Thương Nhĩ Tử - Tác Dụng Trị Bệnh Và Cách Dùng Vị Thuốc

Thương nhĩ tử tính ấm, vị đắng thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý ngoài da như lở ngứa, viêm da cơ địa, dị ứng da. Ngoài ra, vị thuốc cũng được sử dụng để điều trị phong hàn, đau đầu, phong thấp, nhức mỏi cơ thể và một số bệnh lý khác.

thương nhĩ tử ké đầu ngựa
Thương nhĩ tử thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý viêm da, đinh nhọt, nhức mỏi tay chân

  • Tên gọi khác: Ké đầu ngựa, Ngưu sắt tử, Đài nhĩ thật, Thương lang chủng, Miên đường lang, Thương nhĩ, Mac nháng (người Tày)
  • Tên khoa học: Xanthium strumarium L.
  • Họ: Cúc – Asteraceae

Mô tả dược liệu Thương nhĩ tử

1. Đặc điểm sinh thái

Thương nhĩ tử hay Ké đầu ngựa thân thảo, sống hàng năm, có thể cao từ 50 – 80 cm, thân hình trụ màu lục, có nhiều khía rãnh, bên ngoài được bao phủ bởi nhiều lông cứng.

Lá cây có hình phiến đa giác, mọc so le, có thùy, mép có nhiều răng cưa. Hai bên mặt lá có nhiều lông ngắn. Cuống lá dài khoảng 10 cm, có 3 gân chính.

Hoa Ké đầu ngựa mọc ở các kẽ lá, màu xanh lục nhạt. Đầu hoa trên lưỡng tính, hình ống, không có mào lông, tràng có 5 thùy. Đầu hoa dưới là hoa cái, không có tràng và mào lông.

Quả bế kép, hình trứng, có vỏ, cứng và rất dai. Đầu quả có hai sừng nhọn, xung quanh được bao phủ bởi nhiều gai móc. Quả dài khoảng 12 – 15 mm, rộng khoảng 7 mm.

2. Phân bố

Thương nhĩ tử có nguồn gốc từ châu Mỹ, được di thực trồng ở nhiều nơi trên thế giới bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam.

Ở nước ta, cây mọc hoang ở khắp các vùng từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, cây thường phổ biến ở các tỉnh miền Bắc.

Thương Nhĩ tử
Thương nhĩ tử mọc hoang ở nhiều nơi trên nước ta

3. Bộ phận sử dụng dược liệu

Quả và thân cây được sử dụng làm dược liệu với tên dược là Fructus Xanthii.

3. Thu hái – Sơ chế

Thương nhĩ tử thu hái vào tháng 8 – 9, lúc quả đã khô. Khi thu hái có thể chỉ quả hoặc cắt cả gốc cây, đánh quả rơi xuống, phơi nắng đến khi khô thì đốt hết gai, loại bỏ tạp chất, phơi khô, bảo quản dùng dần.

Một số cách bào chế dược liệu Thương nhĩ tử:

  • Cao Thương nhĩ: Sử dụng toàn thân cây, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Dùng nấu với nước lọc bỏ bã, cô đặc thành cao mềm. Cao Thương nhĩ rất dễ lên men, do đó sau khi chế biến cần đóng chai đậy kín nắp. Khi sử dụng, dùng 6 – 8 g hòa với nước ấm, dùng uống.
  • Thương nhĩ hoàn: Dùng toàn thân cây, cắt bỏ rễ, rửa sạch, cắt ngắn, nấu sôi trong vòng một giờ. Sau đó lọc lấy phần nước, lại cho thêm nước đun sôi thêm một giờ. Lọc lấy phần nước hòa với nước sắc lần thứ nhất, cô đặc thành cao mềm. Gia thêm một lượng bột vừa đủ, trộn đều làm thành viên hoàn, kích thước to bằng hạt ngô đồng. Mỗi ngày dùng uống 3 lần, mỗi lần 16 – 20 g, dùng thuốc trước bữa ăn.

4. Bảo quản dược liệu

Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát, khô ráo, tránh độ ẩm cao.

5. Thành phần hóa học

Một số thành phần phổ biến được tìm thấy trong Ké đầu ngựa như sau:

  • Xanthostrumarin
  • Alkaloid
  • Xanthanol
  • Vitamin C
  • Protein
  • Dầu béo
  • Saponin

Vị thuốc Thương nhĩ tử

thương nhĩ tử dược cổ truyền
Vị thuốc Thương nhĩ tử tính ấm, hơi cay, có chứa độc tố nhẹ

1. Tính vị

Thương nhĩ tử tính ấm, vị cay, hơi đắng có chứa độc tố nhẹ

Theo Bản Kinh: Tính ấm, vị ngọt

Theo Trung Dược Đại Từ Điển: Tính ấm, vị ngọt, có độc tố

Theo Biệt Lục: Vị đắng

Theo Trung Dược Học: TÍnh ấm, vị đắng, cay

Theo Phẩm Hối Tinh Yếu: Tính ấm, vị đắng hơi ngọt, có chứa một lượng độc tố nhỏ

2. Quy kinh

Theo Trung Dược Học: Quy vào kinh Phế

Theo Công Bào Chế Dược Tính Giải: Quy vào kinh Phế

Theo Trung Dược Đại Từ Điển: Quy vào kinh Can, Phế

Theo Ngọc Thu Dược Giải: Quy kinh Túc quyết âm Can

Theo Hội Ước y Kính: Quy vào Thận, Can

Theo Bản Thảo Cầu Chân: Quy vào Tỳ, Can

3. Tác dụng dược lý

Theo y học hiện đại:

  • Tác dụng hạ đường huyết rõ rệt, thí nghiệm trên chuột, thỏ và chó.
  • Tác dụng làm hưng phấn hệ thống hô hấp, sử dụng liều lớn có thể ức chế hô hấp.
  • Tác dụng ức chế tạng tim, làm chậm nhịp tim, làm giãn nở các mạch máu và giáng áp tạm thời.
  • Tác dụng kháng khuẩn đối với khuẩn cầu chùm sắc vàng kim, liên cầu khuẩn B, song cầu khuẩn gây viêm phổi.

Theo y học cổ truyền:

  • Tán phong, giảm đâu, chỉ thống, khu thấp, sát trùng.

Chỉ định điều trị của Thương nhĩ tử:

  • Chủ phong đầu đau do lạnh, phong thấp chu tú, ty chân đau, thịt độc cơ chết.
  • Trừ phong khí, làm ẩm lưng gối, điều trị tràng nhạc, bệnh ghẻ và ngứa da.
  • Điều trị đau đầu, tránh phong độc, tiêu trùng thấp trốn, làm tăng sinh tủy xương, hỗ trợ cải thiện sức khỏe xương khớp.
  • Tán phong thấp, trên thông đỉnh não, dưới mạnh gối chân, ngoài đạt bì phu. Dùng điều trị đau đầu, mắt mờ, răng đau, tỳ uyên.
  • Dùng tiêu sưng khai tý, tiêu trừ phong khu thấp, trị mụn nhọt, phong ngứa.
  • Chứa tỵ tức, mọc thịt thừa ở mũi.
  • Điều trị bệnh trĩ.
  • Bổ mắt, chữa các bệnh lý về mắt.
  • Chữa sổ mũi, đau đầu, tắc mũi, phong hàn, cảm mạo, mất cảm giác về mùi.
  • Điều trị đau khớp, thoái hóa khớp, đau lưng, mỏi gối, chuột rút ở các khớp.
cây thương nhĩ tử
Ké đầu ngựa có tác dụng giảm đâu, chỉ thống, tiêu viêm, sát trùng

4. Cách dùng – Liều lượng

Thương nhĩ tử có thể sử dụng ở dạng thuốc sắc, dạng cao hoặc viên hoàn, có thể dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được.

Liều lượng sử dụng khuyến cáo: 10 – 16 g mỗi ngày. Tuy nhiên, liều lượng có thể thay đổi phụ thuộc vào bài thuốc và chỉ định của thầy thuốc.

Bài thuốc sử dụng Thương nhĩ tử

thương nhĩ tử dược liệu
Dược liệu Thương nhĩ tử có thể dùng uống trong hoặc thoa ngoài

1. Điều trị phong tê thấp, tê thấp, co rút tay chân

Sử dụng Thương nhĩ tử 12 g, giã nát, sắc thành thuốc, dùng uống.

2. Điều trị tê dại đau buốt nửa người, viêm đau khớp, tay chân lở ngứa, ra nhiều mồ hôi, viêm xoang, thường hay chảy nước mũi, đau trước trán, ê ẩm trên đỉnh đầu

Sử dụng Ké đầu ngựa 12 g, Bạch chỉ, Kinh giới, mỗi vị đều 8 g, Thiên niên kiện, Xuyên khung, mỗi vị đều 6 g, sắc thành thuốc, dùng uống.

3. Chữa bệnh phong khí, thường hay nổi mề đay mẩn ngứa

Sử dụng Ké đầu ngựa 8 g tán thành bột mịn, dùng uống với rượu ngâm đậu đen.

Có thể phối hợp với bài thuốc dùng ngoài để tăng hiệu quả điều trị. Sử dụng Ké đầu ngựa, lá Nghể răm, lá Bồ hòn, lá Thuốc Bỏng, nấu thành nước, dùng xông và tắm.

4. Chữa đau răng

Sử dụng nước sắc Thương nhĩ tử, ngậm 10 phút, rồi nhổ ra. Có thể ngậm nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, khi sắc nước cần chú ý liều lượng để tránh gây tổn thương miệng.

5. Điều trị áp xe răng

Sử dụng Ké đầu ngựa 50 g, Thài lài 30 g, giã nát, đắp vào chỗ áp xe.

6. Chữa áp xe vú, bị thương gây chảy máu

Sử dụng cả cây Ké đầu ngựa tươi, giã nát, dùng đắp ngoài da.

7. Điều trị bệnh phong hủi

  • Bài thuốc thứ nhất:

Sử dụng lá Ké đầu ngựa, lá Thầu dầu tía, lá cây Đắng, củ Khúc khắc, mỗi vị đều 12 g, lá Hồng hoa, lá Khổ sâm, Kinh giới, lá Thanh cao, Bạch chỉ, Xa xàng, Nam sâm, mỗi vị đều 8 g, sắc thành thuốc, dùng uống.

  • Bài thuốc thứ hai:

Sử dụng Thương nhĩ tử 3 lượng, Thương truật 1 cân, nghiền nhỏ, làm thành viên hoàn kích thước to bằng hạt ngô đồng. Mỗi ngày dùng uống 3 lần, mỗi lần dùng uống 2 chỉ.

Lưu ý: Khi dùng bài thuốc cần kiêng phòng sự (quan hệ tình dục) trong 3 tháng.

  • Bài thuốc dùng bôi ngoài:

Sử dụng Ké đầu ngựa, lá Trắc bá, lá Cà độc dược, lá Cau, lá Khổ sâm, Ngải cứu, lá Thông, lá Quýt nấu thành nước, dùng xông da sau khi tắm.

8. Chữa bệnh phong, mẩn ngứa, mề đay, dị ứng do suy giảm chức năng gan

Sử dụng Ké đầu ngựa, Cỏ mần trầu, Muồng trâu, Bèo tai tượng, mỗi vị đều 15 g, hoa Kinh giới, Bạc hà, Cam thảo đất, Cỏ hôi, Chổi đực, Nghề bà, mỗi vị đều 10 g, sắc với một bát nước, đến khi còn 8 phần thì dùng uống, mỗi ngày một thang.

9. Chữa bệnh ghẻ chốc, tiêu phong tán độc

Sử dụng Thương nhĩ tử sao với thịt hến, dùng ăn.

10. Điều trị phong váng đầu, hoa mắt, đầu đau

Dùng Ké đầu ngựa 3 lượng, Bạch cúc hoa, Thiên ma, mỗi vị đều 3 chỉ, sắc thành thuốc, dùng uống.

11. Chữa nước mũi đục, chảy nước mãi không ngừng

Sử dụng Ké đầu ngựa 2.5 chỉ, Tân di hoa, nửa lượng, Hương bạch chỉ 1 lượng, Bạc hà 0.5 chỉ, tất cả phơi khô, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng uống 2 chỉ, dùng thuốc sau bữa ăn.

12. Bài thuốc chữa đinh nhọt độc

Sử dụng Thương nhĩ tử 5 chỉ, sao qua, tán thành bột. Khi sử dụng, dùng rượu vàng quấy uống. Đồng thời có thể sử dụng lòng trắng trứng gà để thoa vào chỗ bệnh để lấy rễ đinh nhọt ra khỏi cơ thể.

13. Chữa viêm khớp, thấp khớp

Sử dụng Thương nhĩ tử, Ngải cứu, Thổ phục linh, mỗi vị đều 12 g, Hy thiêm 28 g, Cỏ Nhọ nồi 16 g, rửa sạch, sao vàng, sắc thành thuốc, dùng uống.

Lưu ý khi sử dụng Thương nhĩ tử

Người huyết hư gây đau đầu, tý thống không được sử dụng. Uống nhiều có thể gây trúng độc và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Người tán khí hao huyết không nên dùng.

Không dùng Thương nhĩ tử cùng thịt heo, thịt ngựa và nước vo gạo.

Dấu hiệu quá liều, ngộ độc Thương nhĩ tử bao gồm: Buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Không sử dụng quả Ké đầu ngựa đã mọc mầm. Lúc này quả đã có độc tính có thể gây ngộ độc và một số tác dụng phụ khác.

Thương nhĩ tử là vị thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị mụn nhọt, lở loét, viêm đau khớp, nhức mỏi tay chân. Tuy nhiên, Ké đầu ngựa có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, khi sử dụng cần trao đổi với thầy thuốc hoặc người có chuyên môn để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

Ngày Cập nhật 05/06/2023

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *