Virus viêm gan B và cơ chế lây bệnh của loại virus này

Virus viêm gan B hay còn được gọi là virus HBV – tác nhân gây ra bệnh viêm gan B nguy hiểm. Tìm hiểu thông tin và cơ chế lây lan của loại virus này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong phòng ngừa cũng như kiểm soát khi không may nhiễm bệnh.

virus viêm gan B
Virus viêm gan B (HBV) là loại virus nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh

Tìm hiểu về virus viêm gan B

Virus viêm gan B – Hepatitis B virus (HBV) chính là một virus DNA thuộc chi Orthohepadnavirus và thuộc họ virus Hepadnaviridae. Đây là loại virus có khả năng tồn tại rất cao, bền vững, với nhiệt độ 100°C có thể sống được 30 phút, còn ở -20°C có thể sống tới 20 năm. Virus HBV có thể kháng ete nhưng lại bất hoạt ở trong formalin.

1. Về mặt cấu trúc

Virus viêm gan B nguyên vẹn có dạng hình cầu với đường kính khoảng 42nm ở tiểu thể dane. Vỏ ngoài của HBV có thể được tìm thấy ở trong huyết thanh của người bệnh ở dạng hình cầu với đường kính 22nm và cả dạng hình sợi. Dù tồn tại ở dạng nào thì đặc tính sinh hóa và vật lý của virus cũng đều giống nhau.

Virus này được cấu tạo bởi 7 – 9 polypeptide với trọng lượng thay đổi khoảng từ 19.000 – 120.000 dalton, cùng các thành phần carbohydrate. Cấu trúc vỏ của virus viêm gan B có mang kháng nguyên bề mặt được gọi là HBsAg.

  • Cấu trúc hình cầu với đường kính 42nm là hạt virus viêm gan B hoàn chỉnh.
  • Các tiểu thể hình cầu đường kính 22nm và dạng sợi thì bắt nguồn từ phần vỏ phía ngoài của hạt virus.
  • Phần lõi nucleocapsid có hình khối đối xứng với kích thước 27nm. Phía trên bề mặt lõi mang kháng nguyên HBcAg bên trong có chứa ADN polymerase cùng ADN của virus và 1 protein hòa tan mang tính kháng nguyên được gọi là HBeAg. ADN của HBV ở dạng vòng hai chuỗi bao gồm một chuỗi dài và một chuỗi ngắn, mang 4 đoạn gen chính.

Sau đây là 4 đoạn gen chính của ADN virus viêm gan B:

  • Đoạn tiền gen S và S: Chức năng chính là mã hóa cho các protein của vỏ.
  • Đoạn gen C: Chủ yếu mã hóa cho các cấu trúc HBeAg và HBcAg.
  • Đoạn gen P: Có chức năng mã hóa ADN polymerase.
  • Đoạn gen X: Làm nhiệm vụ mã hóa cho một protein có chức năng hoạt hóa chéo.

2. Các kháng nguyên của virus viêm gan B

Sau đây là những mô tả về 3 thành phần kháng nguyên của virus viêm gan B:

  • HBsAg – Kháng nguyên bề mặt của virus

Loại kháng nguyên này được hiện diện ở trong huyết thanh dưới dạng hình cầu đường kính 22nm hoặc hình sợi. Các cấu trúc này chính là vật liệu vỏ của virus viêm gan B. Kháng nguyên HBsAg thường xuất hiện sớm trong huyết thanh của người bệnh và giảm sau khoảng 2 – 3 tháng.

Nếu kháng nguyên HBsAg tồn tại kéo dài trong huyết thanh người bệnh trên 4 tháng sau khi bị viêm gan B cấp tính thì bệnh có thể chuyển qua mạn tính. Kháng thể tương ứng anti – HBs thường xuất hiện 1 – 3 tháng sau khi virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt là khi HBsAg đã hết trong huyết thanh. Anti-HBs giữ vai trò chống lại sự tái nhiễm virus HBV. Chính vì thế mà kháng nguyên HBsAg được sử dụng trong điều chế vaccine phòng bệnh viêm gan B.

  • HBcAg – Kháng nguyên lõi

Là thành phần kháng nguyên được tạo nên bởi các protein ở trên bề mặt lõi nucleocapsid của virus HBV. Kháng nguyên HBcAg không được tìm thấy trong huyết thanh bệnh nhân với các kỹ thuật thông thường mà sẽ được tìm thấy ở trong nhân tế bào gan. Thành phần kháng nguyên này sẽ kích thích cơ thể sản sinh kháng thể Anti-HBc. Anti-HBc có trong huyết thanh bệnh nhân khá sớm và tồn tại khá lâu.

  • Kháng nguyên HBeAg

Chính là thành phần protein hòa tan tồn tại trong lõi của virus HBV. Kháng nguyên HBeAg xuất hiện trong huyết thanh sớm, ngay thời kỳ ủ bệnh viêm gan B cấp tính do virus HBV. Nếu kháng nguyên này tồn tại quá lâu trong huyết thanh người bệnh chứng tỏ rằng bệnh đã diễn tiến qua giai đoạn mãn tính.

Cơ chế nhân lên của virus viêm gan B

Virus HBV hiện vẫn chưa thể nuôi cấy được ở trên tổ chức nuôi cấy tế bào. Tuy nhiên loại virus này có thể sao chép được ở trên tế bào gan người. Những nghiên cứu gần đây  chỉ ra rằng virus viêm gan B có quá trình sao chép ngược giống như Retrovirus. Sau khi xâm nhập vào trong tế bào gan, ADN của virus sẽ làm thông tin để tạo ra 2 sợi ARN thông tin nhờ vào ARN polymerase của tế bào.

virus HBV
Virus viêm gan B có khả năng sao chép trên tế bào gan người

Các ARN thông tin này sẽ được bọc bởi các protein của lõi. Sau đó ADN polymerase của virus sẽ tiến hành sao mã ngược để hình thành ADN của virus. Khi ADN của virus được hình thành thì cả 2 sợi ARN thông tin sẽ tự động phá hủy. Lõi chứa ADN sẽ nhận vỏ ngoài sau khi được đẩy ra qua hệ thống lưới nội bào hay bộ golgi để ra ngoài.

Toàn bộ ADN của virus có thể được tích hợp vào ADN của tế bào gan. Hình thái này thường sẽ được tìm thấy trong ung thư tế bào gan. Tuy nhiên khác với các retrovirus, sự tích hợp vào ADN tế bào không phải là một bước bắt buộc ở trong chu kỳ sao chép của các loại virus thuộc họ này. Tế bào gan ở trạng thái này vẫn còn tiết ra HBsAg nhưng không tiết ra HBeAg nữa. Từ đó khiến cho quá trình sao chép của virus ở trong giai đoạn này bị ngừng lại hoặc diễn ra rất chậm.

Các con đường lây nhiễm virus viêm gan B

Virus HBV được các nhà nghiên cứu phân tích là có cơ chế lây nhiễm tương tự giống với virus HIV. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm của virus HBV có thể cao hơn gấp khoảng gần 100 lần so với virus HIV.

Trong khi virus HIV không thể tồn tại lâu ngoài cơ thể và không lây nhiễm trong môi trường tự nhiên thì virus HBV lại có thể sống ở ngoài tự nhiên khoảng 1 tháng hay nhiều hơn. Chính điều này mà các chuyên gia nhận định, virus viêm gan B còn nguy hiểm hơn cả virus HIV.

Mặc dù, virus HBV có thể lây truyền qua nhiều con đường khác nhau nhưng sẽ không lây qua ăn uống hay tiếp xúc thông thường. Loại virus này có thể lây nhanh qua 3 con đường chính như sau:

1. Lây truyền qua đường máu

Virus HBV có thể lây truyền dễ dàng khi hiến máu, truyền máu và kể cả xăm mình trong trường hợp các dụng cụ sử dụng không được sát trùng đúng cách. Ngoài ra, việc dùng chung một số đồ dùng các nhân như dao cạo râu, bấm móng hay bàn chải đánh răng cũng sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus.

2. Lây nhiễm từ mẹ sang con

Nếu bạn bị nhiễm virus viêm gan B trong thời kỳ mang thai thì khả năng lây nhiễm virus sang cho thai nhi là tương đối cao. Tùy thuộc vào từng thời điểm cụ thể trong thai kỳ mà tỷ lệ nhiễm bệnh cho bé sẽ khác nhau.

virus viêm gan B
Mẹ bầu bị nhiễm virus viêm gan B sẽ có nguy cơ cao truyền bệnh cho thai nhi

Ở 3 tháng đầu thai kỳ thì tỷ lệ còn thấp chỉ là 1% nhưng ở 3 tháng giữa tỷ lệ có thể tăng lên 10% và đỉnh điểm ở 3 tháng cuối có thể tăng tỷ lệ lên đến tận 70%. Đặc biệt, nếu không có biện pháp bảo vệ khắt khe thì sau khi sinh, khả năng nhiễm bệnh cho bé lên đến con số đáng báo động, 90%.

3. Lây nhiễm qua quan hệ tình dục

Thống kê cho thấy rằng, rất nhiều trường hợp bị nhiễm virus viêm gan B là do thực hiện hành vi quan hệ tình dục không an toàn. Virus HBV có trong dịch tiết của người nhiễm bệnh sẽ dễ dàng lây truyền vào cơ thể bạn tình chỉ thông qua những vết xước nhỏ sau đó di chuyển vào máu. Loại virus này có thể lây nhiễm qua tất cả các hành vi tình dục cả đồng giới và khác giới.

Ngăn ngừa virus viêm gan B lây nhiễm

Cho đến này, việc tiêm vắc xin để chủng ngừa virus viêm gan B được cho là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất. Các chuyên gia khuyến cáo, sau khi sinh, bé cần được tiêm vắc xin phòng virus HBV càng sớm càng tốt (trong khoảng 24 giờ đồng hồ). Còn 2 – 3 liều tiếp theo thì cần được tiêm với khoảng thời gian cách nhau khoảng 4 tuần.

Ngoài việc tiêm vắc xin để phòng bệnh thì bạn cần chú ý đến một số khuyến nghị dưới đây để ngăn ngừa tốt hơn nguy cơ nhiễm virus HBV:

  • Thực hiện hành vi quan hệ tình dục an toàn, nên sử dụng bao cao su để bảo vệ khi quan hệ dưới bất cứ hình thức nào.
  • Tuyệt đối không xăm hình, châm cứu hay làm răng ở các cơ sở y tế tư nhân không đảm bảo.
  • Luôn đảm bảo việc sử dụng bơm kim tiêm mới đã qua vô trùng. Tuyệt đối không dùng chung bơm kim tiêm với bất kỳ ai.
  • Nếu có ý định mang thai thì cả 2 vợ chồng nên chủ động thăm khám để tầm soát nguy cơ nhiễm virus. Nếu không may mắc bệnh thì cần chú ý thực hiện các biện pháp dự phòng nhiễm bệnh theo chỉ định từ bác sĩ.
  • Trường hợp mắc bệnh trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu cần nghiêm túc điều trị theo phác đồ mà bác sĩ hướng dẫn. Cùng với đó, hãy chủ động thăm khám thường xuyên nhằm dự phòng nguy cơ bệnh tái nhiễm và đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.
  • Không dùng chung các vật dụng cá nhân như kìm bấm móng, dao cạo râu hay bàn chải đánh răng… với người khác. Nếu cơ thể có những vết thương hở hãy chú ý băng kín lại.

Virus viêm gan B là loại virus nguy hiểm tồn tại lâu và khả năng lây nhiễm rất nhanh. Tốt nhất, bạn nên chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp ngăn ngừa. Trường hợp nếu không may nhiễm virus hãy nghiêm túc điều trị theo phác đồ bác sĩ để tránh những vấn đề nghiêm trọng phát sinh.

Có thể bạn quan tâm:

Ngày Cập nhật 06/05/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *