Viêm Tai Giữa Thanh Dịch Nhận Biết Triệu Chứng Để Điều Trị Kịp Thời

Viêm tai giữa thanh dịch là dạng viêm tai mãn tính rất khó để phát hiện ở giai đoạn sớm do các triệu chứng thường không rõ rệt. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em và gây ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển ngôn ngữ cũng như nhận thức. Nếu người bệnh chủ quan trong điều trị, khả năng mất thính lực vĩnh viễn là rất cao.

Viêm tai giữa thanh dịch là gì? 

Viêm tai giữa thanh dịch hình thành do tai giữa bị ứ đọng chất dịch (không phải là mủ) ở tai giữa trong nhiều ngày, dẫn đến tai bị nhiễm trùng mãn tính. Bệnh phổ biến nhất ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Đôi khi cũng xuất hiện ở người trưởng thành nhưng thường là hiện tượng viêm tai giữa thanh dịch một bên.

Hầu hết tình trạng chảy dịch tai dai dẳng có thể tự biến mất sau khoảng 1-2 tháng. Nhưng ở những nơi có khí hậu lạnh hoặc đang vào mùa đông và mùa xuân, bệnh có thể diễn ra lâu hơn và gây khiếm thính tạm thời.

Viêm tai giữa thanh dịch
Bệnh có thể gây khiếm thính tạm thời

Nếu người bệnh không phát hiện và tiếp nhận điều trị từ sớm, bệnh có thể chuyển thành mãn tính và tái phát liên tục trong nhiều năm. Ở trẻ em, viêm tai giữa thanh dịch sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và phát triển ngôn ngữ, khiến trẻ bị chậm nói hơn bạn bè đồng trang lứa.

Nguyên nhân gây viêm tai giữa thanh dịch

Tai giữa là một khoảng không được bao bọc bởi màng nhĩ. Phía dưới có một ống vòi nhĩ (ống Eustachian), nối liền hòm nhĩ với thành bên vòm mũi họng, có chức năng cân bằng áp suất không khí xung quanh. Nhưng nếu ống vòi nhĩ bị chặn kín bởi dịch tai và dịch không thể thoát ra ngoài, tai giữa sẽ bị nhiễm trùng.

Viêm tai giữa thanh dịch thường hình thành trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân điều trị ở tình trạng cấp chưa dứt điểm, chất lỏng vẫn còn tích tụ trong tai và dịch chảy dai dẳng.
  • Ống vòi nhĩ bị tắc nghẽn, chất lỏng tích tụ và tạo điều kiện cho vi khuẩn bị mắc kẹt trong tai phát triển mạnh mẽ.
Viêm tai giữa thanh dịch
Ống vòi nhĩ bị viêm khiến tai bị ứ đọng dịch

Ở những người gặp vấn đề sức khỏe về mũi họng, vi khuẩn cũng từ từ xâm nhập vào tai giữa tạo nhiễm trùng. Vì vậy, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao thường là người bị:

  • VA phì đại
  • Dị tật bẩm sinh vùng mũi họng
  • U xơ vòm mũi họng
  • K vòm (u xơ vòm họng) chèn ép gây tắc vòi nhĩ cơ học
  • Viêm nhiễm niêm mạc gây tắc vòi nhĩ
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên
  • Cấu trúc xương mặt bất thường

Ngoài ra còn có một số yếu tố làm gia tăng rủi ro mắc bệnh như: Cảm lạnh, dị ứng, tiếp xúc với khói thuốc lá, trẻ nằm bú bình nhiều, ngồi máy bay (áp suất không khí thay đổi đột ngột)…

Trẻ em có tỷ lệ mắc viêm tai giữa thanh dịch cao hơn người lớn. Bởi cấu trúc vòi nhĩ của trẻ thường rất ngắn nhưng khẩu kính lại to gấp nhiều lần, giúp vi khuẩn dễ dàng xâm nhập. Ống vòi có lỗ thông dịch nhỏ nên dễ bị chặn lại. Hơn nữa, trẻ có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên dễ mắc các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, nhiễm khuẩn đường hô hấp…vào mùa đông và mùa xuân.

Triệu chứng viêm tai giữa thanh dịch

Triệu chứng của viêm tai giữa thanh dịch thường không rõ ràng, rất khó để nhận biết ngay từ sớm. Người bệnh có thể thông qua các biểu hiện sau để phán đoán về tình trạng sức khỏe:

  • Tai chảy nhiều dịch nhưng không có mủ
  • Cảm giác tai luôn bị đầy, nặng
  • Không xuất hiện triệu chứng sốt hoặc đau tai
  • Tai ù lâu ngày, khả năng nghe kém, có thể mất thính lực tạm thời
  • Nội soi tai: màng nhĩ mất nón sáng, trong tai có dịch, di động màng nhĩ giảm
Triệu chứng viêm tai giữa thanh dịch
Chảy dịch tai dai dẳng là triệu chứng điển hình nhất

Bệnh thường rất khó để phát hiện ở trẻ em do không có các triệu chứng cấp như sốt hay đau tai. Tuy nhiên, trẻ có nguy cơ bị viêm tai giữa thanh dịch cao sau những đợt cấp viêm mũi họng. Khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu như sổ mũi, ngạt mũi kèm theo việc lấy tay co kéo, dụi tai, cha mẹ hãy đưa trẻ đến các chuyên khoa tai mũi họng để nội soi ngay.

Ngoài ra, cha mẹ có thể theo dõi một số dấu hiệu như: không nghe thấy hoặc không tập trung khi có người nói chuyện cùng do bị suy giảm thính lực, bị mất thăng bằng và chậm phát triển ngôn ngữ so với bạn cùng lứa… Vì vậy, trẻ cần được điều trị sớm bằng phương pháp phù hợp để tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điều trị viêm tai giữa thanh dịch như thế nào?

Nếu bệnh chưa chuyển biến nặng thì chỉ cần điều trị nội khoa. Trường hợp diễn tiến nghiêm trọng hơn, dịch chảy dai dẳng hơn 3 tháng thì cần dùng đến thủ thuật ngoại khoa.

Thuốc tây y điều trị viêm tai giữa thanh dịch

Bác sĩ sẽ tiến hành kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc kháng sinh giúp diệt trừ vi khuẩn, thuốc giảm tiết dịch ở tai, thuốc chống phù nề và sưng viêm. Các loại thuốc thường được sử dụng là:

  • Thuốc kháng sinh: Amoxicillin, ampicillin, cephalosporin thế hệ II, III, nhóm macrolid, nhóm quinolon
  • Thuốc kháng viêm: Corticoid ngắn ngày, thuốc không chứa steroid
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, ibuprofen
Viêm tai giữa thanh dịch uống thuốc gì
Thuốc tây y điều trị bệnh

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể sử dụng thêm các loại thuốc nhỏ tai hỗ trợ diệt khuẩn và làm khô dịch tai. Chẳng hạn như các loại nhỏ tai có kháng sinh đơn thuần như ciplox, otofa. Các loại có tính kháng viêm như Cortiphenicol, Polydexa nhưng chỉ dùng trong trường hợp không bị thủng màng nhĩ. Bệnh nhân bị thủng màng nhĩ thì chỉ được sử dụng các loại thuốc nhỏ tai an toàn như Rifamycin, Effexin…

Bệnh nhân tuyệt đối phải tuân theo phác đồ điều trị viêm tai giữa thanh dịch của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc về điều trị bởi việc dùng sai liều lượng và cách thức có thể khiến vi sinh gây bệnh có khả năng kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị về sau.

Phẫu thuật đặt ống thông khí 

Trong trường hợp viêm tai giữa thanh dịch tiến triển nghiêm trọng hơn, điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả thì người bệnh cần thực hiện thủ thuật đặt ống thông khí. Thủ thuật này sẽ hỗ trợ dẫn lưu dịch tai giữa tốt hơn, đảm bảo hòm nhĩ được thông khí và cải thiện khả năng nghe ở người bệnh.

Người bệnh bắt buộc phải đặt ống thông khí nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Chảy dịch tai kéo dài liên tục trên 3 tháng, thể trạng không đáp ứng với thuốc
  • Tái phát nhiều lần với tổng thời gian từ 6 tháng đến một năm
  • Viêm tai giữa thanh dịch hai bên và khả năng nghe rất kém
  • Bệnh xuất hiện cùng các chứng màng nhĩ bị teo, có túi co kéo, co lõm, xẹp nhĩ
Phẫu thuật
Bệnh nhân có thể phải đặt ống thông khí dẫn lưu dịch tai

Ống thông khí dùng để đặt cho người bị viêm tai giữa thanh dịch thường là ống loại T, có thể lưu giữ lâu ở trong màng nhĩ và không bị đẩy ra ngoài. Quá trình thực hiện thủ thuật này tương đối nhanh chóng, chỉ mất khoảng 30 phút/tai. 

Sau khi đặt ống thông, bệnh nhân cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe trong khoảng 10 ngày. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường như tai chảy máu, có mủ, sốt, đau nhức…thì cần đến chuyên khoa tai mũi họng để khám lại.

Cách chữa viêm tai giữa thanh dịch theo đông y

Theo quan điểm của đông y, viêm tai giữa xuất phát từ việc kinh can đởm bị phong nhiệt hoặc nhiệt độc xâm phạm. Từ đó mà xuất hiện các triệu chứng ở tai như chảy dịch liên tục, tai ù đặc, nghe kém, hoa mắt chóng mặt…

Với nguyên tắc chủ trị từ gốc đến ngọn, thuốc đông y chữa bệnh viêm tai giữa thanh dịch sẽ có tác dụng đi sâu vào kinh can đởm nhằm loại bỏ tận gốc căn nguyên gây bệnh. Sau đó là điều trị các triệu chứng – tiêu viêm trừ mủ, làm thông thoáng tai. 

Thuốc đông y
Chữa viêm tai giữa thanh dịch theo đông y

Bệnh nhân có thể sử dụng các bài thuốc cổ phương như Sài hồ thanh can thang gia giảm, Long đởm tả can thang gia giảm kết hợp với việc dùng thuốc bột rắc vào tai để điều trị tại chỗ. Nếu muốn đẩy nhanh tiến trình trị bệnh hơn, người bệnh hãy cân nhắc về việc dùng liệu pháp châm cứu. Cho dù là dùng thuốc đông y hay thực hiện châm cứu, người bệnh cũng cần tìm hiểu và lựa chọn các nhà thuốc đông y có thương hiệu, uy tín lâu năm trong nghề. 

Biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả

Viêm tai giữa thanh dịch hoàn toàn có thể phòng tránh nếu bạn đọc ghi nhớ những lưu ý quan trọng sau:

  • Luôn giữ ấm cơ thể vào mùa đông và mùa xuân để phòng tránh bệnh cảm lạnh và cảm cúm, đặc biệt là với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh
  • Hạn chế cho trẻ nhỏ bú bình ở tư thế nằm, nên cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn và ở tư thế ngồi
  • Khi mắc các bệnh viêm đường hô hấp cần chữa trị tận gốc để tránh biến chứng viêm tai giữa
  • Vệ sinh tai sạch sẽ mỗi ngày bằng bông tẩm oxy già hoặc nước muối sinh lý
  • Không lấy ráy tai bằng các vật sắc nhọn khiến niêm mạc tai bị tổn thương
Cần đặc biệt phòng tránh bệnh ở trẻ em
Cần đặc biệt phòng tránh bệnh ở trẻ em

Viêm tai giữa thanh dịch có triệu chứng thầm lặng hơn so với các dạng viêm tai giữa mãn tính khác. Đối với trẻ em, cha mẹ cần đặc biệt ghi nhớ những dấu hiệu nhận biết của bệnh nhằm phát giác và điều trị bệnh cho trẻ từ sớm. Không để bệnh chuyển biến nặng gây cản trở lớn đến sự phát triển ngôn ngữ và khả năng nhận thức của trẻ.

Ngày Cập nhật 07/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *