Thuốc giảm axit uric trong máu và lưu ý khi sử dụng

Dùng thuốc giảm axit uric trong máu đem lại những hiệu quả nhanh chóng, tuy nhiên nhóm thuốc này không điều trị căn nguyên của bệnh. Bên cạnh đó việc sử dụng thuốc trong thời gian dài cũng gây ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến các cơ quan khác của cơ thể. Bài viết thông tin về những lưu ý khi sử dụng thuốc hạ axit uric trong máu để người bệnh có thể chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân.

Thuốc giảm axit uric trong máu và lưu ý khi sử dụng
Sử dụng thuốc giảm axit uric trong máu đem lại những cải thiện nhanh chóng cho người bệnh

Tăng Axit uric trong máu là tình trạng rối loạn chuyển hóa có thể dẫn đến bệnh gout nếu không được kiểm soát tốt. Do nồng độ axit uric trong máu tăng cao, kèm theo đó thận không có khả năng đào thải độc tố ra ngoài bằng nước tiểu, sau thời gian sự lắng đọng này hình thành các tinh thể muối urat gây đau nhức tại các khớp xương, mô và gân bao quanh khớp. Ở giai đoạn đầu của tình trạng rối loạn chuyển hoá axit uric, người bệnh có thể sử dụng thuốc để phòng tránh những nguy cơ xấu có thể xảy ra.

Các loại thuốc giảm axit uric trong máu được sử dụng 

Hiện nay việc sử dụng các loại thuốc giảm axit uric để điều trị hoặc phòng ngừa bệnh gout áp dụng khá phổ biến. Trong đó các chuyên gia đã chia thuốc thành các nhóm chính như nhóm thuốc tiêu hủy axit uric, nhóm tăng thải trừ axit uric và nhóm thuốc giảm tổng hợp axit uric ( hoặc thuốc ức chế men Xanthine Oxidase).  Cụ thể tác dụng và đối tượng sử dụng từng loại thuốc được cụ thể gồm:

Nhóm thuốc giúp tiêu hủy axit uric

Nhóm thuốc có tác dụng tiêu hủy axit uric bao gồm thuốc Rasburicase và Pegloticase. Cả hai đều được thêm vào quy trình điều trị chứng tăng axit uric máu và chữa bệnh gout vào năm 2010. Thuốc thường được dùng dưới dạng truyền trực tiếp vào hệ thống mạch của cơ thể. Liều truyền trong hai tuần truyền 9ml và truyền ít nhất trong 6 tháng.

Mặc dù hiệu quả của nhóm thuốc tiêu hủy axit uric trong máu phát huy khá nhanh nhưng thuốc không điều trị dứt điểm được bệnh gout. Người bệnh có nguy cơ tái phát cơn gút nhanh, kèm theo đó là khả năng nhờn thuốc nếu lạm dụng thường xuyên. Dùng trong lâu dài, loại thuốc này cũng có thể gây kháng thuốc sau vài tháng điều trị. Những phản ứng phụ thường gặp ở nhóm thuốc tiêu hủy axit uric cụ thể gồm có đau ngực, nóng trong người, khó thở. Nguy hiểm hơn là người bệnh có thể bị sốc phản vệ nếu cơ thể không thích ứng với thuốc.

Thuốc giảm axit uric trong máu
Thuốc giúp tiêu thủy axit uric trong máu có thể gây đau ngực, nóng trong người, khó thở

Nhóm thuốc tăng thải trừ axit uric

Probenecid, Lesinurad (RDEA594) là những loại thuốc giảm axit uric trong máu bằng cách tăng thải trừ hoạt chất này ra khỏi cơ thể qua đường bài tiết. Thực tế một số nghiên cứu cho thấy, mức độ tăng về hàm lượng axit uric trong máu chủ yếu đến từ sự giảm đào thải axit uric qua thận. Vì thế nếu tăng hoạt động của thận, từ đó có thể loại bỏ số lượng axit uric dư thừa khỏi cơ thể, từ đó có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh gout cấp và mạn tính.

Một số loại thuốc giúp tăng thải axit uric thường được sử dụng để hạ axit uric máu nhanh được chỉ định dùng dưới dạng thuốc kê đơn. Nhóm thuốc này cũng có hiệu quả làm bào mòn và hoàn tan các hạt Tophi. Cụ thể tác dụng từng loại thuốc là:

Thuốc Probenecid

Loại thuốc này có hiệu quả chính là ức chế men URAT1. Tuy nhiên Probenecid không được sử dụng nhiều trên lâm sàng do thuốc không có tính chọn lọc và đồng thời nhóm thuốc này cũng tương tác với nhiều loại thuốc khác.

Thuốc Lesinurad (RDEA594)

Lesinurad được ứng dụng điều trị bệnh từ năm 2015, trong đó cơ chế đầu tiên của thuốc là khả năng ức chế men URAT1. Ngoài ra nhóm thuốc này cũng đồng thời tác dụng đến các kênh như OAT1, OAT3 và cả OAT4 hỗ trợ cơ thể người bệnh không xảy ra các triệu chứng tương tác thuốc.

Thuốc Lesinurad sau khi được thử nghiệm pha 3 vào năm 2012 thường được kết hợp điều trị cùng với các nhóm thuốc ức chế men XO (cụ thể là febuxostat và allopurinol). Thuốc cũng có hiệu quả trong hoạt động làm mài mòn sự hình thành của các hạt Tophi. Ngoài ra Lesinurad được khuyến cáo chống chỉ định sử dụng ở những trường hợp ghép thận, người bị suy giảm chức năng thận, người bệnh có hội chứng ly giải khối u, bệnh nhân lọc máu hoặc người mắc hội chứng Lesch Nyhan.

Nhóm thuốc làm giảm tổng hợp axit uric

Thuốc Allopurinol

Thuốc giảm axit uric trong máu và lưu ý khi sử dụng
Nhóm thuốc Allopurinol khuyến cáo không sử dụng cho người bị suy thận nặng

là loại thuốc được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa vào trong điều trị bệnh gút từ năm 1966 cho đến nay. Thuốc Allopurinol có hiệu quả nhanh chóng trong việc kiểm soát axit uric và đồng thời chuyển hóa thuốc thành oxypurinol hỗ trợ đào thải qua thận nhanh chóng. Nhóm thuốc cũng được chỉ định dùng cho những trường hợp bệnh nhân bị viêm khớp gút, người mắc hội chứng Lesch-Nyhan, bệnh nhân sỏi thận kèm đau tủy xương.

Thông thường Allopurinol được kê đơn dùng với liều 100 mg/ngày. Đồng thời liều lượng có thể tăng từ 2 – 4 tuần cho đến khi chỉ số axit uric trong máu giảm xuống mức ổn định 6 mg/dl. Liều sử dụng tối đa là khoảng 800 mg/ngày, và ở các quốc gia Châu Âu là 900 mg/ngày. Tuy nhiên khi sử dụng Allopurinol, nhiều người bệnh có biểu hiện phản ứng phụ, cụ thể như triệu chứng ban đỏ, tình trạng kích ứng dạ dày ruột, hội chứng Steven-Johnson và người mắc hội chứng tăng nhạy cảm với Allopurinol (AHS) ( nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc phải là 2 – 8%)

Ngoài ra người bị suy thận cần nhận được sự cho phép của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng Allopurinol. Mục đích chính nhằm phòng tránh những biến chứng không may có thể xảy ra. Người bệnh không nên sử dụng thuốc cùng với Amoxicillin và Ampicillin để tránh những phản ứng tương tác nguy hiểm.

Thuốc Febuxostat

Thuốc giảm axit uric trong máu Febuxostat được chứng nhận FDA trong điều trị các vấn đề liên quan đến gout và rối loạn chuyển hóa từ năm 2009. Đây cũng là nhóm thuốc hạn nhanh chóng chỉ số axit uric trong máu ở những bệnh nhân mắc bệnh gout. Đồng thời nhóm thuốc này thường được chỉ định để cải thiện chỉ số axit uric máu ở những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc Allopurinol.

Theo các chuyên gia bác sĩ, việc sử dụng Febuxostat có thể phát sinh một số phản ứng không mong muốn đối với bệnh nhân có vấn đề về tim mạch. Thuốc cũng không được chỉ định dùng cho những trường hợp tăng axit uric trong máu nhưng không có triệu chứng bệnh gút. Cơ chế đào thải axit uric của thuốc chủ yếu qua gan nên có thể dùng được ở những bệnh nhân có chức năng thận bị suy giảm.

thuốc hạ axit uric trong máu
Nhóm thuốc Febuxostat có thể làm giảm tổng hợp axit uric hiệu quả trong thời gian ngắn

Tại Mỹ , thuốc thường được chỉ định với liều dùng 40 – 80 mg/ngày. Tại các nước Châu Âu là 120 mg/ngày, còn ở Nhật Bản 10 – 60 mg/ngày.

Thuốc Topiroxostat 

Topiroxostat cũng là loại thuốc giảm axit uric trong máu được sử dụng chủ yếu tại Nhật Bản và một số nước phương Đông từ năm 2013. Thuốc được kê đơn sử dụng với liều lượng 20 mg x 2 lần/ngày và liều dùng tối đa mỗi ngày là 80 mgx 2 lần/ngày. Người bệnh bị rối loạn chuyển hóa kèm theo triệu chứng gout cấp, hoặc bệnh nhân đang điều trị các đợt gout cấp có thể tham khảo điều trị bằng Topiroxostat theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Những lưu ý khi sử dụng thuốc giảm axit uric trong máu 

Không phải lúc nào việc sử dụng thuốc giảm axit uric máu cũng được khuyến khích. Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điều trị bệnh gout cho rằng, nếu người bệnh có chỉ số axit uric trên mức trung bình mà không có biểu hiện đặc trưng nào của bệnh gout, thì không khuyến khích sử dụng bất kì loại thuốc nào để giảm đau, kháng viêm, kể cả các loại thuốc làm hạ axit uric máu. 

Cách cải thiện hoạt động chuyển hóa đầu tiên là cân bằng lại chế độ ăn uống, sinh hoạt và vận động. Xem xét lại nguyên nhân gây tăng hàm lượng axit uric máu, từ đó có cách tiết chế hoặc thay đổi hợp lý. Do hiệu quả của thuốc Tây tuy nhanh nhưng không phải lúc nào cũng tốt, một số loại thuốc có thể  gây ra tác dụng phụ khác đến cơ thể, nhất là thận và gan. Đặc biệt là đối với những người bệnh có tiền sử suy giảm chức năng của những bộ phận này trước đó.

Những thay đổi trong sinh hoạt, cũng như ăn uống lành mạnh hơn có thể giúp cơ thể tự lấy lại sự cân bằng và đồng thời không gây nguy hại đến những cơ quan khác. Người bệnh cần áp dụng chế độ ăn kiêng trong thời gian này, kết hợp vận động vừa phải và tránh sử dụng rượu bia và chất kích thích,… Khi đã áp dụng điều trị mà chỉ số axit uric không có biến chuyển thì bệnh nhân mới nên tham khảo sử dụng thuốc hạ axit uric trong máu.

thuốc hạ axit uric trong máu
Người bệnh cần tránh thực phẩm chứa nhiều purin để hạn chế nguy cơ tăng nồng độ axit uric

Các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên, người bệnh cần xác định tổng thể tình trạng bệnh, chủ dùng thuốc giảm đau khi thật sự cần thiết. Nếu như tình trạng đau nhức xuất hiện kéo dài, ngày một nghiêm trọng, kèm theo triệu chứng sưng tấy, ửng đỏ thì bệnh nhân mới cần dùng thêm nhóm thuốc kháng viêm và colchicine. Nếu như cơn đau do tái phát gout cấp qua đi thì người bệnh mới nên sử dụng thuốc hạ axit uric máu. Lời khuyên cụ thể khi sử dụng thuốc giảm axit uric gồm có:

  • Dùng thuốc từ liều nhỏ đến cao và phải quan sát phản ứng của cơ thể, do nhóm thuốc này thường gây ra dị ứng nguy hiểm tại thận hoặc gan.
  • Người bệnh nên theo dõi phản ứng của cơ thể khi sử dụng thuốc, nếu tỷ lệ axit uric trong máu quá cao (> 8-10 mg/dl) mà không có bất kỳ triệu chứng gout nào thì không cần dùng thuốc.
  • Trong thời gian sử dụng, nếu người bệnh có biểu hiện buồn nôn hoặc tim đập nhanh, huyết áp thiếu ổn định, đổ mồ hôi nhiều thì nên dừng dùng thuốc và đến bác sĩ kiểm tra.
  • Nên thay đổi chế độ ăn uống khoa học trong thời gian dùng thuốc để tăng phần hiệu quả. Tăng cường nhóm rau xanh, trái cây cho cơ thể và hạn chế dung nạp thực phẩm chứa nhiều chất béo, đạm,… kiêm tuyệt đối bia rượu và thuốc lá.
  • Uống nhiều nước để hỗ trợ cơ thể dung nạp thuốc tốt hơn, đồng thời nước cũng sẽ hỗ trợ hoạt động trao đổi chất diễn ra thuận lợi.

Những loại thuốc giảm axit uric trong máu thường được bác sĩ sử dụng kể trên đều có hiệu quả cải thiện nhanh vấn đề liên quan đến gout và rối loạn chuyển hóa. Nhưng thuốc tây tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là người bệnh có thể trạng yếu nên cân nhắc trước khi sử dụng thuốc. Vì vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe và kiểm soát bệnh đồng thời, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để được hướng dẫn cụ thể.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Chúng tôi không đưa ra chẩn đoán, lời khuyên, chỉ định phương pháp điều trị thay cho bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên viên y tế.

Bài viết liên quan: Chế độ ăn cho người bị tăng Axit Uric giúp đào thải hiệu quả

GỢI Ý XEM THÊM

Ngày Cập nhật 05/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *