Viêm VA Quá Phát Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không?

Viêm VA quá phát còn được gọi là viêm VA mãn tính. Bệnh lý này xuất hiện khiến bệnh nhân thường xuyên có cảm giác khó chịu, nghẹt mũi, chảy mũi kéo dài, khó khăn khi thở bằng mũi, ứ dịch, chảy nước mũi mủ. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, viêm nhiễm có thể lan rộng và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Những biến chứng này không chỉ làm suy giảm sức khỏe tổng thể mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.

Viêm VA quá phát là gì? Có nguy hiểm không?
Tìm hiểu viêm VA quá phát là gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả

Viêm VA quá phát là gì?

Viêm VA quá phát thực chất là bệnh viêm VA mãn tính. Đây là hệ quả của tình trạng viêm VA cấp tính không được điều trị hoặc tái diễn nhiều lần do điều trị không đúng cách. Bệnh xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ. Khi không được kiểm soát tốt, bệnh có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe tổng thể và sự phát triển của trẻ.

Triệu chứng của bệnh viêm VA quá phát

Bệnh viêm VA quá phát thường được nhận biết thông qua hai triệu chứng sau:

  • Chảy mũi mãn tính: Tình trạng nhiễm trùng VA quá phát khiến trẻ thường xuyên bị chảy nước mũi. Nước mũi thường trong suốt, hơi nhầy, đôi khi có lẫn mủ (nước mủ có màu vàng hoặc màu xanh do bội nhiễm).
  • Nghẹt mũi kéo dài: Nếu nước mũi ít, tình trạng nghẹt mũi sẽ xảy ra chủ yếu vào ban đêm. Trong trường hợp viêm nhiễm nặng và gây chảy mũi nhiều, tình trạng nghẹt mũi có thể xuất hiện vào ban ngày hoặc nghẹt mũi hoàn toàn. Điều này khiến khiến người bệnh có xu hướng thở bằng miệng.

Các triệu chứng có thể xuất hiện với mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy theo diễn tiến của bệnh, mức độ nghiêm trọng và loại vi khuẩn gây viêm. Chính vì thế, một số triệu chứng nặng nề như thở bằng miệng, tắc mũi hoàn toàn, rối loạn giấc ngủ… có thể xảy ra nếu tình trạng viêm VA tiến triển theo hướng xấu và trở nên nghiêm trọng.

Trong trường hợp không tiến hành thăm khám và điều trị, bệnh viêm VA quá phát xuất hiện kéo dài có thể gây ra tình trạng thiếu oxy não và làm phát sinh thêm những ảnh hưởng nghiêm trọng dưới đây:

  • Ảnh hưởng đến sự phát triển của khối xương mặt: Việc trẻ thường xuyên hô hấp bằng miệng, ít sử dụng mũi khi bị viêm VA quá phát có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của khối xương mặt. Cụ thể mũi nhỏ và tẹt hơn bình thường, cấu trúc răng hàm thay đổi, hàm trên vẩu, hàm dưới hẹp, không thể khép miệng, mặt dài, răng mặt lởm chởm, nét mặt kém nhanh nhẹ. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngoại hình của trẻ.
  • Ảnh hưởng đến giấc ngủ: Tình trạng nghẹt mũi khi ngủ có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ, trẻ thường xuyên ngủ ngáy, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình, xuất hiện những cơn ngưng thở trong lúc ngủ…
  • Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ: Viêm VA kéo dài khiến trẻ chậm chạp, nhút nhát, chậm phát triển thể chất và trí não.
Dấu hiệu viêm VA quá phát
Nghẹt mũi khi ngủ khiến trẻ ngủ ngáy, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay giật mình, xuất hiện những cơn ngưng thở trong lúc ngủ…

Nguyên nhân gây viêm VA quá phát

Vi khuẩn được xác định là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh viêm VA. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể xảy ra do virus. Việc không sớm thăm khám và điều trị viêm nhiễm VA sẽ khiến bệnh tiến triển và gây viêm VA quá phát. Ngoài ra viêm VA quá phát cũng có thể xảy ra khi viêm VA cấp tính tái phát nhiều lần và không được chữa dứt điểm.

Ngoài ra nguy cơ nhiễm trùng VA quá phát cũng tăng cao khi trẻ mắc phải một số vấn đề về sức khỏe khác liên quan đến viêm nhiễm. Cụ thể như viêm họng, viêm amidan và một số bệnh lý, vấn đề khác liên quan đến tai mũi họng.

Bệnh viêm VA quá phát có nguy hiểm không?

Bệnh viêm VA quá phát có mức độ nghiêm trọng cao, cần được sớm thăm khám và điều trị. Không giống với viêm VA cấp tính, viêm VA quá phát quá phát có thể làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, sức khỏe tổng thể, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ và gây biến chứng.

Biến chứng gần của tình trạng nhiễm trùng VA quá phát

  • Bệnh viêm xoang
  • Bệnh viêm mũi họng
  • Bệnh viêm tai giữa (viêm tai giữa mủ nhầy hoặc viêm tai giữa thanh dịch)
  • Ngưng thở khi ngủ kém dài dẫn đến suy tim
  • Áp xe thành sau
  • Viêm mạch.

Biến chứng xa của tình trạng nhiễm trùng VA quá phát

  • Bệnh viêm đường ruột
  • Bệnh viêm phế quản
  • Bệnh viêm khí quản
  • Bệnh viêm thanh quản
  • Viêm phổi
  • Viêm thanh quản co thắt
  • Viêm cầu thận cấp tính
  • Viêm khớp cấp tính.
Bệnh viêm VA quá phát gây viêm xoang
Bệnh viêm VA quá phát có thể gây ra nhiều biến chứng gần như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm mũi họng…

Bệnh viêm VA quá phát được chẩn đoán như thế nào?

Trước tiên trẻ sẽ được khám vùng hầu họng để xác định tổn thương thực thể và kiểm tra các triệu chứng lâm sàng bằng cách đặt câu hỏi. Bên cạnh đó bác sĩ có thể khai thác tiền sử mắc bệnh để xác định nguyên nhân gây viêm. Trong trường hợp trẻ còn quá nhỏ, phụ huynh cần quan sát những biểu hiện của trẻ và cung cấp thông tin chính xác để bác sĩ chuyên khoa có thể dễ dàng hơn trong việc kiểm soát bệnh lý.

Một số phương pháp giúp kiểm tra thực thể:

  • Khám tai: Tình trạng viêm VA thường gây bệnh viêm tai giữa và làm ảnh hưởng đến màng nhĩ. Vì thế việc khám tai có thể góp phần giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh lý. Đối với những trường hợp bị viêm VA quá phát, màng nhĩ sẽ có dấu hiệu đục.
  • Soi mũi trước: Khi kiểm tra và nhìn dọc theo đường mũi có thể nhìn thấy niêm mạc đỏ, khối sùi mềm và có màu hồng nhạt nhô lên (khối VA bị viêm).
  • Soi mũi sau: Thông thường phương pháp nội soi sẽ được thực hiện để quan sát được đường mũi sau. Hình ảnh thu được từ phương pháp nội soi có thể giúp bác sĩ chuyên khoa kiểm tra tình trạng viêm, đồng thời xác định hình dạng và kích thước của khối VA viêm. Từ đó chẩn đoán chính xác hơn về mức độ quá phát của VA. 

Ngoài ra để kết quả chẩn đoán trở nên chính xác hơn, bác sĩ chuyên khoa có thể khám họng, sờ vòm và yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết khác.

Phương pháp điều trị viêm VA quá phát

Đối với những trường hợp bị viêm VA cấp tính, trẻ nhỏ sẽ được sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus kết hợp với những biện pháp nâng cao thể trạng. Tuy nhiên điều trị nội khoa thường không phù hợp và không mang đến hiệu quả điều trị cao đối với những trường hợp bị viêm VA quá phát.

Chính vì thế những bệnh nhân bị viêm VA quá phát thường được xem xét và yêu cầu can thiệp ngoại khoa để điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm trùng VA. Thông thường phẫu thuật nạo VA được áp dụng cho những trẻ trên 6 tháng bị nhiễm trùng VA lâu ngày hay tái diễn nhiều lần, viêm VA gây biến chứng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ.

Sau khi nạo VA, trẻ cần được chăm sóc đúng cách để nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị bệnh, rút ngắn thời gian phục hồi và tránh tái nhiễm.

Biện pháp chăm sóc trẻ sau khi nạo VA

  • Do tác dụng phụ của thuốc gây mê nên trẻ có thể buồn nôn, nôn ói hoặc mệt mỏi sau khi thực hiện phẫu thuật. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên cho trẻ uống nhiều nước. Đồng thời sử dụng những món ăn lỏng, mềm và dễ nuốt như súp, cháo, canh rau củ…
  • Nếu phẫu thuật khiến trẻ bị đau nhiều ở cổ họng, phụ huynh có thể sử dụng khăn ấm chườm lên cổ họng hoặc sử dụng thuốc giảm đau để cải thiện tình trạng. Đối với việc giảm đau bằng thuốc, phụ huynh chỉ nên cho trẻ sử dụng Paracetamol, không sử dụng các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid (điển hình như thuốc ibuprofen). Ngoài ra cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh cho trẻ sử dụng với liều cao, dùng nhiều lần trong ngày hoặc sử dụng dài ngày.
  • Phụ huynh nên dặn dò trẻ không xì mũi và không được che miệng khi hắt hơi trong khoảng 7 ngày sau phẫu thuật. Bởi điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tiến triển và làm tăng nguy cơ tái phát viêm VA.
  • Giảm tình trạng khô họng cho trẻ bằng cách hướng dẫn trẻ uống nhiều nước. Đồng thời nên đặt máy phun sương trong phòng ngủ để tạo độ ẩm.
  • Sau phẫu thuật cần cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, hạn chế nói chuyện hoặc hoạt động mạnh.
Chỉ nên cho trẻ sử dụng paracetamol để giảm đau sau phẫu thuật nạo VA
Chỉ nên cho trẻ sử dụng thuốc Paracetamol để giảm đau sau khi thực hiện phẫu thuật nạo VA

Nạo VA là phương pháp điều trị đơn giản, nhỏ và ít gây biến chứng. Tuy nhiên sau khi phẫu thuật, phụ huynh cần theo dõi những biểu hiện của trẻ. Nếu nhận thấy một số dấu hiệu bất thường xuất hiện, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện và thông báo ngay tình trạng sức khỏe của trẻ cùng với bác sĩ chuyên khoa. 

Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu sốt trên 39 độ C, bỏ ăn, chảy máu, nôn mửa liên tục, khó chịu và không thể nói chuyện trong 24 giờ, phụ huynh cần nhanh chóng liên hệ với bác chuyên khoa để được kiểm tra và xử lý.

Biện pháp phòng ngừa viêm VA quá phát

Nguy cơ mắc bệnh viêm VA quá phát có thể giảm đáng kể khi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa sau:

  • Tiến hành thăm khám và điều trị ngay khi VA có dấu hiệu viêm nhiễm. Đồng thời điều trị một số tình trạng viêm nhiễm khác để phòng ngừa vi khuẩn/ virus lây lan sang VA và gây viêm. Cụ thể như viêm amidan, viêm họng, viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm mũi, viêm xoang, viêm tai…
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người có dấu hiệu viêm nhiễm đường hô hấp, tránh ra ngoài khi có dịch bệnh.
  • Phòng ngừa viêm VA và làm dịu niêm mạc họng bằng cách uống nhiều nước mỗi ngày. Có thể uống nước lọc kết hợp với nước ép rau củ quả, trái cây hoặc nước hầm xương để hỗ trợ sự phát triển của trẻ nhỏ và nâng cao khả năng chống bệnh.
  • Tiêm phòng virus cúm, sởi và một số loại vi khuẩn gây viêm nhiễm làm giảm nguy cơ viêm VA quá phát.
  • Thường xuyên tham gia vào các hoạt động thể chất, tăng cường vận động để rèn luyện sức khỏe và tăng cường miễn dịch và nâng cao khả năng chống bệnh của sức đề kháng.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt những trẻ trên 6 tháng tuổi cần bổ sung thành phần dinh dưỡng có trong rau xanh, các loại củ quả, đậu, trái cây tươi, các loại cá béo, thịt, sữa, trứng… Việc ăn uống đủ chất không chỉ giúp đảm bảo sự phát triển về thể chất và tinh thần mà còn giúp trẻ nâng cao sức khỏe, sức đề kháng và hoàn thiện hệ miễn dịch.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể là biện pháp phòng ngừa viêm VA quá phát hữu hiệu

Viêm VA quá phát thực chất là viêm VA mãn tính. Bệnh xảy ra khi nhiễm trùng VA cấp tính không được điều trị hoặc tái diễn nhiều lần. Chính vì thế, điều quan trọng trong quá trình phòng ngừa và điều trị là sớm phát hiện VA viêm, thăm khám và điều trị đúng cách theo sự chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó bạn cần chú ý trong việc chăm sóc trẻ nếu được chỉ định phẫu thuật. Điều này sẽ rút ngắn thời gian khỏi bệnh và phòng ngừa phát sinh những vấn đề không mong muốn.

Ngày Cập nhật 06/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *