Nhận biết sớm triệu chứng viêm thanh quản, ngăn chặn nguy cơ tử vong

Viêm thanh quản là bệnh khá phổ biến và nguy hiểm. Nếu chủ quản không điều trị sớm bệnh diễn tiến nhanh chóng và gây biến chứng mất tiếng vĩnh viễn, ung thư, thậm chí tử vong. Cách tốt nhất để phòng và điều trị bệnh này là nhận biết sớm các triệu chứng viêm thanh quản. Hãy cùng theo dõi những nội dung sau để nắm rõ các dấu hiệu của bệnh và biết cách xử trí hiệu quả nhé.

Các triệu chứng viêm thanh quản thường gặp

Viêm thanh quản là tình trạng thanh quản và dây thanh âm bị viêm, sưng do kích thích, lạm dụng hoặc nhiễm trùng. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của viêm thanh quản là khàn giọng, mất giọng và đau họng.

Những triệu chứng đi kèm khác thường phụ thuộc vào nguyên nhân và độ tuổi mắc bệnh. Nói cách khác, các triệu chứng viêm thanh quản ở người lớn có sự khác biệt so với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Dấu hiệu viêm thanh quản ở người lớn

Phần lớn nguyên nhân gây viêm thanh quản ở người lớn là do vi khuẩn, virus. Người bệnh sẽ có những triệu chứng nhiễm trùng điển hình như:

  • Dấu hiệu viêm đường hô hấp trên hoặc cảm lạnh như: Sổ mũi, ngạt mũi, ho khan…
  • Đau họng, đau khi nuốt và nói
  • Sốt
  • Nổi hạch bạch huyết ở cổ
  • Cảm giác ngứa, đầy ở cổ họng
  • Khàn tiếng, mất giọng
  • Khô họng
  • Có thể khó thở

Triệu chứng viêm thanh quản ở trẻ em

Viêm thanh quản ở trẻ em thường diễn ra phức tạp và có tính chất nguy hiểm hơn bởi vì ở trẻ có hiện tượng phù nề dữ dội trong khi kích thước đường thở lại nhỏ, chỉ bằng ⅓ so với người lớn. Do đó trong trường hợp nặng trẻ có thể bị tắc nghẽn đường thở gây khó thở, tím tái, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. 

Các triệu chứng phổ biến cha mẹ có thể nhận biết trẻ bị viêm thanh quản là khàn tiếng, thở rít, ho tiếng ông ổng và sốt nhẹ 37,5 – 38,5 độ C.

Viêm thanh quản ở trẻ em
Viêm thanh quản ở trẻ em

Ở trẻ em các triệu chứng thường diễn biến khá nhanh. Dựa vào tình trạng khó thở có chia viêm thanh quản ở trẻ em thành 3 mức độ bệnh khác nhau bao gồm:

  • Nhẹ: Trẻ ho, khàn tiếng, chỉ xuất hiện tiếng thở rít khi khóc. Giai đoạn này mẹ có thể điều trị cho trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Trung bình: Trẻ thở rít khi nằm yên, khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực.
  • Nặng: Trẻ thở rít, khó thở nặng, tím tái, kích thích, vật vã, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. 

Các triệu chứng viêm thanh quản ở trẻ em thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm. Cha mẹ nên theo dõi tình trạng của trẻ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế khi thấy xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Tiếng thở rít tăng dần, cả khi trẻ nằm yên
  • Dấu hiệu khó thở, nhịp thở bất thường, phập phồng cánh mũi
  • Trẻ mệt mỏi, li bì
  • Trẻ có biểu hiện há miệng khi thở và chảy nước miếng
  • Sốt cao trên 39 độ C
  • Dấu hiệu mất nước: Môi khô, lưỡi bẩn, chảy dịch ở tai
  • Cơn khó thở do viêm thanh quản không giảm sau 3 ngày điều trị tại nhà.

Các triệu chứng viêm thanh quản ở cả người lớn và trẻ em thường bắt đầu đột ngột và trở nên nghiêm trọng hơn trong 2 – 3 ngày tiếp theo. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 3 tuần, có nhiều khả năng bệnh đã tiến triển thành mãn tính. Khi đó việc điều trị sẽ kéo dài, mất thời gian và tốn kém hơn rất nhiều.

Cách điều trị viêm thanh quản

Viêm thanh quản là bệnh nguy hiểm có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể đối diện với những nguy cơ như: Nhiễm trùng lan rộng trên đường hô hấp, viêm phế quản, sừng hóa thanh quản, ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, thậm chí tử vong. Vì vậy người bệnh cần điều trị bệnh sớm theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Chẩn đoán viêm thanh quản hiện nay thường dựa vào triệu chứng lâm sàng (chủ yếu là mức độ khàn tiếng) và các kỹ thuật sinh thiết hoặc Laryngoscopy (giống như một kỹ thuật nội soi).

Viêm thanh quản cấp tính gây ra bởi virus có thể tự khỏi trong vòng 1 tuần chỉ cần được chăm sóc hợp lý bằng cách: Nghỉ ngơi, hạn chế nói to, uống nhiều chất lỏng, làm ẩm cổ họng và tránh sử dụng thuốc thông mũi…

Điều trị viêm thanh quản mãn tính cần chú trọng vào các nguyên nhân gây bệnh tiềm ẩn như chứng ợ nóng, hút thuốc hoặc sử dụng quá nhiều rượu.

Khi điều trị viêm thanh quản, người bệnh cần hạn chế nói tối đa
Khi điều trị viêm thanh quản, người bệnh cần hạn chế nói tối đa

Các phương pháp điều trị viêm thanh quản có thể áp dụng gồm:

  • Dùng thuốc chữa viêm thanh quản: Bao gồm kháng sinh, chống viêm dạng corticoid, khí dung, giảm đau…
  • Phẫu thuật: Chỉ được áp dụng trong trường hợp viêm thanh quản nặng, có nguy cơ biến chứng nặng. Phẫu thuật cần hết sức thận trọng vì có nguy cơ mất tiếng vĩnh viễn.
  • Mẹo dân gian chữa viêm thanh quản: Người bệnh có thể lựa chọn các nguyên liệu tự nhiên để giảm triệu chứng viêm thanh quản như giá đỗ, mật ong, lá hẹ… Các phương pháp này chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng, không mang lại hiệu quả điều trị bệnh dứt điểm.
  • Chữa viêm thanh quản bằng Đông y: Mục đích của việc điều trị này là bổ phế, giải phong hàn, thanh nhiệt, giải độc, cân bằng âm dương và tăng sức đề kháng. Bởi theo Đông y, nguyên nhân gây viêm thanh quản là do chức năng ngũ tạng, đặc biệt là phế bị suy giảm khiến sức đề kháng của cơ thể cũng hao mòn, dễ bị các yếu tố ngoại tà tấn công gây viêm.

Chế độ sinh hoạt hỗ trợ điều trị viêm thanh quản

Khi mắc bệnh viêm thanh quản, người bệnh cần chú ý đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày để giúp cải thiện tình trạng bệnh và phòng ngừa bệnh tái phát về sau. Trong một số trường hợp bệnh nhẹ, các thay đổi này hoàn toàn có thể giúp bệnh khỏi hoàn toàn mà không cần dùng thuốc. Những lưu ý mà bệnh nhân cần ghi nhớ bao gồm:

Uống nhiều nước mỗi ngày sẽ hạn chế nguy cơ viêm thanh quản
Uống nhiều nước mỗi ngày sẽ hạn chế nguy cơ viêm thanh quản
  • Tăng cường uống nhiều nước, ưu tiên nước ấm để làm dịu cổ họng
  • Tránh xa rượu bia, cà phê, thuốc lá và các chất kích thích khác
  • Thường xuyên vệ sinh mũi họng, súc miệng hằng ngày bằng nước muối sinh lý.
  • Hạn chế nói nhiều, nói to. Với các công việc cần sử dụng giọng nói nhiều như nhân viên bán hàng, giáo viên… cần có  kế hoạch bảo vệ và nghỉ ngơi dành cho thanh quản hợp lý
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ, có thể kết hợp tinh dầu như bạc hà… để giúp bệnh nhân hít thở dễ chịu hơn
  • Luyện giọng nói: Với những trường hợp viêm thanh quản nặng, bệnh nhân cần điều trị nội khoa kết hợp liệu pháp luyện giọng nói để cải thiện tình trạng mất tiếng và bảo vệ thanh quản cho người bệnh. Tùy vào mức độ tổn thương của giọng sẽ có các phương pháp luyện giọng khác nhau.
  • Tránh tiếp xúc với các chất độc hại, hơi hóa chất, khói bụi… Khi đi ra ngoài cần bịt khẩu trang và che chắn phần mũi miệng, cổ họng.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ, hạn chế các gia vị kích thích như tiêu, ớt…

Viêm thanh quản là tình trạng viêm nhiễm phổ biến xảy ra ở thanh quản. Nếu không nhận biết sớm các triệu chứng viêm thanh quản để có phương án điều trị thích hợp, người bệnh có nguy cơ phải đối mặt với các biến chứng nặng nề. Hy vọng bài viết trên đây có thể giúp bạn đọc sớm thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

Ngày Cập nhật 07/09/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *