Những điều mẹ nên biết về viêm phế quản ở trẻ sơ sinh

Do hệ miễn dịch non yếu, trẻ sơ sinh dễ bị viêm phế quản. Ở giai đoạn đầu triệu chứng viêm phế quản thường bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các vấn đề hô hấp khác. Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Vì vậy bố mẹ nên nắm rõ các kiến thức về viêm phế quản để chủ động phòng ngừa và có hướng điều trị sớm khi con mắc bệnh.

Bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh là gì?

Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh là tình trạng viêm nhiễm ở đường hô hấp dưới, hay còn gọi là sưng cuống phổi. Lúc này viêm nhiễm vẫn chưa lan xuống phổi, chỉ là viêm cấp tính ở niêm mạc phế quản. Khi bị bệnh, trẻ thường có hiện tượng ho nhiều kèm theo đau họng và chảy nước mũi. Bệnh khiến trẻ mệt mỏi, bỏ bú, quấy khóc, ảnh hưởng đến quá trình tăng cân và phát triển của trẻ. Bệnh tiến triển nhanh do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của trẻ. 

Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh

Viêm phế quản là chứng bệnh dễ gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhiễm khuẩn. Thông thường, virus là tác nhân gây bệnh chính, vi khuẩn chỉ là tình trạng bội nhiễm khi sức đề kháng của trẻ suy giảm do nhiễm virus. Những vi khuẩn cơ hội thường gặp như phế cầu, tụ cầu hay liên cầu luôn có mặt sẵn trong khoang mũi, họng của trẻ, khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ bùng phát để gây bệnh.

Không khí ô nhiễm cũng là một nguyên nhân gây bệnh, trong đó có viêm phế quản. Trẻ sơ sinh là là đối tượng chưa có khả năng tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, đang phụ thuộc vào sữa mẹ và sự chăm sóc của người lớn. Sự tác động của bụi bẩn, khí độc, khói thuốc lá, hóa chất, nấm mốc… trong môi trường sống dễ khiến trẻ bị viêm phế quản.

Thay đổi thời tiết đột ngột, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm khiến cơ thể trẻ không thích nghi kịp cũng khiến trẻ sơ sinh bị viêm phế quản.

Trẻ sinh non, mắc một số bệnh như sởi, ho gà, viêm amidan, hen suyễn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Dấu hiệu viêm phế quản ở trẻ sơ sinh cần chú ý

Rất khó để nhận biết chính xác bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu vì các triệu chứng thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp trên. Một số triệu chứng mẹ nên chú ý là: 

  • Trẻ ho nhiều, hắt hơi, chảy nước mũi kèm theo sốt nhẹ hoặc không. 
  • Trẻ có thể có những cơn ho kéo dài cả ngày, ho thường nặng hơn vào ban đêm hoặc gần sáng. 
  • Trẻ ho nhiều dẫn tới đau rát cổ họng, xuất hiện đờm đặc có màu vàng, xanh hoặc xám. 
Sốt không phải là triệu chứng điển hình của bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
Sốt không phải là triệu chứng điển hình của bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh
  • Sốt không phải là triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh. Nhiều trẻ bị viêm phế quản nhưng không bị sốt hoặc sốt rất nhẹ.  
  • Khi phế quản bị viêm, trẻ có thể bị khó thở, thở khò khè kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, bú kém, rối loạn tiêu hóa như nôn trớ, tiêu chảy…

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ lây lan xuống hai cuống phổi và phổi làm cho khí quản bị sưng, tấy, phổi ứ đọng nhiều dịch nhầy, trẻ có thể sốt cao liên tục trong nhiều ngày.

Nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu mẹ phát hiện thấy con có các biểu hiện sốt cao, cánh mũi phập phồng, thở nhanh, mạnh, gấp, bụng thóp lại, da xanh xao, tím tái môi và đầu ngón tay, chân.

Viêm phế quản ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Ngay khi phát hiện bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám và điều trị ngay, tốt nhất không nên tự ý điều trị cho bé ngay tại nhà. Nếu bệnh không được điều trị đúng cách hoặc để lâu, kéo dài thời gian, có thể ảnh hưởng đến đường hô hấp của trẻ.

Viêm phế quản mãn tính là hệ quả đầu tiên dễ gặp trong trường hợp trẻ bị viêm phế quản lâu ngày. Bệnh có thể hành hạ trẻ trong nhiều năm tới, khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Trẻ sơ sinh có thể bị viêm phổi nếu không được điều trị viêm phế quản kịp thời
Trẻ sơ sinh có thể bị viêm phổi nếu không được điều trị viêm phế quản kịp thời

Viêm phổi là biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm phế quản, dễ gặp ở trẻ sơ sinh. Khi tình trạng viêm nhiễm không được điều trị dứt điểm tại phế quản, cuống phổi, vi khuẩn và virus sẽ tấn công nhu mô phổi, gây viêm phổi. Trẻ sơ sinh bị viêm phổi rất nguy hiểm, có thể dẫn đến biến chứng suy hô hấp và tử vong.

Trẻ sơ sinh bị viêm phế quản phải làm sao?

Khi nhận thấy con có những biểu hiện bất thường, nghi ngờ mắc viêm phế quản, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị đúng cách. Trong trường hợp không thể tới bệnh viện sớm, một vài lưu ý khi chăm sóc và điều trị bệnh viêm phế quản cho trẻ dưới đây sẽ giúp ích cho các mẹ:

  • Nếu bệnh nhẹ, bố mẹ không nên tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ. Hầu hết nguyên nhân gây bệnh là virus, kháng sinh không có lợi ích điều trị trong trường hợp này. Mục đích chữa trị là cải thiện triệu chứng và nâng cao sức đề kháng. Phương pháp chủ yếu là làm long đờm, giảm ho, hạ sốt, kết hợp ăn uống đầy đủ. Nếu được chăm sóc tốt, bệnh tình của trẻ sẽ thuyên giảm trong vài ba ngày.
  • Giai đoạn này, mẹ nên tăng cường cho trẻ bú mẹ. Sữa mẹ có chứa rất nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật và là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch.
Bú mẹ là cách điều trị viêm phế quản cực kỳ hiệu quả
Bú mẹ là cách điều trị viêm phế quản cực kỳ hiệu quả
  • Nếu trẻ đã bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn dễ tiêu, ít chất béo, ít chất ngọt, chia thành nhiều bữa trong ngày cho trẻ dễ ăn, dễ hấp thu.
  • Trước bữa ăn, mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lú hoặc thuốc nhỏ mũi chuyên dùng. Nhỏ mỗi lần 3 – 4 giọt, mỗi ngày 2 -3 lần. Sau đó dùng khăn mềm lau khô hoặc dùng miệng hút sạch nước mũi cho trẻ.
  • Trong trường hợp trẻ sốt, mẹ không nên ủ ấm trẻ quá kỹ. Cho trẻ mặc những loại quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thấm hút mồ hôi. Dùng khăn ấm lau sạch mồ hôi trên người trẻ và tiến hành chườm mát ở vùng nách, trán, cổ và bẹn. Nếu trẻ sốt cao, mẹ có thể dùng paracetamol để hạ sốt nhưng nên tham khảo bác sĩ về liều lượng, dạng thuốc và cách dùng.
  • Ho là phản xạ của cơ thể trẻ để tống đờm và tác nhân gây bệnh đường hô hấp ra ngoài. Mẹ không tự ý dùng thuốc ho trong trường hợp này, có thể khiến đường thở của trẻ bít tắc hơn, gây khó thở, bệnh lâu khỏi.

Phòng ngừa bệnh như thế nào?

Để phòng tránh viêm phế quản cho con, bố mẹ nên thực hiện những gợi ý sau:

  • Vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vùng tai mũi họng cho trẻ hằng ngày
  • Giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài trời hoặc khi thay đổi thời tiết
  • Tránh các tác nhân gây dị ứng, cách ly trẻ khỏi vùng không khí ô nhiễm, có hóa chất độc hại, nhiều bụi bẩn và khói thuốc
  • Vệ sinh tay và bầu vú trước và sau khi cho trẻ bú
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người lạ, người mang mầm bệnh
  • Không gian chơi đùa, sinh hoạt và nghỉ ngơi của trẻ phải thoáng mát, sạch sẽ, tránh ẩm thấp, nấm mốc.

Bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm và đáng tiếc đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Chính vì vậy, cha mẹ cần chủ động phòng ngừa cũng như trang bị những kiến thức chính xác để có cách xử lý khoa học, tránh các nguy cơ biến chứng có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

Ngày Cập nhật 19/08/2022

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *