Bệnh viêm thanh quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm thanh quản là một căn bệnh đường hô hấp thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc phải. Chính sự phổ biến này mà nhiều người chủ quan không chủ động phòng ngừa và điều trị khiến bệnh tình nặng thêm, gây ra những biến chứng khó chữa. Để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như những cách phòng ngừa và điều trị căn bệnh này, bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Bệnh viêm thanh quản là gì? Có nguy hiểm không?

Thanh quản là cơ quan tạo thành tiếng nói và thực hiện chức năng hô hấp. Viêm thanh quản là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng thanh quản và dây thanh âm chứa trong đó. Bệnh làm cho dây thanh âm sưng lên, thay đổi tần suất rung và âm thanh của giọng nói. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của thanh quản, giọng nói có thể trở nên khàn khàn, biến thành tiếng thì thầm hoặc thậm chí biến mất tạm thời.

Viêm thanh quản có thể xảy ra ở mọi đối tượng, lứa tuổi. Trong đó, viêm thanh quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường phổ biến và có tính chất nguy hiểm hơn. Khoảng 3% trẻ em bị mắc bệnh này mỗi năm, chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi.  

Viêm thanh quản bao gồm 2 thể bệnh phổ biến:

  • Viêm thanh quản cấp tính: Là tình trạng viêm tạm thời, xảy ra do lạm dụng dây thanh âm hoặc bởi nhiễm trùng. Các triệu chứng viêm thanh quản cấp tính thường diễn ra không quá 3 tuần và sẽ được cải thiện nếu nguyên nhân gây bệnh biến mất.
  • Viêm thanh quản mãn tính: Có tính chất nghiêm trọng hơn, thường là kết quả của việc tiếp xúc lâu dài với các chất kích thích. Bệnh thường kéo dài trên 3 tuần và tái phát liên tục.
Viêm thanh quản gây ra nhiều khó chịu trong cuộc sống người bệnh
Viêm thanh quản gây ra nhiều khó chịu trong cuộc sống người bệnh

Viêm thanh quản có nguy hiểm không? – Theo đó, đây là bệnh lý phổ biến và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu chủ quan không điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải đối mặt với những biến chứng như:

  • Trong một số trường hợp, tình trạng viêm tại thanh quản có thể gây bít tắc đường thở, dẫn tới suy hô hấp.
  • Nhiễm trùng do ổ viêm tại thanh quản có thể lây sang các cơ quan lân cận gây viêm họng, viêm amidan, viêm xoang… thậm chí cả viêm phổi.
  • Viêm thanh quản mãn tính tái phát nhiều lần có thể dẫn tới polyp thanh quản, ung thư thanh quản, ung thư vòm họng…đe dọa tính mạng người bệnh.

Triệu chứng viêm thanh quản điển hình

Viêm thanh quản là bệnh có nhiều triệu chứng khá rõ ràng, dễ nhận biết. Khàn giọng là triệu chứng điển hình nhất của căn bệnh này. Các triệu chứng khác có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng và độ tuổi mắc bệnh.

Triệu chứng viêm thanh quản ở người lớn

  • Khàn tiếng
  • Giọng nói yếu hoặc mất giọng tạm thời
  • Đau họng, đau hơn khi nuốt
  • Cảm giác buồn, kích thích tại cổ họng
  • Khô họng, viêm họng kèm theo sốt
  • Ho khan
  • Sổ mũi
  • Sưng các hạch bạch huyết ở vùng cổ họng

Triệu chứng viêm thanh quản ở trẻ em

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh thường xảy ra cùng với viêm khí quản và ống phế quản bởi vì các cấu trúc này phát triển chưa đầy đủ. Hơn nữa, kích thước đường thở của trẻ cũng rất bé, chỉ bằng ⅓ sơ với người lớn nên khi thanh quản bị viêm, trẻ dễ gặp tình trạng phù nề dữ dội, làm cho không khí khó đi qua đường hô hấp trên gây ho, khó thở.

Viêm thanh quản gây khó thở ở trẻ
Viêm thanh quản có thể khiến trẻ khó thở, suy hô hấp

Triệu chứng rõ ràng nhất khi trẻ bị viêm thanh quản là ho khan, ho ông ổng như tiếng chó sủa, khàn giọng và khó thở. Ngoài ra, trẻ có thể gặp phải những triệu chứng kèm theo như:

  • Sốt 38- 39 độ C, đau họng, chảy nước mũi
  • Khó thở, thở rít ( trẻ phát ra âm thanh cọt kẹt khi hít vào và khò khè khi thở ra)
  • Khó thở, cánh mũi phập phồng, lồng ngực rút lõm khi hô hấp
  • Biếng ăn, bỏ bú, quấy khóc

Các triệu chứng viêm thanh quản thường nặng hơn vào ban đêm, đặc biệt là tình trạng khó thở. Vậy nên, cha mẹ cần chú ý theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ và đưa bé đến bệnh viện nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu sau:

  • Sốt cao trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt
  • Tiếng thở rít tăng dần, ngay cả khi trẻ nằm nghỉ ngơi
  • Trẻ có biểu hiện há miệng khi thở và chảy nước dãi
  • Dấu hiệu khó thở nặng, da và đầu chi tím tái, nhịp thở bất thường
  • Mệt mỏi, li bì
  • Môi khô, lưỡi bẩn, chảy dịch ở tai

Nguyên nhân viêm thanh quản

Các dạng viêm thanh quản cấp tính và mãn tính thường gây ra bởi các nguyên nhân khác nhau.

La hét gây ra viêm thanh quản
La hét nhiều có thể gây ra cả viêm thanh quản cấp tính và mãn tính

Viêm thanh quản cấp tính:

Viêm thanh quản cấp tính thường là một tình trạng tạm thời gây ra do lạm dụng giọng nói. Đôi khi, bệnh cũng đến sau những đợt cảm lạnh, cúm thông thường do virus. Các tác nhân gây bệnh có thể kể đến là:

  • Nhiễm virus
  • Nói nhiều, hát to, la hét làm căng dây thanh âm
  • Nhiễm khuẩn (ít khi do bạch cầu vì hầu hết trẻ đều đã được tiêm vắc xin phòng ngừa)
  • Uống quá nhiều rượu, hút thuốc lá

Viêm thanh quản mãn tính:

Viêm thanh quản cấp tính nếu không được điều trị kịp thời có thể sẽ tiến triển thành thể mãn tính. Viêm thanh quản mãn tính cũng có thể là kết quả của việc tiếp xúc lâu dài với các chất kích thích.

Các nguyên nhân gây viêm thanh quản mãn tính bao gồm:

  • Thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại hoặc các chất dị ứng như phấn hoa, lông động vật…
  • Mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản
  • Hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Bị viêm xoang thường xuyên
  • Ho nhiều
  • Uống nhiều rượu, cà phê
  • Lạm dụng giọng nói (nói nhiều, la hét, hát hò…)
  • Nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng
  • Sử dụng thuốc steroid dạng hít (như trong bệnh hen…)

Viêm thanh quản mãn tính là tình trạng nghiêm trọng, muốn điều trị dứt điểm, việc cần làm đầu tiên là xác định và loại bỏ các nguyên nhân gây bệnh. Do đó việc điều trị thường phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn.

Chẩn đoán và điều trị  bệnh viêm thanh quản

Bệnh viêm thanh quản được chẩn đoán thông qua quá trình khai thác tiền sử các bệnh đường hô hấp, khám triệu chứng lâm sàng và làm các xét nghiệm liên quan. Quá trình chẩn đoán bao gồm:

  • Bác sĩ hỏi về tiền sử mắc các bệnh đường hô hấp có liên quan đến khàn giọng, mất tiếng
  • Triệu chứng lâm sàng: Khàn tiếng hoặc mất tiếng, đau họng, ho khan, sốt nhẹ, thở rít, khó thở ở trẻ nhỏ…
  • Kiểm tra tai mũi họng để xác định những nguyên nhân tiềm ẩn khác.
  • Các bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác như: Xét nghiệm Laryngoscopy, sinh thiết – lấy mẫu mô để kiểm tra dưới kính hiển vi.

Mục đích của việc điều trị viêm thanh quản là cải thiện triệu chứng và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Mặc dù viêm thanh quản cấp tính thường có thể tự hồi phục trong vòng một tuần hoặc lâu hơn nhưng nếu không can thiệp điều trị tích cực, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Viêm thanh quản điều trị càng sớm càng mang lại hiệu quả tốt
Viêm thanh quản điều trị càng sớm càng mang lại hiệu quả tốt

Để làm giảm cảm giác khó chịu do bệnh gây ra, các biện pháp chữa trị sau đây có thể được áp dụng:

  • Điều trị toàn thân: bằng cách sử dụng các loại thuốc kháng sinh và chống viêm đường uống theo chỉ định của bác sĩ.
  • Điều trị tại chỗ: sử dụng thuốc chống viêm, giảm phù nề tại chỗ như corticoid dạng hít, alphachymotrypsin dạng ngậm, viên ngậm trị ho để làm dịu cơn đau họng…
  • Dùng thuốc giảm đau hạ sốt không kê đơn nếu có triệu chứng kèm theo
  • Lưu ý không dùng các loại thuốc xịt thông mũi vì có thể làm tăng nguy cơ biến chứng, khiến bệnh nặng hơn.
  • Điều trị hỗ trợ: uống nhiều nước, xông hơi, hít hơi ẩm, tránh xa thuốc lá, rượu, cà phê, súc miệng nước muối…

Với viêm thanh quản mãn tính, bên cạnh các phương pháp điều trị trên, người bệnh cần có các biện pháp để giải quyết triệt để căn nguyên gây bệnh.

Trong trường hợp viêm nặng, có biến chứng nguy hiểm hoặc viêm do tê liệt dây thanh âm, ung thư vòm họng, các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật viêm thanh quản có tính rủi ro cao, do vậy người bệnh cần cân nhắc

Viêm thanh quản kiêng ăn gì? Nên ăn gì?

Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng bệnh viêm thanh quản. Do đó, người bệnh cần xây dựng thực đơn hàng ngày, lưu ý những nhóm thực phẩm nên và không nên ăn để mang lại hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất. Cụ thể là:

Người bị viêm thanh quản kiêng gì?

  • Đồ ăn lạnh: kem, nước đá, thực phẩm ướp lạnh
  • Thức ăn cay nóng, chứa gia vị cay nồng như ớt, tiêu, mù tạt…
  • Thức ăn nhiều dầu mỡ: xào, rán, chiên… làm nặng hơn quá trình viêm, kéo dài quá trình hồi phục của cơ thể
  • Thực phẩm có tính acid như mận, táo chua, chanh…
  • Thức ăn nhiều đường, quá ngọt hoặc quá mặn
  • Thuốc lá, rượu bia, đồ uống có gas, cà phê…
  • Các loại hải sản như tôm, cua, cá hố, cá mực…
Trẻ ăn kem dễ bị viêm thanh quản
Đồ ăn lạnh có thể làm nặng thêm tình trạng viêm thanh quản

Viêm thanh quản nên ăn gì?

  • Rau xanh và trái cây: việt quất, quả mâm xôi, dâu tây, bưởi, bông cải xanh, cà rốt…
  • Thức ăn lỏng, dễ nuốt
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa

Phòng tránh bệnh viêm thanh quản như thế nào?

Viêm thanh quản là căn bệnh phổ biến mà ai cũng có nguy cơ mắc phải. Tuy nhiên, đây cũng là chứng bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa theo những chú ý dưới đây:

  • Uống nhiều nước, ưu tiên nước ấm, nước trái cây, súp
  • Hạn chế nói to, la hét trong thời gian dài. Trường hợp bạn đang làm các công việc cần sử dụng nhiều giọng nói như MC, ca sĩ, giáo viên… cần có kế hoạch bảo vệ thanh quản của chính mình.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê và các chất kích thích khác
  • Súc miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý
  • Tránh xa những nơi có môi trường bị ô nhiễm, khói bụi, hơi hóa chất, khói thuốc lá… Nếu phải làm việc trong các môi trường này cần sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động
  • Tránh lạnh, đeo khẩu trang và bảo vệ vùng cổ ngực khi ra ngoài đường.

Mặc dù không quá nguy hiểm những bệnh viêm thanh quản lại gây ra những ảnh hưởng không hề nhỏ đến sức khỏe và công việc của người bệnh, khiến người bệnh khó chịu, làm suy giảm chất lượng cuộc sống hằng ngày. Chính vì vậy, mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh và có kế hoạch chủ động phòng ngừa phù hợp với bản thân.

Ngày Cập nhật 06/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *