải thực hiện hàng loạt các hoạt động thăm khám
Trước khi thực hiện kỹ thuật IVF, cả hai vợ chồng đều phải thực hiện hàng loạt các hoạt động thăm khám

Trước khi thực hiện kỹ thuật IVF, cả người đàn ông và phụ nữ đều phải trải qua hàng loạt các kiểm tra. Mục đích là tăng tỷ lệ thụ tinh thành công. Cả người vợ và chồng đều cần thực hiện các hoạt động thăm khá dưới đây:

  • Đối với người vợ:

Bộ phận cần kiểm tra chủ yếu là tử cung. Các xét nghiệm gồm xác định số lượng và chất lượng của trứng, nồng độ các hormone kích thích nang trứng. Sau đó, các bác sĩ sẽ dùng máy siêu âm để kiểm tra tử cung có bị tình trạng tắc vòi trứng, lạc nội mạc, u xơ tử cung, dị tật bẩm sinh hoặc bệnh lý nào khác không.

  • Đối với người chồng:

Họ sẽ được kiểm tra chất lượng và số lượng tinh trùng thông qua mẫu tinh dịch. Kết quả sẽ được phân tích kỹ trên tinh dịch đồ. Từ đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc một số phương pháp hỗ trợ để đảm bảo chất lượng tinh trùng khi thụ tinh trong ống nghiệm.

Ngoài ra, cả hai vợ chồng sẽ cùng thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để xác định có bị bệnh tình dục hay không. Đồng thời, các bác sĩ cũng cần thêm dữ liệu chính xác về tình trạng sức khỏe của cả hai. Đặc biệt là người phụ nữ. Có thể bạn sẽ phải thực hiện xét nghiệm máu, kiểm tra nước tiểu, đo huyết áp, thậm chí chụp MRI.

Song song đó, các bác sĩ sẽ hỏi thêm tiền sử bệnh, các loại thuốc (kể cả Đông y và Tây y) từng dùng. Thậm chí bạn còn phải cho bác sĩ biết các loại thực phẩm chức năng từng sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng nên cung cấp cho bác sĩ thông tin về một số loại thuốc bị dị ứng. 

Quy trình thực hiện IVF

Tổng thể quy trình thực hiện IVF theo thời gian

Để dễ hình dung khi tìm hiểu chi tiết quy trình thụ tinh trong ống nghiệm, bạn cần có cái nhìn tổng thể về cách thực hiện phương pháp này. Sau các bước thăm khám từ cơ bản đến chuyên sâu. Bác sĩ sẽ làm hồ sơ, đưa ra phác đồ thực hiện hiện và xin phê duyệt từ lãnh đạo bệnh viện.

Đầu tiên, người mẹ sẽ dùng thuốc kích thích buồng trứng. Tiếp đến, trước khi chọc hút noãn từ 36 – 40 giờ, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây rụng trứng. Trứng khi mang ra ngoài sẽ được kết hợp với tinh trùng. Quá trình thụ tinh xảy ra trong ống nghiệm.

Khi phát triển thành phôi thai, nó sẽ được chuyển vào tử cung người mẹ. Sau 14 ngày, người mẹ sẽ được thử thai. Nếu quá trình tiếp tục thuận lợi, các bác sĩ sẽ siêu âm kiểm tra sự phát triển của thai nhi sau 28 ngày. Khoảng thời gian từ lúc tiêm thuốc kích thích buồng trứng đến khi phôi thai phát triển được 28 ngày rất dễ bị thất bại. Do đó, nếu qua được khoảng thời gian này, bạn có thể phần nào yên tâm.

Quy trình thực hiện kỹ thuật IVF khá phức tạp và đòi hỏi điều kiện vô trùng nghiêm ngặt
Quy trình thực hiện kỹ thuật IVF khá phức tạp và đòi hỏi điều kiện vô trùng nghiêm ngặt

Chi tiết quá trình thụ tinh trong ống nghiệm

Toàn bộ quá trình thụ tinh trong ống nghiệm phải trải qua 6 bước. Trong đó mỗi bước đều cần thực hiện vô cùng thận trọng. Các cặp vợ chồng phải tuân thủ tuyệt đối những dặn dò của bác sĩ. Nếu không, toàn bộ quá trình dày công thực hiện có thể “đổ sông đổ biển” và phải bắt đầu lại vị trí số 0.

Bước 1: Kích thích buồng trứng

Thuốc kích thích buồng trứng sẽ được tiêm liên tục mỗi ngày. Thời điểm bắt đầu tiêm là vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt. Thời gian tiêm thuốc phụ thuộc nhiều vào cơ địa của người mẹ. Nó giao động từ 9 – 12 ngày.

Trong giai đoạn này, người mẹ sẽ tiếp tục được siêu âm và xét nghiệm máu. Mục đích là theo dõi sự phát triển của nang noãn. Cho đến khi nó đạt được kích thước chuẩn, các bác sĩ sẽ tiêm mũi thuốc cuối cùng để trứng rụng. Việc canh thời điểm tiêm mũi thuốc này rất quan trọng bởi đó ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ thành công.

Bước 2: Lấy trứng khỏi tử cung

Khoảng thời gian chọc hút trứng từ tử cung giao động từ 36 – 40 giờ sau khi tiêm mũi cuối cùng. Người ta thường thực hiện vào buổi sáng và người mẹ không được ăn gì cho đến khi hút trứng xong. Các bác sĩ sẽ gây mê nên không phải lo lắng có đau hay không. Trường hợp dị ứng với thuốc mê, các bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp khác.

Sau khi lấy trứng, người mẹ sẽ nằm lại bệnh viện từ 2 – 3 giờ để theo dõi sức khỏe. Trứng được lấy ra khỏi tử cung sẽ kèm theo dịch nang. Các bác sĩ sẽ kiểm tra lại chất lượng trứng một lần nữa và và tách bỏ dịch nang dưới kính hiển vi. Cùng lúc này, người cha sẽ được lấy mẫu tinh dịch. Trong buổi sáng lấy tinh dịch, người đàn ông cũng cần nhịn ăn. 

Bước 3: Cho trứng kết hợp với tinh trùng

Mẫu tinh dịch sẽ được lọc rửa trước khi kết hợp với tinh trùng. Điều này có nghĩa là rất nhiều tinh trùng sẽ được gặp trứng. “Tinh binh” nào khỏe nhất mới được chui vào trứng. Nếu thuận lợi, quá trình phát triển thành phôi sẽ bắt đầu.

Cách kết hợp này có vẻ tăng tỷ lệ thành công nhưng thực tế lại không như vậy. Nếu để các “tinh binh” tự tìm cách chui vào trứng trong môi trường nhân tạo thì quả là một thử thách lớn. Vì thế, tỷ lệ thành công không cao.

Chính vì điều này, các chuyên gia đã nghiên cứu ra cách chọn duy nhất 1 tinh trùng khỏe mạnh nhất để tiêm trực tiếp vào tương noãn. Kỹ thuật này gọi là Intra-cytoplasmic Sperm Injection (ICSI). Tạm dịch là tiêm tinh trùng vào bào tương noãn. Toàn bộ quy trình của nó cũng giống như IVF, chỉ khác lúc để trứng kết hợp với tinh trùng.

Trứng và tinh trùng khi được kết hợp với nhau sẽ được nuôi dưỡng trong môi trường nhân tạo từ 2 – 5 ngày. Có một vấn đề cần làm sáng tỏ là quá trình thụ tinh sẽ được thực hiện với nhiều tế bào tương noãn. Chúng được phân thành các mẫu khác nhau. Các bác sĩ sẽ chỉ chọn 1 trong số các phôi thành công để chuyển vào tử cung. Số phôi dư sẽ trữ đông.

Trong quá trình cho tinh trùng kết hợp với trứng nếu thực hiện theo kỹ thuật ICSI thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn
Trong quá trình cho tinh trùng kết hợp với trứng nếu thực hiện theo kỹ thuật ICSI thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn

Bước 4: Chuyển phôi vào tử cung

Trong quá trình chờ trứng và tinh trùng phát triển thành phôi thai, người mẹ sẽ được dùng thuốc (cả uống và đặt vào âm đạo). Mục đích là tạo độ dày thành tử cung và tạo môi trường cho phôi làm tổ. Đến thời điểm môi trường và những thay đổi về cấu tạo tử cung đáp ứng được yêu cầu, phôi sẽ được chuyển vào.

Hoàn tất công đoạn này, người mẹ cần nằm lại viện từ 2 – 4 giờ để theo dõi sức khỏe. Sau khi về nhà, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc nội tiết tố. Đồng thời, người mẹ phải tuân theo nghiêm ngặt các dặn dò của bác sĩ về chế độ ăn uống và nghỉ ngơi.

Bước 5: Thử thai

Cách chính xác nhất kiểm tra phôi thai có phát triển bình thường trong tử cung hay không là xét nghiệm beta HCG trong máu. Thời điểm thực hiện xét nghiệm này là sau hai tuần kể từ thời điểm chuyển phôi. Nếu chỉ số IU/I lớn hơn 25 nghĩa là quá trình chuyển phôi đã thành công.

Trong vòng 2 ngày sau đó, nếu nồng độ beta HCG tăng gấp 1,5 lần nghĩa là thai nhi đang phát triển tốt, Người mẹ sẽ tiếp tục dùng thuốc dưỡng thai. Nếu chỉ số IU/I không tăng mà tiếp tục giảm và về mức âm nghĩa là phôi chuyển không thành công.

Trong trường hợp sảy thai, các bác sĩ sẽ dùng đến các phôi đang trữ đông. Các xét nghiệm trước đó sẽ không phải thực hiện lại. Người mẹ bắt đầu lại quá trình dùng thuốc để theo dõi chu kỳ và sự thay đổi của tử cung. Thời điểm bắt đầu giống lần thứ nhất (đó là vào ngày thứ 2 của chu kỳ). Các công đoạn còn lại tương tự.

Sẽ có nhiều phôi được tạo thành nhờ kỹ thuật IVF nhưng chỉ có 1 phôi được cấy vào tử cung. Số còn lại sẽ được trữ đông
Sẽ có nhiều phôi được tạo thành nhờ kỹ thuật IVF nhưng chỉ có 1 phôi được cấy vào tử cung. Số còn lại sẽ được trữ đông

Bước 6: Theo dõi sự phát triển của thai nhi

Tính từ thời điểm chuyển phôi thành công, người mẹ cần siêu âm lần nữa sau 28 ngày. Kết hợp với đó là các hoạt động thăm khám lâm sàng. Mục đích là kiểm tra xem thai nhi có phát triển tốt không. Sau thời điểm này, các hoạt động thăm khám diễn ra định kỳ như bình thường.

Chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm

Như đã trình bày, để thực hiện kỹ thuật IVF, cơ sở y tế phải thực hiện hàng loạt các xét nghiệm. Đồng thời trang thiết bị phải hiện đại và đội ngũ bác sĩ phải có chuyên môn giỏi. Chính vì thế, chi phí thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm khá cao. Nó thường giao động từ 70 đến 100 triệu đồng. Sự chênh lệch này tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Nếu quá trình chuyển phôi thất bại nhiều lần hoặc sức khỏe người mẹ không tốt, chi phí có thể nhiều hơn. Ngoài ra, nếu áp dụng kỹ thuật ICSI (tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương noãn) chi phí sẽ tăng thêm khoảng 30 triệu đồng nữa.

Tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm là kỹ thuật phổ biến và được đánh giá tích cực hiện nay. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công cao nhất tính trên toàn thế giới chỉ đạt ở mức 45%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Việt Nam giao động ở mức 35 – 40%. Thêm nữa, khả năng thành công có thể giảm từ 2 – 10% tùy vào độ tuổi thực hiện và rất nhiều những yếu tố khác.

Cụ thể, nếu người mẹ nhỏ hơn 35 tuổi, tỷ lệ thành công của IVF có thể đạt mức tối đa. Từ 35 – 37 tuổi, tỷ lệ này là 30%. 38 – 40 tuổi, khả năng thành công chỉ còn 20%. Còn 41 -42 tuổi, con số này là 11%. Trường hợp trên 42 tuổi muốn có con theo phương pháp IVF thì tỷ lệ thành công chỉ còn mức 4%.

Ngoài ra, nếu áp dụng kỹ thuật ISCI trong lúc kết hợp tinh trùng với trứng thì tỷ lệ có con sẽ cao hơn. Một số tài liệu cho rằng khả năng thành công có thể lên đến 60%, thậm chí 80%. Tuy nhiên, các con số này vẫn chưa được nhìn nhận chính thức.

Những yếu tố tác động đến tỷ lệ thành công của IVF

Ngoài độ tuổi là yếu tố tác động rất rõ ràng đến tỷ lệ thụ thai thành công. Thụ tinh trong ống nghiệm còn chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Tùy từng trường hợp, mức độ tác động của từng yếu tố sẽ rất khác nhau. Không có con số thống kê cụ thể. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những yếu tố tác động nhiều nhất đến tỷ lệ thành công của IVF. Cụ thể là:

  • Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt

Ngoài chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, cả hai vợ chồng cần phải tránh xa các chất kích thích. Đồng thời, trước khi thực hiện kỹ thuật IVF khoảng 3 tháng, người vợ cần bổ sung thêm 400 microgram vitamin B9 hằng ngày. Các thực phẩm giàu vitamin này là giá đỗ, ngũ cốc, thịt gà, cam, bưởi và rau chân vịt. Mục đích là giảm nguy cơ bất thường liên quan đến ống thần kinh của thai nhi.

Trước khi thực hiện kỹ thuật IVF, người mẹ cần bổ sung nhiều vitamin B9
Trước khi thực hiện kỹ thuật IVF, người mẹ cần bổ sung nhiều vitamin B9
  • Vấn đề sức khỏe và các bệnh tình dục

Nếu một trong hai vợ chồng mắc bệnh về tình dục hoặc sức khỏe không tốt (đặc biệt là sức khỏe của người mẹ), khả năng thành công của IVF sẽ giảm đáng kể. Thậm chí có thể gây biến chứng cho thai nhi.

Ngoài ra, trong trường hợp người mẹ bị nhiễm virus rubella, chẳng những gia tăng nguy cơ sảy thai mà tính mạng của người mẹ cũng có thể bị đe dọa. Chính vì thế, nếu muốn áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, người mẹ nên tiêm phòng rubella trước đó ít 6 tháng.

  • Chỉ số cân nặng và chiều cao của cơ thể (BMI)

BMI là chỉ số đánh giá chiều cao và cân nặng của một người thuộc trường hợp bình thường, quá gầy hoặc quá béo. Nếu người mẹ có chỉ số BMI quá lớn (từ 23 trở lên) đồng nghĩa với tỷ lệ thành công của IVF sẽ giảm đi. Không những thế, nếu chỉ số này quá thấp (dưới 18,5 – người mẹ quá gầy), khả năng có con cũng giảm. Mức BMI lý tưởng để tăng khả năng đậu thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm giao động từ 18.5 đến 22.9.

  • Trang thiết bị và tay nghề của bác sĩ thực hiện

Như đã trình bày, thực hiện kỹ thuật IVF phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Nó đòi hỏi thiết bị hiện đại và tay nghề cao của bác sĩ. Chưa kể, các dụng cụ phải được đảm bảo trong điều kiện vô trùng nghiêm ngặt. Đây đồng thời cũng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của IVF. 

Ngày Cập nhật 14/09/2022

Bình luận (1)

  1. Phạm Văn Thịnh says: Trả lời

    Mọi người cho mình hỏi, bệnh viện nào trên Hà Nội làm thụ tinh ống nghiệm tốt nhất

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *